Thủ tướng: Truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn xuất xứ

Sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị tập trung mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra từ 15/5 đến 15/6: "Sẽ mở một đợt tấn công cao điểm để đấu tranh truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả không có xuất xứ, vi phạm bản quyền vi phạm sở hữu trí tuệ. Tôi đề nghị sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn là Tổ trưởng. Bộ Công an đề xuất biện pháp giải pháp, phương thức cách thức. Chúng ta phải tập trung làm là một đợt tấn công cao điểm. Nếu chúng ta lơ là buông lỏng, chủ quan để diễn biến rất phức tạp. Trong tình hình mới, tình hình phức tạp thì phải có biện pháp đặc biệt."

Chú thích ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ rà soát chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành không để "khoảng trống pháp lý" trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy dẫn đến buông lỏng quản lý liên quan đến phòng chống tội phạm, liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đẩy nhanh tiến độ truy tố xét xử các vụ án, kịp thời đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời răn đe, phòng ngừa.

Chú thích ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng quản lý thị trường, chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Đồng thời hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy Phát triển nhanh, bền vững đất nước. Song song với đó các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp với các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hoạt động gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, nhất là buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng, đội giá, đặc biệt đối với thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm chức năng.

Đề nghị các lực lượng chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng, tập trung tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời kiểm soát chặt các sản phẩm quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34 nghìn vụ việc vi phạm. Trong đó, có hơn 8 nghìn vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25 nghìn vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1 nghìn vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4 nghìn 800 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1 nghìn 400 vụ, hơn 2 nghìn đối tượng.

Tại phiên họp, đại diện các bộ ngành chức năng phân tích các phương thức, thủ đoạn phổ biến như: lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hoá quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất… để trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

Các ý kiến tại phiên họp cũng đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ.