Cẩn trọng khi chăm sóc, bảo vệ trẻ trong dịp hè

Mùa hè là thời điểm gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ. Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần đặc biệt cẩn trọng với rắn, chó và các nguy cơ tiềm ẩn trong sinh hoạt thường ngày.

Trường hợp đầu tiên là bé trai Đ.Q.H (6 tuổi, ngụ tại Cái Nước, Cà Mau) bị rắn cắn khi đang sang nhà hàng xóm chơi.

Theo khai thác bệnh sử, trước nhập viện khoảng 4 giờ, bé chạy qua nhà hàng xóm chơi cầu tuột. Trên đường đi, bé bị rắn lục đuôi đỏ rơi từ giàn mướp xuống và cắn vào ngón chân cái bên trái, gây đau và chảy máu. Người nhà lập tức cầm máu, bắt được con rắn và đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu, truyền dịch, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục điều trị.

can-trong-khi-cham-soc-bao-ve-tre-trong-dip-he-1752573509.jpg
Rắn lục xanh đuôi đỏ cắn khiến bé trai 6 tuổi phải nhập viện (Ảnh: BVCC)

Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng sưng bầm ngón cái và bàn cổ chân trái, chảy máu thấm gạc, vẻ mặt lừ đừ.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM, cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị rối loạn đông máu nặng. Người nhà mang theo con rắn bị bắt (được xác định là rắn lục xanh đuôi đỏ) giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác và tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Tuy nhiên, sau 6 giờ tình trạng chưa cải thiện, trẻ tiếp tục được truyền liều huyết thanh thứ hai. Sau 12 giờ, trẻ ngừng chảy máu, vết thương giảm sưng bầm rõ rệt.

Trường hợp thứ hai là bé trai H.T.K. (5 tuổi) bị chó cắn rách mặt bên phải.

Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang chơi với bạn trong sân nhà, bé vô tình lại gần nơi chú chó đang ngủ trong hốc tủ. Chó tưởng bị tấn công nên bất ngờ lao ra cắn vào vùng mặt và mắt phải, gây vết thương phức tạp, chảy máu nhiều. Trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu ngay sau đó.

Bác sĩ Tiến cho biết, khi nhập viện, bé tỉnh táo, tiếp xúc được, các chỉ số sinh tồn ổn định. Ghi nhận vết thương phức tạp vùng mặt bên phải, gồm khoảng 10 vết đứt sâu, kích thước trung bình 5x3 cm, có vết rách phạm mi mắt dưới phải, đang rỉ máu nhẹ.

can-trong-khi-cham-soc-bao-ve-tre-trong-dip-he-1-1752573509.jpg
Bé trai 5 tuổi bị chó cắn rách mặt bên phải (Ảnh: BVCC)

“Vết thương phức tạp vùng đầu mặt cổ (má phải và mắt phải) do chó cắn, ghi nhận ở giờ thứ nhất sau chấn thương”, bác sĩ Tiến thông tin.

Trẻ được xử trí khẩn cấp bằng cách cầm máu, tiêm huyết thanh kháng dại quanh vết thương nhằm trung hòa virus, ngăn virus xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Đồng thời, trẻ được tiêm vaccine ngừa dại theo phác đồ, huyết thanh kháng uốn ván, kháng sinh, thuốc giảm đau, rửa sạch và khâu ngắt quãng với khoảng 20 mũi. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt và tiếp tục được tiêm các mũi vaccine ngừa dại còn lại.

Từ hai trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần phát quang khu vực quanh nhà, tránh để rắn, ong hoặc côn trùng có cơ hội trú ngụ và tấn công trẻ. Trẻ cũng cần được hướng dẫn cách đi lại an toàn trong các khu vực có bụi rậm, ruộng cỏ, nơi rắn dễ ẩn nấp. Ngoài ra, nên giáo dục trẻ không đùa giỡn, trêu chọc chó hoặc lại gần chó đang ngủ để hạn chế nguy cơ bị tấn công gây thương tích và nguy cơ mắc bệnh dại.

“Ngay cả với những vết thương nhỏ do động vật gây ra, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời, tránh để lại biến chứng nghiêm trọng”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.