Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì Diễn đàn.

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng, để đạt các mục tiêu chiến lược, hướng đến mốc 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045), tất cả phải đồng lòng, chung tay, góp sức, hỗ trợ, chia sẻ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; cần có chiến lược, mô hình đúng; đánh giá tác động từ bên ngoài.
Phân tích về những cơ hội, thách thức để hiện thực hóa các mục tiêu Phát triển, ông Trần Lưu Quang nhận định, cơ hội nhiều hơn thách thức khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự cải cách, đặc biệt là sự thay đổi có tính chất cách mạng được nâng lên. Bên cạnh đó, tiềm lực của Việt Nam lớn hơn so với trước đây, vị thế của đất nước được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế.
Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới, cần có tư duy, cách tiếp cận và cách làm mới; có thứ tự ưu tiên trong thực hiện công việc; các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết mình, chủ động, có sự liên kết, phối hợp tốt với nhau. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần chủ động hơn khi tới đây sẽ được phân cấp nhiều hơn; lãnh đạo các địa phương phải thực sự chia sẻ, lắng nghe người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết, các ý kiến sẽ được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay nước ta đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút FDI. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước.
"Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt hơn, thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn với quyết tâm chính trị cao nhất cùng với sự đoàn kết, đồng lòng mạnh mẽ của toàn dân tộc, sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hóa giải khó khăn, thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa cấp trung ương, địa phương trong các lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch…; ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Ngoài ra, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để dẫn dắt, huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý…
Cùng với đó là tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng lưu ý cần hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo "sức mạnh tổng hợp" cho phát triển kinh tế đất nước; tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho các lĩnh vực, ngành hàng, các khu vực kinh tế đã chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khả năng, cơ hội bứt phá tăng trưởng hiện nay và giai đoạn tới của từng ngành, lĩnh vực góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.