TS. Lê Thành Ý: Đối thoại về hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam

09/06/2022 13:10

Chiều 27/7/2021 (theo giờ Hà Nội), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự và phát biểu tại Hội nghị trù bị Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Nhằm định hướng cho hệ thống lương thực thực phẩm( LTTP), thúc đẩy hành động tập thể để đạt 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 và chuẩn bị cho việc tham gia Đối thoại thượng đỉnh về LTTP do Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9 năm 2021, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua ,Việt nam đã tổ chức những đối thoại trao đổi, bao gồm 2 vòng ở cấp quốc gia và 03 đối thoại cấp vùng ở 3 miền Bắc, Trung và Nam. Các cuộc đối thoại diễn ra có mục tiêu chung là: “Thông qua trao những đổi cởi mở giữa các bên liên quan, xác định những điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội quan trọng, nhằm đạt mục tiêu không còn đói nghèo theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030.  Đối thoại là cơ hội để đánh giá những thành tựu gần đây của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, cũng như xóa đói giảm nghèo và cải thiện dinh dưỡng”. 

Chủ đề của đối thoại đã tập trung vào hệ thống LTTP Việt Nam, lộ trình hướng tới các hệ thống thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững hơn đến năm 2030. Từ tầm nhìn quốc gia và ở các vùng , nội dung Đối thoại đã tập trung vào 5 Lộ trình hành động để chỉ ra những thách thức, cơ hội, các giải pháp ưu tiên cần lựa chọn trong bối cảnh hiện tại của hệ thống LTTP Việt Nam. Bài viết tông hợp một số nét nổi bật qua những đối thoại này.

lttp1-1628061941.jpg

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự và phát biểu tại Hội nghị trù bị Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Vai trò nông nghiệp Việt Nam trong đáp ứng nhu cầu LTTP trong nước và trên thế giới

Là một quốc gia có diện tích đất đai không lớn (trên 33 triệu ha), đất nông, lâm nghiệp có 26,0 triệu ha với 10,3 triệu ha có thể sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người vào loại thấp nhất của thế giới. Những thập niên gần đây, hệ thống LTTP Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt. Từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào cuối thập niên 1980 với 60% dân số sống dưới mức đói nghèo.  Nhờ quyết sách “Đổi mới”,chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các thành phần kinh tế và giải phóng tư liệu sản xuất, Việt Nam dần thoát nghèo, vươn lên đảm bảo cân đối về lương thực thực phẩm và có dư thừa xuất khẩu

Sau hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức tham gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Qua đó, hệ thống cung ứng, lưu thông hàng hóa, nông sản, thực phẩm ngày càng hội nhập sâu và gắn bó với hệ thống LTTP thế giới. Ngày nay,Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Với lực lượng  lao động khoảng 35% lao động xã hội, ngành nông nghiệp đã đóng góp 14,85% vào GDP của cả nước.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã trở thành một trong số ít những nước xuất khẩu LTTP quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Mười năm qua, Việt Nam luôn là một trong bốn nước khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không dừng ở những mặt hàng lương thực thiết yếu mà đã trở thành một trong hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất chỉ sau Braxin; đứng đầu thế giới về mặt hàng gia vị như hồ tiêu.

Ngoài mặt hàng lương thực, Việt Nam còn là nhà xuất khẩu lớn về thủy sản, hạt điều và rau quả. Theo ước tính, 50% sản lượng LTTP làm ra được dành cho xuất khẩu. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020. Nhờ sản xuất phát triển, an ninh LTTP đảm bảo, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 41,5 tỷ USD; năm 2021 mặc dù đại dịch Covid 19 diễn biến khó lường song 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đã vượt qua 24,2 tỷ USD. Nói cách khác, bên cạnh đáp ứng nhu cầu của hơn 97,7 triệu dân trong nước, Việt Nam cũng đã đóng góp lớn vào nuôi sống gần 100 triệu dân trên toàn thế giới.

Tồn tại và hạn chế

Trong 3 thập niên qua, mặc dù đạt được những tiến bộ lớn trong giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, song cộng đồng nông nghiệp và nông thôn vẫn nằm trong nhóm những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong điều kiện BĐKH, dịch bệnh và những biến động thị trường. Cho đến nay, nông nghiệp thực phẩm vẫn là nguồn sinh kế quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam, rất cần tiếp tục những nỗ lực giảm nghèo và giải quyết thách thức ngày càng lớn đối với phát triển nông nghiệp và  kinh tế nông thôn.  Mặc dù sản xuất lương thực có dư thừa, nhưng thách thức về suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn hiện hữu ở miền núi và nhất là vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trong những thập niên gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp rất ấn tượng với chiến lược thâm canh cao, nhưng giải pháp này cũng gây những biến động môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tài nguyên đất và nước do sử dụng quá mức các hóa chất nông nghiệp, thuốc kháng sinh, tạo ra chất thải không có khả năng phân hủy sinh học. Những tác động này cùng với nạn phá rừng, làm mất đa dạng sinh học, suy thoái đất và hệ sinh thái, phát thải khí nhà kính. Những tác động này cùng với tình trạng di cư quy tự phát và từ nông thôn ra thành thị đã đãn đến những biến động bất lợi về xã hội nông thôn.

Trong nông nghiệp và nông thôn nước ta chủ yếu là những nông hộ quy mô nhỏ, sản xuất với năng suất thấp và khả năng sinh lợi hạn chế, cơ hội việc làm ít và mức lương cho lao động thấp, khó tăng trương nhanh. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp  còn ở dạng thô, chưa đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm nên có hàm lượng giá trị gia tăng rất nhỏ.

Về phía sản xuất, người nông dân ít có điều kiện tìm hiểu thông tin, tiếp cận thị trường và tham gia vào các chuỗi giá trị, thường dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô, ít có vai trò làm tăng giá trị nông sản; HTX nông nghiệp phần đông mới hoạt động, năng lực hỗ trợ cho hộ nông dân tham gia thị trường còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm ưu thế đối với nông sản chủ chốt đã chi phối  lớn đến lợi ích của người sản xuất. Ngoài ra, Đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã và đang đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế và an sinh xã hội nông thôn, khiến việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tình trạng tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm và tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng gay gắt là những thách thức lớn để đảm bảo an ninh lương thực cho 7,9 tỷ dân toàn cầu, đối với Việt Nam hiểm họa này càng to lớn, khi là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng.

Có thể thấy, Việt Nam cùng lúc cần phải đạt được những tiến bộ trong việc thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai và BĐKH đối với tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phải tăng cường năng lực quốc gia trong môi trường thương mại biến động khó lường; cần cải thiện , đa dạng hóa sinh kế và nâng cao thu nhập cho các nông hộ bằng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn xã hội và môi trường một cách bền vững. 

Hệ thống LTTP với những vấn đề đặt ra

Hệ thống LTTP của Việt Nam rất đa dạng và đang đối mặt với nhiều thách thức,tiềm ẩn nhiều tác động có thể diễn ra, đặc biệt đối với những cộng đồng dễ bị tổn thương. Đây là những vấn đề phức tạp và có mối liên hệ qua lại với nhau, đòi hỏi phải có sự hợp tác đa ngành, đa cấp, đa đối tác cả về công cụ chính sách và truyền thông phù hợp. Theo các nhà phân tích, những tồn tại chính được thể hiện trên các mặt do BĐKH, suy giảm tài nguyên,ô nhiễm môi trường; chuỗi giá trị sản xuất và thị trường LTTP còn nhiều tồn tại và hạn chế.

Nhiều dự báo và thực tế BĐKH diễn ra cho thấy, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh hại thường xuyên xảy ra, gây tổn thất hàng năm tương đương với 2% GDP cả nước. Đại dịch Covid-19 gây những đứt gãy trong chuỗi cung ứng LTTP toàn cầu mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Điều này đặt ra thách thức phải củng cố và tăng cường khả năng thích ứng của cả hệ thống sản xuất và cung ứng LTTP.

Năng suất và sản lượng LTTP của Việt Nam liên tục tăng trong ba thập niên, là kết quả của mục tiêu tăng năng suất và sản lượng. Song kết quả này cũng mang theo những hệ lụy dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm và đi kèm là những lo ngại về suy giảm chất lượng cả về dinh dưỡng, vi chất và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc lạm dụng quá nhiều hóa chất và đầu vào khác trong sản xuất là thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, phân bón và tưới tiêu nước đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm, tăng giá thành nông sản, giảm thu nhập của người sản xuất. Hệ thống sản xuất thâm canh, ô nhiễm chưa được kiểm soát và phát thải khí nhà kính tăng lên đã làm suy giảm tài nguyên, sức khoẻ của đất, nước, biển và đa dạng sinh học, đồng thời làm gia tăng thêm  BĐKH,

Sản xuất và sử dụng đất thiếu đa dạng làm tăng tính dễ bị tổn thương của hệ thống LTTP trước ảnh hưởng của dịch bệnh, BĐKH, thiên tai và sức ép của các cú sốc. Theo nhiều phân tích, tỷ lệ thất thoát và lãng phí LTTP Việt Nam còn ở mức cao. Việc ít sử dụng hoặc tái sử dụng phụ phẩm chưa hợp lý cũng dẫn đến sử dụng kém hiệu quả tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường ngày càng lớn. Trong khi các chính sách khuyến khích về tài chính, kỹ năng và thông tin để áp dụng các phương pháp thực hành sản xuất tốt đảm bảo bền vững như VietGAP và GAP các loại và nông nghiệp thông minh với khí hậu, canh tác nông nghiệp sinh thái lại còn nhiều hạn chế.  

Chuỗi giá trị sản xuất và thị trường còn nhiều hạn chế. Hệ thống sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, thâm canh, manh mún và chuỗi giá trị thiếu tính kinh tế đã gây khó khăn trong việc mở rộng áp dụng những công nghệ tiên tiến, thực hành bền vững và cả hệ thống công nghiệp chế biến. Các nhà sản xuất quy mô nhỏ, HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm có chất lượng và giá trị cao cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Do yếu kém trong tiếp cận thông tin thị trường và công nghệ mới, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, cũng như các dịch vụ tài chính sáng tạo nên hiệu quả hoạt động của các HTX và hiệp hội ngành hàng còn bị hạn chế cả về năng lực tài chính lẫn khả năng quản trị và liên kết với thị trường.

Hạn chế đầu tư vào quản lý sau thu hoạch, bảo quản, tồn trữ và chế biến đã làm gia tăng thất thoát lãng phí LTTP. Việc giảm lựa chọn nhằm gia tăng giá trị sản xuất thực phẩm an toàn và bổ dưỡng đều hạn chế khả năng tiếp cận thị trường có giá trị cao cả ở trong nước và quốc tế. Sản xuất thiếu hợp tác, gắn kết đã dẫn đến chất lượng, giá trị gia tăng thấp và dễ đổ vỡ trong chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp chuyển dịch sang các lĩnh vực kinh tế khác không chỉ có nguy cơ mất động lực sản xuất sáng tạo để chuyển hóa hệ thống mà còn đòi hỏi phải đầu tư vốn lớn và cơ giới hóa nhiều hơn để thay thế lao động.

Do hạn chế tiếp cận và sự sẵn có của thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và giá cả hợp lý đối với người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngược lại, ở một số đô thị, tỷ lệ béo phì lại gia tăng cao. Nghịch lý suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đã tạo gánh nặng kép đối với an ninh dinh dưỡng quốc gia. Giới nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do đại bộ phận dân cư chưa nhận thức đầy đủ và chưa hình thành thói quen ăn uống cân đối dinh dưỡng, đặc biệt đối với vi chất. Chưa quan tâm đúng mức đối với dinh dưỡng và sức khỏe để thay đổi nhận thức, xây dưng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh, chống thất thoát lãng phí, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm phát thải và sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và vi chất tại chỗ còn là một khoảng trống lớn. khoảng trống này gây khó khăn cho người tiêu dùng, cần được quan tâm và sớm có giải pháp khắc phục

Trong tổ chức chỉ đạo, sự phối hợp và cộng tác giữa các ngành, các Bộ và các tổ chức từ cấp địa phương đến quốc gia vẫn còn chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai và làm hạn chế kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, sự hợp tác của khu vực tư nhân trong hệ thống LTTP chưa như kỳ vọng đã dẫn đến giảm tác động đầu tư, đổi mới và phát triển năng lực. Khả năng bị ảnh hưởng của các nhóm dễ bị tổn thương trong hệ thống LTTP tăng lên do quá trình xem xét, lồng ghép và hành động về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội còn thiếu. Nguồn lực và khả năng của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu đào tạo và chuyển giao công nghệ để phát triển và thực hiện toàn bộ các giải pháp mang tính hệ thống cho các chuyển đổi trong hệ thống LTTP còn hạn chế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và nhiều vấn đề kỹ thuật trong hệ thống còn nhiều trở ngại.

lttp2-1628062200.jpg

Cơ hội và đề xuất từ tầm nhìn quản lý

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017), Là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đã cam kết thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia Không còn nạn đói, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tiến hành cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tối ưu hoá chi phí sản xuất có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, BĐKH, dich bệnh mới nổi, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn của Chính phủ đã có những định hướng quan tâm đến phát triển hệ thống LTTP mang tính địa phương, bản địa, quan tâm đến an toàn thực phẩm và dịch bệnh, kết hợp với phát triển nông thôn sẽ góp phần đẩy mạnh khả năng cải tiến Hệ thống LTTP trong trung hạn.

Phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa mục đích để chuyển đổi thành nước cung ứng hàng hóa nông sản lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu cả về khối lượng và chất lượng gia tăng của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nền nông nghiệp thông minh với khí hậu, bảo vệ tài nguyên, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Cung cấp nguồn sinh kế bền vững trong khi vẫn đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với người nghèo ở nông thôn là những điểm nhấn thu hút được sự quan tâm trong các đối thoại. Những mục tiêu thể hiện trong các chương trình, kế hoạch hành động và chiến lược quốc gia được Chính phủ và Bộ NN PTNT ban hành đều hướng tới đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp LTTP có “trách nhiệm, minh bạch và bền vững”.

Hệ thống LTTP đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực để đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Khung hệ thống đã đưa ra cách tiếp cận hợp tác đa ngành, đa cấp phù hợp với các chương trình hành động và chính sách hiện hành của Việt Nam. Cùng với những hoạt động của Chính phủ, nhiều chương trình, dự án đầu tư và sáng kiến về LTTP đã được thực hiện bởi khu vực tư nhân, nhiều nhà tài trợ đa phương và song phương, các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các Hiệp hội ngành hàng và các nhóm xã hội dân sự là những đóng góp rất thiết thực cho các chương trình hành động quốc gia.

Từ những khó khăn, thách thức đối với hệ thống LTTP được xác định, Đối thoại lần này đã thống nhất một số sáng kiến và giải pháp cần thiết cho việc chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững hơn đến năm 2030. Các vấn đề chính đã tập trung vào:

Thành lập Diễn đàn đa phương đầu tư và đổi mới, nhằm nâng cao giá trị của các mô hình và chiến lược phát triển chuỗi giá trị LTTP khả thi và bền vững. Trên cơ sở kết hợp nguyên tắc kinh tế nông nghiệp và khí hậu thông minh, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, giải pháp này chú trọng sản xuất LTTP lành mạnh và bổ dưỡng,tạo thuận lợi cho thương mại nông sản toàn cầu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong đại dịch Covid-19.

Rà soát và đổi mới thể chế, chính sách và các quy định phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các thể chế, lồng ghép và tích hợp các chương trình liên kết hệ thống LTTP. Cập nhật, bổ sung chính sách về tín dụng, bảo hiểm, khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khuyến khích đầu tư có trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp và hệ thống LTTP. Trong giải pháp này, cần đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi các quy định về quản lý đất đai theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nội ngành dễ dàng hơn; công nhận, xác nhận các quyền sử dụng đất và các tài sản đầu tư trên đất. Hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình tổ chức nông dân, hợp tác xã và các hội, hiệp hội nghề trong nông nghiệp và ở nông thôn.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất bao gồm cả đường bộ, giao thông, dịch vụ hậu cần logistic, công nghệ lạnh, chợ đầu mối phân phối, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh… nhằm cải thiện liên kết vùng và kết nối thị trường và hệ thống phân phối LTTP. 

Tập trung đầu tư cho Nghiên cứu phát triển, Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ gắn với nhu cầu của hệ thống LTTP. Theo đó, cần  tăng cường hiệu quả bảo quản, chế biến, tái chế phụ phẩm để qua đó, giảm bớt thất thoát, lãng phí và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, gia tăng giá trị thông qua thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng;

Tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo để Việt Nam hướng tới trở thành một trung tâm sáng tạo về hệ thống LTTP của khu vực Đông Nam Á. Cùng với các đối tác quốc tế khác, Việt Nam hướng tới xanh hóa nền kinh tế và xây dựng hệ thống LTTP phát thải thấp.

Đầu tư vào Chuyển đổi ứng dụng công nghệ số trên toàn bộ hệ thống thực phẩm từ truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, quy cách sản phẩm và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua và phân phối sản phẩm, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; Chuyển đối số đi cùng với quá trình đổi mới thể chế quản trị để phát triển hệ thống LTTP tích hợp đa giá trị, bao gồm cả kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan và môi trường.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển và hợp tác Nam-Nam. Hợp tác, kết nối trong nghiên cứu, dự báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.

Đổi mới trong khuyến nông, đào tạo và giáo dục trên diện rộng cho nông dân và kinh doanh theo chuỗi giá trị; Xây dựng và cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia, làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối; tăng cường giáo dục để tạo thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng tiết kiệm,có trách nhiệm đối với toàn dân.

Ưu tiên bình đẳng giới và hòa nhập xã hội là vấn đề cần được cân nhắc. Các chính sách đưa ra cần quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của các cú sốc và căng thẳng. Theo đó, những sáng kiến về tài chính, nhất là các giải pháp công nghệ sẽ giúp cho vay và tín dụng tiết kiệm, bảo hiểm và thanh toán hiệu quả.

Dựa trên các kết quả đối thoại để giải quyết các vấn đề đặt ra, đại biểu tham dự đối thoại cho rằng, nên thực hiện theo một lộ trình hành động  bao gồm Đảm bảo tiếp cận với thực phẩm an toàn và dinh dưỡng; Chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững; Nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm và Tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương, cú sốc và sức ép. Về những nội dung này xin được đề cập cụ thể hơn trong những bài viết sau

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "TS. Lê Thành Ý: Đối thoại về hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309