Giới thiệu công trình “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (Phần I)

08/09/2022 07:32

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết (Giới thiệu công trình “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn) của tác giả GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Thạch nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1 trong cuốn sách quý nói trên.

Sách vở là tài sản quí nhất của nhà trí thức uyên bác, nhà khoa học lớn của Nông nghiệp Việt Nam GS.VS. Đào Thế Tuấn. GS.TS. Mai Văn Quyền học trò và sau này là đồng nghiệp của thầy có viết: “Đến phòng ở của thầy Tuấn, ngoài sách các loại chất đầy kệ thì không có gì khác. Ngồi phệt giữa sàn nhà, với tay là có sách, thầy đọc và ghi chép, cứ thế, hết ngày này qua tháng khác”. Nhà báo Hàm Châu đã viết: “GS.VS Đào Thế Tuấn là người viết nhiều - hay nói theo cách các cụ đồ xưa - là học giả ‘trước tác đẳng thân’ (sách chồng cao ngang đầu)”. Thời sinh viên, ông đã đưa in ở Tashkent (Liên Xô cũ) cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Nga, về cây lúa. Trở về nước, theo năm tháng, ông lần lượt đưa in thêm 18 cuốn sách nữa ở nhiều nhà xuất bản lớn. Ông còn công bố hàng loạt bài báo khoa học. Tính đến năm 2005 (năm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh), ông đã in 206 công trình trên các tạp chí tiếng Việt, 36 công trình trên các tạp chí tiếng Anh, 58 công trình trên các tạp chí tiếng Pháp, và 5 công trình trên các tạp chí tiếng Nga. Trong kho tàng các tác phẩm của GS.VS Tuấn, như bầu trời với đầy những vì sao tinh tú, tác phẩm khoa học: “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” như một ngôi sao chói sáng. Cuốn sách đã có tác động đột phá, rất mạnh mẽ và sâu sắc đến sự nghiệp thâm canh tăng năng suất lúa của Việt Nam vào thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước. Sự ra đời của cuốn sách đã đưa kỹ thuật trồng lúa mang màu sắc kinh nghiệm chủ nghĩa sang một hệ thống biện pháp có cơ sở khoa học chính xác. Tác phẩm là một tập hợp rất đồ sộ, rất cập nhật các kiến thức về sinh lý cây lúa của các nhà khoa học thế giới cùng với các công trình mới mẻ của tác giả lúc bấy giờ. Cuốn sách không những góp phần tích cực trong sự nghiệp thâm canh tăng năng suất lúa mà còn có tác động đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu Sinh lý Thực vật của Việt Nam.

ra-1662344642.jpg
Cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác" 

Bối cảnh ra đời cuốn sách

Bảo vệ thành công xuất sắc luận án về sinh lý cây luá dưới sự hướng dẫn của giáo sư Eryghin, một nhà sinh lý thực vật nổi tiếng ở Liên Xô, nhà khoa học trẻ Đào Thế Tuấn trở về nước vào năm 1958. Ông đã xác định cây lúa chiếm ví trí trung tâm trong nền nông nghiệp nước ta và quyết định tập trung nghiên cứu về cây lúa, trong đó thâm canh tăng năng suất lúa là mục tiêu chính. Lúc đó, nông nghiệp nước ta do ảnh hưởng của phong trào Đại nhảy vọt ở Trung Quốc (1957-1960), nhiều nơi đã hiểu thâm canh một cách rất ấu trĩ: Cứ cấy dồn lúa với mật độ thật dày, bón thật nhiều phân là có được ruộng lúa thâm canh, ruộng sẽ cho năng suất cao nhảy vọt. Thế nhưng, phong trào này đã thất bại nặng nề, lúa bị lốp đổ, hạt bị lép hầu như không cho thu hoạch. Nhà Nông học Đào Thế Tuấn trong hồi ức của mình đã viết: “Tôi thấy việc làm này không có nghĩa nhưng không dám nói”. Nhưng qua sự thất bại của phong trào này, đã thôi thúc ông đặt một hướng nghiên cứu về sinh lý học của năng suất, để xây dựng cơ sở khoa học cho việc thâm canh tăng năng suất lúa. Ông bắt đầu từ việc nghiên cứu về nguyên nhân của hiện tượng lốp đổ khi cấy dày và bón nhiều đạm. Các nghiên cứu này đã đặt cơ sở đầu tiên cho việc nghiên cứu thâm canh lúa ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, các giống lúa cổ truyền của nước ta không thể đạt năng suất cao vì cao cây, dễ đổ. Tác giả đúc rút: Thâm canh tăng năng suất lúa phải kết hợp cả hai hướng, chọn tạo giống và xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Sau 10 năm nghiên cứu (từ 1959 đến 1968), dưới sự lãnh đạo của ông, tập thể Bộ môn Sinh lý Thực vật của Học viện Nông lâm (đến năm 1963) và Viện Khoa học Nông nghiệp (từ 1964) đã tiến hành hàng loạt đề tài nghiên cứu về sinh lý của ruộng lúa năng suất cao. Trên cơ sở vừa tiến hành bố trí các thí nghiệm tại viện, vừa lập những điểm thâm canh lúa ở nhiều địa phương, vừa nghiên cứu tổng kết các ruộng lúa năng suất cao, vừa tổng quan một khối lượng đồ sộ các công trình của nhiều  nhà khoa học nổi tiếng thế giới về sinh lý cây lúa, tác giả đã xác định được cơ sở khoa học của việc thâm canh tăng năng suất lúa và tìm ra quy luật tạo thành năng suất của các ruộng lúa năng suất cao ở Việt Nam. Từ đây, ra đời cuốn: “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao”. Tham gia vào công trình này có hàng loạt cán bộ của bộ môn Sinh lý Thực vật như: Nguyễn Văn Uyển, Nguyễn Hữu Nghĩa, Mai Văn Quyền, Phạm Bình Nhưỡng, Ngô Thị Yến Mai, Đào Thị Lương, Nguyễn Thị Nguyệt, Trần Thanh Vân,… Ngày nay, nhiều cộng sự này đã trưởng thành và trở thành các nhà khoa học nông nghiệp có tên tuổi như: PGS.TS. Nguyễn Văn Uyển, GS.TS. Mai Văn Quyền, GS.TS. Nguyễn Hữu Nghĩa, Đại tá Phạm Bình Nhưỡng,… Trong quá trình nghiên cứu, tác giả còn được sự cộng tác của GS.TS. Nguyễn Văn Luật lúc đó phụ trách điểm thâm canh lúa ở HTX Tân Hưng Hòa, Thái Bình. GS. Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng trực tiếp chỉ đạo và giúp đỡ nhiều ý kiến cho quá trình triển khai nghiên cứu và tổng kết ra đời cuốn sách.

Có thể nói, công trình nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa của nước ta, phấn đấu đạt trên 5 tấn thóc một hecta vào các năm 70, phục vụ đắc lực mục tiêu kép: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công vừa và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Cuốn sách đã có ảnh hưởng lâu dài trong sự nghiệp thâm canh lúa ở Việt Nam.

fff-1662561511.jpg
GS, TS, NGND Nguyễn Quang Thạch. 

Phần 1: Các vấn đề quan trọng trong cuốn sách

Chương I. SINH LÝ CỦA CÂY TRỒNG NĂNG SUẤT CAO

Tác giả đã có cách đặt vấn đề rất mạch lạc: Hiện nay, ở nước ta đang tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, để phát triển nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa theo phương hướng thâm canh tăng năng suất. Cây lúa chiếm một ví trí trung tâm trong nền nông nghiệp nước ta, vì vậy thâm canh tăng năng suất lúa là một trong những mục tiêu chính của cuộc cách mạng kỹ thuật.

 Muốn tăng năng suất lúa, về mặt khoa học kỹ thuật phải làm hai việc:

1. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của việc tăng năng suất lúa như: Thủy lợi, phân bón, công cụ cơ giới hóa, hạt giống, phương tiện bảo vệ thực vật.

2. Xây dựng quy trình kỹ thuật tăng năng suất lúa, tức là xác định quy cách, thời gian tác động các biện pháp kỹ thuật vào đất và cây để đạt năng suất cao.

Hiểu biết sinh lý của cây lúa năng suất cao là cơ sở để tiến hành hai công việc trên được tốt và đúng nhất, vì tất cả các biện pháp kỹ thuật tác động vào đất hay cây, đều phải thông qua các quá trình sinh lý của cây lúa mới biến thành năng suất được. Nếu chúng ta không hiểu biết các quá trình sinh lý đã tiến hành như thế nào để tạo thành năng suất, thì việc xây dựng quy trình kỹ thuật chỉ có tính chất “kinh nghiệm chủ nghĩa”. Tác giả nhấn mạnh: Chính nhà sinh lý thực vật vĩ đại người Nga, Timiryazev đã phát biểu là phải làm thế nào cho sinh lý thực vật trở thành “cơ sở của sự trồng trọt hợp lý” và nuôi mơ ước làm thế nào để có “hai bông lúa nơi trước đây chỉ có một bông”. Tác giả cho rằng: Các biện pháp kỹ thuật áp dụng ở các ruộng năng suất cao khác hẳn các biện pháp áp dụng ở các ruộng bình thường. Muốn đạt thu hoạch cao, không thể thiếu được sự hiểu biết về sinh lý của cây trồng năng suất cao, vì năng suất cao là kết quả của  sự phối hợp tốt nhất các quá trình sinh lý khác nhau của cây trồng, chỉ sai một tý có thể dẫn đến thất bại. Do đấy có thể nói: Sinh lý của cây trồng năng suất cao là cơ sở của việc thâm canh tăng năng suất”. 

Tổng kết tài liệu nước ngoài, tác giả đúc kết: Trong các cây lương thực trên thế giới, cây lúa là cây có khả năng cho năng suất hạt cao nhất. Vì vậy, việc nghiên cứu sinh lý của cây lúa năng suất cao đã bắt đầu được nghiên cứu ở nhiều nước, nhất là ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Nhật Bản là nước có năng suất lúa cao nhất thế giới (lúc đó năng suất lúa của Nhật Bản đạt trên 50 tạ/ha ở quy mô trên 3,3 triệu hecta). Sở dĩ ở Nhật Bản đã xây dựng được một hệ thống biện pháp kỹ thuật thâm cạnh lúa như vậy, là do các nhà sinh lý thực vật Nhật Bản đã tìm hiểu được rất sâu các quá trình sinh lý tạo năng suất cao của cây lúa. Ở Trung Quốc đi đôi với việc làm ruộng năng suất cao, việc nghiên cứu về sinh lý cây lúa năng suất cao cũng được tiến hành rất sâu rộng. Đặc biệt, các nhà khoa học Trung Quốc đã dùng phương pháp sinh lý để tổng kết kinh nghiệm của quần chúng trong việc làm ruộng năng suất cao. Học tập các bài học kinh nghiệm này, tác giả đã vừa tiến hành các nghiên cứu về sinh lý cây lúa năng suất cao tại Học Viện Nông lâm (từ 1959-1962) và Viện Khoa học Nông nghiệp (từ 1963-1969), vừa tổng kết các ruộng lúa năng suất cao ở các địa phương theo các chỉ tiêu sinh lý, vừa tổng hợp các tư liệu nước ngoài, biên soạn thành công cuốn sách “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao”. Cuốn sách đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật tăng năng suất lúa cụ thể cho từng vùng ở Việt Nam.

Chương II. CƠ CẤU NĂNG SUẤT LÚA

Tác giả bắt đầu chương II bằng khái niệm cơ cấu năng suất lúa. Theo tác giả, năng suất lúa do các yếu tố sau đây cấu thành: Số bông một mét vuông, số hạt chắc một bông và khối lượng 1000 hạt. Lúc đó (giai đoạn 1960-1970), tác giả đưa ra khái niệm: “cơ cấu năng suất lúa” là còn mới mẻ; nhưng ngày nay khái niệm này đã trở nên quen thuộc, đó chính là: “các yếu tố cấu thành năng suất”. Tác giả đặt vấn đề: “Muốn phân tích sự hình thành năng suất lúa, người ta thường xem năng suất lúa do những yếu tố gì quyết định, tức là phân tích cơ cấu của năng suất”. Theo tác giả: Việc phân tích cơ cấu năng suất của các ruộng lúa năng suất cao sẽ giúp chúng ta:

1. Hiểu biết cơ cấu năng suất của các giống lúa năng suất cao, để quyết định phương hướng chọn giống có năng suất cao.

2. Biết đối với từng điều kiện thì yếu tố nào của cơ cấu quyết định năng suất nhất, để xác định phương hưởng tác động các biện pháp kỹ thuật. 

Kết luận chương II

Sau khi nghiên cứu về cơ cấu sản lượng của các ruộng lúa năng suất cao và mối tương quan giữa các yếu của cơ cấu sản lượng, tác giả đã đi đến các kết luận sau:

1. Các giống lúa hiện cấy ở nước ta theo cơ cấu sản lượng, có thể chia thành hai loại hình to bông và nhiều bông.

2. Ở các ruộng năng suất cao, phần nhiều các giống thuộc loại hình nhiều bông cho năng suất cao hơn các giống thuộc loại hình to bông.

3. Các yếu tố của cơ cấu sản lượng tốt nhất phụ thuộc vào loại hình giống lúa và vụ lúa. Cần phải xác định được giới hạn của các yếu tố ấy đối với từng giống, mới xác định được hướng tác động các biện pháp kỹ thuật.

4. Hướng tạo giống ở nước ta là phải tạo  giống thấp cây, có khả năng đạt số bông trên một đơn vị diện tích cao nhưng có bông to, hạt nặng, đồng thời phải tạo các giống cao cây có bông to và nặng hơn nữa, nhưng tương đối cứng cây chịu phân.

5. Giữa số bông một đơn vị diện tích và khối lương một bông (số hạt một bông và khối lương hạt trên bông) có một sự mâu thuẫn, lúc tăng yếu tố này thì yếu tố kia giảm.

6. Việc xác định mật độ cấy phải căn cứ vào các điều kiện như loại hình giống, thời tiết (vụ Chiêm hay Mùa), độ màu mỡ của đất và mức phân bón. Nếu các điều kiện không thuận lợi cho việc đẻ nhánh, thì nên dựa vào bông chính nhiều hơn; nếu các điều kiện thuận lợi cho nhánh, thì nên dựa vào đẻ nhánh. Vấn đề mật độ cần phải giải quyết trên quan điểm sinh lý của quần thể ruộng lúa.

7. Dựa vào kết quả điều tra các ruộng năng suất cao  tác giả  đã đề nghị một phương pháp quy hoạch mật độ cấy đơn giản.

 

Chương III. SỰ TÍCH LŨY VÀ PHÂN PHỐI CHẤT KHÔ CỦA CÂY LÚA

Đây là phần giới thiệu bản chất sinh lý của sự hình thành năng suất cây trồng, điều mà các sách thuần túy phổ biến kỹ thuật sẽ ít đề cập. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, phần này đã được GS.VS. Đào Thế Tuấn phân tích rất chi tiết và sâu sắc. Tác giả đã làm rõ năng suất là kết quả của hoạt động của quang hợp. Vì thế, muốn điều khiển tăng năng suất phải điều khiển quang hợp. Bên cạnh việc tổng kết các số liệu kết quả nghiên cứu, tác giả đã tập hợp các tài liệu, quan điểm mới nhất (vào lúc đó) về vấn đề quang hợp và năng suất cây trồng để viết rất thành công phần này. Các tư liệu của phần này đã đóng góp rất lớn vào việc bổ sung và Việt Nam hóa các Giáo trình giảng dạy về Sinh lý Thực vật của Việt Nam, đặc biệt ở chương Quang hợp và Năng suất.

Đầu tiên, tác giả giới thiệu năng suất chất khô của cây trồng chủ yếu là sản phẩm của quá trình quang hợp, vì 90-95% chất khô của cây trồng là chất hữu cơ tổng hợp được trong quá trình quang hợp. Sự hoạt động của bộ máy quang hợp là yếu tố cơ bản, quyết định năng suất cây trồng. Nói cách khác, năng suất cây trồng là kết quả hoạt động cuả bộ máy quang hợp. Tác giả cũng phân biệt năng suất sinh vật và năng suất kinh tế. Trong đó, toàn bộ năng suất chất khô thu được gọi là năng suất sinh vật còn năng suất của bộ phận kinh tế gọi là năng suất kinh tế. Đối với cây lúa, bộ phận kinh tế là hạt lúa. Năng suất kinh tế chính là năng suất thóc.

Tỷ lệ của năng suất kinh tế trên năng suất sinh vật gọi là hệ số kinh tế. Năng suất kinh tế cao hay thấp phụ thuộc vào hai điều kiện sau:

1. Năng suất sinh vật cao hay thấp.

2. Sự chuyển vận chất khô từ bộ phận không kinh tế về bộ phận kinh tế.

GS  Đào Thế Tuấn đã tổng hợp các công thức đề nghị đề biểu hiện năng suất chất khô của các tác giả khác nhau  (Boysen - Jensen, 1932 ; Ivanov, 1941 ; Blackman và Rutter, 1948 ; Watson, 1952 ; Nisiporovich, 1955 , 1956 )  và  đi đến đúc kết :  năng suất chất khô của cây trồng do ba  yếu tố chủ yếu sau đây quyết định:

1. Chỉ số diện tích lá.

2. Thời gian tích lũy chất khô.

3. Hiệu suất quang hợp thuần hay lượng đồng hóa thuần.

Như vậy, các đường hướng để nâng cao năng suất cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng  là biện pháp nâng cao ba yếu tố trên: 1) Nâng cao diện tích lá của quần thể cây trồng (chỉ số diện tích lá); 2) Đảm bảo thời gian làm việc tối đa của bộ máy quang hợp (thời gian tích lũy chất khô) và 3); Nâng cao lượng chất khô tích luỹ trên một đơn vị diện tích lá/đơn vị thời gian (nâng cao hiệu suất quang hợp thuần hay lượng đồng hóa thuần ).

Muốn có năng suất chất khô cao trước hết phải có chỉ số diện tích lá tối ưu cao, sau đấy phải giữ được chỉ số diện tích lá tối ưu trong một thời gian dài, tức là có thế năng quang hợp cao (tổng số của diện tích lá hàng ngày) đồng thời phải có hoạt động quang hợp tốt, tức là tích lũy chất khô cao trên một đơn vị diện tích lá/đơn vị thời gian (hiệu suất quang hợp thuần hay lượng đồng hóa thuần ).

 Đối với mỗi loài và giống cây trồng có một chỉ số diện tích lá cao nhất thích hợp (chỉ số diện tích lá tối ưu), mà vượt quá mức độ ấy thì sự tích lũy chất khô bị giảm. Chỉ tiêu này như một thước đo đánh giá việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh cho cây lúa  ( mật độ cấy, bón phân, tưới nước…). Tác giả đã điều tra và đúc kết bảng chỉ số diện tích lá tối ưu cho các loại hình giống lúa được trình này ở phần kết luận.

GS.VS. Đào Thế Tuấn nhận định : Con đường để nâng cao năng suất lúa ở nước ta cao hơn nữa, một mặt phải dựa vào diện tích lá, một mặt phải dựa vào hiệu suất quang hợp. Muốn nâng cao năng suất lên trên 60 tạ/ha phải dùng các giống lúa thấp cây là các giống có hệ số kinh tế cao, ít thay đổi và chủ yếu dựa vào diện tích lá để tích lũy chất khô. Tác giả nhắc nhở: Các giống lúa thấp cây hiện được cấy ở miền Bắc nước ta phần nhiều được tạo ở miền Nam Trung Quốc, còn có nhược điểm là dễ bị bệnh nhất là bệnh khô đầu lá và bạc lá, nên năng suất chưa ổn định. Muốn có năng suất cao và ổn định phải nghiên cứu để khắc phục hiện tượng ấy. Theo định hướng này, giống lúa NN75-10 (X1) là giống lúa thấp cây kháng  bệnh đầu tiên của Việt Nam có thể cấy trong vụ Mùa, được lai giữa giống NN8 và IR22 chọn theo hướng kháng bệnh bạc lá có thể cấy trong vụ Mùa.

Kết luận chương III

Nghiên cứu về sự tích lũy và phân phối chất khô các ruộng lúa năng suất cao ở nước ta, tác giả có một số kết luận sau:

1. Các ruộng lúa có năng suất 40-75 tạ/ha ở nước có chỉ số diện tích lá cao nhất (chỉ số diện tích lá tối ưu ) vào thời gian sắp trỗ khoảng 3-4. Các loại hình giống lúa khác nhau đạt chỉ số diện tích lá cao nhất khác nhau:

Mùa nhiều bông: 4-5

Mùa to bông: 5-6 (hệ số kinh tế thấp)

Chiêm nhiều bông: 3-4

Chiêm to bông: 3

Xuân nhiều bông: 4-7

Xuân to bông: 4-5

Như vậy, là chỉ số diện tích lá cao nhất của các giống cao cây ở nước ta thấp hơn nhiều so với các ruộng năng cao của các nước.

2. Nguyên nhân của việc ruộng lúa không phát triển được diện tích lá cao hơn nữa, không phải vì sản lượng chất khô bị giảm do lá che ánh sáng của nhau như ở các nước, mà vì hệ số kinh tế bị giảm do thân lá phát triển mạnh hơn hạt (trừ các giống lúa thấp cây).

3. Hệ số tiêu ánh sáng của quần thể ruộng lúa cao cây năng suất cao ở nước ta là K: 0,7-0,8, nghĩa là cao hơn ở các nước. Điều này chứng tỏ rằng cấu tạo của quần thể các giống lúa ở nước ta không tốt bằng ở các nước. Đối với các giống lúa thấp cây hệ số K vào khoảng 0,4.

4. Sự phân bố lá của các ruộng năng suất cao thường có hình như quả trám và lá tập trung chủ yếu vào các tầng giữa.

5. Dùng công thức lý luận để tính toán chỉ số diện tích lá tối ưu của nước ta, thấy lúa cao cây đạt khoảng 3,6 vụ Đông Xuân và 4,1 vụ Mùa, lúa thấp cây đạt khoảng 6,3 vụ Đông Xuân và 7,1 vụ Mùa.

6. Diện tích lá ở các ruộng năng suất cao lúc đầu phát triển chậm, sau tăng lên mạnh, đạt trị số cao nhất vào lúc gần trỗ rồi giảm xuống. Thế năng quang hợp của các ruộng năng suất cao ở nước ta vào khoảng 150-400 m2/ngày.

7. Hệ số kinh tế của lúa, ở nước ta thay đổi từ 0,2 đến 0,6, các giống lúa thấp cây có hệ số kinh tế khoảng 0,4-0,6. Do hệ số kinh tế thấp nên cản trở việc tạo thành  năng suất cao ở các giống cao cây.

8. Các ruộng lúa năng suất cao có thể đạt được bằng cách tăng diện tích lá cũng như tăng hiệu suất quang hợp. Nhưng sự tích lũy chất khô ở nước ta phụ thuộc vào hiệu suất quang hợp nhiều hơn. Tuy vậy, vai trò của diện tích lá trong thời gian diện tích lá đang tăng lên cũng là quan trọng. Ở các giống thấp cây quang hợp dựa vào diện tích lá nhiều hơn.

9. Trong tốc độ tích lũy chất khô của các ruộng lúa năng suất cao ở nước ta, thấy có sự giảm sút lúc gần trỗ hay lúc trỗ là có tính quy luật. Còn ở một số ruộng khác có một sự giảm sút sớm hơn không có tính quy luật. Các ruộng năng suất cao thường có lượng chất khô tuyệt đối và tương đối tích lũy cao hơn sau lúc trỗ.

10. Điều kiện bức xạ ánh sáng mặt trời ở nước ta cho phép đạt năng suất sinh vật khoảng 200-350 tạ/ha, và năng suất kinh tế khoảng 100-120 tạ/ha. Tuy vậy, năng suất hiện nay còn thấp, vì hiệu suất sử dụng ánh sáng mặt trời chỉ mới đạt 0,9-1,8%, bình quân 1,2% ở các ruộng năng suất cao.

11. Con đường để nâng cao sản lượng lúa ở nước ta hơn nữa, một mặt phải dựa vào diện tích lá, một mặt phải dựa vào hiệu suất quang hợp. Đối với các giống cao cây to bông thì nặng nề về hiệu suất quang hợp, đối với các giống cao cây nhiều bông thì coi trọng cả hai nhân tố, thì hệ số kinh tế mới không bị giảm.

Muốn nâng cao năng suất lên trên 60 tạ/ha phải dùng các giống lúa thấp cây là các giống có hệ số kinh tế cao, ít thay đổi và dựa vào diện tích lá nhiều để tích lũy chất khô.

Chương IV. ĐIỀU KHIỂN SỰ QUANG HỢP CỦA RUỘNG LÚA

Trong chương III, tác giả đã tổng kết quy luật quang hợp của ruộng lúa năng suất cao. Trong chương này tác giả dựa vào các tài liệu thực nghiệm để đề xuất phương pháp và khả năng điều khiển sự quang hợp của ruộng lúa.

Theo tác giả, các yếu tố chủ yếu quyết định năng suất quang hợp hay sự tích lũy chất khô của ruộng lúa là diện tích lá và hiệu suất thuần của quang hợp. Vì vậy, điều khiển sự quang hợp của ruộng lúa là điều khiển sự phát triển của diện tích lá và nâng cao hiệu suất thuần của quang hợp. Sự phát triển của diện tích lá phụ thuộc vào mật độ trồng, chế độ nước và chế độ dinh dưỡng khoáng của cây (Nitsporovits - 1956, 1963). Trong các yếu  tố ảnh hưởng đến sự phát triển diện tích lá, đạm là yếu tố các dụng mạnh nhất (Watson - 1952, Takeda - 1965). Việc nâng cao hiệu suất quang hợp tương đối khó khăn hơn. Tuy vậy, nhiều công trình nghiên cứu cũng cho thấy chọn ging, tưới nước và bón phân ảnh hưởng tốt đến hiệu suất quang hợp (Watson - 1952, Begitsev - 1953, Nitsiporovits - 1956, Ustenki - 1963, Petinov - 1963).

Tác giả đã nghiên cứu hàng loạt vấn đề sau:

- Ảnh hưởng của liều lượng đạm đến các yếu tố của sự quang hợp của ruộng lúa. 

- Ảnh hưởng của phân lân và kali khi tăng lượng đạm bón đến các yếu tố của sự quang hợp.

- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến các yếu tố của sự quang hợp.

- Ảnh hưởng của phân đạm và kali đến các yếu tố của sự quang hợp trong thời kỳ làm đòng của cây lúa.

- Ảnh hưởng của việc rút nước đến các yếu tố của sự quang hợp.

- Các biện pháp nâng cao các yếu tố của sự quang hợp sau trỗ.

Kết luận chương IV

Qua nghiên cứu tìm các biện pháp để điều khiển sự quang hợp của ruộng lúa tác giả rút ra các kết luận sau:

1. Đạm làm tăng diện tích lá rõ rệt, nhưng lúc diện tích lá cao, hiệu suất quang hợp bị giảm. Chỉ ở các giống lúa chịu phân, thì đạm tăng lên mới ít ảnh hưởng đến hệ số kinh tế và làm cho năng suất kinh tế tăng theo mức đạm bón.

2. Lúc đạm tăng, lân và kali bón lót không cải thiện được sự quang hợp của ruộng lúa bị đạm làm xấu đi.

3. Ở mức phân bón thấp, việc tăng mật độ cấy có tác dụng nâng cao diện tích lá của ruộng lúa.

4. Trong thời kỳ làm đòng nếu diện tích lá thấp, đạm có tác dụng làm tăng diện tích lá và hiệu suất quang hợp; nếu diện tích lá cao, kali có tác dụng kìm hãm sự phát triển của diện tích lá và tăng hiệu suất quang hợp.

5. Lúc diện tích lá trong thời kỳ làm đòng cao, rút nước phơi ruộng có tác dụng kìm hãm sự phát triển của diện tích lá và tăng hiệu suất quang hợp.

6. Sau khi lúa trỗ, đạm có thể làm tăng diện tích lá, kali làm cho diện tích lá giảm chậm và tăng hiệu suất quang hợp.

7. Phun đạm, lân và kali lên lá lúc trỗ làm cho diện tích lá giảm chậm và tăng hiệu suất quang hợp rõ rệt.

Chương này đã đặt cơ sở cho việc xây dựng biện pháp kỹ thuật bón phân và quản lý nước cho ruộng lúa.

Chương V. HIỆN TƯỢNG LỐP Đ VÀ TÍNH CHỊU PHÂN CỦA CÂY LÚA

Tác giả nêu vấn đề: Thông thường,  muốn đạt năng suất cao, người sản xuất thường cấy dày hơn và bón nhiều phân hơn, nhất là phân hữu cơ và phân đạm. Các biện pháp này thường dẫn đến ruộng lúa bị lốp và đổ non, làm giảm năng suất rất rõ rệt. Vì vậy, muốn tăng năng suất phải tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng lốp đổ và xác định các biện pháp phòng chống lốp đổ.

Nói chung, có thể tóm tắt vào ba loại nguyên nhân của hiện tượng lốp đổ.

1. Nguyên nhân di truyền: Giống lúa dễ lốp đ và kém chịu phân.

2. Nguyên nhân ngoại cảnh: Mưa gió, thiếu ánh sáng, đất tốt quá.

3. Nguyên nhân canh tác: Mật độ cấy, bón phân, tưới nước không hợp lý.

Theo tác giả, cây lúa lốp và đổ vì sinh trưởng về chiều cao quá mạnh, các mô cơ giới ở gốc lúa yếu, do đấy lúc gặp các điều kiện không thuận lợi của ngoại cảnh dễ bị đổ. Nguyên nhân làm cho cây lúa sinh trưởng mạnh về chiều cao và yếu có hai loại:

1. Nguyên nhân bên trong: Bản thân giống lúa sinh trưởng mạnh, tính chịu phân kém.

2. Nguyên nhân bên ngoài: Do cấy dày, ngập  nước sâu, bón phân nhiều nên cây lúa sinh trưởng mạnh nhưng yếu cây.

Các nguyên nhân bên trong và bên ngoài tuy khác nhau nhưng đều dẫn đến một tình trạng sinh lý của cá th cây lúa, và quần th ruộng lúa không tốt làm cho lúa bị lốp và dễ đ. Cần phải xác định các tình trạng ấy mới hiểu rõ được bản chất của hiện tượng.

Kết luận chương V

Qua nghiên cứu nguyên nhân , biện pháp đề phòng lốp đ và tìm hiểu về tính chịu phân của cây lúa, tác giả đi đến một số kết luận sau:

1. Cây lúa lốp đ là do các bộ phận trên của cây lúa nặng quá, mà gốc thì yếu nên không chịu nổi sức nặng của bộ phận trên. Các yếu tố cơ giới tạo nên sự vững chắc của các đốt ở gốc kém phát triển hơn ở cây lúa lốp so với cây lúa bình thường.

2. Cây lúa lốp hút đạm nhiều hơn trong thời kỳ đầu và đạm tích lũy nhiều ở dạng amôn và không protein. Giống lúa chịu phân có khả năng tổng hợp protein mạnh hơn. Về mặt quang hợp, cây lúa lốp do có diện tích lá cao hơn nên quang hợp yếu và hô hấp mạnh, tích lũy được ít đường bột hơn, tỷ lệ C/N bị giảm sút. Do thiếu đường bột nên hiệu quả của việc thừa đạm càng tăng lên.

3. Chọn giống cứng cây, chịu phân là một biện pháp phòng lốp đổ có hiệu quả nhất. Trong quá trình chọn giống phải căn cứ vào các đặc trưng hình thái và sinh lý.

4. Rút nước phơi ruộng vào lúc cây lúa làm đốt có tác dụng phòng lốp đ rõ rệt. Tuy vậy, lúc sử dụng biện pháp này cần thận trọng, vì rút nước đối với lúa chiêm phần nhiều giảm năng suất, vì thời kỳ làm đốt và làm đòng ở lúa chiêm trùng nhau. Chỉ cần rút nước lúc nào có nguy cơ sẽ lốp đổ. Trong điều kiện bón phân nhiều, có thể rút nước tưới ẩm cả từ lúc phân hóa đòng đến lúc chín, để kìm hãm bớt sự phát triển của diện tích lá.

5. Có thể dùng các chất sinh trưởng để kìm hãm sự sinh trưởng của lúa trong thời kỳ làm đốt để đề phòng lốp đổ, nhưng cần xác định thêm nồng độ và thời gian phun.

6. Silic và các nguyên tố trung, vi lượng  cũng có tác dụng phòng lốp đ.

7. Lúc chống lốp, cắt lá không nên cắt các lá trên mà nên tỉa bỏ các lá dưới.

 

Chương VI. NHỮNG SỰ THAY ĐỔI VỀ SINH LÍ VÀ HÓA SINH TRONG ĐỜI SỐNG CỦA CÂY LÚA

Tác giả đặt vấn đề: Muốn tác động vào quần thể cây trồng, cần phải tác động thông qua từng cá thể. Do đấy, sự hiểu biết về sự sinh trưởng và phát triển của cá thể rất cần thiết để hiểu quy luật của các ruộng lúa năng suất cao.

Cây lúa kể từ lúc nảy mầm đến lúc  chín trải qua rất nhiều thay đổi về hình thái bên ngoài và diễn biến của các quá trình sinh lý, hóa sinh bên trong. Hiểu biết các quá trình ấy sẽ giúp chúng ta điều khiển cây lúa một cách có chủ động  hơn.

Tác giả đã nghiên cứu và làm rõ các vấn đề về chu trình sống của cây lúa ở nước ta và ra làm hai thời kỳ chính:

- Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng là thời kỳ sinh trưởng thân lá.

- Thời kỳ sinh trưởng sinh thực là thời kỳ phát triển của các bộ phận sinh sản được kết thúc bằng sự sẵn sàng để tái sinh ra thế hệ sau.

Giới hạn để phân chia hai thời kỳ này là lúc điểm sinh trưởng bắt đầu phân hóa hoa. Việc lấy thời gian điểm sinh trưởng bắt đầu phân hóa hoa làm mốc, phân chia hai thời kỳ lớn ấy có nghĩa là thời gian trước đấy trong cây các quá trình sinh trưởng sinh dưỡng là chủ yếu, và sau đấy các quá trình sinh trưởng sinh thực là chủ yếu.

Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng lại chia làm bốn thời kỳ nhỏ: nảy mầm -  mạ -  đẻ nhánh - làm đốt.

Thời kỳ sinh trường sinh thực được chia làm hai thời kỳ nhỏ -  làm đòng -  trỗ và chín. Thời kỳ làm đòng bắt đầu từ khi điểm sinh trường bắt đầu phân hóa, kết thúc lúc lúa trỗ bông, có thể chia làm nhiều bước nhỏ tùy theo sự hình thành cơ quan sinh dục: Bắt đầu phân hóa - phân hóa gié - phân hóa hoa - phân hóa nhị đực, nhị cái. Thời kỳ trỗ và chín có thể chia thành các bước nhỏ như: Ra hoa - chín sữa - chín sáp - chín hẳn.

Về thời gian sinh trưởng của cây lúa tác giả đề nghị: Tuổi của cây lúa chính xác nhất không nên gọi bằng ngày, mà nên gọi bằng số lá của thân, chính vì số lá này ít thay đổi hơn số ngày.

Nhóm nghiên cứu của tác giả đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu hết sức công phu, về động thái của các quá trình sinh lý và hóa sinh của cây lúa qua các thời kỳ sinh trưởng: + Động thái của hàm lượng chất diệp lục, đạm, cacbon và tỷ lệ cácbon/đạm trong lá qua các thời kỳ sinh trưởng; + Vai trò của các nhóm lá trong đời sống cây lúa; + Động thái cường độ quang hợp của lá lúa; + Động thái cường độ hô hấp và các enzym hô hấp; + Động thái các hợp chất gluxit,hợp chất chứa đạm, lân và kali qua các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa;; + + Quan hệ giữa động thái hàm lượng đạm, lân và kali và hô hấp của thân lá; + Thành phần hóa sinh của mạ và phẩm chất mạ.

Kết luận chương VI

Nghiên cứu  sự thay đổi của quá trình sinh lý và hóa sinh trong đời sống cây lúa, tác giả đã đi đến các kết luận sau:

1. Đời sống cây lúa có thể chia làm bốn thời kỳ chính: Thời kỳ mạ, đẻ nhánh, làm đòng và chín. Đây là bốn thời kỳ có hoạt động sinh lý cao, quyết định các yếu tố của cơ cấu năng suất. Giữa bốn thời kỳ này có ba thời kỳ, vì hoạt động sinh lý thấp có thể tác động các biện pháp để kìm hãm sinh trưởng của cây lúa mà không ảnh hưởng đến năng suất.

2. Quy luật thay đổi màu lá của ruộng lúa trong thời gian sinh trưởng là một quy luật tự nhiên, phụ thuộc vào bản chất của các giống lúa chứ không phụ thuộc vào năng suất cao hay thấp, do đấy không thể dựa vào nó để chuẩn đoán năng suất một cách chính xác.

3. Tỷ lệ cacbon/đạm thay đổi trong đời sống cây lúa, tăng dần trong thời kỳ mạ, giảm xuống trong thời kỳ đẻ nhánh, tăng dần cho đến lúc gần trỗ rồi lại giảm xuống. Tỷ lệ này chỉ phản ánh tình trạng dinh dưỡng đạm của lúa mạnh ở đầu thời gian sinh trưởng, vàdinh dưỡng gluxit mạnh vào cuối thời kỳ sinh trưởng, chứ không phản ánh được mức  độ cao hay thấp của năng suất.

4. Chưa tìm thấy một cách chắc chắn các chỉ tiêu hóa sinh quyết định phẩm chất mạ, vì đây cũng là một vấn đề rất phức tạp. Tỷ lệ C/N của mạ cũng thay đổi nhiều tùy điều kiện canh tác (tiêu chuẩn cây mạ tốt thường có chỉ số C/N = 12-16, trung bình là 14)

Chương VII. DINH DƯỠNG KHOÁNG CỦA CÂY LÚA NĂNG SUẤT CAO

Để mở đầu chương này, tác giả đã cho thấy vai trò làm tăng năng suất rất quan trọng của phân bón. Trong điều kiện trồng trọt hiện nay, đạm và chất khoáng là các yếu  tố hạn chế năng suất, chứ không phải là ánh sáng và khí cacbonic. Qua tổng kết của nhiều nước trên thế giới cho thấy, phân bón là yếu  tố tác động mạnh nhất làm tăng năng suất cao nhất. Ở Đức, phân bón đóng góp 50% vào tăng năng suất cây trồng (Prianitsnikov - 1952). Ở Liên Xô, tác dụng của phân bón ở đất xấu làm tăng năng suất 60-75% và đất tốt 40-55%. Ở Mỹ, các nhà kinh tế học tính năng suất tăng từ năm 1940 đến 1955 do phân bón đóng góp 43% (Nazarenko - 1963) và 65% từ năm 1955 trở đi. Ở Pháp, theo Bộ Nông nghiệp, 50-70% năng suất tăng lên là do phân bón (Unaniants - 1964) và ở Nhật là 50% (Takaso - 1965).

Do cuốn sách là sinh lý ruộng lúa năng suất cao, nên tác giả chỉ trình bày các phần của dinh dưỡng khoáng có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Các phần cơ bản về sinh lý dinh dưỡng khoáng của cây lúa, như tác dụng của các nguyên tố dinh dưỡng đến các quá trình sinh lý của cây trồng, sự phát triển của bộ rễ và cơ chế hút chất khoáng của bộ rễ,... không được trình bày trong cuốn sách này. Theo tác giả: Sinh lý dinh dưỡng khoáng của cây trồng là cơ sở lý luận, để hướng dẫn việc sử dụng phân bón hợp lý nhằm đạt năng suất cao và có hiệu suất phân bón cao. Lẽ tất nhiên muốn sử dụng phân bón tốt, còn phải hiểu biết về quan hệ giữa phân bón với đất, quan hệ giữa phân bón và thời tiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan hệ giữa phân bón với cây trồng.

Để bón phân được đúng, cần hiểu biết nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng có hai mặt:

Nhu cầu về lượng: Tức là khối lượng chất dinh dưỡng mà cây trồng cần thiết để tạo thành các mức năng suất nhất định.

Nhu cầu về chất: Tức là các nguyên tố dinh dưỡng khác nhau mà cây trồng cần thiết nhất trong các thời kỳ sinh trưởng nhất định để tạo thành năng suất cao.

Kết luận chương VII

Về dinh dưỡng khoáng của cây lúa năng suất cao tác giả có những kết luận sau:

1. Lượng chất dinh dưỡng của cây lúa hút từ đất để tạo thành một đơn vị sản lượng thay đổi tùy theo hệ số kinh tế của cây lúa. Có thể dùng các số liệu về lượng lấy đi của các ruộng năng suất cao có hệ số kinh tế tốt nhất để quy hoạch năng suất.

2. Sự hút chất dinh dưỡng của cây lúa qua tất cả các thời kỳ trong giai đoạn sinh trưởng . Cây lúa hút đạm, lân và kali nhiều nhất vào thời kỳ làm đòng nếu chất dinh dưỡng được cung cấp liên tục.

3. Tỷ lệ chất dinh dưỡng tốt nhất trong cây là có tỷ lệ đạm cao trong tổng số đạm, lân và kali ở thời kỳ đầu (sinh trưởng dinh dưỡng) và tỷ lệ kali thấp trong thời kỳ cuối của sinh trưởng (sinh trưởng sinh thực).

4. Thiếu các chất dinh dưỡng vào thời kỳ đẻ nhánh, cây lúa bị giảm năng suất rõ rệt hơn. Ở thời kỳ làm đòng, đạm cần hơn lân và kali; trái lại ở thời kỳ mạ, lân cần hơn đạm và kali.

5. Cây lúa cần đạm ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng, thời kỳ nào bón đạm cũng có hiệu quả  cao. Thời kỳ đẻ nhánh đồng thời là thời kỳ khủng hoảng của cây lúa đối với đạm.

6. Thời kỳ mạ nên bón đạm lúc mạ bắt đầu có 4 lá thật. Thời kỳ đẻ nhánh nên bón nhiều lần, chú ý thời gian cuối đẻ nhánh. Thời kỳ đòng nên bón vào lúc phân hóa hoa và bón thêm lúc phân chia giảm nhiễm.

7. Muốn giảm sự mất đạm cần bón đạm sau hoặc bón đạm viên. Phương pháp bón lót toàn bộ phân hữu cơ và một phần phân đạm trước khi cấy dặm lần hai có thể thay cho phương pháp bón lót kết hợp bón thúc nhiều lần. Trên cơ sở dùng phương pháp bón phân này có thể bỏ việc làm cỏ sục bùn và cấy ô vuông thay cho cấy thẳng hàng.

8. Lượng đạm để cho năng suất 50 tạ/ha vào khoảng  100 kgN/ha.

9. Đối với lúa gieo thẳng, bón lân vào lúc gieo có hiệu suất cao nhất. Đối với lúa cấy, bón lân cho mạ có hiệu suất cao nhất, sau đấy là bón lót lân (riêng đất phèn nên bón lân vào trước thời kỷ đẻ nhánh); bón lân thời kỳ đòng không làm tăng năng suất lúa đáng kể.

10. Lân bón thời kỳ mạ không những có tác dụng làm tăng năng suất trực tiếp, mà còn làm cho cây mạ sau khi cấy ra ruộng sử dụng phân lân bón vào thời kỳ đẻ nhánh có hiệu suất cao hơn.

11. Bón lân vụ trước làm tăng lượng lân trong hạt và hạt giống gieo vụ sau có năng suất cao hơn rõ rệt.

12. Thời kỳ đòng, bón lân cây lúa có hút vào cây nhưng không sử dụng để tạo thành năng suất, do đấy không nên bón.

13. Trên nền đạm cao, bón kali vào lúc phân hóa đòng hay lúc bông có tác dụng tăng năng suất rõ rệt.

14. Phun đạm, lân và kali lên lá có tác dụng tăng năng suất rõ rệt. Tuy vậy, việc phun phân lên lá không thay thế được phân bón vào đất, mà chỉ có tác dụng b sung. Trong sản xuất nên phun dung dịch 1% đạm (urê hay amôn sunfat) và 1% kali.

 

Chương VIII. CHẨN ĐOÁN NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY LÚA

Đây là vấn đề còn rất mới trong sản xuất và nghiên cứu thời đó, nhưng đã được nhóm tác giả nghiên cứu rất sáng tạo, logic đưa ra được những đề xuất mới. 

Các tác giả đặt vấn đề chung:

Để bón phân cho đúng, thỏa mãn  nhu cầu về chất dinh dưỡng của cây trồng và đạt năng suất cao, người ta vẫn dùng phương pháp bón phân theo các công thức  phân bón đã được xây dựng cho từng loại cây trồng. Đ xây dựng các công thức  phân bón này, phải dựa vào  kết quả nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trên cơ sở  các thí nghiệm  đồng ruộng, tiến hành tại  các vùng đất đai và khí hậu khác nhau. Để làm việc này cần có những phương pháp chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng nhanh chóng, dễ làm,  giúp người sản xuất biết cần bón những gì, bón bao nhiêu và bón vào lúc nào là thích hợp; để đạt được năng suất cao trên từng thửa ruộng, từng cánh đồng cụ thể. Đó là các phương pháp chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Có nhiều phương pháp khác nhau đã được đề nghị. Có thể tóm tắt và phân loại như sau:

1. Phương pháp chẩn đoán bằng các đặc điểm bên ngoài

Căn cứ vào kích thước, hình dáng, màu sắc của các bộ phận bên ngoài của cây, chủ yếu là lá để xác định xem cây thiếu chất dinh dưỡng gì. Phương pháp này có ưu điểm là rất đơn giản, nhưng có nhược điểm là phát hiện chậm vì khi cây thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, phải đến một mức nào đấy, mới biểu hiện ra các đặc trưng bên ngoài. Mặt khác, phương pháp này dễ bị lẫn lộn khi cây bị thiếu nhiều chất cùng một lúc hay bị sâu bệnh phá hoại.

2. Phương pháp chẩn đoán lá

Phương pháp phân tích lá được phổ biến ở các nước Tây Âu, dựa vào việc phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng tổng số của cây ở một thời kỳ sinh trưởng nhất định, để biết cây trồng thiếu những chất gì. Đối với cây lâu năm có thể bón ngay chất bị thiếu, nhưng đối với cây trồng hàng năm, thường đến vụ sau mới bổ khuyết được. Phương pháp này có ưu điểm là cho biết chất dinh dưỡng bị thiếu nhiều hay ít, tuy vậy cũng có nhược điểm là phụ thuộc vào các trang bị phức tạp của phòng thí nghiệm, và cũng không thật kịp thời đối với cây hàng năm.

3. Phương pháp phân tích mô

Phương pháp phân tích mô dựa vào các phản ứng hóa học đơn giản, để xác định số lượng của một số chất dinh dưỡng hòa tan có trong một bộ phận nào đấy của cây trồng, có thể xác định được các mức thiếu đủ theo thang phân cấp. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản và nhanh chóng, có thể làm ngay ngoài đồng đáp ứng được yêu cầu kịp thời của trồng trọt.

Kết luận chương VIII

Nghiên cứu về khả năng áp dụng các phương pháp phân tích để chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của ruộng lúa năng suất cao, tác giả kết luận: 

 1. Đối với đạm và kali, cả hai phương pháp phân tích lá và phân tích mô đều có thể áp dụng được, còn đối với lân chỉ có phương pháp phân tích mô là phản ánh được nhu cầu lân của cây.

 2. Vì phương pháp phân tích mô đơn giản hơn và chính xác hơn, nên  đề nghị dùng phương pháp phân tích mô để chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa.

 3. Đã xác định các phương pháp phân tích mô tốt nhất áp dụng được đối với cây lúa và các mức giới hạn cho các phương pháp chẩn đoán.

 

KẾT LUẬN CHUNG CỦA TÁC GIẢ VỀ CUỐN SÁCH

Trước đây, trong phong trào thâm canh tăng năng suất lúa, phấn đấu đạt trên 5 tấn thóc một hecta cả năm, nhiều hợp tác xã ở nước ta đã sáng tạo được các  ruộng lúa đạt năng suất từ 50 đến 100 tạ một hecta. Đây là  năng suất mà chúng ta mong muốn được thấy trên diện tích rộng.

Xét về cơ cấu năng suất  ruộng lúa năng suất cao, phải có trên 300 bông 1 mét vuông, nhưng lại phải có bông to, nhiều và có khối lượng hạt cao. Muốn vậy, ruộng lúa phải phát triển  diện tích lá cao, đạt chỉ số diện tích lá khoảng 6-7. Nhưng muốn đạt được số bông to và nặng, thì cần phải có  quần thể ruộng lúa tốt, giải quyết được mâu thuẫn giữa diện tích và hiệu suất thuần của quang hợp, mâu thuẫn giữa lượng chất khô tích lũy được và lượng chất khô chuyển vào bông để tạo thành năng suất kinh tế.

Muốn giải quyết được các mâu thuẫn trên phải có những giống lúa có cấu tạo quần thể tốt. Các giống lúa này đồng thời phải có tính chịu phân cao vì khả năng chịu phân của một giống lúa là khả năng giữ được cấu tạo quần thể tốt, trong điều kiện bón một lượng phân đạm lớn, vì chỉ có những liều lượng đạm cao  mới tạo ra được  diện tích lá lớn tương ứng với năng suất cao.

Hiện nay, đã có những giống lúa thấp cây đạt được các yêu cầu trên ruộng lúa năng suất cao. Nhưng các giống lúa này cũng còn có nhiều nhược điểm, như diện tích lá trong những trường hợp bị giảm sớm, hay dễ nhiễm các loại bệnh. Đó là những vấn đề phải giải quyết trong những năm gần đây.

Việc hiểu biết các quy luật của ruộng lúa năng suất cao, sẽ giúp các nhà chọn giống chọn được  giống lúa đáp ứng được  yêu cầu của ruộng lúa năng suất cao.

Nhưng trong giai đoạn hiện nay, với  hiểu biết về quy luật của ruộng lúa và cây lúa năng suất cao, chúng ta có cơ sở để xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng lúa thích hợp với từng loại hình giống lúa.

Trong các biện pháp tác động vào cây lúa và ruộng lúa, dinh dưỡng khoáng chiếm một vai trò quang trọng. Trong lúc sử dụng các nguyên tố chủ yếu của dinh dưỡng khoáng, phải căn cứ vào các quy luật biểu hiện của cơ cấu năng suất, của các quy trình sinh lý và hóa sinh trong bản thân của cây lúa, để tác dụng các nguyên tố khoáng vào những lúc thích hợp nhất trong thời gian sinh trưởng của cây lúa. Các kết quả nghiên cứu trình bày ở trên đã chứng tỏ có thể dùng các chất khoáng để điều khiển sự hình thành cơ cấu năng suất và sự quang hợp của ruộng lúa. Điều khiển hai quá trình này một phần nào có thể tạo được các ruộng lúa có cấu tạo quần thể tốt.

Ngoài ra, mật độ cấy và chế độ nước của ruộng lúa cũng là những biện pháp để điều khiển sự hình thành cơ cấu năng suất và sự quang hợp.

Các tài liệu trình bày trong các chương trên sẽ cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức để giải quyết các vấn đề đã nêu ra.

Tuy vậy, trong các tài liệu trên cũng còn  một số mặt của ruộng lúa năng suất cao chưa được nghiên cứu đầy đủ như về sự phát triển của bộ rễ, về cơ sở sinh lý của tính chống bệnh của  giống lúa và hy vọng sẽ  công bố b sung. .

 

 

GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Thạch