
Trong dòng chảy không ngừng của sự phát triển, nông thôn Việt Nam đang từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo sinh thái – hiện đại – bền vững. Đằng sau những thành quả ấy là sự góp sức không nhỏ từ một tổ chức khoa học – xã hội đầy tâm huyết: Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO).
Được thành lập từ năm 2006, PHANO ra đời với sứ mệnh cao cả: ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nâng cao tri thức, và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vì sự phát triển toàn diện của nông thôn Việt Nam. PHANO là cầu nối vững chắc giữa nghiên cứu và thực tiễn, biến những công trình khoa học thành giá trị thiết thực, cải thiện đời sống người nông dân. PHANO tập hợp đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, nghệ nhân và chủ trang trại, tạo nên một mạng lưới tri thức rộng khắp và vững mạnh.

Bất chấp những thách thức kép từ đại dịch và thiên tai trong nhiệm kỳ 2019-2024, PHANO đã kiên cường vượt qua và ghi dấu bằng nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
PHANO đã phối hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, cùng các địa phương để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, ngành nghề nông thôn và du lịch sinh thái nông nghiệp bền vững. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

PHANO cũng đi đầu trong việc giới thiệu và thực nghiệm các mô hình nông nghiệp canh tác tiên tiến, hiện đại, đồng thời đề xuất nhiều khuyến nghị chính sách thiết thực. Đáng chú ý, Hội đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh làng nghề, sản phẩm của người lao động, đồng thời đẩy mạnh kết nối và xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
PHANO chú trọng hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đặc trưng của các vùng miền, qua đó khẳng định vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Hội cũng tham gia rất tích cực vào việc góp ý, phản biện và xây dựng nhiều chính sách, văn bản nghị định, và các luật liên quan.

Đặc biệt, PHANO đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng Luật Thủ đô và các chính sách quan trọng nhằm phát triển nông thôn mới, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hội tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế trong thực hiện các dự án, hội thảo thúc đẩy chuyển đổi xanh-chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng…Đặc biệt, PHANO có vai trò quan trọng trong hợp tác với các bộ và các tổ chức Quốc tế như CIAT, CIRAD, FAO, UNDP về thúc đẩy chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm theo Quyết đinh 300 của Thủ tướng về Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến 2030. PHANO hiện là thư ký quốc gia của mang lưới vùng Học hỏi về Nông nghiệp sinh thái (Alisea) tại Việt nam với sự tham gia của hơn 75 tổ chức.
Không chỉ là một tổ chức khoa học, PHANO còn là người bạn đồng hành tin cậy với bà con nông dân, nơi lan tỏa tri thức, kết nối cơ hội và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng sản xuất nông nghiệp. Thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ nhãn hiệu tập thể, mô hình sinh kế, PHANO đã góp phần nâng cao chất lượng sống và năng lực sản xuất bền vững cho cộng đồng nông thôn trên khắp mọi miền đất nước.

Với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua cũng cho thấy nhiều thách thức: Nguồn lực tài chính còn hạn chế, cơ chế phối hợp liên ngành chưa đồng bộ, khả năng cập nhật công nghệ còn hạn chế. Từ đó, PHANO rút ra nhiều bài học quý: cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực hội viên, mở rộng hợp tác quốc tế và sâu sát hơn nữa với thực tiễn đời sống nông thôn.
Bước sang nhiệm kỳ 2025-2030, PHANO xác định tiếp tục phương hướng chung là "Kiện toàn tổ chức - Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động - Nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội", với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo”. Mục tiêu cuối cùng là đóng góp thiết thực vào “Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái - bền vững; Nông thôn hiện đại - đáng sống; Nông dân chuyên nghiệp - văn minh”.
PHANO tích cực tham gia và tổ chức nhiều Hội thảo, sáng kiến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Thúc đẩy nghiên cứu, sáng kiến ứng dụng trong chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; Tham gia tích cực vào kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến 2030, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái; Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản, OCOP, sản phẩm làng nghề; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối tri thức và kinh nghiệm toàn cầu; Phát triển truyền thông khoa học, tổ chức hội thảo – đào tạo: Tư vấn cho cộng đồng và hội viên; Chủ động tham gia phản biện, kiến nghị chính sách về nông nghiệp, nông thôn.
Trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và dưới định hướng của các Nghị quyết quan trọng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân và hội nhập, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực vào 05 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm:
(1) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng cách nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao và công nghệ số (AI, IoT, Big Data) để xây dựng nông nghiệp thông minh, bền vững, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị nông sản.
(2) Tăng cường chuyển đổi số trong nông thôn qua việc phát triển hạ tầng số, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý và nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng.
(3) Chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, cung cấp tư vấn pháp lý, xúc tiến đầu tư và khuyến khích các mô hình kinh doanh bền vững.
(4) Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và kiến nghị hoàn thiện chính sách, chủ động nghiên cứu, đề xuất chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo hội viên.
(5) Tập trung phát triển nguồn nhân lực, thu hút và kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia để đảm bảo đội ngũ vững mạnh. Mục tiêu chung là góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Với hành trang là những giá trị tích lũy từ gần 20 năm hoạt động, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới, năng động hơn, thực chất hơn và sâu rộng hơn. Trên hành trình ấy, PHANO mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành; sự đồng hành của các tổ chức trong, ngoài nước và sự gắn kết bền chặt từ đội ngũ hội viên trên cả nước.
Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam diễn ra trong không khí cả nước đang thi đua đổi mới, sáng tạo vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong niềm hân hoan ấy, toàn thể cán bộ, hội viên và đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Hội nỗ lực theo đuổi mục tiêu: Xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái – bền vững, khu vực nông thôn giàu đẹp – đáng sống, kiến tạo cộng đồng nông dân văn minh – chuyên nghiệp, góp phần cùng ngành Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục giữ vững vai trò là trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế, khẳng định lợi thế quốc gia và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu./.