Thư tình từ “Xứ bụi đỏ, sương mù” (kỳ 2)

01/04/2024 22:03

Những dòng thư tình của Trịnh Công Sơn từ “Xứ bụi đỏ, sương mù” như áng văn đầy chất thi ca, quyện vào không gian giá lạnh, trầm mặc, lãng đãng mây bay, gió ngàn trên cao nguyên B’Lao. Một tình yêu mãnh liệt và đắm say như những cơn mưa chiều xối xả, quay cuồng và phiêu lãng như những cơn lốc bụi đỏ của miền đất bazan...

Một thời tuổi trẻ, người nhạc sĩ trẻ tài hoa họ Trịnh đã từng gắn bó với đất B’Lao xưa, Bảo Lộc ngày nay. Cùng với di sản âm nhạc đồ sộ ông để lại cho đời, có tình yêu “xứ bụi đỏ sương mù” và hàng trăm bức thư tình ông viết từ B’Lao còn phảng phất hương vị ngọt chát của trà, giọt đắng của cà phê và sự ray rứt, vấn vương của tơ tằm, như chính mối tình của ông.

tp-bao-loc-lang-dang-may-ngan-duoi-chan-nui-dai-binh-anh-dinh-quyt-1711983434.jpg
TP Bảo Lộc lãng đãng mây ngàn dưới chân núi Đại Bình

Nhiều bài viết nói rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1964 – 1967 lúc Trịnh Công Sơn dạy học ở B’Lao, ông đã viết hơn 300 lá thư tình gửi cho người con gái mình yêu ở xứ Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh, điều đó không sai nhưng chưa đúng hoàn toàn. Đọc cuốn sách “Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người”, do em gái là Trịnh Vĩnh Trinh viết lời thưa, được NXB Trẻ phát hành năm 2001 nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông và các tư liệu thu thập được thấy rằng, trong số hơn 300 lá thư tình ông viết, có đến một nửa viết từ B’Lao, số còn lại viết từ Đà Lạt, Dran[*], Sài Gòn và ở các nơi khác …

la-thu-dau-tien-nhac-si-trinh-cong-son-viet-cho-dao-anh-tu-blao-de-ngay-29-9-1964-pho-to-van-hau-chup-tu-sach-thu-tinh-gui-mot-nguoi-1711983493.jpg
Lá thư đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh từ B'Lao đề ngày 2-9-1964

Tìm đọc những lá thư tình được công bố, lá thư đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh được gửi từ B’Lao đề ngày 2/9/1964, ông viết:

“ Blao, 2 September 1964

Dao Ánh thân mến,

Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.

Bây giờ núi đồi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.

Ánh ơi,

Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời.”…

“Có điều, anh không ngờ vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo.”

 “… Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa.”…

nhung-doi-tra-bao-loc-xanh-muot-dep-nhu-trong-tranh-co-tich-anh-van-hau-1711983500.jpg
Những đồi trà Bảo Lộc xanh mướt, đẹp như trong tranh cổ tích

Có lẽ, từ ngày đầu tiên đặt chân lên mãnh đất mà Trịnh Công Sơn gọi là  “thiên đường sương mù”, “xứ bụi đỏ sương mù”, cảnh sắc nơi đây đã khắc đậm trong tâm hồn nghệ sĩ của ông bức tranh thiên nhiên hoang sơ và cuộc sống đầy thi vị. Nhiều lá thư sau này viết cho Dao Ánh trong nỗi niềm nhung nhớ, Trịnh Công Sơn không quên nhắc tới không gian mờ ảo, thần tiên, vẽ hoang vắng đến nao lòng của xứ trà B’Lao, với những buổi sáng sương trắng mơn man trên những bãi hoa cỏ tím ngát, chờ đón mặt trời lên. Ông viết: “Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.”(Thư Blao, 23/9/64). “… Những buổi sáng này anh đi qua từng bãi sương mù và từng bãi hoa cỏ tím. Mặt trời lên, hoa cỏ trông xa như tơ tím ngát.”(Thư Blao, 4/12/1964).

Suốt ba năm sau đó, những lá thư tình đều đặn được viết từ B’Lao gửi về Dao Ánh ở Huế. Sau bốn năm nâng niu tình yêu, đợi chờ, khổ đau, khi biết rằng cuộc tình mình không thắng nổi duyên phận, ông ray rứt, xót xa khi quyết định chia tay Dao Ánh trong lá thư đề ngày 25/3/1967. Đây cũng là năm nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời Bảo Lộc, chia tay những cơn mưa chiều như thác đổ, chia tay miền đất lạnh, chia tay một cuộc tình. Ông viết:

"Bây giờ đã quá khuya, chương trình chuyên đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh. Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

thac-dambri-thac-doi-cho-o-tpbao-loc-anh-dinh-quyt-1711983434.jpg
Thác Dam'Bri - Thác đợi chờ ở TP. Bảo Lộc

‘Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây’. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thuỷ triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được...".

Những dòng thư tình của Trịnh Công Sơn như áng văn đầy chất thi ca giành cho người con gái mình yêu, quyện vào không gian giá lạnh, trầm mặc, lãng đãng mây bay gió ngàn trên cao nguyên B’Lao mù sương. Một tình yêu mãnh liệt và đắm say như những cơn mưa chiều xối xả, phiêu lãng và quay cuồng như những cơn lốc bụi đỏ của miền đất bazan, ngọt chát như hương vị của trà, vị đắng của cà phê và bâng khuâng tơ vò …

Thật tiếc rằng, nhiều năm qua thành phố Bảo Lộc không còn tổ chức lễ hội hay Tuần văn hoá Trà và Tơ lụa 2 năm 1 lần như trước đây, nhưng tôi vẫn không quên lời tâm sự của một người bạn trong một lần về tham dự lễ hội Trà - Tơ lụa Bảo Lộc cuối thập niên 2010, rằng:

- Bảo Lộc được mệnh danh là xứ trà và tơ lụa Việt, ngoài ra, các bạn còn có những giá trị văn hoá tạo nên bản sắc riêng mà không phải ai cũng biết và ở đâu cũng có như câu chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Nếu có một trong những vị “Thần Tình yêu” ngự ở B’Lao, chắc “Người” sẽ hết sức cảm động khi thấy trong “xứ bụi đỏ, sương mù” có một nhạc sĩ tài hoa, lãng mạn, đã viết hơn 300 lá thư tình trong ba năm! Và thật thú vị nếu nó được tái hiện trong các chương trình văn hoá, lễ hội của xứ sở này.

Tìm lại, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa B’Lao, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của ngưởi dân, cũng là nỗi trăn trở của những con người yêu vùng đất này./.

[*]. Dran: Nay là thị trấn thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng

Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "Thư tình từ “Xứ bụi đỏ, sương mù” (kỳ 2)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309