Nhớ về anh, một lưu học sinh xuất sắc ở Liên Xô

16/09/2022 11:48

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Nhớ về anh, một lưu học sinh xuất sắc ở Liên Xô” của tác giả PGS.TS. Trịnh Xuân Vũ nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh trong cuốn sách quý nói trên.

Tôi gặp anh Tuấn lần đầu tại Matxcơva, trong một cuộc họp mặt của những đại diện sinh viên Việt Nam đến từ các nước Cộng Hòa thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây. Anh Tuấn là lớp người đi trước, vì có thành tích học tập tốt cho nên được nhà trường cho chuyển trực tiếp lên làm nghiên cứu sinh và bảo vệ ngay luận án phó tiến sĩ. Điều này hoàn toàn xa lạ với chúng tôi khi mới bước chân vào đại học, thậm trí khi tiếng Nga còn chưa thạo. Sự ngưỡng mộ tự nhiên được hình thành trong mỗi chúng tôi lúc bấy giờ, và mọi người hầu như ai cũng thầm ước mơ có thể sau này mình cũng sẽ được như vậy. Còn đọng lại trong tôi hồi đó là hình ảnh của một chàng thanh niên mảnh khảnh, dong dỏng cao và khá đẹp trai; đặc biệt là có ánh mắt long lanh gây cho người tiếp xúc có một ấn tượng, một ấn tượng có thể nói là cũng khá trừu tượng, nhưng rồi tôi cũng nhận ra đó là ánh mắt của trí tuệ và lòng nhân từ. Một điều cũng rất thú vị là bất cứ ai khi nói chuyện với anh  cũng đều phải động não.

ffa-1663301358.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Anh đến dự cuộc họp mặt là để truyền đạt kinh nghiệm học tập, nhưng khi nói chuyện anh chỉ nói đơn giản có mấy câu đó là học, học sao cho người ta đừng coi thường mình, phải học để cho họ biết mình là ai. Bọn tôi hồi đó hầu hết là những học sinh kháng chiến, tất nhiên là học hành đâu có được bao nhiêu, có thể nói là đói học và bây giờ được thỏa sức học, và lại được nghe anh nói vậy chúng tôi ai nấy đều rất vui và thầm nghĩ trong bụng là sẽ cố gắng theo gương anh. Và thế rồi, ngay từ hôm đó động lực học giỏi, sau nữa là niềm tin học giỏi tự nhiên được hình thành trong nhiều anh em chúng tôi. Điểm lại tôi thấy có rất nhiều anh em học giỏi và thành đạt.  Chỉ tính riêng trong Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva thời đó cũng đã có khá nhiều người, mà tôi chỉ nêu ra đây được một số thôi, sau này đều có những đóng góp ít nhiều trong các cơ quan khoa học và quản lý như Đào Vọng Đức, Cao Tri (vật lý), Phan Hữu Dật (nhân văn), Trần Văn Nhân, Trần Hiệu (hóa), Trịnh Hồng Dương (luật), Cù Đình Bá (ngoại giao) anh Chương (toán) còn nhiều và nhiều lắm từ các trường đại học chuyên nghiệp khác nữa như anh Trọng Bằng - Viện âm nhạc, anh Phan - Bộ Năng lượng, anh Nghi - Bộ Vật tư, anh Lộc - Bộ Tư pháp, anh Trịnh Hồng Dương - Tòa án Tối cao, anh Hoài - Tổng cục Dầu khí...  còn nhiều người giỏi nữa, kể không thể hết.  Tuy nhiên người đầu tiên vẫn phải nhắc lại đó là anh Đào Thế Tuấn - một tấm gương tuyệt vời cho nhiều thế hệ. Một số rất đông sau này có mặt ở miền Nam vào năm 1975. Tất cả đều trưởng thành qua học tập và hầu như chưa có ai vướng vào vòng lao lý. Hội đồng hương Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva vào thập niên 50 luôn dẫn đầu về kết quả học tập. Cám ơn anh Tuấn đã nêu gương đầu tiên và giúp cho chúng tôi có động lực để học tập, ít nhiều cũng góp phần giới thiệu con người Việt Nam ra thế giới; hồi đó Việt Nam còn rất xa lạ đối với bè bạn năm châu.

Sau này có nhiều học trò của anh Tuấn cũng qua học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, Liên Bang Nga và cũng rất thành đạt, ví dụ như GS. Nguyễn Tử Siêm - nhà khoa học đất rất giỏi, chúng tôi hay nói đùa với nhau là là GS đất. Cách thức giáo dục và đào tạo của Nga đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.  Riêng về lĩnh vực khoa học cơ bản thì nước Nga luôn ở đỉnh cao. Tôi muốn nói lời cám ơn nước Nga, nơi anh Tuấn, tôi, nhiều và rất nhiều học sinh Việt Nam đã được đào tạo rất cơ bản. Nước Nga - cái nôi của rất nhiều nhà khoa học ở thời của tôi, trong đó có Việt Nam sau này như anh Tuấn, anh Dật, anh Hiệu, anh Tứ, anh Hiển, anh Thoảng.

Thói quen đọc sách

Tốt nghiệp đại học (08/1961) tôi được phân về Học Viện Nông lâm, Hà Nội và công tác ở ngay bộ môn của anh Tuấn, thế là lần thứ hai tôi gặp lại anh và công tác bên anh cho đến khi tách viện vào năm 1963. Hồi đó, anh làm Trưởng phòng Khoa học và kiêm Trưởng Bộ môn. Đến bộ môn anh thường ngồi làm việc ở phòng thực tập (thực ra là thiếu chỗ). Ngoài giải quyết công việc xong, cũng rất nhanh, anh chuyển sang đọc sách, anh hay thường hát nhè nhẹ mấy bản tình ca Nga.  Hát tình ca Nga trong khi đọc sách hay làm gì đó là một thói quen, được anh em trong bộ môn thầm ủng hộ và thế là cứ để cho cái tự nhiên ấy tự nhiên.

Tới thăm nhà anh thì thứ nhiều nhất đập vào mắt tôi đó là sách và sách, tất nhiên còn rất nhiều Poupée (búp-bê) nữa. Tôi đứng ngó quanh và trong thâm tâm rất khâm phục anh và thầm nghĩ là sẽ cố gắng làm theo anh. Hình như hầu hết những chuyên gia giỏi đều là những người đọc sách nhiều và đọc nhiều sách. Khả năng hùng biện có được phần lón cũng là nhờ đọc sách, không có ai thành đạt trong khoa học mà không đọc nhiều sách. Trước đây, mỗi lần vào Sài Gòn công tác anh đều đến nhà tôi chứ không ở khách sạn, đến tôi anh chỉ yêu cầu đơn giản: Một chiếc giường xếp, một ngọn đèn, một quạt máy và một vài cuốn truyện bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Pháp. Khi có được mấy thứ đó rồi, anh nhẹ nhàng nhắc tôi: “cám ơn, cậu đi ngủ trước đi”, một con người, một nhà khoa học lớn mà bình dị. Anh còn tâm sự với tôi là làm thế nào để có được nhiều sách mà đọc, thời đó không phải chỗ nào cũng có nhiều sách như bây giờ. Ngay bây giờ ở các nước phát triển họ vẫn đọc sách nhiều lắm, đọc sách ở khắp mọi nơi: khi xếp hàng, trên xe bus, trong tầu điện ngầm, ở ngoài công viên, ở đâu có thể họ đều lấy sách ra đọc. Đọc sách trở thành một thói quen hàng ngày rất gần gũi.

Sách là nguồn thông tin dồi dào nhất, thông tin tạo nên tri thức; có tri thức mới có tư duy logic, mới có sáng tạo và mới có phát triển. Bây giờ tạo thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ không dễ, rất tiếc...

Ngoại ngữ

Anh Tuấn là người biết rất nhiều ngoại ngữ. Biết nhiều ngoại ngữ thì có thể có nhiều người lắm, nhưng đặc biệt ở anh là không bao giờ sử dụng lẫn lộn, điều mà nhiều chuyên gia quốc tế rất nể phục khi tiếp xúc với anh. Còn anh học ngoại ngữ từ bao giờ tôi không biết, chỉ biết là anh rất giỏi ngoại ngữ và chính ngoại ngữ đã giúp anh cập nhật thông tin rất nhanh, nắm vững được những thành tựu khoa học trong và ngoài nước, cũng như xu hướng phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học; từ đó có hướng đi đúng, cùng những giải pháp phù hợp cho nhiều lĩnh khoa học và xã hội. Một con người rất cầu tiến, biết lắng nghe, một con người của hành động, luôn lạc quan.

Nông hộ và cộng đồng nông thôn

Vào những năm cuối của cuộc đời, anh Tuấn hay trao đổi với tôi về một số vần đề có liên quan đến nông hộ và cộng đồng nông thôn. Nông hộ là đơn vị cấu thành cơ bàn của xã hội nông thôn Việt Nam, là một tế bào của cơ thể nông thôn. Không có nông hộ thì làm sao có nông thôn được. Làm gì để giúp đỡ và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của các nông hộ vẩn còn là vấn đề thời sự. Tôi còn nhớ vào thập niên 80 khi tôi đến huyện Thuận An nói chuyện về nông hộ do anh Út Phương mời (hồi đó anh là Bí thư Huyện ủy, sau này anh lên làm Chủ tịch tỉnh Sông Bé), thì chỉ sau 03 ngày tôi đã không được đến Bình Dương nữa, nhưng rất may là “án này” đã được xóa bỏ ngay sau khi có Nghị quyết 10, và tôi lại được đi nói chuyện ở nhiều nơi thuộc tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ về chủ đề nông hộ. Nông hộ ổn thì nông thôn phát triển, đất nước vững mạnh,

Cộng đồng nông thôn là một thực thể xã hội và sự phát triển chỉ có trên cơ sở ổn định. Người xưa có câu “An cư lạc nghiệp”, Ổn định về quyền sử dụng đất cũng là cơ sở của lạc nghiệp, sản xuất và đời sống của xã hội nông thôn khá lên cũng bắt đầu từ đó.

Người nông dân có đầy đủ hiểu biết để liên kết hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy sản xuất khi cần thiết, hình thức hợp tác nào thích hợp cũng do họ quyết định. Trên thực tế đã có nhiều loại hình hợp tác phong phú và hiệu quả tùy theo mức độ phát triển của sản xuất. Mô hình liên kết sản xuất bưởi da xanh rất hiệu quả của ông Hai Trung (Bình Đại, Bến Tre). Một sự hợp tác liên kết nhiều gia đình trồng bưởi da xanh theo những chuẩn mực nhật định về vật tư, kỹ thuật đầu vào cũng như đảm bảo tính an toàn của sản phẩm đầu ra. Mô hình đang phát huy những khía cạnh tốt của cộng đồng nông thôn. Mọi người đều tự nguyện và tự giác tham gia với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Có một lần gặp anh tại Bến Tre, anh có nói rất khôi hài với tôi là “Tôi chỉ cho ngân hàng vay tiền, chứ không vay tiền của ngân hàng”. Xã hội đang vận hành theo quy luật của tự nhiên.

Đối với cộng đồng nông thôn, thông thường chúng ta quan tâm nhiều đến khía cạnh nghĩa vụ, còn khía cạnh quyền lợi thì hình như là chưa được coi trọng một cách đúng mức, đôi lúc còn quên nữa; thiếu đi sự công bằng. Nếu để ý quan tâm một chút đến quyền lơi của cộng đồng thì xã hội sẽ phát triển với tốc độ rất cao.

Trong khâu quản lý chúng ta quan tâm nhiều đến khía cạnh ngăn chặn, hơn là khía cạnh phát triển cái này cũng có lý của nó, là để ngăn chặn những lệch lạc không đáng có trong quá trình phát triển xã hội. Tuy nhiên nếu quản lý chỉ dừng lại ở khâu ngăn chặn thì chưa đủ, mà điều quan trọng hơn là làm sao quản lý để phát triển, quản lý để cho xã hội phát triển với tốc độ cao, sớm đạt được mục tiêu dân giàu có cuộc sống văn minh, thế mới gọi là quản lý mang tính nhân văn. Một giải pháp đúng đắn sẽ tạo ra một động lực mạnh cho sự phát triển của xã hội. Đất nước của chúng ta có rất nhiều người có tài năng. Anh Tuấn thường nói với tôi là phải chú ý đến khía cạnh phát triển của khâu quản lý, tức là quản lý để phát triền. Hỗ trợ cho nông hộ phát triển, nâng niu những ý tưởng mới, trong quản lý thì cơ chế phát triển hoàn toàn khác với cơ chế ngăn chặn.

Sự hợp tác bắt nguồn từ sự phát triển; đại học ra đời trên cơ sở của sử phát triển trung học, tương tư như vậy là sau đại học. Tự dưng không thể có sau đại học được. Bây giờ chúng ta đang chủ trương chuyển sản xuất nông nghiệp sang theo hướng hữu cơ - sinh học, tức là tạo ra một sân chơi mới và hiển nhiên là cuộc chơi nào cũng có luật. Chúng ta phải xây dựng luật chơi mới làm sao để khuyến khích được tất cả nhiều người tham gia cuộc chơi (nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý, người lao động), điều chắc chắn là sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển và xã hội sẽ đẹp lên. Hãy đặt niềm tin nơi người dân. Khuyến khích những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh của nông hộ, của các doanh nghiệp, của các nhà khoa học của các nhà quản lý, của người lao động, cố gắng gỡ bỏ những rào cản lạc hậu gây trở ngại cho việc phát huy nội lực của xã hội.

Về mặt khoa học tôi không thể nói thay anh Tuấn được

Có người hỏi tôi về chuyên ngành Sinh lý Thực vật, điều gì anh Tuấn quan tâm nhất? Điều anh quan tâm nhất là khoa học phải có gì đóng góp thiết thực cho sản xuất. Anh thường nhắc tới câu nói nổi tiếng của ông Timiriazev: “Sinh lý thực vật là cơ sở của trồng trọt hợp lý” và đó cũng là cơ sở để anh đi sâu vào tìm hiểu về vai trò cùa các chức năng sinh lý, trong việc tạo ra năng suất cây trồng cụ thể trong hoàn cảnh của Việt Nam; đi sâu tìm hiểu xem có bao nhiêu chỉ tiêu sinh lý có liên quan đến việc tạo ra năng suất và chỉ tiêu nào là quyết định nhất, để  từ đó làm cơ sở cho thâm canh.  Rất đơn giản vậy thôi, thế mà anh đã gắn bó cả cuộc đời mình. Đến bây giờ thì công nghệ 4.0 trong trồng trọt cũng phải lấy sinh lý thực vật làm gốc. Tất cả những vấn đề về giống, đất đai, thời vụ, kỹ thuật canh tác, sức khỏe của đất đều phải lấy khoa học sinh lý thực vật làm nền tảng.  Không có  sinh lý thực vật chúng ta sẽ không có được cơ sở dữ liệu  cần thiết và không có một bộ cảm ứng  nào có thể hoạt động được. Plant Factory sử dụng đèn LED cũng là dựa vào kiến thức của sinh lý thực vật, ví dụ dựa vào phổ hấp thu của diệp lục để thiết kế đèn LED.... Anh Tuấn có công lớn trong việc định hướng và đào tạo đội ngũ cán bộ tiếp nối. Hồi trước nghèo lắm, thiếu đủ thứ cho nên chưa làm được gì nhiều, bộ môn chỉ có vài anh em. Anh Uyển, anh Chẩn đi sâu về cây lúa; anh Thước, anh Tân chuyên về cây lâm nghiệp còn tôi và anh Bình đi về cây công nghiệp. Sau này có thêm anh Hoàng Minh Tấn, anh Trương Quang Tấn và chị Yến Mai nữa; thế hệ sau có anh Nguyễn Quang Thạch.

Trong số các bậc đàn em phải kể đến GS. Nguyễn Văn Uyển, anh đã trở thành một nhà khoa học lỗi lạc về nuôi cây mô và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực phát triển sản xuất khoai tây ở Việt Nam. Tiếp bước anh Uyển sau này có GS. Hoàng Minh Tấn, GS. Nguyễn Quang Thạch; đều là những cán bộ khoa học có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Tôi nhớ vào những thập niên 60, nếu ở lại làm việc buổi trưa trong phòng thí nghiệm thì phải xin phép chủ nhiệm khoa, còn làm thêm vào buổi tối phải xin phép ban giám hiệu, nghiêm lắm và cũng vui lắm. Tôi đã từng trồng mía trong dung dịch (Hydroponic) cả năm trời, chỉ để theo dõi xem cây mía hút bao nhiêu chất dinh dưỡng qua từng thời kỳ một, rất say xưa và nhiệt tình. Mọi người trong bộ môn đều như vậy cả, thật là vui.

Bây giờ khác rồi, có đủ điều kiện để cho thế hệ trẻ phát triển. Thật là đáng trách nếu thế hệ trẻ không phát huy những gì mà các bậc đàn anh đã dày công xây dựng: “Cây có gốc mới xanh cành nở ngọn, nước có nguồn mới biển cả sông sâu”. Tôi rất thích mấy vần thơ của anh Phạm Quý Hiệp, một thời là học trò, sau này là bạn đồng nghiệp:

Chiều hôm mây xuống chân làng

Bay bay theo gió cho hoàng hôn rơi

Trong mây mà có cuộc đời

Hoàng hôn là để có trời bình minh

Biết nhiều về anh Tuấn phải là chị Lê Thị Xuân (nguyên là cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), là bạn thân của chị Oanh - vợ của anh Tuấn. Tôi là người biết anh Tuấn cũng qua chị Xuân và chị Oanh. Chị Oanh là một nữ sinh Hà Thành. Sau năm 1954, chị tham gia vào đội Thanh niên, công tác cùng với một số anh em ở ngoài kháng chiến về tiếp quản Thủ Đô. Sau chị được tuyển vào Đại học Nhân dân hồi đó rồi được cử sang Liên Xô học và gặp anh Tuấn ở Matxcơva Can dự vào việc này có chị Xuân và tôi nữa. Nói chuyện với tôi khi còn học đại học cũng như sau khi ra trường chị đều gọi tên tôi, coi tôi như một cậu em trong nhà, thân thiết lắm, dễ thương lắm. Anh Tuấn và chị Oanh là một cặp đôi mà tôi luôn quý trọng và ngưỡng mộ.

 

 

 

 

 

PGS.TS. Trịnh Xuân Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về anh, một lưu học sinh xuất sắc ở Liên Xô" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309