NGHỆ NHÂN ĐẶNG VĂN TRỊNH, CHỦ LÀNG NGHỀ GỐM TRUYỀN THỐNG MỸ THIỆN, TT CHÂU Ổ, BÌNH SƠN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
*Nghề gốm Mỹ Thiện xưa
Nghề gốm Mỹ Thiện có từ thế kỷ XVIII với hàng chục gia đình chuyên sản xuất đồ gốm, phát triển trở thành làng gốm Mỹ Thiện, nơi đây sản xuất được nhiều kiểu dáng xinh đẹp, tinh xảo như với nhiều sản phẩm gốm chủ yếu là đồ gia dụng như: Gốm sành, chum, ghè, vò, thạp, ché, bình vôi, hũ, chậu kiểng, độc bình, bình hoa, lư hương, ấm trà, tượng động vật,... Đặc biệt, từ thế kỷ XIX, làng gốm Mỹ Thiện bắt đầu áp dụng kỹ thuật chế tạo men vào sản xuất đồ gốm, sản phẩm được tráng men với màu sắc đa dạng như: Tím đậm, tím nhạt, da lươn, vàng, vàng ngã xanh ngọc, xanh rêu; các hoa văn đồ gồm Mỹ Thiện hình rồng, phụng, chuột, hoa, lá, 12 con giáp...
BÀ PHẠM THỊ THU CÚC- VỢ ÔNG ĐẶNG VĂN TRỊNH, NGHỆ NHÂN LÀNG GỐM MỸ THIỆN, BÌNH SƠN. ẢNH NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Làng gốm Mỹ Thiện từng được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác gửi lên vua Bảo Đại và được đăng trên tạp chí Nam Phong nổi tiếng năm 1933. Theo tư liệu, văn tế và truyền ngôn dân gian, các nghệ nhân nơi đây từng được vời vào Phủ Chúa Nguyễn để chế tác gốm tinh xảo phục vụ hoàng gia và làm cống phẩm, tặng phẩm.
Thời bấy giờ các sản phẩm gốm Mỹ Thiện đã giao thương giữa miền núi và đồng bằng diễn ra suốt hàng trăm năm. Cứ vào tháng Chạp, người miền núi lại xuống làng đặt hàng ché rượu; các sản phẩm gốm Mỹ Thiện được bán rộng rãi trong nước và xuất bán cho các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan...
Theo nghệ nhân Đặng Văn Trịnh- chủ cơ sở sản xuất gốm Mỹ Thiện, qua lời kể của cha, ông biết rằng cách đây hơn 200 năm, hai ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất và những người trong họ Phạm và họ Nguyễn từ Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Quảng Ngãi đã dựng nên những lò nung đầu tiên ở Mỹ Thiện, đặt nền móng cho nghề gốm nơi đây.
Theo nghệ nhân Đặng Văn Trịnh: “Dù thời cuộc thay đổi, hoa văn trên gốm Mỹ Thiện vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ truyền. Hình rồng năm móng đắp nổi theo phong cách thời Lý, biểu trưng cho sự cao quý, linh thiêng. Hình cành trúc tượng trưng cho người quân tử, thẳng ngay, đồng thời mang ý nghĩa may mắn, phát tài. Còn hình con chuột gắn với hình ảnh “chuột sa hũ nếp” là biểu tượng của sự đủ đầy, thịnh vượng”.
NGHỀ LÀM GỐM Ở MỸ THIỆN, THỊ TRẤN CHÂU Ổ, BÌNH SƠN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Ở làng gốm Mỹ Thiện, mỗi gia đình có cách tạo hình rồng riêng. Ông Trịnh giữ đúng lối xưa cha ông để lại, có lúc rồng nhiều vảy, có lúc giản lược tượng trưng - tùy vào óc sáng tạo, nhưng luôn giữ cái hồn chung. “Nhiều người chỉ cần nhìn hoa văn là biết ngay sản phẩm thuộc nhà ai. Có lần tôi thử thay hoa văn bằng hình 12 con giáp, nhưng khách vẫn chỉ chọn rồng, trúc và chuột. Họ quý cái mộc mạc, xưa cũ vì thế mới gọi là gốm có hồn”, ông Trịnh nói.
Tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam. Đặc biệt, để chinh phục những khách hàng khó tính, họ còn tìm cách phục hồi công thức pha chế men gốm cổ truyền từ đá núi trong vùng. “Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc, lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung và màu sắc của sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ. Nhìn vào lớp men gốm có thể thấy được kỹ thuật điêu luyện và sự tài hoa của người làm gốm đạt đến giới hạn nào”, ông Trịnh chia sẻ.
Nhờ đôi bàn tay tài hoa và công sức phục hồi làng gốm truyền thống Mỹ Thiện, năm 2016, ông Trịnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
VỆT SÁNG LÀNG GỐM MỸ THIỆN- NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
* Giữ nghề gốm truyền thống
Ông Trịnh cho biết, ông gắn bó với gốm từ thuở nhỏ, khi được cha truyền cho cục đất sét đầu tiên và những bài học nghề gốm đầu đời. Làng gốm Mỹ Thiện giờ đây chỉ còn vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và bà Phạm Thị Thu Cúc giữ nghề truyền thống của cha ông, vợ chồng ông đều xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm cùng nhau phục hồi, gìn giữ nghề gốm Mỹ Thiện đã qua nhiều thế hệ. Vợ chồng ông bền bỉ bám nghề, từ khâu nhào nặn đất, tạo dáng, tô vẽ đến nung lò, xuất bán, mọi công đoạn đều do hai ông bà tự tay đảm nhiệm.
Sau ngày giải phóng, làng làm gốm Mỹ Thiện còn vài chục hộ, nghề gốm thời bao cấp không còn hưng thịnh như ngày xưa, nhiều người đã bỏ nghề vì sự vất vả, nhọc nhằn, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường. Nghệ nhân Trịnh đã bao lần thao thức, trăn trở với việc bỏ hay giữ lại cái nghề của làng, của cha ông mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn, túng thiếu. Nhưng rồi ông tự động viên mình phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ được cái nghề truyền thống của cha ông. “Cả làng gốm Mỹ Thiện từ nhiều năm nay chỉ còn một mình tôi giữ nghề, nhưng các sản phẩm tôi làm và bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Cái tên làng nghề gốm Mỹ Thiện của mình còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay là vợ chồng tôi rất hạnh phúc”, ông Trịnh bộc bạch.
Để giữ được nghề với các sản phẩm đa dạng, tiêu thụ được không những trong tỉnh mà còn bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong nước, ông Trịnh ngoài việc học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện mà còn tự học chế biến, sản xuất tạo ra những sản phẩm tráng men có màu sắc đặc trưng riêng.
TRANG TRÍ CHO SẢN PHẨM GỐM ĐẸP HƠN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Theo bà Phạm Thị Thu Cúc (vợ ông Trịnh) trong đợt xuất xưởng lần này bà đang liệt kê những đơn hàng chuẩn bị giao cho khách như hơn 500 chiếc cối giã, trên 200 ché rượu, 70 lọ hoa, cùng nhiều loại bình vôi, ấm trà, bình tráng men... Gốm Mỹ Thiện được bán từ năm bảy chục ngàn đến vài triệu đồng, tùy vào kích thước và độ tinh xảo.
Sản phẩm gốm của ông Trịnh hiện được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận OCOP 3 sao, đang hoàn tất thủ tục xét duyệt OCOP 4 sao. Tại cơ sở sản xuất, ông Trịnh cũng dành riêng một khu vực để du khách, học sinh đến tham quan, trải nghiệm làm gốm, góp phần giáo dục và lan tỏa giá trị làng nghề.
TRONG LÒ GỐM MỸ THIỆN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Hiện nay, gia đình ông chủ yếu làm gốm theo đơn đặt hàng, phục vụ các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có xu hướng thân thiện với môi trường và gần gũi với thiên nhiên. Ông Trịnh cho hay: “Tôi đang chỉ dạy lại nghề cho con trai. Mong rằng sẽ ươm được mầm yêu nghề để sau này khi vợ chồng tôi già yếu, làng gốm vẫn còn người tiếp nối, giữ gìn hồn cốt Mỹ Thiện - nơi đỏ lửa suốt hơn 200 năm qua”.
CHIỀU MUỘN BÊN LÒ GỐM TRUYỀN THỐNG MỸ THIỆN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
* Xây dựng gốm Mỹ Thiện là điểm du lịch
Để góp phần bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống gốm Mỹ Thiện gắn với phát triển du lịch, năm 2024 vừa qua, dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Qũy Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) và UBND huyện Bình Sơn khởi động thực hiện, đã tạo nên sự kết nối hoạt động du lịch học tập các điểm Bàu Cá cái - Gành Yến – Rừng Dừa nước - gốm Mỹ Thiện với mạng lưới Lý Sơn, Sa Huỳnh, TP Quảng Ngãi. Đây sẽ là cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh. Nghệ nhân Trịnh cho hay, khách du lịch và học sinh tìm đến cơ sở gốm của gia đình ông để tham quan, trải nghiệm làm gốm ngày càng nhiều. Nhiều đoàn xuống tham quan, tìm cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông, với mong muốn quảng bá hơn nữa làng nghề này. Ông Trịnh cũng được nhà nước hỗ trợ xây dựng một nhà trưng bày để trưng bày các mặt hàng, phòng trải nghiệm làm gốm.
CÔNG ĐOẠN CUỐI TRƯỚC KHI ĐƯA VÀO LÒ NUNG Ở LÀNG GỐM MỸ THIỆN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, việc tận dụng các tri thức bản địa vào phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp địa phương luôn tạo nên ấn tượng tốt bởi sự thành công về kinh tế cũng như văn hóa. Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, việc tăng cường thực hành sinh kế trên cơ sở của tri thức bản địa còn góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Làng gốm Mỹ Thiện có đủ điều kiện, điểm mạnh để triển khai theo định hướng này; việc gắn kết làng nghề với các tour du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm là một chiến lược khả thi. Trong thời gian đến tỉnh Quảng Ngãi sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng làng nghề, xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tạo ra “điểm đến” hấp dẫn thông qua kết nối làng nghề với các địa điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng như Gành Yến, biển Lệ Thủy, mũi Ba Làng An, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái cùng với các giá trị nổi trội của các di sản văn hóa phi vật thể như hò bả trạo, bài chòi, các làng nghề truyền thống… Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng Dự án “Du lịch, tham quan, trải nghiệm di sản quốc gia gốm Mỹ Thiện”.
KHÁCH HÀNG CHỌN MUA SẢN PHẨM Ở LÀNG GỐM MỸ THIỆN. NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan để hỗ trợ nghệ nhân và người dân trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng, tạo điều kiện để làng nghề phát triển bền vững. Địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ thương mại điện tử, nhãn hiệu… nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gốm trên thị trường. Bảo tồn gắn với phát triển; gìn giữ di sản nhưng vẫn tạo ra giá trị kinh tế, đời sống ổn định cho người dân chính là mục đích cuối cùng mà tỉnh Quảng Ngãi hướng đến.