Chuyện làng - Chuyện phố: “Khôn nhà, dại chợ” - Bài học từ một “tiến sĩ Kinh tế” trong đại án Phúc Sơn

Cả làng lại râm ran như thể có hội. Nhưng chẳng phải hội hè đình đám gì cho cam, mà là phiên “hội nghị toàn dân” trước cổng làng, với chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ: "Khôn nhà, dại chợ" – chương mới viết tiếp bởi ông tiến sĩ kinh tế Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũ, nay là Phú Thọ, người vừa bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên sơ thẩm 12 năm tù giam.

Nếu trước đây, người ta thường đùa rằng “thủ khoa cũng thất nghiệp”, thì nay có thể thêm một vế mới: “Tiến sĩ cũng vào trại, nếu quên mất đạo làm quan.”

dt2-thanh-2-1752395529.webp

Bị cáo Lê Duy Thành tại toà. Ảnh: Internet.

 

Ngày 11/7/2025, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ 12 năm tù về tội Nhận hối lộ. Mức án này vượt đề nghị của Viện kiểm sát (8 đến 9 năm tù) và là mức cao thứ 3 trong số 41 bị cáo liên quan đến đại án Phúc Sơn - vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, cầm đầu, cũng bị tuyên mức án cao nhất 30 năm tù.

Theo cáo trạng, ông Thành đã 4 lần nhận tiền từ Nguyễn Văn Hậu, với tổng số lên tới 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD. Đáng chú ý, ông là người nhận tiền nhiều nhất trong vụ án, thậm chí vượt cả cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan.

Các khoản tiền được trao dưới danh nghĩa “giúp công việc thuận lợi”, dù chính bị cáo thừa nhận tại tòa là không giúp gì cụ thể, chỉ “tạo điều kiện thuận lợi” cho doanh nghiệp hoạt động.

dt3-thanh-3-1752395738.webp

Bị cáo Lê Duy Thành trên đường dẫn giải vào phòng xử án, dùng cặp tài liệu che còng số 8. Ảnh: Internet.

 

Điểm khiến dư luận sửng sốt hơn cả là khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của ông Lê Duy Thành, đã thu giữ: Hơn 41 tỷ đồng và 1,63 triệu USD, trong đó có 10 tỷ đồng và 800.000 USD tiền mặt.

So sánh với số tiền bị cáo bị buộc nhận hối lộ (20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD), số tiền bị thu giữ đang “dư” hơn 28 tỷ đồng, điều này đặt ra dấu hỏi lớn về nguồn gốc tài sản.

Trả lời tại tòa, ông Thành cho rằng đây là tiền “của cả gia đình 8 anh em góp lại”, tuy nhiên, lập luận này bị cho là thiếu thuyết phục, nhất là khi các anh em đều đã có cuộc sống và kinh tế độc lập, càng thể hiện gian manh và tham lam trước pháp đình và bàn dân thiên hạ !

dt1-thanh-1-1752396001.webp

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ Lê Duy Thành khi đương nhiệm. Ảnh: Internet.

 

Với một cán bộ công chức - dù là chủ tịch tỉnh - việc sở hữu số tiền mặt lớn đến như vậy, vượt xa thu nhập hợp pháp, không thể không làm dấy lên nghi ngại về quá trình trục lợi trong thời gian tại chức.

Hành vi của ông Lê Duy Thành cho thấy một biểu hiện điển hình của sự lạm dụng chức vụ, biến quyền lực thành công cụ để đổi lấy lợi ích cá nhân. Cái gọi là “tạo điều kiện” thực chất là một cách nói khác của sự tiếp tay cho nhóm lợi ích, đi ngược lại nguyên tắc công vụ – nơi quyền lực phải gắn liền với trách nhiệm, liêm chính và phục vụ nhân dân.

Dù bị cáo đã nhận tội, nộp tiền khắc phục hậu quả và xin khoan hồng, nhưng hành vi đã gây ra không chỉ là sự sai phạm về mặt hình sự, mà còn là sự tổn hại to lớn đến uy tín của bộ máy chính quyền và niềm tin của người dân.

Vụ án là minh chứng rõ ràng cho thực tế: nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, quyền lực sẽ dễ dàng bị tha hóa, và chức vụ sẽ trở thành “cửa ngõ” để mặc cả, đàm phán cho tư lợi.

Vụ án liên quan đến ông Lê Duy Thành đặt ra một yêu cầu cấp thiết: Tăng cường kiểm soát quyền lực, minh bạch hoá tài sản, thu nhập của cán bộ, nhất là người giữ chức vụ cao. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp và phụng sự.

Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, hệ thống chính trị cơ sở và người dân trong công tác giám sát, đảm bảo không có “vùng cấm”, không có đặc quyền, đặc lợi, dù là với bất kỳ cá nhân nào.

Việc phát hiện, điều tra và xét xử vụ án Phúc Sơn - trong đó ông Lê Duy Thành là một trong những bị cáo điển hình - thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có đặc quyền”.

“Khôn nhà, dại chợ” - câu nói dân gian được người dân quê nhà Vĩnh Tường  dùng để nói về ông Lê Duy Thành - không chỉ là sự phán xét đạo đức, mà là một cảnh báo có tính biểu tượng, xứng đáng với mức án mà toà sơ thẩm đã tuyên.

Trong môi trường công vụ, chỉ một phút lầm lỡ, thiếu tỉnh táo, buông lỏng đạo đức - dù người đó từng học vị cao, chức vụ lớn - cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn diện cả về sự nghiệp, danh dự và lòng tin xã hội.

Bài học từ vụ án này không chỉ dành cho cá nhân ông Thành, mà còn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên: Danh dự, đạo đức và sự liêm chính là giá trị cốt lõi không thể đánh đổi.

Có lẽ, điều còn đọng lại nhiều nhất sau phiên toà không phải là con số bản án, mà là một câu hỏi xót xa: "Tiền nhiều để làm gì, khi danh dự đã không còn và lòng tin đã mất ?"

Câu hỏi ấy cần được những người đang giữ vị trí lãnh đạo suy ngẫm - không phải trong phiên toà, mà là ngay từ khi họ còn đang tại vị.

Q.Y