Mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa hữu cơ tại tỉnh Bến Tre

15/12/2021 17:17

Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cơ sở Hợp tác Tam giác và Nam-Nam (SSTC) của Trung Quốc- IFAD tài trợ, được triển khai tại 4 nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, Dự án đã lựa chọn được 60 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai nhân rộng. Trong đó, Việt Nam đóng góp 42 mô hình sản xuất chế biến nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu…

dua1-1645006596.jpg
Mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa hữu cơ tại tỉnh Bến Tre

Các mô hình thích ứng này đã được tài liệu hóa dưới dạng sổ tay và video giúp bà con nông dân, THT, các HTX cũng như các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, nhân rộng nhằm thích ứng với BĐKH. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ dừa hữu cơ của Công ty Beinco là mô hình thích ứng BĐKH ở cả ba khâu sản xuất, sơ chế-chế biến, tiêu thụ

Do xâm nhập mặn ngày càng tăng trong những năm gần đây, nhiều diện tích đất canh tác tại huyện Giồng Trôm bị thiệt hại nặng (nhất là diện tích trồng lúa). Tại các vùng nằm sâu trong đất liền như huyện Mỏ Cày Bắc cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn trong mùa khô 2019-2020. Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn được đo và ghi nhận ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60 km vào tháng 02/2020 ở mức 4‰. Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sơ chế-chế biến nông sản. Từ tháng 12/2019 đến tháng 03/2020, nhà máy của Công ty Beinco tại Xã Thanh Tân, Huyện Mỏ Cày Bắc không đủ nước ngọt để sử dụng, do nguồn nước máy thường xuyên ghi nhận độ mặn cao, từ 3 - 4‰. Để hạn chế tác động của xâm nhập mặn, nhiều hộ dân tại huyện Giồng Trôm đã chuyển từ trồng lúa sang trồng dừa và các cây trồng cạn khác (năm 2015, trên địa bàn huyện Giồng Trôm có khoảng 4.500 ha lúa thì đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 2.200 ha). Các hộ đã có diện tích trồng dừa liên kết với Công ty Beinco chuyển sang áp dụng kỹ thuật canh tác dừa theo hướng hữu cơ. Đối với Công ty Beinco, giải pháp đảm bảo nước ngọt cho sơ chế-chế biến dừa là sử dụng hệ thống lọc nước mặn RO.

Được thành lập từ năm 2015, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Dừa Bến Tre (Beinco) là Công ty chuyên sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ Dừa, có nhà máy chế biến dừa đặt tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đây là địa bàn khó khăn và kinh tế chậm phát triển, nhưng lại là một trong những huyện trọng điểm dừa của tỉnh Bến Tre. Nhà máy chế biến dừa của công ty đang sản xuất các sản phẩm chính từ dừa như: Cơm dừa sấy khô, Nước cốt dừa đóng lon. Trong đó, sản lượng cơm dừa sấy khô hữu cơ đạt 223 tấn/năm, nước cốt dừa hữu cơ đóng lon đạt khoảng 826.000 lon/năm và doanh thu đạt 26,6 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được tiêu thụ nội địa tại các hệ thống Coopmart, Big C, Metro, Convenience store,... và xuất khẩu sang các nước Châu Á và Châu Âu.

Mô hình sản xuất của Công ty trước đây là thu mua cơm dừa trắng từ các cơ sở vệ tinh, rồi đưa về nhà máy để sản xuất. Được sự hỗ trợ của Dự án AMD Bến Tre, Công ty Beinco thực hiện đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP) vào năm 2019 với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, Dự án AMD đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng và Công ty đối ứng hơn 7,2 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động đầu tư: (i) xây dựng trung tâm sơ chế dừa trái (nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế và hệ thống khoan dừa tự động), (ii) các hoạt động xúc tiến thương mại giúp công ty mở rộng thị trường lớn hơn, (iii) các hoạt động đào tạo kỹ thuật canh tác dừa theo hướng hữu cơ cho nông dân và (iv) xây dựng liên kết với các THT/HTX với gần 500 hộ tham gia trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU và USDA của Mỹ trên diện tích 350 ha tại huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm.

Mô hình của Công ty Beinco là mô hình thích ứng BĐKH ở khâu sản xuất, sơ chế-chế biến, tiêu thụ. Trong đó, canh tác dừa hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện độ ẩm và dinh dưỡng đất, giúp tăng thu nhập cho các hộ trồng dừa so với canh tác dừa thông thường (16%) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 56%. Mô hình có khả năng nhân rộng cao nhờ chi phí đầu tư cho canh tác dừa hữu cơ không cao, dễ áp dụng và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ dừa hữu cơ ngày càng tăng.

Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ dừa hữu cơ của Công ty Beinco phù hợp với các vùng trồng dừa tập trung. Do phần lớn nông dân còn trồng dừa theo tập quán trong khi diện tích nhỏ (dưới 1 ha) nên ngại chuyển đổi quy trình kỹ thuật. Để nhân rộng và phát triển chuỗi giá trị dừa hữu cơ, các doanh nghiệp cùng với các sở ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng dừa thành lập các THT/HTX để kết nối với doanh nghiệp và tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người nông dân.

 

 

 

Phạm Vân