Tăng trưởng vững chắc và thu hút FDI
Các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu đang thể hiện sự lạc quan rõ rệt về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025, nhất trí rằng quốc gia này sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Những đánh giá này được củng cố bởi các số liệu cụ thể và dự báo tích cực.
Ngân hàng Thế giới (WB) thường xuyên nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam, dự báo GDP đạt khoảng 6,0 - 6,5% vào năm 2024. WB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống còn 5,8% cho năm 2025 và 6,1% cho năm 2026, do rào cản thương mại gia tăng, triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và niềm tin tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu giảm sút.
Đáng chú ý, WB cũng ghi nhận mức nợ công của Việt Nam được duy trì ở mức thấp và ổn định, phản ánh sự vững chắc trong quản lý tài chính vĩ mô. Sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, sản xuất, du lịch, cùng với tiêu dùng và đầu tư kinh doanh trong nước là những yếu tố chính củng cố niềm tin này.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liên tục xếp Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. IMF đánh giá cao khả năng phục hồi và thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động toàn cầu, với dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,0 - 6,3% vào năm 2024. IMF đưa ra mức dự báo thấp nhất là 5,4% năm 2025 và 4% năm 2026, cho rằng khu vực châu Á, đặc biệt ASEAN, chịu tác động đáng kể từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, dù vẫn có cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng không ngừng khẳng định kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những bất ổn của môi trường bên ngoài. ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,4 - 6,7% vào năm 2024. ADB với dự báo đưa ra trước khi Mỹ công bố thuế quan mới, dự kiến GDP Việt Nam năm 2025 tăng 6,6% và đạt 6,5% vào năm 2026 qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu về tăng trưởng ở Đông Nam Á.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,1% vào năm 2024, nhưng sẽ chậm lại còn 6,2% vào năm 2025 và 6% vào năm 2026. OECD cảnh báo Việt Nam dễ bị tổn thương trước biến động bên ngoài do là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, và các mức thuế mới từ Mỹ có thể làm giảm đáng kể triển vọng thương mại, ước tính thuế suất hiệu quả tăng 3 điểm phần trăm. Về dài hạn, OECD nhấn mạnh nâng cao năng suất lao động là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 từ 6% lên 6,9%, sau khi GDP quý II/2025 tăng mạnh 7,96% (đạt 7,52% cho 6 tháng đầu năm), vượt kỳ vọng của nhiều tổ chức. Động lực chính đến từ xuất khẩu tăng tốc trước thời điểm Mỹ áp thuế. Dù dự báo xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng vừa phải hơn (tổng 8,5%, với Mỹ là 5%), UOB cho rằng "giai đoạn căng thẳng nhất đã qua" sau đàm phán thương mại thuận lợi với Mỹ. UOB cũng dự báo FDI giải ngân cả năm đạt khoảng 20 tỷ USD.
Còn theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2025 và 6,2% năm 2026, nhưng lưu ý triển vọng khu vực phụ thuộc nhiều vào chính sách thương mại của Mỹ.
Đặc biệt, Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, khẳng định Việt Nam là "thỏi nam châm" hút vốn toàn cầu. Trong năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 38,23 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2023. Đáng chú ý hơn, vốn FDI thực hiện (giải ngân) đã đạt mức kỷ lục khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cam kết sang triển khai thực tế. Dòng vốn này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, đặc biệt chảy vào các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất chất bán dẫn.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi tổng vốn đầu tư đạt 21,51 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và xu hướng tích cực của Việt Nam trong việc giữ chân và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với bối cảnh cạnh tranh khu vực đang ngày càng khốc liệt.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỉ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua. Con số không chỉ ấn tượng về mặt thống kê, mà còn phản ánh chuyển biến chất lượng và hiệu quả trong môi trường đầu tư Việt Nam.
Kết quả vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm 2025 đã phản ánh những chuyển biến tích cực về chính sách, năng lực nội tại và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng được cộng đồng đầu tư quốc tế đánh giá cao là Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ thể chế, luật pháp và hành chính nhằm tạo một sân chơi công bằng, minh bạch. Nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về Thương mại và Xuất nhập khẩu, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng được củng cố. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 786,29 tỷ USD, tăng đáng kể 15,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức cao, đạt khoảng 24,77 tỷ USD trong năm 2024, với Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất, đạt kim ngạch song phương 119,6 tỷ USD.
Theo số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố sáng 5/7/2025, trong tháng 6/2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9% . Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 6/2025 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD, tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,85 tỷ USD, giảm 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.
Nhìn chung, các báo cáo và dự báo từ những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đều nhất quán trong việc khẳng định tiềm năng và sức bật của kinh tế Việt Nam, định vị quốc gia này là một điểm sáng nổi bật trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Nâng cao vị thế Quốc tế
Không chỉ nổi bật về thành tựu kinh tế, vị thế đối ngoại của Việt Nam cũng ngày càng được củng cố và nâng cao, thể hiện rõ qua sự tham gia tích cực và vai trò ngày càng tăng trong các diễn đàn đa phương. Đây là minh chứng cho một Việt Nam chủ động, tự tin và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Một trong những dấu mốc quan trọng nhất là việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến an ninh, khoa học công nghệ, khẳng định sự tin cậy chiến lược giữa hai quốc gia.

Việt Nam cũng liên tục ghi dấu ấn tại các tổ chức quốc tế hàng đầu. Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027 bởi Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), cho thấy sự công nhận của quốc tế đối với nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 với số phiếu ủng hộ rất cao (175/183), khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào các vấn đề nhân quyền toàn cầu.
Mạng lưới đối tác của Việt Nam cũng không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới. Điều này được bổ trợ bởi một mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện rộng lớn, bao gồm 30 đối tác, trong đó có tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và toàn bộ các nước G7. Sự mở rộng quan hệ này giúp Việt Nam tăng cường hợp tác, đa dạng hóa thị trường và nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế.
Đánh giá về tầm vóc và vị thế Quốc tế của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng sự tham gia đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ quan quan trọng, cũng như trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Liên Hợp Quốc, nhất là về gìn giữ hòa bình, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá, ở thời điểm mới gia nhập LHQ, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề đói nghèo. Còn ở thời điểm hiện tại, Việt Nam được biết tới như một nền kinh tế đầy năng động. Vị thế của Việt Nam ngày càng được đề cao và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được coi trọng tại LHQ. Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Nên nhớ, hoạt động gìn giữ hòa bình là những hoạt động quan trọng nhất của LHQ. Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Để thực hiện các mục tiêu này không hề dễ dàng với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình về việc phát triển kinh tế nhưng vẫn quan tâm tới phát triển bền vững. Bởi vì Việt Nam cũng là một nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế nhưng vẫn quan tâm đến môi trường.

Có thể thấy, những bước tiến vượt bậc trong quan hệ đối ngoại, cùng với sự hiện diện ngày càng sâu rộng và tích cực tại các diễn đàn quốc tế, đã khẳng định vững chắc vị thế của Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm và ảnh hưởng trong cộng đồng toàn cầu, đóng góp thiết thực vào hòa bình và phát triển chung.
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đầy biến động, tạp chí The Diplomat đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về "câu chuyện chiến lược" độc đáo của Việt Nam, nhấn mạnh nỗ lực tích cực của quốc gia này nhằm thích ứng nhanh chóng và tự tin tiến vào "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
The Diplomat chỉ ra rằng, câu chuyện về Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử đấu tranh kiên cường giành độc lập và thống nhất đất nước. Từ một quốc gia đã anh dũng vượt qua hàng thế kỷ dưới ách thống trị ngoại bang và trải qua nhiều cuộc kháng chiến cam go, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia năng động và phát triển nhanh chóng ngày nay.
Một điểm nổi bật trong câu chuyện này là chính sách ngoại giao mạch lạc và nhất quán. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã kiên định với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, thành công biến những mối quan hệ từng đầy thách thức thành các đối tác mang tính xây dựng. Minh chứng rõ nét là việc Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức độ cao nhất trong ngoại giao, với nhiều cường quốc như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc...

The Diplomat cũng nhấn mạnh tinh thần lạc quan bền bỉ là một đặc điểm cốt lõi trong câu chuyện chiến lược của Việt Nam. Dù đối mặt với các cuộc xung đột và chủ nghĩa dân tộc gia tăng gần đây, Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm “hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn trên thế giới” được thể hiện trong các nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh niềm tin vững chắc vào quỹ đạo tích cực chung của các vấn đề quốc tế.
Để phù hợp với "kỷ nguyên mới", Việt Nam đang thực hiện những điều chỉnh "tinh tế" trong câu chuyện chiến lược của mình. Điều này được thể hiện rõ qua các hoạt động ngoại giao và phát biểu của lãnh đạo cấp cao.
Đặc biệt, tại Đại học Columbia trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định Việt Nam đang ở “một điểm khởi đầu lịch sử mới, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Tương tự, trong bài phát biểu tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng vào tháng 9 năm 2024, The Diplomat nhận thấy Việt Nam ngày càng tự tin và hiểu biết sâu sắc về bối cảnh quốc tế, thể hiện sự sẵn sàng thích ứng với tình hình địa chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Tại diễn đàn toàn cầu này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra môi trường quốc tế phức tạp và nguy hiểm, với chủ nghĩa dân tộc vị kỷ gia tăng, không gian sinh tồn và phát triển bị thu hẹp, cùng sự gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống.
Một yếu tố then chốt khác trong chiến lược phát triển của Việt Nam là việc đề cao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như những động lực chính để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. The Diplomat lưu ý rằng, nhận thức được "cơ hội vàng" để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" chỉ còn trong 10-15 năm nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh vai trò của tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc đạt được tăng trưởng bền vững và nâng cao mức sống. Sự tập trung vào các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), phản ánh mong muốn của Việt Nam tận dụng đổi mới sáng tạo để đẩy nhanh quá trình phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

The Diplomat kết luận rằng, bằng cách đề cao độc lập, chủ nghĩa đa phương và đổi mới công nghệ, Việt Nam có thể nâng cao "sức mạnh mềm" và ảnh hưởng trên các diễn đàn quốc tế, định vị mình như một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu. "Câu chuyện chiến lược" đang phát triển của Việt Nam đại diện cho một phản ứng sâu sắc và cân bằng trước một thế giới đang thay đổi, mang đến tầm nhìn về một Việt Nam vừa là nước thụ hưởng, vừa là nước có đóng góp cho hợp tác quốc tế. "Khi câu chuyện chiến lược này tiếp tục phát triển và thể hiện trong các quyết định chính sách, Việt Nam sẽ có tiềm năng định hình lại vị thế và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế", The Diplomat nhấn mạnh, thể hiện niềm tin vào tương lai của Việt Nam.
Thách thức và triển vọng
Dù đã gặt hái nhiều thành công nổi bật, hành trình "vươn mình" của Việt Nam vẫn còn những thách thức cần vượt qua để duy trì đà phát triển bền vững. Các tổ chức quốc tế liên tục chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần tập trung cải thiện. Đầu tiên, việc nâng cao năng suất lao động là yếu tố then chốt để chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng. Kế đến, quản lý hiệu quả áp lực lạm phát sẽ đảm bảo sự ổn định vĩ mô, bảo vệ sức mua của người dân và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn, khuyến khích cả đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Cuối cùng, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng xanh, không chỉ giải quyết nhu cầu phát triển mà còn là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tóm lại, những số liệu và nhận định từ các tổ chức quốc tế uy tín trong năm 2024, cùng với các dự báo cho năm 2025 và đặc biệt là phân tích sâu sắc từ The Diplomat, đều khẳng định một điều: Việt Nam đang trong một "kỷ nguyên vươn mình" mạnh mẽ. Điều này không chỉ thể hiện qua những con số ấn tượng về kinh tế mà còn qua việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Việc chủ động đối mặt và giải quyết các thách thức sẽ giúp Việt Nam củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai./.