Trở lại đất nước Chùa Tháp - Chiến trường xưa (Kỳ 2)

02/01/2024 09:58

Kỳ 2: Đường đến thủ đô Phnôm Pênh

Sau khi giã từ bộ quân phục, trong tay hầu hết lớp trai trẻ chúng tôi chỉ biết nghề “nhà binh”, không ai định hướng nghề nghiệp. Cuộc sống, mưu sinh, dòng đời xô đẩy đã đưa tôi vào Nam lập nghiệp. Những người đồng đội một thời trên chiến trường K, đa số còn ở quê nhà Quảng Trị và các tỉnh phía Bắc, rất ít có dịp gặp lại nhau.

Sau nhiều năm ấp ủ, mấy lần liên lạc, rủ anh em bạn bè cùng chiến hào một thời đi thăm lại chiến trường xưa, nhưng ai cũng bận rộn dù hết thảy đã già, tôi quyết định đi riêng một mình. Nói một mình là lính, nhưng là hai. Bên cạnh tôi còn có người đồng hành – hơn cả một người đồng đội, luôn chia sẻ ngọt bùi từ trong ký ức đến cuộc sống đời thường. Người này ngày xưa hay chê tôi “sao mặt anh đen thế”, khi chúng tôi vừa từ chiến trường K nắng cháy trở về. Chê là thế nhưng cô sinh viên sư phạm vẫn cứ yêu anh chàng bộ đội dong dỏng cao, gầy và có nước da đen sạm, chỉ còn nhìn thấy đôi mắt là sáng – cô ấy nói thế!

Chuẩn bị kế hoạch “tác chiến”.

“Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”. Không phải tour du lịch Campuchia nào cũng có thể đến những nơi mình muốn. Tham khảo nhiều tour, tôi quyết định chọn đi hướng biển Sihanoukville 4 ngày 3 đêm của công ty du lịch Sao Biển (TP.HCM). Tiền bạc không thành vấn đề, nhưng vì tour này đi qua các địa danh như thủ đô Phnôm Pênh, thị xã Campot, cao nguyên Bokor (núi Tà Lơn) và thành phố biển Sihanoukville, chỉ cách quân cảng Ream hơn 20km... Là những nơi 45 năm trước từng in dấu chân, từng thấm máu của chính tôi cùng các đồng đội trong những trận chiến khốc liệt với quân giặc.

z5026723608944-d39a0270be5895e07e03f43042242910-1704163269.jpg

Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh - Đối diện là cửa khẩu Ba Vét, Prayveng, CPC. Photo Van Hau

Tôi truy cập Google Map để “trinh sát”, tìm lại những con đường, địa điểm, phum sóc... nơi đơn vị mình từng chiến đấu, đóng quân hay hành quân qua, và thật sự xúc động nhận ra các địa điểm trên Google Map vệ tinh qua màn hình máy tính.

Sau khi xác định cự ly giữa các điểm có thể đến, loại bỏ những địa điểm quá xa trong rừng núi, trở ngại giao thông vì thời gian không cho phép, một kế hoạch “tác chiến” chi tiết được tôi sắp đặt cho thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ, dự định chỉ khi đến Campuchia mới đề nghị với hướng dẫn viên giúp đỡ thực hiện, bởi vì các công ty tổ chức tour thường không cho thành viên tách đoàn do lo ngại bất trắc, an ninh.

Những khách VIP hôm nay và ngày xưa

Xuất phát sớm từ Sài Gòn, hơn 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài/ Bavét (Tây Ninh/Prayveng) một cách nhanh chóng. Thậm chí, thủ tục phía Việt Nam còn chậm hơn so với phía Campuchia. Hướng dẫn viên cho biết:

-  Campuchia coi hộ chiếu Việt Nam là hộ chiếu khách VIP.

Thực vậy, cửa khẩu Mộc Bài tấp nập người và xe cộ. Lúc đầu, tôi hơi ngạc nhiên khi an ninh cửa khẩu Bavet (Campuchia) liếc nhìn thấy chúng tôi cầm hộ chiếu Việt Nam, họ liền mời qua nhanh, không cần kiểm tra, sau nghĩ anh HDV nói đúng.

z5026723678607-ba84c4af7fbf4c4b567f6f59debe8e2a-1704163263.jpg

Cầu Neak Leung, cây cầu lớn nhất Campuchia nối đôi bờ sông Mekong, nơi quân tình nguyện Việt Nam vượt sông tiến vào giải phóng Phnom Penh 7.1.1979. Photo Van Hau

Theo Bộ Du lịch Campuchia, Việt Nam là thị trường khách du lịch ổn định và đầy tiềm năng của Campuchia. Năm 2022, lượng khách du lịch Việt Nam đến đất nước Chùa Tháp nhiều nhất, kế đến là Thái Lan và Trung Quốc. 10 tháng năm 2023, khách du lịch Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 880.000 người, trong khi khách Campuchia sang Việt Nam đạt hơn 300.000 người. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất khối ASEAN, với 205 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, nằm trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Xe chạy theo quốc lộ 1 của Campuchia, từ cửa khẩu Mộc Bài đến PhnomPenh chỉ khoảng 170 km, vượt sông Mekong ở cầu Neak Leung. Đây là tuyến đường xuyên Á có tầm quan trọng phát triển giao thương 2 nước. Chúng tôi qua cầu Neak Leung - cây cầu dây văng đẹp và lớn nhất Campuchia mới khánh thành năm 2015, cách cửa khẩu Mộc Bài 90km.

45 năm trước trên tuyến đường này, từ 1/1 đến 5/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và quân của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia (UFNSK) phối hợp tấn công từ hướng Tây Ninh qua tỉnh Svay Riêng, đánh chiếm bến phà chiến lược Neak Luong. Ngày 6/1/1979, những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) và 1 tiểu đoàn UFNSK đã chiếm được bờ phía đông bến phà. Ngay trong đêm, bộ đội công binh dùng cầu phao, tàu đổ bộ, thiết giáp lội nước đưa bộ binh vượt sông Mekong, đánh chiếm bờ phía tây của bến phà, chốt điểm đầu cầu, để ngày 7/1/1979, đại quân ta gồm bộ binh, xe tăng, pháo binh đồng loạt vượt sông Mekong, đè bẹp sự kháng cự của Khmer Đỏ, thần tốc tiến vào giải phóng Phnom Penh. Kể ra, những “khách VIP” ngày xưa tiến quân từ biên giới ở Tây Ninh đến PhnomPenh chỉ mất 7 ngày.

Ngày 8/1/1979 nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia tuyên bố thành lập.

z5026723815732-7c633abb710f731d0c054abc8b424579-1704163269.jpg

Tác giả thăm Tượng đài hữu nghị Campuchia - Việt Nam, tượng đài tri ân quân tình nguyện Việt Nam.

Tượng đài hữu nghị Campuchia - Việt Nam

Chưa đầy 7 tiếng đồng hồ, xế trưa, đoàn chúng tôi đến thành phố Phnom Penh xinh đẹp, mến khách, thành phố của hơn 2 triệu dân đang là một trong những đô thị phát triển nhanh của Châu Á. Nó đối lập với Phnom Penh từng được mệnh danh là "thành phố chết" cách đây 45 năm, dưới bàn tay bạo tàn của quân Khmer Đỏ.

Đã từng đến nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng trên thế giới, nhưng khi đến thăm Tượng đài hữu nghị Campuchia -Việt Nam, trong tôi trào dâng thứ cảm xúc khó tả.

z5026723911384-46ad57e3ba4da9c21926cd697bb644d7-1704163269.jpg

Văn bia tượng đài hữu nghị Campuchia - Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh, 11-2023 . Photo Van Hau

Tượng đài đứng sừng sửng trên quảng trường trung tâm thành phố Phnom Penh, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Campuchia và Việt Nam, là sự tri ân và ghi nhớ của Nhân dân nước bạn đối với sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam, đã không tiếc máu xương, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra. Được biết có hơn 20 tượng đài tương tự đã được Campuchia xây dựng ở khắp các tỉnh, thành.

z5026724014482-9de4d64c833fd785d2f6a32d9c8cfc13-1704163257.jpg

Một góc thành phố Phnom Penh xinh đẹp, mến khách, với hơn 2 triệu dân đang là một trong những đô thị phát triển nhanh của Châu Á. Photo Van Hau

Cảm ơn Nhân dân đất nước Chùa Tháp đã không quên sự hy sinh của hàng vạn đồng đội tôi, không quên chúng tôi! Cũng chỉ cần thế là đủ mà không cần gì hơn ở các bạn. Nhưng các bạn cũng cần biết rằng, những tấm Bằng khen, Huân chương chiến công đánh giặc Khmer Đỏ; những Giấy Chứng nhận, Huy chương Vì nghĩa vụ quốc tế được tặng... cựu chiến binh chúng tôi cũng tự bỏ tiền túi – đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình làm ra để mua thêm cái khung lồng vào cho trang trọng mà chẳng đòi hỏi gì ai! Không phải chúng tôi giàu có hay hào phóng, mà đó là vì chúng tôi không kiêu binh, công thần; chúng tôi chỉ trân quý giá trị hòa bình, chính nghĩa, thứ giá trị mà 2 dân tộc phải biết giữ gìn, vun đắp.

z5026724156385-4e7df027cc7000946608d1de5a823174-1704163256.jpg

Gia đình tác giả thăm tượng đài hữu nghị – tri ân quân tình nguyện Việt Nam ở Phnom Penh để tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống cho mình được sống trở về. Photo Van Hau

Thời gian ở Phnom Pênh không nhiều, tôi rời tượng đài hữu nghị khi ngọn gió chiều mát dịu mơn man, đàn bồ câu từ đâu đó bay về mỗi lúc một nhiều, chúng thản nhiên đáp xuống đậu trên đầu nòng súng, trên vai tượng đài người lính tình nguyện Việt Nam, sà xuống sân sau tìm ăn và nô đùa cùng đám trẻ. Tôi nấn ná vừa đi, vừa ngước nhìn tượng đài uy nghiêm, thầm tạm biệt linh hồn các đồng đội như đang tụ hội về nơi đây.

Giá như 45, 50 năm về trước, Khmer Đỏ khôn ngoan hơn, biết trân quý giá trị của hòa bình, chính nghĩa và không phạm sai lầm thì có thể nó vẫn tồn tại. Đó cũng là bài học sống còn về thực thi quyền lực của những người được Nhân dân Campuchia ủy thác, cũng như ở bất kỳ quốc gia nào.

Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "Trở lại đất nước Chùa Tháp - Chiến trường xưa (Kỳ 2)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309