Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý

19/02/2024 16:39

Nghiên cứu cho thấy: Hoàng mai Huế là sản vật có lịch sử, danh tiếng từ hàng trăm năm nay, mang giá trị tâm linh, phong thủy gắn liền đời sống văn hóa của người dân xứ Huế; Sự khác biệt về cảm quan của Hoàng mai Huế so với mai vàng 05 cánh ở các địa phương khác, tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hoàng mai (maivàng), tên khoa học là Ochna integerrima, thuộc họ Ochnaceae, là loại cây được trồng làm cảnh phổ biến ở miền Nam Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán và trở thành một hình ảnh đặc trưng mỗi độ xuân về của Việt Nam bên cạnh hoa đào miền Bắc.

Sự tích về hoa mai đã được thêu dệt từ thời Thái Tổ Nguyễn Hoàng vào Ô Châu lập địa năm 1558, còn thú thưởng ngoạn mai vàng có thể đã xuất hiện ở Huế hơn 700 năm cùng lúc với sự ra đời của Thuận Hóa. Từ nhà dân đến Từ đường của dòng họ, vườn chùa, nhà thờ Chúa, Cung điện…trước ngõ, trong sân đều trồng mai vàng. Hình ảnh một cây mai trước ngõ, trong sân đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” của kiến trúc cảnh quan xứ Huế. Với cốt cách cao sang, Hoàng mai giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa Huế, chứa đựng giá trị tinh thần gắn liền với đời sống văn hóa và niềm tin tín ngưỡng của các gia tộc. Trồng, chăm sóc mai vàng cũng từ đó trở thành “thú chơi” tao nhã, kỳ công của người Huế tạo nên sự quý hiếm và quý giá của Hoàng mai Huế.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của giống mai quý, đồng thời khôi phục và thúc đẩy phát triển các vùng trồng Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế” theo Quyết định số 91/KH-UBND ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án là một cấu phần trong Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” theo Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc nghiên cứu về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng Mai Huế trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng và đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

I. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm Hoàng mai Huế để làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.

2.  Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập thông tin:

Thông tin thứ cấp: Thông tin, dữ liệu thu thập được từ các di tích lịch sử, tài liệu nghiên cứu, các báo cáo, số liệu thống kê, các trang thông tin truyền thông, báo chí chính thống liên quan đến Hoàng mai Huế.

Thông tin sơ cấp: Điều tra, khảo sát; lấy mẫu sản phẩm và tổ chức Hội nghị đánh giá chất lượng cảm quan Hoàng mai Huế trong tương quan so sánh với mai vàng 05 cánh của các địa phương khác như  mai vàng Bình Định, Vĩnh Long và Yên Tử (Quảng Ninh).

2.2. Phương pháp phân tích thông tin:

Phương pháp chuyên gia đánh giá tính chất, chất lượng cảm quan: Hoàng mai Huế được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và những người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và điều tiết nở hoa đối với mai vàng trực tiếp quan sát, đánh giá chất lượng cảm quan trong tương quan so sánh với mai vàng 05 cánh của các khu vực đối chứng.

Phương pháp thống kê so sánh và mô tả để xác định tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế.

Phân tích số liệu sử dụng phần mềm Excel.

II. KẾT QUẢ THẢO LUẬN

1.  Danh tiếng của Hoàng mai Huế

Danh tiếng của sản phẩm Hoàng mai Huế được thể hiện trên 03 khía cạnh: lịch sử, đặc thù và sự phổ biến của Hoàng mai Huế trong đời sống và trong thương mại.

1.1. Giá trị lịch sử của Hoàng mai Huế

Trong Đại Nam nhất thống chí, phần Loại hoa (Thổ sản) ở Kinh sư (Huế) viết:  Hoa Hoàng mai, tục gọi là bông mai vàng, bản thảo chép là Lạp mai. Sự tích về hoa mai đã được thêu dệt từ thời Thái Tổ Nguyễn Hoàng vào Ô Châu lập địa năm 1558, còn thú thưởng ngoạn mai vàng có thể đã xuất hiện ở Huế hơn 700 năm cùng lúc với sự ra đời của Thuận Hóa [3].

Trong cuốn “Trang trí trên áo lễ phục cung đình của Triều Nguyễn giai đoạn 1802- 1945” đã ghi nhận hình ảnh mai vàng 05 cánh là họa tiết trang trí phổ biến trên áo lễ phục cung đình: “Hình tượng trang trí trên áo lễ phục cung đình triều Nguyễn có ghi nhận trên Áo Long bào (Áo lễ thường triều phục của Vua) nhóm hình tượng thực vật thường có 02 hoa mai năm cánh; Áo Hoa bào quan văn (Áo lễ đại triều phục) có 13 bông mai”[5]; “Năm cánh hoa tương ứng với năm vị thần may mắn của ngũ phúc. Mai được xem như biểu tượng của sự trường thọ”[1].

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161745-1708334723.png
Hình tượng hoa mai trên áo Hoa bào và Giao bào

Bên cạnh đó, Hoàng mai Huế còn được ghi nhận bằng hình ảnh trên các công trình kiến trúc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, được thể hiện trong các đồ án trang trí kiến trúc gắn với các địa danh lịch sử tâm linh [6]. Hình ảnh cây Hoàng mai đã đi vào trong điển chế trang trí của các công trình kiến trúc triều Nguyễn như bờ nóc Thế Tổ Miếu, cung Diên Thọ, điện Thái Hòa, điện Long An, điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh), Hiển Nhân Môn….Hiện nay, trên các di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế đang hiện hữu gần 30 ô thơ của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị mô tả về hoa mai để gửi gắm cho đời sau, trong đó Vịnh Hoàng Mai là bài thơ được vua Minh Mạng sáng tác vào năm 1828 với nội dung được lược chú rằng: “Hoàng mai của Nam triều có thân cứng, dáng thẳng, lá có màu xanh lợt mà sáng mịn, trơn bóng, nhọn, dài; hoa thường nở rộ vào tiết đông xuân, hoa có 05 cánh, cuống xanh, màu vàng thẫm thuần nguyên và thơm hơn khác hẳn với các loại hoa khác” [2]. Nhờ những giá trị riêng có đó mà đến thời Minh Mệnh, Hoàng mai được khắc trên Nghị đỉnh [2]. Theo bài thơ này cùng các tư liệu hình ảnh khác, có thể xác định (ít nhất) Hoàng mai đã được Hoàng gia cũng như người dân Huế “chơi” từ hơn 200 năm nay.

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161756-1708334691.png
Hình ảnh Hoàng mai được khắc trên Nghị đỉnh
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161803-1708334806.png
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161814-1708334831.png
Hình ảnh Hoàng mai trên các công trình kiến trúc trong khu vực Đại Nội

Bên cạnh giá trị lịch sử, Hoàng mai Huế còn là sản vật mang giá trị tâm linh, phong thủy và giá trị văn hóa, giáo dục đối với con người đất Huế. Nhà ở của người Huế luôn có ít nhất 01 cây Hoàng mai trước ngõ, trong sân (100% số hộ tham gia khảo sát tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 đều trồng Hoàng mai trong vườn nhà). Hình ảnh cây Hoàng mai trước ngõ, trong sân trở thành “khuôn vàng thước ngọc” của kiến trúc cảnh quan xứ Huế. Người Huế yêu hoa mai đến mức tôn thờ như một linh vật. Từ nhà dân đến Từ đường của dòng họ, vườn chùa, nhà thờ Chúa, Cung điện…trước ngõ, trong sân đều trồng mai vàng. Với cốt cách cao sang, Hoàng mai giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa Huế, là gia bảo đồng hành và chứa đựng nhiều giá trị tinh thần gắn liền đời sống văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng của các gia tộc.

Bên cạnh mai tòa, mai trồng vườn, người Huế còn phát triển Hoàng mai tiểu cảnh, bonsai. Trồng, chăm sóc mai trở thành thú “chơi mai” tao nhã, kỳ công của người xứ Huế tạo nên sự quí hiếm và quí giá của Hoàng mai Huế.

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161821-1708335559.png
Hình ảnh Hoàng mai Huế trong khu vực Đại Nội
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161829-1708334909.png
Hình ảnh Hoàng mai Huế trước ngõ, trong sân

1.2. Các đặc thù của Hoàng mai Huế:

Trong cuốn Từ điển phương ngữ Huế của tác giả Trần Ngọc Bảo, năm 2017 tại trang 115 giải thích “có rất nhiều giống mai, nhưng cây mai vàng, Ochna integerrima ở Huế là một trong những giống được ngưỡng mộ trong giới yêu hoa. Cũng là mai vàng năm cánh nhưng có mùi thơm nhẹ nhàng, hoa nhiều, cánh hoa dày và lâu tàn. Cây mai này có lá non màu xanh lục chứ không phải màu đỏ hay hồng như các loại hoa khác. Người ta gọi là mai thơm Huế, hay mai hương, mai ngự”[4]. Hương Hoàng mai không thắm đượm như hoa Hồng, không nồng ngát như Dạ Lan mà nhẹ nhàng, thanh cao như một thứ “ám hương” hay “u hương”. Đặc biệt khi trời càng lạnh mai càng tỏa hương thơm nên gọi là “lãnh hương” [3].

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161834-1708334673.png
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-161840-1708335007.png
Hình ảnh cây và hoa Hoàng mai Huế

1.3. Sự phổ biến của Hoàng mai Huế:

Hoàng mai Huế được biết đến trên nhiều tỉnh thành Việt Nam, đặc biệt là các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những địa phương có hoạt động giao lưu và thương mại cây cảnh với Hội Hoàng mai Huế, các nhóm Hoàng mai ở các xã, phường và người chơi, người kinh doanh Hoàng mai Huế.

Sự phổ biến trong cộng đồng và thương mại của Hoàng mai Huế còn thể hiện ở số lượng các hội nhóm liên quan tới Hoàng mai Huế được thành lập. Trên mạng xã hội, facebook, zalo tồn tại rất nhiều nhóm, hội yêu thích, kinh doanh, giao lưu trao đổi Hoàng mai Huế như Hội Hoàng Mai Huế 2.900 thành viên; Hội mai vàng- Phú Lộc- Huế- 1.300 thành viên; Hội mai vàng Huế Quảng Điền 2.900 thành viên; Hội mai vàng Điền Hòa 3.000 thành viên; Hội mai vàng miền Trung Huế- Phú Vang- 3.500 thành viên; Hội mai vàng Huế Hương Thủy 12.400 thành viên; Hội bonsai Hoàng mai Huế 2.700 thành viên; Hội chơi Hoàng mai Huế có 5.800 thành viên; Hội giao lưu, mua bán mai vàng Huế 3.000 thành viên; Hội mai vàng Xứ Huế 11.400 thành viên; Hội mua bán mai vàng Huế 14.200 thành viên. Những hội mai vàng này rất sôi nổi trong hoạt động giao lưu, thương mại Hoàng mai Huế. Bên cạnh đó, kết quả tìm kiếm Hoàng mai Huế trên trang google cho hơn 18,6 triệu kết quả trong khoảng 30 giây với 350.000 video cho thấy các thông tin về Hoàng mai Huế rất phổ biến và được sự quan tâm của cộng đồng.

Trong thương mại, giá Hoàng mai Huế cao hơn nhiều so với giá của các sản phẩm mai vàng 05 cánh cùng loại của các địa phương khác. Khảo sát năm 2022 của Công ty Tư vấn và phát triển Thương hiệu AMC Việt Nam phản ánh khoảng 94% người được khảo sát trả lời giá cây Hoàng mai Huế cao hơn và thường gấp từ 03 đến 05 lần giá cây mai vàng 05 cánh của địa phương khác có cùng tuổi đời. Giá trị thương mại này có được là do các đặc tính chất lượng riêng có của Hoàng mai Huế mà những người kinh doanh, mua bán Hoàng mai Huế đều có cùng nhận định. Đó là Hoàng mai Huế có lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày; Hoa 05 cánh (tượng trưng cho ngũ phúc), màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau, mặt hoa phẳng, đẹp, và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nhưng bền hương cùng với sự kỳ công trong việc tạo tác dáng thế của cây.

2.  Tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế

Sản phẩm Hoàng mai Huế được xác định tính chất, chất lượng đặc thù (đặc tính) thông qua đánh giá đặc điểm nông sinh học: Quan sát đặc tính bằng thị giác (đối với hình thái bên ngoài); khứu giác (đối với hương thơm) và đo đạc tại chỗ (đối với một số chỉ tiêu về độ dày cánh hoa, đường kính hoa, độ dài cuống cánh hoa và độ dài cuống hoa…); đồng thời ghi chép lại các đặc điểm quan sát được đối với loại mai vàng có lộc xanh, bông hoa 05 cánh nguồn gốc từ Huế trong tương quan so sánh với sản phẩm đối chứng cùng là mai vàng có lộc xanh, bông hoa 05 cánh của địa phương khác (mai vàng 05 cánh Vĩnh Long và mai vàng 05 cánh Bình Định) tại Hội thảo đánh giá đặc tính cảm quan sản phẩm Hoàng mai Huế và tại thực địa (với sự tham gia của chuyên gia, người am hiểu về mai vàng).

Bên cạnh đó, phương pháp so sánh dựa trên hồ sơ nghiên cứu cũng được thực hiện để so sánh Hoàng mai Huế với mai vàng Yên Tử (do thời vụ ra hoa khác nhau: Hoàng mai Huế ra hoa vào dịp Tết Nguyên Đán, mai vàng Yên Tử thường ra hoa muộn hơn, vào khoảng tháng 2 âm lịch).

Kết quả tổng hợp đánh giá chất lượng cảm quan tại Hội thảo, tại thực địa và nghiên cứu hồ sơ so sánh giữa mẫu Hoàng mai 05 cánh của Huế và mai vàng 05 cánh đối chứng của Quảng Ninh (mai vàng Yên Tử), mai vàng 05 cánh Bình Định và mai vàng 05 cánh Vĩnh Long làm căn cứ cho kết luận về đặc tính của Hoàng mai Huế nêu trên cụ thể như sau:

2.1. Kết quả so sánh đặc điểm về hoa

Bảng 1: Kết quả so sánh đặc điểm về hoa của Hoàng mai Huế và hoa của mai vàng đối chứng

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-163804-1708335501.png
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-163233-1708335165.png
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-163309-1708335206.png

Trong 16 tiêu chí đối với hoa, các tiêu chí phản ánh sự khác biệt của Hoàng mai Huế đồng thời là đặc điểm giúp nhận dạng hoa Hoàng mai Huế là hương thơm của hoa (86% đại biểu nhận định), số lượng cánh hoa (76% đại biểu nhận định), độ dài cuống hoa (72% đại biểu nhận định), màu sắc cánh hoa (62% đại biểu nhận định), cách thức sắp xếp của cánh hoa và bề mặt hoa (59% đại biểu nhận định) và đặc điểm viền cánh hoa (55% đại biểu nhận định).

Nói tóm lại, cuống hoa ngắn, 5 cánh hoa màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau, và có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng là những đặc điểm đặc trưng của Hoàng mai Huế.

2.2. Kết quả so sánh đặc điểm về cây

Bảng 2: Kết quả so sánh đặc điểm về cây Hoàng mai Huế và cây mai vàng đối chứng

anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-163406-1708335275.png
anh-chup-man-hinh-2024-02-19-luc-163457-1708335313.png

Kết quả đánh giá, so sánh cảm quan các đặc điểm về cây mai vàng 05 cánh Hoàng mai Huế và cây mai vàng 05 cánh đối chứng cho thấy, bên cạnh điểm khác biệt về hoa, Hoàng mai Huế có sự khác biệt về lá lộc xanh (phiến lá non màu xanh), độ dày của cành lộc (dăm chi).

Nói tóm lại mai vàng Huế mang các đặc trưng sau: có lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày; hoa có cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau, có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng.

III.  KẾT LUẬN

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của của Hoàng mai Huế đã chỉ ra rằng:

Về danh tiếng: Hoàng mai Huế là sản phẩm bản địa (giống quý) có từ hàng trăm năm nay, và là cây mang mang tính biểu tượng về tinh thần, cốt cách (văn hóa) của người dân xứ Huế. Hiện Hoàng mai Huế đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, được nhiều người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước nhận biết, sử dụng và đánh giá cao về chất lượng.

Về tính chất, chất lượng sản phẩm: Hoàng mai Huế có lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày; Hoa có cuống ngắn, 05 cánh hoa màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau và có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng.

Những tính chất, chất lượng này khác biệt với sản phẩm mai vàng 05 cánh ở các địa phương khác trên cả nước.

Các kết quả trên cho thấy Hoàng mai Huế đáp ứng các điều kiện về sản phẩm để đăng ký chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Hữu Thông, 2001, Mĩ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng, NXB Thuận Hóa, Huế.

2.    Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), tập V, H.: Nxb. Giáo Dục, tập 5, tr.23; trích tham luận Hội thảo khoa học Định hướng phát triển mai vàng Huế: TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam tại Huế, tham luận “Mai vàng xứ Huế: Từ giá trị trong nhà vườn đến việc thương hiệu hóa”.

3.    Nguyễn Anh Huy, Thưởng ngoạn Mai vàng, 2016, Tạp chí Xưa và Nay.

4.    Trần Ngọc Bảo, 2017, Từ điển Phương ngữ Huế.

5.    Vũ Huyền Trang, 2022, Trang trí trên áo lễ phục Cung đình Triều Nguyễn 1802-1945, NXB Thế giới trang 205.

6.    TS. Lê Thị An Hòa, 2022, Biểu tượng hoa mai trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế.

7.    AMC Việt Nam, 2022, Báo cáo kết quả xác định đặc điểm đặc thù về cảm quan của sản phẩm mai vàng mang chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Nguyễn Bá Hội, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Văn Ba