Mô hình sản xuất và chế biến các loại trà thảo mộc tại Công ty TNHH MTV-TM-SX Phú Quới

28/12/2021 13:06

Dự án “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cơ sở Hợp tác Tam giác và Nam-Nam (SSTC) của Trung Quốc-IFAD tài trợ, được triển khai tại 4 nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, đã lựa chọn được 60 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai nhân rộng. Trong đó, Việt Nam đóng góp 42 mô hình sản xuất chế biến nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu…

1. Từng học ngành chăn nuôi thú y ở trường đại học Nông lâm TP.HCM và làm thú y viên sau khi ra trường nhưng anh Tô Phú Quới lại bén duyên một cách tình cờ với ngành sản xuất trà thảo mộc. Bắt đầu từ việc đầu tư làm khô cá lóc không thành công, rồi mở ra hướng tận dụng phụ phẩm từ cá làm thành chế phẩm sinh học bón cho cây trồng. Ý tưởng này trùng khớp với một nghiên cứu ứng dụng quy trình trồng và sản xuất trà thảo dược mà được trường đại học Cần Thơ chuyển giao cho Sở KHCN tỉnh Trà Vinh nên anh Quới trình bày cách làm và được chọn là nơi ứng dụng đầu tiên phương pháp ủ xương, làm đạm cá, dùng  nấm Trichoderma để ủ phân chuồng thành phân sinh học bón cho đinh lăng làm nguyên liệu sản xuất Trà sâm đinh lăng. Tự trồng nguyên liệu nhưng không đủ để sản xuất lâu dài nên anh Quới vận động các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ bằng cách cung cấp giống, phân đạm cá, phân sinh học. Để đa dạng hóa sản phẩm, anh Quới còn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm trà thảo mộc khác mang đậm nét hương vị và không mất đi các tính chất, thành phần hóa học của từng loại nguyên liệu. Đồng thời, anh Quới thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại - sản xuất Phú Quới và đầu tư nhà xưởng, nhà màng phơi nắng (60m2), thiết bị sấy lạnh, máy đóng gói tự động; thiết kế hình thức, mẫu mã sản phẩm mang nhãn hiệu AQ Hai Lúa. Đến nay, công ty Phú Quới đã có 07 sản phẩm mang đạt OCOP 03 sao gồm trà sâm Đinh Lăng, trà thảo mộc nhãn lồng, trà hoa đậu biếc, trà măng tây, trà dứa thơm, trà tía tô, trà sả. Sản phẩm được cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng và bán thông qua các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,…  

vuon-dinh-lang-6-2-1646028241.jpg
Vườn dược liệu

2. Về thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường:

- Sử dụng hệ thống tưới phun mưa, màng phủ nilong giúp tiết kiệm nước tưới, ngăn ngừa mất độ ẩm đất tạo điều kiện thuận lợi cho cây dược liệu sinh trưởng, phát triển ngay cả trong các tháng khô hạn tại Trà Vinh. Một số cây dược liệu có khả năng chịu hạn tốt như sả, hoa đậu biếc.

- Nhà màng phơi nắng giúp giảm thời gian, nhân công và hạn chế tác động của bụi bẩn, mưa trong quá trình phơi sấy đồng thời nâng cao được chất lượng nguyên liệu.

- Trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đất canh tác và nâng cao chất lượng nguyên cho sản xuất trà thảo mộc.

3. Hàng năm, công ty Phú Quới bán được 72.000 hộp trà thảo mộc các loại. Doanh thu đạt 4.200 triệu đồng/năm. Lợi nhuận thuần đạt được là 750 triệu đồng/năm. Tỷ suất lợi nhuận thuần trên doanh thu đạt được là 18%. Công ty tạo được việc làm ổn định cho gần 10 lao động và việc làm thời vụ cho 15 lao động. Ngoài ra, công ty còn liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho 45 hộ trồng đinh lăng, tía tô, măng tây, sả với diện tích 14 ha. Thu nhập từ trồng các cây dược liệu đạt từ 60 đến 200 triệu đồng/ha/năm (cao hơn 3-10 lần so với lúa, ngô).

z2435866335861-30e89e974ab88634ee480a0aa37f837e-1646028277.jpg
Trà Đinh Lăng

4. Về thị trường và khả năng nhân rộng: trong những năm gần đây, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nước uống chế biến từ thảo mộc đang thay thế dần nước uống có gas và các loại nước giải khát khác. Theo báo báo cáo thị trường quý 2/2016 của Nielsen, 70% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cố tránh sử dụng đồ uống có chất bảo quản, tương tự là 68% và 65% dành cho sản phẩm có màu sắc và hương vị nhân tạo. Điều này cho thấy người Việt đang quan tâm tới đồ uống có lợi cho sức khỏe chỉ đứng sau Indonesia tại khu vực Đông Nam Á. Như vậy, mô hình chế biến các loại trà thảo mộc tại Công ty TNHH MTV-TM-SX Phú Quới gắn với các vùng trồng nguyên liệu theo hướng hữu cơ cần được nhân rộng để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Quý Bình, Phạm Vân

Quý Bình, Phạm Vân