Ngành chăn nuôi chủ động nguồn hàng Tết

26/12/2022 23:15

Dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời gian qua, ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội chủ động tái đàn, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân Thủ đô.

Chăm sóc đàn gà tại Trang trại chăn nuôi ở xã Thụy An, huyện Ba Vì. (Ảnh Vũ Sinh)
Chăm sóc đàn gà tại Trang trại chăn nuôi ở xã Thụy An, huyện Ba Vì. (Ảnh Vũ Sinh)

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ trại gà tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, rất phấn khởi khi đàn gà 3.000 con phục vụ Tết Nguyên đán đã có thương lái đặt hàng. Ngoài ra, đàn gà 2.000 con nuôi sau một tháng so với lứa gà Tết, để phục vụ dịp lễ hội đầu năm cũng có nhiều người hỏi mua. Chị Hạnh cho biết, nhờ thực hiện đúng công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, đúng liều lượng, cho nên từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh trên đàn gà được kiểm soát tốt.

Mặc dù giá thức ăn tăng cao, nhưng giá bán gà tương đối ổn định giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư tái đàn. Nhất là nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho nên giá bán gà cũng cao hơn, dễ tiêu thụ.

Theo đại diện Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì, huyện Ba Vì, năm 2022 thời tiết tương đối “ủng hộ” người chăn nuôi gà. Dịch bệnh trên đàn gà, nhất là dịch cúm gia cầm, được kiểm soát và giá bán tương đối ổn định, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. Tổng đàn gà của huyện Ba Vì khoảng ba triệu con, trong đó nhiều trang trại lớn, quy mô lên đến 10.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng.

Ðiều đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, nhất là các thành viên Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, giá bán cũng cao hơn, việc tiêu thụ ổn định hơn. Giá trị thương hiệu sản phẩm gà đồi Ba Vì ngày càng cao và thu nhập của người chăn nuôi nâng lên. Ðể chủ động nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán, từ tháng 9 và 10/2022, các hộ chăn nuôi đã vệ sinh chuồng trại, tăng số lượng chăn nuôi từ 150 đến 200% so với các lứa gà đầu năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.

Không thuận lợi như chăn nuôi gà, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí đầu vào chăn nuôi lợn tăng cao, nhưng giá bán bấp bênh. Ngay trong tháng 12/2022, giá thịt lợn hơi giảm chỉ còn hơn 50.000đồng/kg lợn hơi khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt nguy cơ thua lỗ. Anh Nguyễn Văn Thành, hộ chăn nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ cho biết, với giá bán thịt lợn hơi hơn 50.000 đồng/kg thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg. Còn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn chỉ hòa vốn hoặc lãi rất ít.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi vẫn tin tưởng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, giúp giá cả nâng lên. Vì thế, các cơ sở chăn nuôi vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung tăng hơn từ 20 đến 30%, góp phần bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường dịp cuối năm...

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, những tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sở đã yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh để từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để phát sinh ổ dịch. Hiên nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Tổng đàn trâu, bò hơn 166 nghìn con, đàn lợn gần 1,6 triệu con; đàn gia cầm hơn 38,5 triệu con. Với tổng đàn như hiện nay, chăn nuôi gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán.

Với các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, ngành nông nghiệp đã chủ động ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố, bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhờ gia tăng sản xuất, chủ động chuẩn bị theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm, đã tạo đột phá cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán.

MINH VÂN (NN)
Bạn đang đọc bài viết "Ngành chăn nuôi chủ động nguồn hàng Tết" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309