Mô hình liên kết sản xuất lạc giống tại Cao Bằng

10/02/2022 14:41

Dự án “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cơ sở Hợp tác Tam giác và Nam-Nam (SSTC) của Trung Quốc-IFAD tài trợ, được triển khai tại 4 nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, đã lựa chọn được 60 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai nhân rộng. Trong đó, Việt Nam đóng góp 42 mô hình sản xuất chế biến nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo nghiên cứu về mô hình liên kết sản xuất lạc giống tại Cao Bằng, mô hình được triển khai bởi Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Hoà An liên kết với trên 500 hộ trồng lạc trên địa bàn các huyện Hoà An, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Uyên với tổng diện tích trên 250 ha (trước 2019, diện tích trồng lạc liên kết là 80-100ha), được hỗ trợ bởi Dự án do IFAD tài trợ tại Cao Bằng (Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ, viết tắt là CSSP).

la1-1644478771.jpg

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Hoà An đã giúp các hộ gia đình trong vùng mô hình, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phương pháp tiếp cận bao gồm: (i) tập huấn về kỹ thuật, nâng cao năng lực cho người sản xuất; (ii) hỗ trợ đầu vào như giống, phân bón, quy trình kỹ thuật, ký hợp đồng với nông dân để đảm bảo vùng nguyên liệu; (iii) cải thiện nhà xưởng, đầu tư thiết bị và (iv) tìm kiếm thêm kênh phân phối và thị trường cho sản phẩm.

Cả doanh nghiệp và nông dân tham gia mô hình đều được hưởng lợi về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Ở cấp độ doanh nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất gồm hệ thống máy móc, nhà xưởng, xe vận chuyển khoảng 2.689 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất hàng năm qua liên kết với các hộ (gồm chi phí lạc giống, phân bón, vật tư khác) khoảng 1.1 tỷ đồng. Với sản lượng khoảng 150 tấn lạc sấy hàng năm (tính cho diện tích liên kết 80-100 ha năm 2019), doanh thu bình quân của doanh nghiệp mỗi năm đạt khoảng 6,955 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí là 5,76 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm hoạt động sản xuất cho mức lợi nhuận bình quân 1,008 tỷ đồng, tương ứng với mức tỷ suất lợi nhuận thuần/doanh thu là 14.5%.

la2-1644478797.jpg

Mô hình hiện tại đang đảm bảo thu nhập ổn định cho hơn 500 hộ trồng lạc. Thu nhập bình quân cho mỗi 1000 m2 trồng lạc của hộ trong khoảng từ 1.1-1.6 triệu đồng sau khi đã trừ đi giá trị công lao động gia đình.

Hiện nay, nhu cầu lạc giống ở khu vực miền Trung rất cao do thị trường lạc phục vụ ép dầu đang tăng trưởng tốt. Giá lạc giống bình quân hiện tại là 30 nghìn đồng/kg và hoàn toàn có thể cao hơn nếu chất lượng sấy được cải thiện. Bên cạnh đó, thị trường lạc giống ở khu vực hiện có 3 doanh nghiệp chính, trong đó Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Hoà An là doanh nghiệp có sức cạnh tranh tốt, cải thiện chất lượng lạc sấy thông qua nâng cấp lên quy trình sấy hơi cùng với bao bì sản phẩm có thể giúp khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó, thu nhập của các hộ trồng lạc quy mô nhỏ sẽ tăng trưởng, doanh nghiệp có thể mở rộng vùng liên kết.

la3-1644478815.jpg

Nhìn chung, đây là một trong những mô hình liên kết chuỗi giá trị thành công và nhiều tiềm năng. Các hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư có thể dễ dàng tham gia cùng doanh nghiệp do được hỗ trợ đầu vào, kỹ thuật. Doanh nghiệp phụ trách chính khâu chế biến và tìm kiếm thị trường giúp đảm bảo ổn định đầu ra cho người dân. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường tốt, các hộ nông dân ở các huyện của Cao Bằng trong khu vực liên kết có thể chuyển đổi các mô hình trồng trọt kém hiệu quả sang mô hình liên kết này. Bên cạnh đó, các khu vực có điều kiện khí hậu tương đồng của các tỉnh miền núi phía Bắc có thể tham khảo mô hình, trong đó doanh nghiệp chế biến đóng vai trò khâu nối, tìm kiếm thị trường.

Lan Phượng
Bạn đang đọc bài viết "Mô hình liên kết sản xuất lạc giống tại Cao Bằng" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309