Ngành hoa, cây cảnh mang về giá trị 45 nghìn tỉ đồng

16/01/2024 22:18

Năm 2023, giá trị thu hoạch từ sản xuất hoa, cây cảnh ước đạt 45.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 80 triệu USD, giá trị thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm.

Mới đây, tại Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Hội Sinh vật cảnh và Hội Làm vườn Việt Nam đồng tổ chức hội thảo "Đề xuất giải pháp thực hiện quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT, ngày 26/10/2022 của Bộ NN-PTNT về phát triển hoa, cây cảnh đến năm 2030".

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia đến từ các cơ quan, đơn vị liên quan, cùng nhiều doanh nghiệp và nhà vườn trồng hoa, cây cảnh khắp các tỉnh, thành miền Bắc.

Cây cảnh sản xuất tại Hội Làm vườn Đại Thành (Hà Nội). Ảnh: Hải Tiến.

Cây cảnh sản xuất tại Hội Làm vườn Đại Thành (Hà Nội). Ảnh: Hải Tiến.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả), tính tới hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa trong nước ước đạt 36.000ha (tăng gần 2.000ha so với năm 2022). Các loài hoa được sản xuất nhiều gồm hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền và hoa lay ơn, vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng ĐBSH, Tây Nguyên và ĐBSCL. Hầu hết sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, một số ít xuất bán sang Trung Quốc.

Về sinh vật cảnh, toàn quốc hiện có trên 15.600ha cây cảnh các loại (tăng gần 1.000ha so với cùng kỳ năm 2022). Các địa phương Trung du miền múi phía Bắc (Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng) có tốc độ tăng trưởng sản xuất sinh vật cảnh cao nhất. Các tỉnh có diện tích cây cảnh lớn nhất nước là Nam Định (1.865ha), Long An (1.812ha), Hà Nội (1.125ha).

Về ứng dụng công nghệ cao, có trên 19% số doanh nghiệp, HTX, trang trại hoặc hộ gia đình hiện đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hoa ở các mức độ khác nhau như trồng hoa trong nhà có mái che, trồng hoa trên giá thể (không dùng đất), tưới nước tiết kiệm qua hệ thống nhỏ giọt tự động hoặc phun mưa tự động, sản xuất giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật...

Đặc biệt, đã có một số cơ sở ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT) hoặc chia sẻ thông tin minh bạch trong mạng lưới kinh doanh (Blokchain) trong sản xuất hoa.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Hải Tiến.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Hải Tiến.

Năm 2023, giá trị sản lượng các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm; xuất khẩu đạt xấp xỉ 80 triệu USD; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục vạn nông hộ; hình thành được một số mô hình trồng hoa gắn với đầu mối bao tiêu theo chuỗi giá trị.

PGS.TS Đặng Văn Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở nước ta cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; nhiều địa phương chưa quan tâm quy hoạch phát triển hoa, cây cảnh; chưa có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu so với các quốc gia trồng hoa tiên tiến; chưa có chính sách thúc đẩy sản xuất hoa phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số vùng chuyên canh hoa còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái và sức khoẻ cộng đồng...  

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh, sinh vật cảnh là sản phẩm nông nghiệp và là một trong 7 ngành nghề nông nghiệp được ghi rõ tại một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, nhưng sự phối hợp sản xuất sinh vật cảnh giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp còn nhiều lúng túng; cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, rất khó khăn cho các hội nghề nghiệp thực hiện hiệu quả các quyết định được giao.

"Có nhiều địa phương đã hình thành được làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh gắn với du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP và xây dựng NTM", TS Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh thêm

Hoa lan hồ điệp sản xuất tại Viện Nghiên cứu Rau quả chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hải Tiến.

Hoa lan hồ điệp sản xuất tại Viện Nghiên cứu Rau quả chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hải Tiến.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, TS Phạm Minh Thông cho rằng, nền kinh tế nước ta đang hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới, vì vậy để có thể thương mại hoá được sản phẩm hoa, cây cảnh ra thị trường quốc tế, bên cạnh cần đầy đủ các thủ tục hải quan, sau quá trình lưu hành còn phải chứng minh được không vi phạm bản quyền giống tạo ra sản phẩm đó, thậm chí một loại hoa, cây cảnh được du nhập vào nước ta để sản xuất cho nhu cầu cho tiêu dùng trong nước vẫn có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền.

"Kể cả với những dòng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương cũng dễ bị mất quyền sở hữu giống ngay trên "sân nhà" vì hầu hết các địa phương chưa quan tâm tới công tác công bố lưu hành giống, dẫn đến thua thiệt là khó tránh khỏi. Bài học về tranh chấp bản quyền sản phẩm "Nước mắm Phú Quốc" hoặc "Võng xếp Duy Lợi" vẫn còn nguyên giá trị", TS Phạm Minh Thông dẫn chứng.

Vườn sản xuất hoa đồng tiền ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: Hải Tiến.

Vườn sản xuất hoa đồng tiền ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: Hải Tiến.

Tại hội thảo, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về các giải pháp và cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ngành sản xuất hoa, cây cảnh ngày càng phát triển bền vững, điển hình như đề nghị nhà nước có chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp nói chung, tránh tình trạng người cần sản xuất lớn và lâu dài không có diện tích đất đủ rộng, người sản xuất không hiệu quả lại không muốn cho thuê ruộng hoặc chỉ cho thuê ngắn hạn theo mùa vụ...

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngành hoa, cây cảnh mang về giá trị 45 nghìn tỉ đồng" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309