Người diễn giải “Nhà báo là người thất nghiệp, ăn bám gia đình” đã từng là Phóng viên và giảng dạy về Báo chí...!?

16/06/2022 22:46

Những ngày qua, nhiều người đọc cuốn Từ điển Từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007 không khỏi bất ngờ với cách giải nghĩa và dẫn liệu về nhà báo.

Theo nội dung cuốn sách, nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. "Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu", cuốn từ điển dẫn một ví dụ.

Trao đổi với báo chí , tiến sĩ Huỳnh Công Tín cho hay để nói về những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, người miền Nam hay dùng từ ký giả hơn là nhà báo. Định nghĩa nhà báo trong cuốn từ điển được hiểu theo nghĩa bóng chứ không chỉ những người làm nghề báo.

Mục đích ra đời của cuốn từ điển nhằm giải nghĩa những từ ngữ được dùng trong đời sống hàng ngày của người Nam Bộ. Từ nhà báo được ông Tín đưa vào từ điển vì ngoài nghĩa chỉ một nghề nghiệp được nhiều người biết đến, người miền Nam còn dùng từ nhà báo theo một nghĩa khác. Trong cuốn sách, ông cũng chú thích rõ đây là danh từ và được hiểu theo nghĩa bóng.

"Tôi giải nghĩa từ nhà báo theo nghĩa 'không có công ăn việc làm, báo cha, báo mẹ' để những người vùng miền khác khi nói chuyện với người miền Nam sẽ hiểu rõ hơn, tùy vào ngữ cảnh câu chuyện. Nếu nói về những người làm báo thì tôi không đưa vào cuốn từ điển này", ông Tín giải thích.

1tu-dien-16552695963791217358337-1655394241.jpeg
Từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do TS Huỳnh Công Tín biên soạn

Ông Tín cho biết thêm từ điển này không dẫn liệu theo kiểu lấy một phát ngôn toàn dân, rồi thay thế một từ nào đó bằng một từ ngữ Nam Bộ. Vì thế, trong dẫn liệu có thể có yếu tố chệch chuẩn toàn dân nhưng lại đúng chuẩn lời nói Nam Bộ.

"Người vùng miền khác khi nghe định nghĩa này có thể bất ngờ, nhưng với người miền Nam, từ nhà báo được dùng theo nghĩa bóng rất phổ biến", ông Tín nói.

Trước lời giải thích như trên, nhiều chuyên gia ngôn ngữ không đồng ý với cách lý giải như vậy của tiến sĩ Tín. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cách định nghĩa nhà báo như vậy đây không phải ngôn ngữ địa phương, chỉ là cách nói đùa sau đó lan truyền và trở nên phổ biến.

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên dạy Văn ở TP.HCM bày tỏ, không có cơ sở để khẳng định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người Nam Bộ thường sử dụng từ “nhà báo” theo nghĩa “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”. Cách nói này chỉ xuất hiện ở một số ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu.

Ví dụ, người A hỏi: Thời gian qua anh/chị làm gì? Người B trả lời: Tôi làm nhà báo. Từ “nhà báo” trong câu này phải được đặt trong ngữ cảnh A và B là bạn học của nhau, đã tốt nghiệp đại học, nhưng B chưa xin được việc làm. Dĩ nhiên câu nói này chỉ có A và B hiểu, người ngoài không hiểu theo nghĩa “thất nghiệp”, “ăn bám”,…

Ông Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin trên. Nhà xuất bản đang khẩn trương yêu cầu các đơn vị biên tập kiểm tra lại cuốn sách và thông tin đến công chứng sớm nhất.

TS Huỳnh Công Tín sinh năm 1956, ông tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học. Từ năm 1980-2008, ông giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ, sau đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam… Đến năm 2016 thì ông về hưu. Năm 2020, Trường ĐH Tây Đô mở ngành truyền thông đa phương tiện và mời ông về giảng dạy ở 2 môn: Tác phẩm và thể loại báo chí, nghệ thuật chữ.

 

Quyết Tuấn (TH)