Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là cán bộ mẫu mực, mẫn cán, hết lòng vì nước, vì dân, ông còn là nhà nghiên cứu lý luận có tư duy vượt trội; là người trí sáng, tâm trong, hòa đồng với quần chúng,... Những điều ấy làm nên hình ảnh một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng, được nhân dân kính trọng, tin yêu và bạn bè quốc tế mến mộ.
“Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”
May mắn có gần ba nhiệm kỳ được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm công tác tuyên truyền, tôi hiểu vì sao nhân dân ta dành cho ông tình cảm đặc biệt như vậy và tin rằng sau này vẫn thế. Khi ông từ trần, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền đất nước lặng lẽ về Thủ đô, xếp hàng dọc các tuyến phố quanh Nhà tang lễ quốc gia, để vào viếng ông.
Những ngày ấy, ở đâu cũng vậy, nơi công cộng, trên các xe buýt, hay quán nước, cán bộ, người dân đều xúc động tỏ lòng thương tiếc nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ngày sinh của ông 14/4 vừa qua và sắp đến ngày mất của ông, trên một số trang mạng xã hội lại có nhiều người nhắc về ông như nhớ người thân yêu ruột thịt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo tháng 11/2017 (ảnh: TTXVN)
Ông là cán bộ trưởng thành qua nhiều cương vị công tác quan trọng và để lại những dấu ấn sâu đậm, đặc biệt khi là Tổng Bí thư của Đảng, đầu năm 2011. Nhắc đến ông, không thể không nói đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” ấy, chính ông là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Khi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng được ban hành, một số ý kiến lo ngại “không làm được đâu !”. Thực tế là có biết bao thách thức. Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, ông nghẹn lòng rơi nước mắt, thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xin lỗi toàn Đảng và nhân dân vì nhiều khuyết điểm trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Mấy năm sau, tại nghị trường bàn về phòng, chống tham nhũng, có đại biểu Quốc hội đã gọi đó là “giọt nước mắt rơi vào lịch sử”.
Không thể để một Đảng với bao cán bộ sinh ra từ nhân dân, được nhân dân che chở; một Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, lại sa vào hư hỏng, ông đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là những việc phải hết sức làm vì có lợi cho dân, cho nước - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi bà con các dân tộc trong dịp thăm tỉnh Đắk Lắk
Từ đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, nhiệm vụ then chốt này được làm kiên quyết, kiên trì, quyết liệt. Hàng trăm cán bộ, kể cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố bị kỷ luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm minh và cũng rất nhân văn, đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Bởi thế, một số cán bộ cấp cao, trước tòa đã cúi đầu xin lỗi nhân dân và đồng chí Tổng Bí thư, vì bản thân mà làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Vị thế, uy tín và niềm tin đối với Đảng vì thế ngày càng được củng cố, trong đó vai trò của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người khởi xướng cho cuộc chiến không tiếng súng mà đầy cam go ấy sẽ in đậm trong ký ức của người dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới,...” (Trích Lời điếu tại Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Nhà nghiên cứu lý luận mang tầm tư duy vượt trội
Xuất thân từ cán bộ nghiên cứu, nhiệt huyết, trung thành vô điều kiện với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và có tầm nhìn chiến lược, cố Tổng Bí thư đã có nhiều công trình khoa học công phu, nhiều bài viết có tính dự báo, hay tổng kết lý luận và thực tiễn. Hơn nửa thế kỷ trước, khi công tác tại Tạp chí Cộng sản, ông đã viết bài Căn bệnh sợ trách nhiệm, chỉ rõ thói làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh việc khó trong cán bộ. Gần đây, căn bệnh này đã được một số diễn đàn, nhất là trong hoạt động của Quốc hội nói đến nhiều và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Một trong những đóng góp lớn nhất của ông về nghiên cứu lý luận là tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công trình nổi tiếng này được dịch ra một số tiếng nước ngoài; có hàng trăm nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm đọc và đánh giá cao. Không chỉ trả lời thấu đáo về chủ nghĩa xã hội là gì; Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phẩm có giá trị thực tiễn này còn gợi mở nhiều giải pháp để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ờ Việt Nam; phân tích thực tiễn công cuộc đổi mới ở Việt Nam thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì.
Điều làm nên giá trị tác phẩm là sự kết tinh bởi tình cảm cách mạng mãnh liệt với sự minh tiết, trải nghiệm thực tiễn của chính tác giả. Qua đó góp phần vào kho tàng lý luận của Đảng, tiếp tục hoàn thiện nhận thưc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta một cách khoa học, đầy đủ hơn, toàn diện hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12/4/2017. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Cùng với nhiều bài viết đã in thành sách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về ngoại giao, về văn hóa, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,.. những bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang trí tuệ uyên bác, làm lan tỏa niềm tin và truyền cảm hứng hành động cho toàn dân tộc trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong thời đại mới.
Một con người bình dị sáng trong
Tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt nhiều năm trên mọi nẻo đường của đất nước, chúng tôi thấy có những chiếc áo sơ mi cộc tay ông mặc nhiều năm, sờn cả cổ, những đôi dép da bạc màu không còn nguyên vẹn, nhưng ông dứt khoát không cho thay vì “vẫn còn dùng tốt mà”. Chiếc xe riêng đưa đón ông đi làm hằng ngày cũng đã mấy chục năm. Vào thăm nhà dân, bao giờ ông cũng để giày, dép bên ngoài. Chỗ trang trọng nhất thường được chủ nhà dành cho khách, nhưng ông lại đề nghị để cho người cao tuổi. Nói chuyện với dân, ông cởi mở, chân thành, mộc mạc như người con xa quê trở về. Ông là như thế. Giản dị, gần gũi, hòa đồng với mọi người, không bao giờ thể hiện quyền uy với cấp dưới.
Trong công việc lại khác, ông rất chuẩn mực, khoa học, nguyên tắc và bài bản, ghét mọi sự tùy tiện, đặc biệt là ý thức vô kỷ luật, thiếu đạo đức. Nhiều câu nói của ông được rút ra tự đáy lòng, sâu sắc, thấm thía vô cùng. Ông đi xa rồi, song những lời dặn gan ruột ấy vẫn hiện diện trong cuộc sống, nhắc nhở chúng ta. Một dịp gặp mặt đảng viên trẻ, ông động viên, phân tích việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rồi ông nói đại ý, nhiều đảng viên trẻ ngồi đây có thể sẽ vào Trung ương, đó là quy luật.
Nhà báo Bắc Văn và Nhà báo Vương Xuân Nguyên bên di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhưng ai cũng vậy, vào Trung ương là để cống hiến cho Đảng, cho dân, chứ không phải để cho oai, để kiếm chác. Một dịp khác, ông lại chia sẻ, cứ ngẫm mà xem, sao nhiều người tham thế, tiền, của có thiếu đâu. Thế mà chưa làm gì đã nghĩ đến chấm mút. Tiền nhiều, lúc chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Những chia sẻ nằm lòng ấy hẳn ai cũng phải ghi nhớ mà tự răn mình. Chắc chắn, nhiều cán bộ đang chịu hình phạt tù nhớ đến điều cố Tổng Bí thư chia sẻ ấy không khỏi đắng lòng rơi lệ.
Nhớ ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhớ nhiều việc ông đã làm cho dân, cho nước. Những việc ông cùng Trung ương các khóa trước đã làm, nay tiếp tục được làm triệt để, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; để đưa đất nước vươn mình vào Kỷ nguyên mới, phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường. Đó là nguyện vọng của nhân dân và cũng là nén tâm nhang tri ân người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã lo cho dân cho nước đến hơi thở cuối cùng/.