
Một góc nông thôn mới tại thành phố Đà Nẵng. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nhà cửa khang trang, đồng ruộng quy hoạch bài bản… Tất cả cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn Đà Nẵng trên hành trình phát triển bền vững.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Đà Nẵng xác định xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng và chiều sâu, tập trung nâng cao các tiêu chí tại những xã đã đạt chuẩn. Giai đoạn 2021–2025, thành phố ưu tiên hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Đến cuối năm 2024, toàn bộ 11 xã thuộc huyện Hòa Vang cũ đều đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 8 xã đạt chuẩn nâng cao và 2 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Đà Nẵng hiện cũng có 3 thôn thông minh tại các xã Hòa Phong và Hòa Phước, từng bước định hình mô hình thôn nông thôn mới thông minh, kết hợp ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất.
Phát triển kinh tế tập thể được xác định là nền tảng quan trọng trong xây dựng nông thôn bền vững. Tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố có 69 hợp tác xã nông nghiệp với gần 8.000 thành viên, 2 liên hiệp hợp tác xã và 213 tổ hợp tác đang hoạt động. Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm xúc tiến thương mại, cơ giới hóa sản xuất, hỗ trợ tín dụng và đào tạo nhân lực. Trong giai đoạn 2023–2024, có hơn 350 lượt hợp tác xã được tiếp cận chính sách với tổng kinh phí gần 17,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thành phố đang khuyến khích các hợp tác xã đổi mới mô hình hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản qua nền tảng số và thương mại điện tử. Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh phát triển kinh tế số và nông nghiệp thông minh.
Song song với phát triển kinh tế tập thể, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống tiếp tục được chú trọng. Đà Nẵng hiện có 10 làng nghề, trong đó có 6 làng nghề chế biến nông – lâm – thủy sản, 2 làng nghề mây tre đan, 1 làng nghề sản xuất nguyên liệu xây dựng và 1 làng mỹ nghệ – làng đá Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Đây là làng nghề truyền thống duy nhất được thành phố công nhận, với khoảng 384 cơ sở sản xuất, hơn 1.250 lao động, doanh thu hằng năm ước đạt 372 tỷ đồng.
Tuy vậy, phần lớn làng nghề hiện nay vẫn có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư và gặp khó khăn trong cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Việc đào tạo tay nghề, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn còn là thách thức. Thành phố đang xây dựng các cơ chế hỗ trợ nhằm kết nối sản phẩm làng nghề với du lịch, tạo ra chuỗi giá trị bền vững gắn với văn hóa và sinh kế cộng đồng.
Với định hướng phát triển nông thôn theo chiều sâu, gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thúc đẩy sản xuất hiện đại, khôi phục văn hóa làng nghề và xây dựng những mô hình nông thôn mới kiểu mẫu có tính lan tỏa cao, góp phần phát triển bền vững khu vực nông thôn trong bối cảnh mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn bền vững trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách đặc thù thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đổi mới sáng tạo. Trọng tâm là hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ số, phát triển sản phẩm đặc trưng và kết nối tiêu thụ qua nền tảng thương mại điện tử.
Song hành với đó là chiến lược đầu tư đồng bộ về hạ tầng sản xuất và hạ tầng số cho khu vực nông thôn; thu hút trí thức trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp và lực lượng lao động tay nghề cao tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp và các sản phẩm OCOP có giá trị gia tăng.
Đặc biệt, khi thành phố mở rộng địa giới hành chính, việc tích hợp quy hoạch nông thôn mới với các chương trình phát triển vùng, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu cần được triển khai đồng bộ. Mỗi xã, mỗi thôn cần được phát triển theo mô hình đa giá trị: vừa là nơi sinh sống, sản xuất, vừa là không gian văn hóa và kinh tế bền vững.
Nông thôn Đà Nẵng đang đứng trước thời cơ phát triển mới, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân để xây dựng một vùng quê đáng sống, giàu bản sắc, văn minh và thích ứng với tương lai.