Vượt qua khủng hoảng và đặt nền móng hội nhập (1986 - 1995)
Giai đoạn mở đầu của Đổi mới là cuộc chiến sinh tồn để thoát khỏi tình trạng kinh tế suy kiệt và phá vỡ thế bao vây, cấm vận. Việt Nam khi đó chìm trong khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng với lạm phát phi mã lên tới 774,7% (năm 1986), sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm và đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, việc bị bao vây cấm vận kinh tế cùng với thiếu hụt viện trợ quốc tế đã làm tình hình thêm phức tạp.
Dưới sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, "kiến trúc sư trưởng" của Đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã thể hiện sự dũng cảm và quyết tâm đổi mới tư duy, kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Ông đã khơi dậy tinh thần "dám nghĩ, dám làm" từ cơ sở, đặc biệt là từ TP. Hồ Chí Minh, để tiến tới những quyết sách mang tính đột phá: "cởi trói" cho sản xuất, khuyến khích kinh tế nhiều thành phần, và ưu tiên Phát triển nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực cấp bách.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định tầm nhìn và định hình những chính sách chiến lược về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Những thành công mang tính sống còn: Kiềm chế lạm phát từ mức ba con số xuống một con số, ổn định kinh tế vĩ mô; Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực đã tự túc và bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989, chấm dứt nạn đói kinh niên; Ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (1987), thu hút những dòng vốn FDI đầu tiên, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn và chủ động mở rộng hội nhập quốc tế. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), dấu mốc quan trọng là việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại vào tháng 2/1994. Tiếp đó, vào tháng 7/1995, Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế và đối ngoại.
Gia nhập ASEAN vào năm 1995, đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Việt Nam với khu vực và khởi đầu kỷ nguyên hội nhập mới. Dù nền kinh tế còn non yếu và thể chế kinh tế thị trường còn sơ khai, việc vượt qua khủng hoảng và đặt nền móng là thành công mang tính sống còn, tạo tiền đề vững chắc cho các giai đoạn phát triển sau này.
Đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hoá Đất nước (1996 - 2010)
Sau khi thoát khỏi khủng hoảng, Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển, đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Thách thức lớn nhất là làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, đặc biệt sau tác động của khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Giai đoạn này tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các nhà lãnh đạo chủ chốt như Thủ tướng Võ Văn Kiệt ("tổng công trình sư" của nhiều dự án chiến lược như đường dây tải điện 500kV Bắc – Nam) và Thủ tướng Phan Văn Khải ("kiến trúc sư" của quá trình hội nhập, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 "cởi trói" cho kinh tế tư nhân) đã có những đóng góp quan trọng.
Mục tiêu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo, đồng thời tích cực chuẩn bị tham gia các tổ chức kinh tế toàn cầu quan trọng. Những thành tựu nổi bật trong giai đoạn này: (1) Tốc độ tăng trưởng GDP cao: Bình quân 7-8%/năm, giúp Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 (khoảng 1.160 USD/người); (2) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh chóng, đạt khoảng 170 tỷ USD vào năm 2010; (3) Xóa đói giảm nghèo ấn tượng: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (1993) xuống dưới 10% (2010), cải thiện rõ rệt đời sống cho hàng triệu người.
Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995, quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2001, Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), mở ra cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư. Đỉnh cao là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng. Việt Nam còn đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên (2010) và tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2006.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng vẫn chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và lao động giá rẻ. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo, tham nhũng và lãng phí bắt đầu bộc lộ, đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ hơn.
Hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế (2011 - 2024)
Giai đoạn này chứng kiến Việt Nam tập trung vào chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững và khẳng định vai trò, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Bối cảnh toàn cầu đầy biến động (khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, đại dịch COVID-19) đặt ra áp lực lớn về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dưới sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật và mang tính nền tảng: (1) Phòng, chống tham nhũng quyết liệt: Với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", đã củng cố niềm tin của nhân dân; (2) Ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ấn tượng: Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định. Tính đến 12/2024, quy mô GDP ước đạt 476,3 tỷ USD (thứ 4 ASEAN, thứ 34 thế giới). Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước khoảng 6,0 - 6,5%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.700 USD, lạm phát được kiểm soát thành công ở mức 3,63%; (3) Thương mại bứt phá: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD (tăng 15,4%), xuất siêu 24,77 tỷ USD. Đặc biệt, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt 123,5 tỷ USD, kỷ lục, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ; (4) Thu hút FDI kỷ lục: Vốn FDI thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD (tăng 9,4%), là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay; (5) Đổi mới sáng tạo: Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tiếp tục thăng hạng, xếp thứ 44/133 quốc gia vào năm 2024; (6) Phát triển con người: Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn quốc năm 2024 là 4,06% (giảm 1,65%). Chỉ số Phát triển Con người (HDI) năm 2023 đạt 0,766, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao.
Đặc biệt trong giai đoạn này, Việt Nam từng bước nâng tầm vị thế đối ngoại. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh theo đường lối ngoại giao "cây tre", đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng và nâng tầm vị thế quốc tế. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và quan hệ đối tác kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đặc biệt, việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc và đối tác quan trọng, bao gồm: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (03/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024), New Zealand (02/2025), Indonesia (03/2025), Singapore (03/2025) và Thái Lan (05/2025) đã củng cố vững chắc vị thế đối ngoại của Việt Nam, tạo một mạng lưới đối tác tin cậy rộng lớn. Giai đoạn này đã tạo ra một nền tảng vững chắc về kinh tế vĩ mô ổn định, một khung khổ pháp lý và thể chế dần được hoàn thiện, cùng một vị thế quốc tế được nâng cao. Đây là cơ sở quan trọng để giai đoạn tiếp theo có những điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện các chiến lược cấu trúc lại và phát triển đột phá.
Kỷ nguyên vươn mình và phát triển đột phá toàn diện
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và Cách mạng công nghiệp 4.0 (AI, công nghệ số) bùng nổ, Việt Nam đang đứng trước thời điểm "hội tụ" các lợi thế để tạo ra bước đột phá. Lịch sử cách mạng đã chứng minh khả năng tạo nên kỳ tích khi ý Đảng hòa quyện với lòng dân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường.
Trước yêu cầu lịch sử đó, ngay khi trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng vào tháng 8 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định tầm nhìn và định hình những chính sách chiến lược về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây không chỉ là một khái niệm mà là tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển đột phá toàn diện của Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là thời kỳ mà toàn dân tộc sẽ phát huy tối đa nội lực, tự tin vượt qua mọi thách thức để xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, và vững vàng sánh vai với các cường quốc. Đại hội XIV của Đảng là điểm khởi đầu cho "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" dựa trên nền tảng vững chắc của gần 40 năm Đổi mới.
Để hiện thực hóa khát vọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra bảy định hướng chiến lược quan trọng, được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và quyết sách mạnh mẽ, đặc biệt là những thay đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025.
1. Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng: Để nâng cao năng lực lãnh đạo, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, tránh bao biện hoặc buông lỏng. Tinh gọn bộ máy, hợp nhất các cơ quan, phân định rõ vai trò lãnh đạo và quản lý. Đổi mới nghị quyết theo hướng ngắn gọn, thực chất, khả thi, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng chi bộ vững mạnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Đổi mới kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực.
2. Tăng cường tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa: pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần liên tục được hoàn thiện nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Để đạt mục tiêu này, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp với các giải pháp: chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng khuyến khích sáng tạo, phát triển; bảo đảm luật có tính ổn định, ngắn gọn, quy định nguyên tắc, giao Chính phủ, địa phương xử lý các vấn đề linh hoạt; đổi mới quy trình xây dựng và thực thi pháp luật, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chủ động xây dựng hành lang pháp lý cho các vấn đề mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh… tạo đột phá phát triển đất nước.
3. Tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Công tác tinh giản biên chế, gắn với vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chưa triệt để, gây cản trở phát triển, làm gia tăng thủ tục hành chính, lãng phí nguồn lực và làm lỡ thời cơ phát triển đất nước. Để khắc phục, cần tiếp tục xây dựng bộ máy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát để nâng cao tính chủ động và tự cường của địa phương. Tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 18 để làm cơ sở cho những quyết sách đổi mới mạnh mẽ về công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới.
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội quy định 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động với cơ cấu đã sắp xếp. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã), với 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước. Cơ cấu tổ chức HĐND và UBND cấp xã cũng được tinh gọn và chuyên môn hóa, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động. Cũng từ ngày 1/7/2025, các luật sửa đổi liên quan đến tổ chức TAND và VKSND có hiệu lực, sắp xếp lại TAND thành 3 cấp (Tối cao, cấp tỉnh, và khu vực), tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND khu vực và bổ sung quy định về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, thể hiện sự hoàn thiện thể chế tư pháp.
4. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện: Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.
5. Quyết liệt chống lãng phí: Xác định lãng phí là mối nguy hại nghiêm trọng, ngang tầm với tham nhũng. Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ ban hành quy định của Đảng để nhận diện, chiến lược quốc gia, quy định của pháp luật và thực thi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực”. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
6. Xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao: Đảm bảo cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí. Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.
7. Đột phá mạnh mẽ về kinh tế: Nhận diện rõ nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình (năng suất lao động giảm, phụ thuộc FDI vào xuất khẩu sản phẩm giản đơn, rào cản thể chế). Giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là ưu tiên cao nhất. Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo). Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Những định hướng chiến lược nêu trên, đã được cụ thể hóa qua "bộ tứ trụ cột" chính sách tạo nên khung lý luận và hành động cho mô hình phát triển mới của Việt Nam: (1) Nghị quyết số 66-NQ/TW về Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật: Thúc đẩy chuyển đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ "quản lý" sang "phục vụ" và "kiến tạo", biến pháp luật thành công cụ kích thích phát triển, khuyến khích sáng tạo, và bảo vệ quyền tự do kinh doanh; (2) Nghị quyết số 57-NQ/TW về Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Khẳng định vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới và động lực chính. Ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và chiến lược như AI, bán dẫn, vật liệu và năng lượng mới nhằm nâng cao năng suất và chuyển dịch lên các khâu giá trị gia tăng cao hơn; (3) Nghị quyết số 68-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân: Khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân, với các chính sách cụ thể nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ (ví dụ: mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, các ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn). Đây là giải pháp chiến lược để khơi thông mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt kỷ lục 197.900 năm 2024; (4) Nghị quyết số 59-NQ/TW về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới: Đề ra định hướng hội nhập quốc tế một cách chủ động, toàn diện và thực chất, coi đây là điều kiện bắt buộc để nâng cao nội lực và sức cạnh tranh quốc gia, tiếp cận công nghệ, thị trường và tri thức toàn cầu. Tầm quan trọng của giai đoạn hiện tại và triển vọng tương lai
Giai đoạn hiện tại là cực kỳ quan trọng bởi nó là sự tổng hòa và tiếp nối những thành tựu của gần 40 năm Đổi mới, đồng thời là bước chuyển mình quyết liệt để giải quyết những thách thức còn tồn tại và nắm bắt cơ hội mới. Sự "chuyển động đồng pha" mạnh mẽ và nhất quán giữa Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện qua các quyết sách và luật mới có hiệu lực từ 1/7/2025, tạo niềm tin vững chắc vào khả năng bứt phá của Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2025. Vốn FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD (tăng 8,1%) và tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD (tăng gần 33%), mức cao nhất kể từ năm 2009.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là giai đoạn tổng hòa những thành tựu của gần 40 năm Đổi mới, là thời điểm để đất nước tận dụng mọi lợi thế, giải quyết triệt để những điểm nghẽn còn tồn tại và bứt phá mạnh mẽ. Đây là lời hiệu triệu toàn dân tộc phát huy tối đa nội lực, kết hợp với các quyết sách táo bạo và đồng bộ (như "bộ tứ trụ cột" nghị quyết và các cải cách lớn có hiệu lực từ 1/7/2025), nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững vàng sánh vai với các cường quốc, và đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là động lực mạnh mẽ để Việt Nam khẳng định vị thế và tạo nên những kỳ tích mới trong thời đại Hồ Chí Minh./.