Chàng cử nhân và hành trình 6 năm đi học khôn thiên hạ

08/07/2022 09:32

Hồi ấy, khi chúng tôi trình phương án vay vốn quỹ khuyến nông của anh Cường để phê duyệt, chị Trưởng phòng Trồng trọt của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội liền bảo ngay.

Nhiều lần phải “đóng học phí”

“Huyện Thạch Thất làm gì có mô hình nông nghiệp nào quy mô vay đến 400-500 triệu thế này, hay các anh cứ làm vống lên?”. Vậy là chị ấy về tận nơi, kiểm tra xong cơ sở hạ tầng của trang trại anh Nguyễn Hữu Cường ở xã Đại Đồng thì mới hoàn toàn ủng hộ phương án, không chỉ cho vay một lần mà tới hai lần. Nhiệm vụ của chị trong Hội đồng thẩm định cho vay quỹ là phải rà soát thật kỹ càng, sao cho tiền được chuyển đến đúng đối tượng, đúng mục đích. Và lần sau, khi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh về Hà Nội thăm mô hình, chị còn nhất định “kéo” đoàn đến thăm trang trại của anh Cường. Dịp đó gần Tết, hoa nở bạt ngàn, trông rất đẹp mắt”.

Anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông của huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội kể lại chuyện ấy khi chúng tôi cùng sải bước trong trang trại rộng thênh thang của anh Cường với tổng diện tích xấp xỉ 2 ha gồm 9.000m2 nhà màng và phần ngoài trời nữa. Chỗ thì đang làm đất để ươm giống, chỗ thì đang san cây xuống luống để trồng…

Anh Cường (bên trái) cùng anh Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông của huyện Thạch Thất đang kiểm tra giống cúc. Ảnh: NNVN.

Anh Cường (bên trái) cùng anh Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông của huyện Thạch Thất đang kiểm tra giống cúc. Ảnh: NNVN.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên, chuyên ngành sinh học, ra trường không như nhiều người xin vào Nhà nước làm, anh Cường muốn tự thân vận động bằng cách khởi nghiệp nông nghiệp. Để chuẩn bị một hành trang vững chắc cho mình, anh không thuê đất làm ngay mà đi học nghề ở các vùng trồng hoa nổi tiếng ở Đà Lạt, xin vào làm công ty nước ngoài, rồi lại xin vào làm trong trang trại của người Việt. Mất tổng thời gian 6 năm như thế anh mới tích lũy đủ kiến thức về kỹ thuật, về thị trường kinh doanh hoa để trở lại quê lập nghiệp. Đó là năm 2011.

 “Chuẩn bị tốt và kiên trì là hai yếu tố giúp thành công. Trước đó, tôi lên kế hoạch, tìm hiểu về đối tượng mình sẽ làm, thị trường mình sẽ bán, rồi vừa làm vừa mở rộng sản xuất dần dần, mỗi năm “đóng học phí” một ít. Có vụ tôi mất cả tỉ đồng vì trồng hoa ly như năm 2017 do quá trình vận chuyển giống về chậm, lệch thời vụ mất 10-15 ngày, rồi lại do thị trường năm đó mọi người đổ xô vào trồng quá nhiều nên giá tự nhiên sập xuống, đang từ 15-20.000đ/cành xuống chỉ còn 5.000đ/cành. Còn các vụ khác tôi mất cả trăm triệu là điều hết sức bình thường.

Mỗi năm anh Cường xuất bán 4 triệu cành cúc giống thế này. Ảnh: NNVN.

Mỗi năm anh Cường xuất bán 4 triệu cành cúc giống thế này. Ảnh: NNVN.

Có những thời điểm, do dịch bệnh Covid 19, đóng cửa xã hội khiến cho hoa rất khó tiêu thụ, tôi buộc phải thích nghi bằng cách trồng rau, dưa, cà chua theo hướng Vietgap. Nói thật là nếu làm sạch thì chi phí rau quả rất cao, thêm vào đó miền Bắc có bốn mùa, mỗi loại cây chỉ hợp với một thời vụ nhất định nhưng yêu cầu của thị trường là phải có hàng liên tục, phải đạt đủ sản lượng, trong khi đó sản xuất lại rất bấp bênh. Thời gian thu hoạch của rau quả cũng ngắn, bảo quản lại còn khó hơn hoa nên cũng nhiều rủi ro. Năm nay, tình hình dịch Covid 19 đã tạm yên, tôi quyết định không trồng rau dưa nữa mà dồn toàn lực vào trồng hoa. Tuy nhiên, tôi vẫn có kế hoạch dự phòng, khi nào tìm được quỹ đất đúng chuẩn để lập vùng sản xuất rau an toàn thì lại tiếp tục bởi quy trình trồng đã nắm bắt được, chỉ cần hoàn thiện thêm khâu đóng gói, ổn định được số lượng, thị trường là hiệu quả thôi”.

Hễ được đồng lãi nào lại đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Quay trở lại với nghiệp trồng hoa, qua nhiều chủng loại anh Cường nhận ra rằng, cúc và loa kèn không bao giờ bị lạc hậu bởi loa kèn chuyên phục vụ cho mục đích trang trí, còn cúc phục vụ cả trang trí lẫn cúng rằm, mồng một. Nhu cầu của chúng gần như là quanh năm, suốt tháng không bao giờ giảm. Trang trại của anh có hạ tầng được thiết kế khá bài bản cho cả việc sản xuất giống hoa lẫn trồng hoa thương phẩm. Nhờ có nhà màng, anh chủ động được việc trồng sớm hơn các hộ trồng ngoài đồng từ 15-20 ngày, có hàng sớm nên rủi ro thị trường thấp hơn. Hơn thế nhờ có nhà màng mà việc bơm thuốc ít hơn, rủi ro thời tiết khắc nghiệt như mưa, rét gây hại thấp hơn, tỷ lệ đạt cây cao hơn, chu kỳ quay vòng trong sản xuất nhanh hơn.

Công nhân đang trồng cúc. Ảnh: NNVN.

Công nhân đang trồng cúc. Ảnh: NNVN.

“Bình thường đầu tư nhà màng tốn kém nên chi phí của sản phẩm sẽ cao hơn trồng ngoài trời nhưng những khi thời tiết khắc nghiệt thì lại an toàn hơn. Như vừa rồi mưa mấy trận lớn, cúc, đồng tiền trồng ngoài trời hỏng hết nhưng tôi vẫn giữ được. Không phải vụ nào, năm nào sản xuất hoa cũng có lãi nhưng quan trọng là phải kiên trì duy trì việc trồng trọt, khi bên ngoài rủi ro nhưng mà mình vẫn giữ được thì mới thắng lớn. Ví dụ như năm kia khi bắt đầu có dịch Covid 19, đóng cửa thị trường hoa, mất cả một giai đoạn dài tôi bị thiệt hại tới 400 triệu. Năm ngoái cũng dịch bệnh như thế, nhiều người sợ bỏ không dám sản xuất hoa nữa nhưng tôi vẫn lên kế hoạch trồng như bình thường. Cũng may vừa hết dịch, cũng là lúc mở cửa thị trường, đón đầu được xu thế.

Mỗi năm vừa làm những giống hoa đã quen thuộc tôi vừa thử nghiệm vài giống hoa mới, thấy loại gì hợp thì đưa vào sản xuất. Thị trường luôn thay đổi, cũng là hoa cúc, hoa ly nhưng không phải năm nào cũng thích màu đỏ mà có khi lại là màu vàng nên mình phải nhanh nhạy nắm bắt xu hướng. Trong nghề trồng hoa, nguồn giống đạt chuẩn đã quyết định cỡ 40% thành công. Hiện giống của tôi trong 4 triệu cành sản xuất ra mỗi năm thì đã cung cấp 3 triệu cho Đà Lạt rồi, chỉ còn 1 triệu cho miền Bắc. Môi trường khắc nghiệt ở phía Bắc nên cây giống có tính chống chịu tốt hơn, thêm vào đó, xung quanh vùng sản xuất không có ai cùng làm hoa nên không bị nhiễm bệnh kiểu lây chéo.

Cúc giống chuẩn bị xuống luống trồng. Ảnh: NNVN.

Cúc giống chuẩn bị xuống luống trồng. Ảnh: NNVN.

Ngược lại, Đà Lạt là một vùng sản xuất hoa, giống hoa khổng lồ canh tác đã lâu năm, bệnh tích lũy trong đất, trong giá thể, trong không khí  nhiều, có thể lây nhiễm chéo nhanh nên rất cần nguồn giống sạch bệnh từ phía Bắc. Tuy nhiên, trình độ canh tác của họ lại đáng phải học tập vì sản xuất chuyên nghiệp, nhà nào làm giống thì chuyên giống, nhà nào làm hoa thì chuyên hoa. Còn ở miền Bắc thì mỗi hộ trồng hoa thường làm tất các công đoạn, thậm chí mua giống nơi khác về còn nhân ra làm giống tiếp để tiết kiệm chi phí.

Có thời điểm họ sản xuất ra hoa rất đẹp nhưng khi gặp thời tiết bất lợi sẽ cây nhanh bị nhiễm bệnh, nhanh hỏng hơn. Tôi thì không thế, đầu tư bài bản ngay từ đầu, chọn nguồn giống nuôi cấy mô có uy tín để nhập về sản xuất. Hễ được đồng lãi nào lại nâng cấp cơ sở hạ tầng, năm làm thêm hệ thống điện, năm làm thêm hệ thống quạt, năm làm thêm hệ thống tưới…Nhờ đó có thể sản xuất ổn định ở mức 4 triệu ngọn giống cúc, 300-400.000 cây hoa thương phẩm/năm, đạt mức lãi 600-700 triệu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với mức lương trung bình 6-7 triệu đồng/người/tháng...

“Làm hoa mà sản lượng thấp thì có thể đi bán ở đâu cũng được nhưng một khi đã sản lượng cao, mỗi lần sản xuất 50-100.000 cây thì chỉ cần lệch thị trường, lệch thời vụ một chút sẽ tiêu thụ rất khó khăn. Quan trọng nhất là sự ổn định, khi làm dẫu bị lỗ cũng phải kiên trì, sản xuất liên tục thì mới nuôi được hệ thống, duy trì được kênh bán hàng, không làm cho khách hàng bỏ mình để chuyển sang tìm kiếm nguồn nhập từ nơi khác”. Anh Nguyễn Hữu Cường chủ trang trại hoa ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất tâm sự.

 

TH
Bạn đang đọc bài viết "Chàng cử nhân và hành trình 6 năm đi học khôn thiên hạ" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309