
Trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính và quy mô quản lý sau sáp nhập tỉnh Quảng Nam vào, thành phố Đà Nẵng xác định cần tiếp tục tích hợp chính sách môi trường vào quy hoạch Phát triển tổng thể. Việc đầu tư cho quan trắc thông minh, thúc đẩy số hóa trong quản lý tài nguyên và mở rộng hợp tác quốc tế được xem là động lực để Đà Nẵng giữ vững định hướng phát triển xanh, sinh thái và bền vững.
UBND thành phố đã phê duyệt hợp phần tích hợp bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong Quy hoạch phát triển thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, thành phố cũng thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2045, làm cơ sở để triển khai hai dự án quan trọng: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 650 tấn/ngày và 1.000 tấn/ngày. Song song, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021–2030 đang được triển khai theo kế hoạch cụ thể năm 2025.
Trong lĩnh vực quan trắc môi trường, thành phố đã triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường giai đoạn 2021–2025 với hệ thống theo dõi định kỳ các thành phần như nước mặt, nước ngầm, không khí, đất và trầm tích, cùng các trạm quan trắc tự động, liên tục. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã đề xuất xây dựng chương trình quan trắc giai đoạn 2026–2030 cho toàn địa bàn mở rộng sau sáp nhập, nhằm bảo đảm tính khoa học và phù hợp với định hướng phát triển.
Công tác bảo tồn thiên nhiên tiếp tục được chú trọng. Hiện trên địa bàn thành phố có ba khu bảo tồn lớn: Bà Nà – Núi Chúa (28.586 ha), Sơn Trà (3.496 ha) và Nam Hải Vân (2.046 ha). Các ban quản lý rừng đang triển khai phương án quản lý rừng bền vững, kết hợp giữa bảo vệ hệ sinh thái và nâng cao sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Tại địa bàn cũ của tỉnh Quảng Nam, hành lang bảo tồn đa dạng sinh học đã được thiết lập, kết nối các khu bảo tồn Sao La, Sông Thanh và Voi với tổng diện tích hơn 122.000 ha. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp khó khăn về nguồn lực và thiếu chính sách đồng bộ giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn thiên nhiên.
Trong khi đó, Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An (Thăng Bình) đang hoạt động hiệu quả, đóng vai trò là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cấp tỉnh. Với diện tích hơn 125.000 m² và khả năng chăm sóc khoảng 1.000 cá thể động vật, nơi đây góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và giáo dục môi trường.
Ở lĩnh vực môi trường khu – cụm công nghiệp, hầu hết các khu công nghiệp sau sáp nhập cơ bản đáp ứng yêu cầu pháp lý và có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, 9 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, 6 cụm công nghiệp đã được cấp phép môi trường thành phần và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng.
Một số khu như Thuận Yên còn chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện môi trường do nhiều yếu tố khách quan. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, lập quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững.
Đối với cụm công nghiệp, trước khi sáp nhập, tỉnh Quảng Nam đã thành lập 56 cụm với tổng diện tích hơn 1.500 ha; trong đó 44 cụm đã đi vào hoạt động. Có 30 cụm được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, 7 cụm đang triển khai hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng môi trường tại các cụm công nghiệp cơ bản được kiểm soát hiệu quả.