“Mưa hồng” và di sản âm nhạc để đời (kỳ cuối)

02/04/2024 10:28

Những năm tháng sống ở B’Lao, mảnh đất và con người nơi đây đã mang lại cho ông cảm xúc sáng tác nhiều ca khúc để đời. Như một lẽ tất nhiên, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn là những giọt mưa hồng lấp loáng, trở thành một phần văn hóa đáng tự hào và không thể thiếu của miền sơn cước này.

“Mưa hồng” là một trong những ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cuối 1964, trong thời gian ông mới đến Bảo Lộc. Đó là những ngày mưa buồn, hiu hắt chờ mong thư của người yêu đang giận hờn ở nơi phương trời xa. Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu”. Trịnh Công Sơn ngồi nhìn những tia nắng xuyên qua làn mưa long lanh rơi xuống, làm bừng sáng lên sắc hồng tươi - sắc màu của tình yêu, của nổi nhớ, xin cho những cơn “mưa đầy” qua mau để người yêu trút bớt giận hờn theo dòng nước, để tình yêu trở lại trong vòng tay, bởi “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

ca-khuc-mua-hong-viet-tay-trinh-cong-son-viet-tang-dao-anh-121964-khi-ba-gian-nhac-si-anh-van-hau-chup-tu-sach-thu-tinh-gui-mot-nguoi-1712027697.jpg
Ca khúc Mưa hồng viết tay Trịnh Công Sơn viết tặng Dao Ánh 12.1964 khi bà giận nhạc sĩ (Ảnh Van Hau chụp từ sách Thư tình gửi một người)

Trong cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn sáng tác hơn 600 ca khúc, trong đó có 238 ca khúc được phổ biến rộng rãi cả lời và nhạc. Nhiều nhà phê bình âm nhạc gọi ông là “người thơ ca” hay “người hát thơ” và đều chung nhận xét, nhạc Trịnh nghe trên sân khấu hay đã đành, nhưng cũng hay không kém khi chúng ta tự hát một mình, tự ngân nga, ru mình trong những ca khúc mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi Trịnh Công Sơn là một nhà thơ đích thực, nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tri kỷ đặc biệt của Trịnh Công Sơn thì cho rằng: Có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Nghe nhạc Trịnh, người ta cảm nhận được trong âm nhạc của ông cách yêu, cách sống, tình yêu quê hương, giống nòi, yêu hòa bình, thù ghét chiến tranh... Giá trị văn hoá âm nhạc là ở đó.

Những năm tháng ông sống ở B’Lao từ năm 1964 – 1967, mảnh đất và con người nơi đây đã mang lại cho ông cảm xúc sáng tác nhiều ca khúc để đời. Như một lẽ tất nhiên, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn là những giọt mưa hồng, trở thành một phần văn hóa đáng tự hào của miền sơn cước B’Lao, Bảo Lộc. Một số ca khúc nổi tiếng ra đời trong giai đọan này, như: Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Lời buồn thánh, Phúc âm buồn, Tiếng hát dạ lan (Dấu chân địa đàng), Ru mãi ngàn năm (Ru em từng ngón xuân hồng), Xin mặt trời ngủ yên, Chiều một mình qua phố, Cát bụi, Gọi tên bốn mùa, Tình nhớ, Lại gần với nhau, Ca Dao Mẹ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Tuổi đá buồn, v.v … và đặc biệt là những bài trong tập Ca khúc da vàng phát hành năm 1967 với nốt nhạc do tác giả viết tay,như: Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam da vàng, Ngủ đi con, Đại bác ru đêm, Tôi sẽ đi thăm, Tình ca của người mất trí, Đi tìm quê hương, Hãy nói giùm tôi …

mot-con-duong-o-tp-bao-loc-ngay-nay-noi-tung-luu-dau-nhung-buoc-chan-cua-nhac-si-trinh-cong-son-anh-van-hau-1712027712.jpg
Một con đường ở TP Bảo Lộc ngày nay, nơi từng lưu dấu những bước chân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh Van Hau)

Những năm 1966, 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt, tiếng súng, tiếng “đại bác ru đêm” đã gần hơn với hầu khắp các đô thị. Phong trào học sinh, sinh viên miền Nam yêu nước đấu tranh vì hoà bình cũng ngày càng lên cao và lan rộng. Mùa hè năm 1967, Trịnh Công Sơn bị gọi quân dịch đã tìm cách trốn lính, rời khỏi Bảo Lộc về Sài Gòn. Ông đã “Đi nói với anh em đòi cho quê hương thanh bình. Dựng xây tương lai Tiên Rồng…”[*] , bắt đầu “xuống đường” với các cuộc bãi khoá, biểu tình của học sinh, sinh viên; tham gia biểu diễn những bài hát trong tập “Ca khúc Da vàng”, phản đối chiến tranh, kêu gọi hoà bình, thổi bùng ngọn lửa tinh thần dân tộc mà thời đó gọi là nhạc “phản chiến” bị chính quyền Sài Gòn bấy giờ cấm đoán.

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc nước nhà với rất nhiều ca khúc phổ biến, được nhiều thế hệ đặc biệt yêu thích. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành bất hủ, có tiếng vang trên thế giới.

Chính quyền nhiều thành phố như Hà Nội, Huế, Đà Nẳng, Quy Nhơn, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đặt tên phố, tên đường, dựng tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tưởng nhớ ngày ông từ giã cõi đời như một sự tri ân dành cho nhạc sĩ họ Trịnh.

ho-dong-nai-tp-bao-loc-mot-ngay-dau-xuan-2024-anh-van-hau-1712027706.jpg
Hồ Đồng Nai, TP Bảo Lộc một ngày đầu xuân 2024 (Ảnh Van Hau)

Trên thế giới, Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển bách khoa Pháp Les Million. Ngày 28/02/2019, Google Doodles cũng đã vinh danh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lần đầu tiên một người Việt trở thành nhân vật xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google nhân 80 năm ngày sinh của ông. Đây là lần đầu tiên Google Doodles vinh danh một người Việt, tôn vinh những cống hiến của ông đối với văn hóa đại chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Cựu đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình năm 2016 cũng đã thực hiện một video ca nhạc, trong đó chính ông thể hiện ca khúc Hãy yêu nhau đi nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để bày tỏ tình yêu của mình với Việt Nam và lòng ngưỡng mộ sâu sắc với tài năng và di sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trở lại với B’Lao hoang vu ngày xưa, giờ đây là thành phố Bảo Lộc trù phú, trong xanh, trong hoa và bình yên; một đô thị trẻ năng động, phát triển với 30 năm xây dựng và phát triển, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách và nhà đầu tư.

tac-gia-trong-mot-lan-tu-ru-minh-voi-ca-khuc-mua-hong-cua-trinh-cong-son-lon-1712027890.jpeg
Tác giả trong một lần tự ru mình với ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn

Để không lãng phí các di sản phi vật thể trong văn hóa B’Lao, tôi cũng như nhiều bạn bè, văn nghệ sĩ kỳ vọng các nhà quản lý văn hóa Bảo Lộc, Lâm Đồng quan tâm nghiên cứu, xây dựng không gian văn hóa Trịnh Công Sơn, tái hiện nơi từng sống, từng sáng tác những ca khúc bất hủ để lại cho đời, từng viết những tuyệt tác thư tình huyền nhiệm trong thiên tình sử của ông. Bởi vì, tất cả những thứ đó như những giọt mưa hồng, khắc dấu một thời người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đóng góp làm giàu thêm giá trị, bản sắc văn hoá B’Lao xưa và Bảo Lộc ngày nay./.

 [*]. Lời trong bài hát Đi tìm quê hương của Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "“Mưa hồng” và di sản âm nhạc để đời (kỳ cuối)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309