
Sau khi các đại biểu thảo luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó kế thừa, tiếp thu các Nghị quyết, kết luận, chiến lược liên quan y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã có; đồng thời làm sâu sắc, toàn diện, sâu sắc, bao trùm, toàn diện hơn, đặc biệt tháo gỡ các điểm nghẽn, tìm ra điểm đột phá cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đáp ứng mong muốn của người dân; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực cho Phát triển y tế, với cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là hợp tác công tư, để tạo đột phá trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi và công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục, đơn giản hoá thủ tục hành chính, xoá bỏ cơ chế xin – cho.
Nghị quyết phải bao hàm nội dung liên quan trong "bộ tứ chiến lược", tạo điểm tựa, đòn bẩy cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thay đổi từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là chính, với phương châm "chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trên hết, trước hết, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khám, chữa bệnh là thường xuyên, đột xuất".
Đặc biệt, triển khai chăm sóc sức khoẻ nhân dân theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo tiếp cận bình đẳng về y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người; phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; nâng cao thể lực người Việt Nam, khắc phục già hoá dân số; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp vaccine; nâng cao chất lượng y tế, phát triển dịch vụ du lịch chữa bệnh cho người nước ngoài; xây dựng bệnh viện số, bệnh viện thông minh; có lộ trình miễn viện phí cho nhân dân, trước hết miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em…

Cùng với việc chỉ rõ những thành tựu phát triển giáo dục, đào tạo thời gian qua, những điểm nghẽn phát triển giáo dục và đào tạo, yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, định hướng xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hoá, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, tập trung mở rộng tiếp cận giáo dục công bằng; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động; hiện đại hoá giáo dục đại học, phát triển nhân lực chất lượng cao và nhân tài công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Dự thảo Nghị quyết đề xuất các giải pháp đột phá gồm: Đột phá trong quản lý nhà nước, giải phóng mọi tiềm lực và sức sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá; đột phá đầu tư hiện đại hoá các cơ sở giáo dục; đột phá chuyển đổi số toàn diện, phổ cấp tiếng Anh, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng nghề cao, gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo phải kế thừa, làm sâu sắc, bao trùm, toàn diện hơn các Nghị quyết, kết luận, chiến lược liên quan giáo dục và đào tạo; chỉ ra và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tìm ra điểm đột phá và đặc biệt là giải pháp huy động nguồn lực cho cho phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi và công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục, đơn giản hoá thủ tục hành chính, xoá bỏ cơ chế xin – cho.
Thủ tướng yêu cầu nêu rõ phạm vi đề cập của Nghị quyết là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục đại học và giáo dục trên đại học; có giải pháp nhằm đảm bảo tiếp cận bình đẳng về giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; lộ trình phổ cập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng các nước láng giềng; giải pháp giáo dục văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể chất để người học phát triển toàn diện; phân luồng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề; đào tạo trên đại học cần tập trung đào tạo vào các ngành mới nổi; có chương trình đào tạo nhân tài; xây dựng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu; rà soát loại hệ thống trường lớp, cơ sở đào tạo để đầu tư tập trung đạt chuẩn cả về chất lượng, quy mô…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ chủ trì, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp tục xin ý kiến của các chủ thể liên quan; hoàn thiện các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan, để trình Bộ Chính trị xem xét, đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị "về những đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới" đặt mục tiêu phấn đấu năm 2030 mở rộng quyền chăm sóc sức khỏe, cơ bản được thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, để tiến tới mục tiêu miễn viện phí cho người dân trong giai đoạn tới. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết sẽ tham mưu, xây dựng lộ trình cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói: "Thứ nhất là tập trung cho việc tăng quyền lợi theo chính sách bảo hiểm xã hội hiện có như: hỗ trợ mức đóng cho đối tượng yếu thế. Đối với hộ nghèo chỉ có 70% thì tăng mức lên. Học sinh, sinh viên hiện mới được hỗ trợ 30% thì hỗ trợ tăng thêm. Đối với việc đồng chi trả những đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách thì tăng mức đồng chi trả để giúp người dân giảm chi phí. Đây là bước đầu triển khai thực hiện chủ trương miễn viện phí. Người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất nhất 1 năm 1 lần. Khám sàng lọc và lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe suốt vòng đời".
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển giáo dục đào tạo. Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030 và phấn đấu đến năm 2045 trên cơ sở lựa chọn các chỉ tiêu phát triển giáo dục được các tổ chức quốc tế sử dụng. Theo đó, mở rộng tiếp cận giáo dục công bằng, hoàn thành giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, giáo dục bắt buộc hết THCS; chuẩn hóa giáo viên, trường, lớp; nâng cao chuẩn ngoại ngữ, năng lượng số và AI của học sinh; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn; 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn. Hướng tới mục tiêu đến hết năm 2035 hoàn thành phổ cập THPT, phổ cập tiếng Anh, năng lực số và AI ở từng cấp học.
Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: "Đột phá về chuyển đổi số toàn diện phổ cập tiếng Anh, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, xây dựng chiến lược quốc gia về AI trong giáo dục. Xây dựng hai nền tảng quốc gia, bao gồm hệ thống thông tin giáo dục và nhân lực quốc gia. Hệ thống giáo dục thông minh quốc gia, thúc đẩy mô hình giáo dục số, giáo dục thông minh, trường hợp đám mây...đưa công nghệ số và AI vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học. Tăng cường giáo dục và hướng nghiệp Stem. Tập trung nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên và học sinh, trong đó đẩy nhanh tiến độ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".