Hỗ trợ tăng trưởng giúp Việt Nam vượt qua khó khăn thách thức mang tính toàn cầu

12/04/2023 10:27

Hầu hết những nền kinh tế trên thế giới đang phục hồi và tăng trưởng trở lại sau cú sốc đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu đang bị chững lại do giá cả leo thang, bất ổn chính trị và điều kiện tài chính bị thắt chặt. Trong bối chung, nền kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) còn phải đối mặt với những thách thức về dân số già hóa và biến đổi khí hậu (BĐKH) nặng nề.

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự phục hồi tiêu dùng trong nước. Nhưng đại dịch COVID-19 cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề mang tính cơ cấu, đây là những rủi ro chủ yếu của nền kinh tế.

Sau kết quả tăng trưởng,đạt trên 8,0% của năm 2022, kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2023 và lên 6,8% trong năm 2024-2025. Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) công bố đầu tháng 4 năm 2023 cho biết, suy thoái kinh tế toàn cầu trầm trọng hơn trong Quý 4 năm 2022, nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong năm 2023.

Nhu cầu toàn cầu sụt giảm sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng công nghiệp Việt Nam. Do nhu cầu trong nước phục hồi và Trung Quốc mở cửa trở lại, thị trường này vốn chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ,sản lượng nông nghiệp có thể tăng lên 3,2% trong năm nay.

Từ những nhận xét khách quan của Ngân hàng phát triển châu Á, bài viết tổng hợp những nét nổi bật để chia sẻ cùng bạn đọc.

ho-tro-1-1681269467.jpg

Thực trạng kinh tế năm 2022 và những tháng đầu năm 2023

Trong bối cảnh toàn cầu bất lợi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhẹ và lạm phát gia tăng trong vài năm tới. Thách thức lớn đối với phát triển đất nước là phải xử lý tốt những vấn đề tài chính, bao gồm cả các khoản nợ xấu đang gia tăng.

Theo ADB, việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 và gia tăng kết quả bao phủ vắc-xin đã thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong ngành dịch vụ. GDP cả nước năm 2022 tăng trên 8,0%, đạt mức tăng cao nhất trong 25 năm qua. Đáng lưu ý là mức tăng của ngành dịch vụ đã từ 1,6% tăng lên 10%, và đã đóng góp tới  4,2 % vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.

Cùng với dịch vụ, các lĩnh vực khác cũng gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng đã từ 3,6% tăng lên 7,8%, nhờ mức tăng 8,1% của sản xuất chế biến chế tạo, khai khoáng phục hồi từ âm 7,8% lên 5,2%; lĩnh vực xây dựng từ âm 0,3% tăng lên 8,2% và ngành nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng mạnh ở mức 3,4%.

ho-tro-2-1681269495.jpg

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa. VnEconomy)

Về phía cầu, tiêu dùng và đầu tư, do tiêu dùng cá nhân được phục hồi, năm 2022 cầu nội địa đã từ 2,0% tăng lên 7,8%; doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng đầu tư đạt tăng trưởng 5,8% so với 4,0% của năm 2021. Nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 13,5%, đạt 22,4 tỉ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, đã minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi kinh tế.

Cho dù có các yếu tố kiềm chế với khả năng tự cung cấp lương thực và kiểm soát hiệu quả giá các mặt hàng thiết yếu, song lạm phát vẫn gia tăng ở mức 3,2% cao hơn so với mức 1,8%  của năm trước và lạm phát cơ bản cũng tăng nhẹ, ở mức 2,6%.

Lạm phát tuy gia tăng song được kiểm soát bằng chính sách tiền tệ. Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất cơ bản với tổng cộng 200 điểm cơ sở trong nửa cuối năm 2022. Biên độ giao dịch tỉ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với đô-la Mỹ được nới rộng từ ±3% lên ±5%, và tín dụng tăng từ 13,6% lên 14,2% cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, kết hợp giữa thay đổi lãi suất điều hành, can thiệp ngoại hối và kiểm soát gia tăng đã giảm bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Tăng trưởng cung tiền giản từ 10,7% xuống 6,2%. Do bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, đã thúc đẩy quản lý thắt chặt thị trường vốn, dẫn đến tình trạng căng thẳng thanh khoản trong quý 3.2022, đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.  Nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt, kết hợp giữa hạ lãi suất, kiểm soát tín dụng và điều chỉnh tỷ giá hối đoái đã góp phần kiềm chế lạm phát.

Nhu cầu toàn cầu tăng cao và tiền đồng giảm giá đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa lên 10,5% trong năm 2022. Chính sách xuất khẩu linh hoạt đã góp phần bù đắp được phần thiếu hụt do xuất khẩu thấp vào thị trường những nền kinh tế phát triển chậm hơn. Do đồng đôla Mỹ tăng giá cùng với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, đóng cửa đã cản trở hoạt động nhập khẩu.

Thặng dư thương mại hàng hóa đạt khoảng 6,4% GDP, đã bù đắp cho sự sụt giảm trong doanh thu ròng từ dịch vụ và kiều hối trong điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi. Dòng vốn từ bên ngoài vào sụt giảm khiến thặng dư tài khoản và tài chính đã giảm từ 8,4% xuống chỉ còn 2,4% GDP và

thâm hụt tài khoản vãng lai bị thu hẹp từ mức 2,0% xuống còn chừng 0,3% GDP. Tuy nhiên, cán cân thanh toán tổng thể vẫn xấu đi, cuối tháng 12 năm 2022, dự trữ ngoại hối chỉ đủ để chi trả cho 2,8 tháng nhập khẩu, giảm so với 3,9 tháng của cùng kỳ năm trước.

Do tăng trưởng thương mại và cải thiện thu ngân sách nội địa đã giúp tổng thu ngân sách tăng lên 18,2% trong năm 2022. Giá dầu cao hơn giúp thu từ dầu thô tăng 93,2%. Chi tiêu chính phủ tăng 19,1%, với mức chi đầu tư tăng 35,4%. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch năm và thâm hụt ngân sách cũng tăng từ 4,1% lên 4,4% GDP.

Phân tích những cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2022, giới nghiên cứu cho rằng, Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu, là thách thức chính của nền kinh tế. Những thách thức này được tập trung vào các mặt, đó là thị trường vốn với khả năng chống chịu yếu của các ngân hàng. Thị trường tài chính trong nước phải đối mặt với nhiều áp lực, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn gia tăng, lãi suất ngân hàng tăng ở mọi kỳ hạn; giá lương thực thực phẩm nhà ở và nguyên vật liệu gia tăng; áp lực lạm phát chung và lạm phát cơ bản ở mức cao. Do nhu cầu bên ngoài yếu đi đã ảnh hưởng đến sản xuất, làm giảm xuất nhập khẩu và suy yếu cán cân tổng thể. Với sự thâm hụt của cán cân tổng thể, dự trữ ngoại hối suy giảm khiến cán cân đối ngoại chịu nhiều áp lực đã, ảnh hưởng đến triển vọng phát triển tương lai

Triển vọng phát triển của nền kinh  tế

Tăng trưởng thế giới năm 2023 bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga- Ukraine. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này và nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và đạt 6,8% vào năm 2024 và 2025.

ho-tro-3-1681269476.jpg

Kinh tế Việt Nam tiển vọng tăng trưởng     Ảnh  minh họa

Phân tích nhu cầu phát triển các nhà phân tích rút ra, suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng từ cuối năm 2022 và nhiều khả năng còn tiếp tục. Nhu cầu thế giới giảm làm chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã giảm 6,3% trong hai tháng đầu năm 2023. Do sản xuất chế biến, chế tạo hàng xuất khẩu giảm trong khi tiêu dùng trong nước không đủ khả năng bù đắp nên chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của sản xuất chế biến, chế tạo đã giảm thấp, xuống dưới 50 trong bốn tháng liên tiếp; tuy có hồi phục song mức độ còn rất khiêm tốn, mới đạt 46,4 vào tháng 1 và lên 51,2 vào tháng 2 năm 2023.

Nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được hồi phục, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay. Ngày 12 tháng 3 năm 2023, CHND Trung Hoa (TrungQuốc) đã cho phép nối lại các tour du lịch đến Việt Nam. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất, Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang lại lợi ích lớn cho ngành nông nghiệp, bởi nhu cầu rất đáng kể của quốc gia này đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với mở cửa hội nhập quốc tế, đầu tư công sẽ là động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Từ cam kết của Chính phủ về giải ngân 30 tỉ USD, một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân với 90% được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh, thành để giải ngân trong năm 2023. Tuy nhiên, vốn FDI còn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn vốn FDI đăng ký mới giảm tới 38% và vốn được giải ngân đã giảm 4,9% trong hai tháng đầu năm 2023  là vấn đề đáng quan tâm. Thâm hụt tài khóa trong năm có thể cao hơn chỉ tiêu là 4,4% GDP. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô.

Về phía cầu, tiêu dùng trong nước tiếp tục được phục hồi. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công được khởi xướng từ tháng 1 năm 2022 cùng với tăng lương có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023 sẽ giúp tiêu dùng trong nước gia tăng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ đạt trên 24,9% so với cùng kỳ của năm trước đại dịch COVID 2019 .

Ngược với tiêu dùng trong nước, xuất khẩu những tháng đầu năm giảm giảm 10,4% và nhập khẩu cũng giảm 16,0%. Theo nhiều dự báo, xuất nhập khẩu trong năm sẽ giảm xuống mức 7,0%. Thương mại tăng chậm lại có thể tạo thâm hụt tài khoản vãng lai được dự báo chỉ còn khoảng 1,0% GDP trong năm nay.

Từ tầm nhìn vĩ mô, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm tác động tới thương mại trong năm; chính sách giảm lãi suất điều hành khiến Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Theo các nhà phân tích, rủi ro bên ngoài bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các đối tác thương mại lớn và sự leo thang trong xung đột Nga - Ukraine. Những xu hướng này đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Qua đó rủi ro đối với triển vọng tập trung vào các mặt: Suy thoái kinh tế thế giới sau khủng hoảng của lĩnh vực ngân hàng và tài chính toàn cầu; Mâu thuẫn địa chính trị quốc tế ngày càng sâu sắc; Những vấn đề mang tính cơ cấu bộc lộ trong đại dịch như thị trường vốn và lao động; Biến đổi khí hậu và tăng trưởng công nghiệp theo chiều hướng suy giảm.

Thách thức và ứng phó với những khó khăn của thị trường

Thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực. Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những vấn đề mang tính hệ thống, song rủi ro ngày càng hiện hữu. Thị trường tài chính bất ổn trong năm 2022 làm gia tăng rủi ro tăng trưởng. Gian lận tài chính gây tác động mạnh tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến lượng phát hành trong Quý 4 năm 2022 giảm  tới 98,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 khoảng 10 tỉ đôla, trong đó 42,8% là từ bất động sản và 30,8% từ ngân hàng. Do các ngân hàng còn khả năng chống chịu, chưa gây ra những rủi ro lớn; tỷ lệ an toàn vốn so với tài sản có rủi ro vẫn ở mức trên 8% . Báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn lạc quan trong Quý 4 của năm 2022 với tín dụng ngân hàng dành cho bất động sản tăng 24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng nợ xấu tăng từ 3,8%  lên 4,5% trong năm 2022 và có thể tiếp tục gia tăng. Rủi ro lan truyền có thể đến từ việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng với tỉ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 85%.

Chính phủ đã phản ứng trước điều kiện thị trường xấu đi, Nghị định 65 ban hành trong Quý 3 năm 2022 nhằm tăng cường quản trị trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng chưa đủ để cải thiện tâm lý thị trường và các nhà đầu tư ngừng mua trái phiếu do nghi ngờ về khả năng trả nợ. Vào ngày 5 tháng 3 năm 2023 Chính phủ ban hành một Nghị định cho phép thanh toán cả lãi và gốc trái phiếu bằng tài sản vật chất và tài sản khác đã dấy lên nghi ngờ về khả năng thực thi, do nhiều tài sản vật chất chưa có đủ cơ sở pháp lý để định giá.

Ngân hàng Trung ương cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tiền gửi của ngân hàng để cải thiện tỉ lệ cho vay và mở rộng dư địa tín dụng của ngân hàng. Tháng 2 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất một chương trình tín dụng trị giá 5 tỉ USD cho nhà ở xã hội do bốn ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện.

Theo các nhà nghiên cứu, Nghị định 65 ban hành kịp thời và cần tiếp tục triển khai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhằm tránh nợ xấu trong tương lai. Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, song cần tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Căng thẳng địa chính trị và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể làm gia tăng lạm phát. Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 đã lên 4,6% so với cung kỳ năm trước chỉ là 1,7%. Mức lạm phát được dự báo sẽ ở 4,5% trong năm 2023 và thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực. Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống, song rủi ro đang ngày càng hiện hữu.

Cùng với thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1 năm 2022, đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỉ USD vốn đầu tư công là rất quan trọng. Khoản đầu tư này sẽ là  động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế, khoản đầu tư này giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.

Phát biểu trong lễ công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2023, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, Andrew Jeffries nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”.

Từ những nhận xét khách quan của đai diện Ngân hàng phát triển châu Á một định chế tài chính lớn trong khu vực, chúng ta có niềm tin và hy vọng nền kinh tế nước nhà sẽ vượt qua ngững khó khăn, thách thức toàn cầu để không ngừng phát triển đi lên./.

 

TS. Lê Thành Ý