Hai người học trò

06/09/2022 23:03

Bạn càng sống chậm, bạn càng dễ cảm thấy hạnh phúc. Hãy giảm bớt cảm giác nặng nề và từ từ học cách làm phép trừ. Khi tâm trí của mình tĩnh lại, bạn sẽ khám phá ra nhiều hơn những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày.

gg-1662480138.jpg

Huynh đệ nọ cùng học nghề bốc thuốc từ một sư mẫu già. Vị sư mẫu này không có con nên bà coi hai cậu học trò như con đẻ của minh. Học xong, một người đi lập nghiệp ở nơi xa, người còn lại ở nhà vừa làm nghề vừa chăm sóc thầy. Người bạn đi làm xa có đôi lần về lại quê nhưng chưa bao giờ ghé thăm thầy và bạn học, biết vậy người bạn ở nhà gửi thư tỏ ý trách:

Bao ngày khổ tửu vẫn thường qua

Mấy bận hồi hương chẳng đáo nhà

Có phải nhân trần chê chốn cũ

Hay là kỷ tử ngại đường xa

Kim ngân giá mọn vòng tay quyện

Phụ tử tình thâm chén rượu hòa

Hạ thảo đông trùng buồn cách biệt

Khi về ích mẫu khéo còn da.

Trong bài thơ người bạn ẩn ý vào mỗi câu tên một loại thuốc (khổ tửu, hồi hương, nhân trần, kỷ tử, kim ngân, phụ tử, đông trùng hạ thảo, ích mẫu). Ngầm trách bạn đã mải mê rượu chè, ích kỷ, chê quê nghèo hay sao mà không ghé lại thăm thầy và bạn.

Nhận thư, biết bạn trách, để tỏ lòng mình vẫn nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ quê, người bạn gửi về bài thơ họa:

Chịu đắng bao ngày đợi khổ qua

Bình nơi viễn địa chọn làm nhà

Hồi hương nhiệt huyết nào ngăn trở

Kinh giới cay lòng đặng cách xa

Chẳng những châu trần tình dịu thắm

Mà nay phụ tử nghĩa chan hòa

Tha phương mặn chát đời trinh nữ

Lạnh tiếng hoàng cầm mộng diết da.

Trong bài thơ họa, người bạn cũng dùng các tên thuốc để tỏ lòng mình cho bạn biết, đồng thời dùng các vị, tính chất của thuốc để bạn hiểu rõ hơn tấm lòng của người đi xa (khổ qua vị đắng, viễn địa tính bình, hồi hương tính nhiệt, kinh giới vị cay, châu trần tính ôn, phụ tử tính bình hòa, trinh nữ vị chát, hoàng cầm tính hàn lạnh).

Một thời gian sau sư mẫu của họ đã già yếu vẫn ngóng trông người học trò cũ, người bạn ở nhà gửi thư báo cho huynh đệ của mình biết:

Bối mẫu khô gầy héo thịt da

Hổ cốt vài thang đã thử hòa

Lửa đến gần, tiền hồ cũng chịu

Liên kiều khó giải, nước nhìn xa

Ngày đêm khấn nguyện cầu la hán

Bán hạ vời trông ngõ trước nhà

Trách kẻ vong tình nơi viễn địa

Vui vầy khổ tửu chẳng dòm qua.

(Mỗi câu thơ vẫn chứa 1 vị thuốc: bối mẫu, hổ cốt, tiền hồ, liên kiều, la hán, bán hạ, viễn địa, khổ tửu).

Nhận được thư, người bạn bèn sắp xếp để hồi hương thăm sư mẫu. Tuy nhiên khi về đến nơi thì sư mẫu đã qua đời, chỉ thấy tang lễ rối bời, hoa thơm, dạ thảo phủ kín quan tài, tiền vàng các loại bày la liệt. Người học trò chết lặng đầm đìa nước mắt quỳ phục trước cửa khóc òa lên:

Con nhìn bối mẫu giọt châu sa

Nhĩ tử hồi hương đẫm lệ nhòa

Huyết kiệt vờn quanh cùng dạ thảo

Nhân trần phủ kín bởi hồng hoa

Kim tiền bách hợp rầu thương xót

Thổ phục thiên môn lạy khóc òa

Tưởng vạn niên thanh còn ngọc trúc

Tang thầm thục địa cứa lòng ta.

Bài thơ thể hiện lòng hối hận vô bờ của người học trò với sư mẫu của mình, với mỗi câu chứa tên 2 vị thuốc (bối mẫu, châu sa, nhĩ tử, hồi hương, huyết kiệt, dạ thảo, nhân trần, hồng hoa, kim tiền, bách hợp, thổ phục linh, thiên môn, vạn niên thanh, ngọc trúc, tang thầm, thục địa).

TH
Bạn đang đọc bài viết "Hai người học trò" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309