Kinh tế - xã hội Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 vấn đề nổi bật

23/11/2023 07:28

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, tăng trưởng của những nền kinh tế phát triển suy yếu, xuất nhập khẩu sút giảm; nhờ những chủ trương kịp thời và sự chỉ đạo đồng bộ,quyết liệt của các cấp lãnh đạo, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà phát triển tích cực; vượt qua mọi khó khăn để trở thành điểm sáng toàn cầu và trong khu vực Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết trong phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2023 nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt đươc những kết quả toàn diện, quan trọng,trên nhiều lĩnh vực. Bài viết tổng hợp những nét bật của xu thế này.

kinh-te-xa-hoi-viet-nam-1-1700699276.jpg

Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023  Ảnh Báo Điện Chính phủ

1. Kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm những khía cạnh phát triển

Trong cả nước, 10 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục phát triển theo hướng tốt đẹp; chỉ số giá tiêu dùng(CPI) chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán cả năm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách đều được kiểm soát; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu 3 tỷ USD,đưa mức xuất siêu 10 tháng đầu năm lên trên 24,6 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,4% so với cùng kỳ năm trước với số lượng tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng.

Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà phục hồi ấn tượng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD, tăng 17% về sản lượng và 35 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung cả 10 tháng đã tăng 9,4% so với năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt người, 10 tháng đầu năm đạt 10 triệu lượt người, vượt chỉ tiêu cả năm đề ra 8 triệu lượt khách và cao gấp 4,2 lần so với cùng vùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thông kê, tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2023, tổng phương tiện thanh toán cả nước đã tăng 4,75% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% và tăng trưởng tín dụng đạt 5,73%. Tổng doanh thu bảo hiểm quý III/2023 lên 52,9 nghìn tỷ đồng và 9 tháng đầù năm đạt 165,6 nghìn tỷ đồng; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 16.940 tỷ đồng/phiên, mức giao dịch trên thị trường trái phiếu bình quân đạt 5.770 tỷ đồng/phiên và trên thị trường phái sinh đã có 225.613 hợp đồng/phiên,

Về nguồn vốn đầu tư. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2023 ước đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư toàn xã hội đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh, giá trị góp vốn và mua cổ phần đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm đã có 84 dự án đầu tư ra nước ngoài  với tổng số vốn 244,8 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bao gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2023 đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đầu năm đạt 259,67 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 29,12 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 9 tháng, nhập khẩu hàng hóa đạt 237,99 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt 79,1 tỷ USD; tiếp đó là Hoa Kỳ khoảng 70,9 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 có xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, thương mại hàng hóa có xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ xuất siêu  được 6,9 tỷ USD).

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9 đạt 89,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu 9 tháng đầu năm khoảng 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% mức dự toán cả năm. Chi ngân sách tháng 9 năm ước đạt 156,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm là 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán cả năm và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường lao động tiếp tục phục hồi; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10 tăng so với những tháng trước đó. Tình hình lao động, việc làm có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động lại tăng chậm do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do số đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp có xu hướng giảm thấp.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên cả nước quý III/2023 là 52,4 triệu người, gia tăng 546 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm quý III/2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động có việc làm đã tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2023 là 2,3%, giảm 0,02 % so với cùng kỳ năm trước. Người thất nghiệp trong tuổi lao động 9 tháng đầu năm ở mức 2,28%, giảm 0,07 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị lên 2,73%;còn ở nông thôn là 2%. Tính chung, 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,02%, giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của lao động quý III/2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ của năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 451 nghìn đồng ( tăng 6,8%) so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, công tác an sinh xã hội đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời và thiết thực. Đến hết Quý 3/2023,đã hỗ trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP  3,2 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo và cận nghèo gần 3,1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người có công cùng thân nhân 6,4 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ đột biến, bất thường như thiên tai, bão lũ… phát sinh trên 132,9 tỷ đồng.

2. Chủ trương và sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của các câp lãnh đạo, nhân tố tạo nên sự phát triển kinh tế thần kỳ

Phân tích nguyên nhân thành công của nền kinh tế, giới nghiên cứu có chung nhận xét: Chủ trương và sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất và quyết kiệt của các câp lãnh đạo là nhân tố quan trọng, tạo nên kỳ tích phát triển thần kỳ của nền kinh tế trong thời gian qua. Thực tế này được thể hiện trên các mặt: phát huy được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;đã rà soát toàn diện quy định pháp luật; sửa đổi, bãi bỏ kịp thời những bất cập; quyết liệt trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kịp thời thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ,

Trong chỉ đạo điều hành,Thủ trưởng các cơ quan Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc đã theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên mọi lĩnh vực; phát huy đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không dám đề xuất xử lý công việc; kịp thời, bình tĩnh và  sáng suốt trong phản ứng chính sách; tranh thủ, tận dụng được các yếu tố thuận lợi, cơ hội thị trường trong nước và quốc tế nhằm hóa giải khó khăn, thách thức; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định vĩ mô; kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; bảo đảm an sinh xã hội và phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong  năm.

Theo chức năng, nhiệm vụ,và thẩm quyền được giao, các bộ và địa phương đã quyết liệt thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành cao nhất những chỉ tiêu khó đạt. Theo đó, đã chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; đặc biệt là những đề án được giao sắp đến hạn hoặc đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành; đã lựa chọn những vấn đề lớn, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của nhiều bộ, cơ quan và địa phương để đăng ký vào Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, Ban, Ngành và nhiều Địa phương đã chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp ứng phó với các vấn đề phát sinh trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ đã chủ động thực hiện với tinh thần quyết liệt. Theo đó, đã tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đồng bộvà hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ với những chính sách khác; Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế.

Với sự quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi phát sinh; đã triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí, tiền thuê đất và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý thu, tăng thu và kiểm soát chi chặt chẽ nhằm tiết kiệm triệt để các khoản chi Ngân sách.

Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ công, giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm và mức độ phù hợp, sát với thực tiễn nhằm đảm bảo vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, tiếp tục Cuộc vận động người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”thông qua các chương trình khuyến mại, xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu. Mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu.

Kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ là một chủ trương hợp lòng dân và phát huy tác dụng thiết thực. Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bờ sông biển, ổn định đời sống lâu dài.

Việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường và kiểm soát giá nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc đã được. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân nhiều địa phương chỉ đạo khắc phục nhanh, nhất là trên các tuyến giao thông trọng yếu, các công trình  bị sạt lở do mưa lũ, bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn

Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và  Thủ trưởng cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật sau khi được Quốc hội thông qua, không để xảy ra khoảng trống pháp lý và chịu trách nhiệm trước các cơ quan Quản lý Nhà nước.

kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2-1700699276.jpg

Kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển Kinh tế - Xã hội Việt Nam  Ảnh VOV

3. Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế xã hội bền vững, thời gian tới, Chính phủ đã yêu cầu 21 bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và 33 Tỉnh, Thành phố phải khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao và điều chỉnh bổ sung và báo cáo kết quả tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023.

Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội chuẩn bị điều kiện và thủ

 tục cần thiết để bảo đảm giải ngân hết số vốn dự kiến bổ sung chính sách cho vay

 hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2023.

Với quyết tâm giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương phải chủ động, thực hiện quyết liệt và đồng bộ hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo các Nghị quyết, Chỉ thị và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, nhấn mạnh việc đôn đốc phân bổ và giải ngân vốn, đảm bảo tuân thủ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.

Đầu tư công; rà soát điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư từ dự án giải ngân chậm sang

dự án có tiến độ thực hiện tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực

hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để hoàn thành việc giao vốn ngân sách nhà nước theo đúng thời gian quy định.

Về cơ chế đặc thù và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương phải tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện và tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp cơ sở;

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo cơ chế thí điểm phân cấp toàn diện cho cấp huyện trong triển khai thực hiện.

Ủy ban Dân tộc cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Các cơ quan chủ quản chương trình và cấc tổ chức chủ trì dự án thành phần phải chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương ngay sau khi kế hoạch vốn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền giao. Các địa phương phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả những chương tình này./.

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế - xã hội Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 vấn đề nổi bật" tại chuyên mục TS. Lê Thành Ý. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309