
Điều chỉnh đề án, thống nhất mô hình quản lý và chính sách phí
Ngành Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” cho phù hợp với địa bàn sau sáp nhập, mở rộng phạm vi, huy động hiệu quả nguồn lực triển khai.
Đáng chú ý, sự khác biệt về mô hình quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường giữa Đà Nẵng và Quảng Nam (cũ) đang gây ra khó khăn, thiếu đồng bộ. Trước đây, khi Đà Nẵng giao Sở TN&MT và UBND quận, huyện quản lý vận hành công trình xử lý rác và trạm quan trắc, thì Quảng Nam chủ yếu giao UBND cấp xã/phường. Trước mắt, ngành kiến nghị duy trì mô hình hiện hành tại mỗi địa bàn, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, tham mưu mô hình quản lý thống nhất toàn thành phố.
Về phí thẩm định thủ tục hành chính môi trường, do sự song song tồn tại của hai hệ thống Nghị quyết cũ (Đà Nẵng và Quảng Nam), cơ quan chuyên môn gặp khó khăn khi xác định mức thu. Để tránh gián đoạn, ngành đề xuất tiếp tục áp dụng tạm thời mức phí của Đà Nẵng (cũ) trên toàn thành phố đến khi HĐND ban hành nghị quyết mới thay thế.
Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng xử lý chất thải, nước thải và chuyển giao nhiệm vụ về cấp xã
Trong lĩnh vực hạ tầng môi trường, ngành đề xuất xây dựng lại đề cương, dự toán nhiệm vụ Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam (trước sáp nhập) cho phù hợp với quy mô toàn thành phố hiện nay.
Tại nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam cũ như KCN Thuận Yên, hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thiếu hồ sơ pháp lý môi trường. Việc cấp phép môi trường cho các dự án thứ cấp cũng gặp trở ngại do hạ tầng không đồng bộ. Ngành kiến nghị tiếp tục giao Sở Công Thương tham mưu HĐND thành phố xây dựng Nghị quyết hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
Trong khi đó, công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị còn hạn chế, tỷ lệ xử lý đạt chuẩn mới chỉ hơn 10%. Nhiều nhà máy xử lý mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngành kiến nghị giao Sở Xây dựng rà soát quy hoạch, khảo sát mạng lưới thu gom nước thải tại các đô thị loại V trở lên, đảm bảo thu gom, xử lý hiệu quả nguồn thải từ sinh hoạt và sản xuất.
Về chất thải rắn sinh hoạt, các dự án như Nhà máy điện rác 650 tấn/ngày, Nhà máy đốt rác 1.000 tấn/ngày PPP, Hộc rác số 7 Khánh Sơn… đang được đẩy nhanh tiến độ, song vẫn cần chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành đúng thời hạn. Song song đó, cần thay thế Quy chế giao – nhận xử lý chất thải giữa các khu vực cho phù hợp với thực tế sau sáp nhập.
Thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, UBND thành phố đã thống nhất chuyển chức năng quản lý vệ sinh môi trường về cấp xã từ 1/7/2025. Ngành môi trường đã phối hợp với các đơn vị xác định khối lượng dịch vụ, đề xuất đặt hàng 6 tháng cuối năm và giai đoạn 2026–2027, đồng thời đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn phân bổ ngân sách và ký kết dịch vụ công ích đúng quy định.