Trở lại đất nước Chùa Tháp - Chiến trường xưa (Kỳ 1)

31/12/2023 14:34

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, lật đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979 - 7/1/2024), sự kiện mang tầm quốc tế, trong đó, như một chứng nhân lịch sử, những cựu chiến binh chúng tôi không bao giờ quên.

Kỳ 1: Công lý và chính nghĩa đã thắng.

45 năm trôi qua, sau bao dự định, tôi mới có dịp trở lại đất nước Chùa Tháp, thăm lại chiến trường xưa, nơi lưu dấu bao ký ức không thể nào quên một thời tuổi trẻ trên mảnh đất này.

Chiếc ô tô 29 chỗ của công ty du lịch bon bon trên quốc lộ số 1 (Campuchia) hướng về Thủ đô Phnom Pênh. Nhìn cánh đồng lúa xanh tươi, làng mạc, phố xá sầm uất hai bên đường, tôi ngẫm về thế sự hơn 45 năm trước.

z5026721791309-c3965b70ede7c06e04b41e24cdedff4c-1704007843.jpg
Tác giả trước trụ sở Tòa án tối cao Campuchia, nơi diễn ra các phiên tòa của Tòa quốc tế ECCC xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Photo Van Hau

Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, đất nước hòa bình, thống nhất, ai cũng nghĩ sẽ không còn cảnh bom đạn chiến tranh nữa. Chúng tôi là lớp thanh niên trẻ chưa kịp thực hiện những ước mơ từng ấp ủ, lại phải tiếp nối lớp cha anh, cầm súng lên đường đi giữ nước.

Thời đó thông tin chậm chạp, mãi sau này chúng tôi mới biết, từ năm 1975 đến 1978, trên suốt chiều dài tuyến biên giới Tây Nam, quân Khmer Đỏ ở Campuchia do Pol Pot cầm đầu đã  tổ chức nhiều cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều làng mạc, giết hại nhiều dân ta.

Nhân dân Việt Nam vừa thoát khỏi 20 năm chiến tranh, chỉ tha thiết mong muốn hòa bình để xây dựng lại đất nước, nên chủ trương phòng ngự, tìm mọi giải pháp ôn hòa thông qua đàm phán với người “đồng chí” láng giềng, nhưng Khmer Đỏ đều bác bỏ. Ta càng nhân nhượng, Khmer Đỏ càng lấn tới.

z5026721805033-58c8cca162063937c7751458808339fd-1704007843.jpg

Bảo tàng Tuol Sleng – nơi lưu giữ bằng chứng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Ảnh tư liệu.

Cầm quyền và tội ác

Khmer Đỏ là ai? Nguyên nhân là gì thì mỗi người, nhất là thế hệ trẻ 2 nước cần tìm hiểu, ghi nhớ để không bao giờ cho phép lịch sử đau thương này lặp lại. Xin nêu vài cứ liệu lịch sử vắn tắt có thể tham khảo.

Campuchia và Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời, cùng nhau đứng lên làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành lại độc lập và tự do ở mỗi nước. Năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương tách ra thành ba đảng riêng biệt của ba nước Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Khmer ở Campuchia được thành lập tại Việt Bắc (Việt Nam, ông Sơn Ngọc Minh làm quyền Chủ tịch, hoạt động bí mật với hệ tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội II của Đảng (1960) đề cử Tou Samouth giữ chức Tổng bí thư, Ban Thường vụ gồm 5 người, ngoài Tou Samouth, có Nuon CheaPol Pot , Keo Meas  và Ieng Sary. Ba năm sau, nội bộ phát sinh bất đồng, Tou Samouth mất tích một cách bí ẩn sau khi từ Hà Nội về (nghi bị Pol Pot thanh toán). Pol Pot liền triệu tập hội nghị TW đảng và tiếm quyền lên làm Tổng Bí thư, đổi tên đảng thành Đảng Công nhân Khmer (1963), Đảng Cộng sản Khmer (1966), còn gọi là Khmer Đỏ.

z5026721885825-e36d04c62a6efa6334373fb4d8601976-1704007843.jpg

Nhà mồ Ba Chúc (An Giang) Bản cáo chung cho chế độ Khmer Đỏ. Ảnh tư liệu

Tháng 3/1970, Chính phủ của Hoàng thân Norodom Sihanouk bị tướng Lon Nol đảo chính lật đổ, Hoàng thân phải lưu vong ở Bắc Kinh. Được Trung Quốc ủng hộ, Hoàng thân Norodom Sihanouk giúp Khmer Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol ngày 17/4/1975, thành lập “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia” do Pol Pot lãnh đạo. Hoàng thân Norodom Sihanouk trở thành nguyên thủ quốc gia hình thức; ông từ chức sau đó ít lâu vì nhận ra sự tàn bạo của Khmer Đỏ. Từ đó trở đi, chính quyền Khmer Đỏ (chế độ áo đen) bắt đầu sự thống trị bằng chính sách đối nội phản động, hòng cải tạo Campuchia thành một xã hội vô thần, không phân chia giai cấp, cưỡng chế xua đuổi toàn bộ dân đô thị về nông thôn, tiến hành cuộc đại thanh lọc tàn bạo trong cả nước.

Trong 4 năm cầm quyền (1975 – 1978), Khmer Đỏ đã giết hại gần 2 triệu người Campuchia khác chính kiến,người Khmer gốc Việt và người Việt Nam. Chúng thực hiện chính sách đối ngoại hiếu chiến, thù địch chống Việt Nam, mở nhiều cuộc tấn công xâm chiếm lãnh thổ, bắt và giết hại hàng chục ngàn dân Việt ở đảo Phú Quốc, Thổ Chu và trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Đỉnh điểm tội ác của Khmer Đỏ là vụ thảm sát 3.157 người dân ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trong 12 ngày chúng chiếm đóng. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu nương nhờ cửa Phật cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Khi đơn vị chúng tôi hành quân đến xã Ba Chúc, nhìn cảnh tượng những vết máu của đồng bào mình còn tươi in trên tường ngôi chùa mà lòng uất nghẹn, không cầm được nước mắt, có gì đó quặn thắt trong lồng ngực, tự trách mình sao không đến sớm hơn để đồng bào phải chết thảm thương như thế?!

Quyền tự vệ chính đáng

Việt Nam nhận thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình; đã nhiều lần chủ động thông báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhờ can thiệp việc quân Khmer Đỏ tấn công lãnh thổ Việt Nam, tàn sát dân thường, nhưng Hội đồng bảo an và nhiều nước lớn trong LHQ im lặng (!?), buộc Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 Hiến chương LHQ để tự cứu mình, bảo vệ dân tộc và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng trong bối cảnh đó, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia chính thức kêu gọi ta giúp đỡ. “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở cuộc tổng phản công phủ đầu, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, tiếp tục giúp Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ của Việt Nam mà của cả Campuchia.

z5026721974333-bfb155df06c7b23d02bc6a4519e7986b-1704007842.jpg

Một đơn vị Bộ đội Sư đoàn 304  - đơn vị cũ của tác giả đang huấn luyện sẳn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu

Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Penh được giải phóng. Ngày 8/1/1979, Nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời do ông Hêng Samrin làm Chủ tịch; khép lại một trang sử đen tối của đất nước Chùa Tháp, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phát triển.

Di sản hòa bình

Bị đánh phủ đầu, quân Khmer Đỏ thất kinh hồn vía tháo chạy; đám tàn quân chạy sang ẩn náu giáp biên giới Thái Lan, được 1 số nước đồng lõa nuôi dưỡng, tiếp tục hoạt động nhưng đều thất bại thảm hại trước một đội quân thiện chiến vì chính nghĩa như Việt Nam. Pol Pot bị chết trước khi bị xét xử tội ác diệt chủng, các lãnh đạo Khmer Đỏ khác bị bắt và bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế.

Năm 1989, Quân tình nguyện Việt Nam rút hết về nước, để lại di sản vĩ đại cho Nhân dân xứ Chùa Tháp là nền tảng hòa bình, xóa bỏ vĩnh viễn chế độ Khmer Đỏ diệt chủng.

z5026722100992-d3240cca4e62c50f2d342c14422a77b4-1704007842.jpg

Tác giả thăm Tượng đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.Photo Van Hau

Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk khẳng định: “Nếu Việt Nam không đánh đổ Pol Pot thì tất cả người Campuchia có thể đã bị chết”. Trong gia đình quốc vương cũng có tới gần 20 người, các con, cháu của ông đã bị Khmer Đỏ đưa ra khỏi Phnom Penh, bị sát hại và mất tích. Nhìn những hiện vật khi bước vào Bảo tàng chứng tích diệt chủng Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia – nơi lưu giữ bằng chứng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ (nói thật, tôi không dám nhìn lâu – các bạn có thể tìm xem qua google), chúng ta mới thấy thật kinh hoàng, rùng rợn và xót thương những người dân vô tội trước sự tàn ác của tập đoàn Pol Pot. Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nói: "Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

40 năm sau, trong phiên tòa cuối cùng ngày 16/11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) tại Campuchia đã tuyên án: Chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác "diệt chủng" trong thời gian cầm quyền; xử tù chung thân 2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ còn sống là Nuon Chea và Khieu Samphan (hai bị cáo khác là Ta Mok và Ieng Sary đã chết khi tòa chưa tuyên án).

Với phán quyết đó, tuy muộn màng, nhưng lương tri loài người đã trả lại công lý và chính nghĩa cho Nhân dân Việt Nam và cho những người lính chúng tôi.

Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "Trở lại đất nước Chùa Tháp - Chiến trường xưa (Kỳ 1)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309