
Thành phố Đà Nẵng mở rộng có tiềm năng khoáng sản đa dạng, phân bố trên nhiều khu vực từ trung du, miền núi đến ven biển. Nguồn khoáng sản bao gồm cả nhóm vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, đất san lấp, đến nhóm khoáng sản kim loại như vàng, sắt, titan, đồng, thiếc, wolfram. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản đặc thù như đất hiếm, than đá, quặng uran, cát thủy tinh, kaolin, felspat, nước khoáng nóng... tạo điều kiện để Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái khoáng nóng.
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công tác quy hoạch khai thác khoáng sản đã được tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, thành phố có 02 điểm quy hoạch nước khoáng và 01 khu vực quặng talc (theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023); 14 khu vực đá xây dựng với diện tích hơn 452 ha; 16 khu vực đất san lấp tổng diện tích hơn 872 ha, với tổng trữ lượng quy hoạch khoảng 174 triệu m³.
Tại các khu vực sáp nhập từ Quảng Nam cũ, thành phố quy hoạch nhiều mỏ khoáng sản quan trọng như: 03 khu vực quặng titan, 04 khu vực quặng sắt, 26 khu vực quặng vàng, cùng các mỏ serpentin, grafit, đá vôi, sét làm xi măng, cát trắng, cao lanh, felspat… Trong giai đoạn 2021–2030, sẽ triển khai thăm dò 578 mỏ vật liệu xây dựng thông thường và khai thác 640 mỏ, với diện tích hàng nghìn hecta.
Tính đến giữa năm 2025, toàn thành phố có 91 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 85 giấy phép do cấp thành phố và các sở ngành chuyên môn cấp. Công tác đấu giá quyền khai thác được triển khai rộng rãi, với 52 khu vực mỏ đã tổ chức đấu giá thành công, trong đó có các mỏ đá, cát, đất san lấp và mỏ vàng. Hiện có hàng chục khu vực mỏ đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác sau đấu giá.
Công tác đóng cửa mỏ và hoàn thổ phục hồi môi trường cũng được chú trọng. Thành phố đã thực hiện hoàn tất đóng cửa cho 83 khu vực mỏ, và tiếp tục triển khai đề án đóng cửa cho 40 khu vực khác trong thời gian tới.
Với việc địa giới mở rộng và tiềm năng khoáng sản dồi dào, thành phố Đà Nẵng đang đặt ra yêu cầu cao hơn trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Các giải pháp đang được triển khai gồm tăng cường giám sát hoạt động khai thác, ứng dụng công nghệ trong thăm dò và đánh giá trữ lượng, siết chặt quy trình đấu giá, cấp phép và phục hồi môi trường sau khai thác.

Việc tích hợp toàn bộ quy hoạch khoáng sản vào quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và nông thôn mới là bước đi quan trọng giúp Đà Nẵng phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.