Phú Thọ: Vận hành thông suốt hệ thống thông tin thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền 2 cấp

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và đẩy mạnh tập huấn cán bộ để vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Hệ thống này bước đầu đã vận hành ổn định, thông suốt trên toàn tỉnh, khẳng định quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.
img-8912-1752288922.jpeg
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn

Với sự chuẩn bị bài bản và chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại tỉnh Phú Thọ bước đầu đã vận hành ổn định, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Ngay từ khi hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, UBND tỉnh Phú Thọ đã xác định rõ việc triển khai hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò nền tảng trong xây dựng chính quyền số. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật; bảo đảm khả năng kết nối liên thông giữa các nền tảng dùng chung như hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC… Việc này giúp phát hiện sớm và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành.

Văn phòng UBND tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan công bố, công khai danh mục TTHC, đồng thời theo dõi sát tình hình thực tiễn để tham mưu giải pháp điều hành phù hợp. Tính đến nay, tỉnh đã ban hành 36 quyết định công bố danh mục TTHC phân cấp, phân quyền theo 28 nghị định của Chính phủ, với tổng số 1.490 TTHC được áp dụng chính thức – đạt 100% yêu cầu của bộ, ngành Trung ương.

Công tác cấu hình, tích hợp hệ thống được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với VNPT hoàn tất, bảo đảm đồng bộ chức năng nộp hồ sơ, xử lý và trả kết quả hoàn toàn trên môi trường điện tử. Tỉnh cũng đã cấp chữ ký số cho các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn các xã, phường mở tài khoản ngân hàng phục vụ thu phí, lệ phí trực tuyến.

Toàn bộ 148 xã, phường trên địa bàn tỉnh đều đã bố trí cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. 100% cán bộ, công chức cấp xã được tập huấn đầy đủ và sẵn sàng vận hành hệ thống số. Hạ tầng viễn thông tại cơ sở được hai nhà mạng lớn là VNPT và Viettel nâng cấp, mở rộng băng thông, giúp hệ thống vận hành thông suốt, không gián đoạn.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cán bộ nhanh chóng thích nghi với quy trình số hóa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thao tác thuần thục, nâng cao hiệu suất công việc. Dù hệ thống tại cấp xã mới vận hành một tuần, nhưng đội ngũ cán bộ cơ sở đã bắt nhịp nhanh, chủ động tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục một cách rõ ràng, hiệu quả. Người dân ở nhiều xã có địa bàn rộng, cách xa trung tâm hành chính cũ, nay chỉ mất chưa đầy 5 phút để nộp hồ sơ trực tuyến thay vì phải di chuyển 50–60km như trước đây. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng mức độ hài lòng của người dân.

Dù vậy, quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số khó khăn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Việc phân cấp nhiều nội dung từ cấp huyện xuống cấp xã khiến không ít cán bộ còn bỡ ngỡ. Một số địa phương được trang bị thiết bị nhưng chưa đồng đều, hạ tầng đường truyền còn hạn chế; cán bộ, dù đã được tập huấn, nhưng vẫn lúng túng trong thời gian đầu tiếp cận hệ thống.

Trước thực tế đó, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt tại các xã vùng khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ tại 148 trung tâm cấp xã; đồng thời rà soát, công bố và công khai danh mục TTHC đang áp dụng, chuẩn hóa dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những bước đi này không chỉ củng cố nền tảng chính quyền số mà còn hướng đến nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trong toàn tỉnh.