Chúng tôi tiến về NET ZERO như thế nào

PHẦN A: TỔNG QUAN

Tôi đến với nông nghiệp tuần hoàn một cách tự nhiên như một đứa bé lớn lên với những câu hỏi rất vô tư khi quan sát ngoại cảnh. Tôi lớn lên cùng với những câu hỏi dần được giải đáp, Tôi thực hành một cách bình thường như những công việc phải làm hàng ngày. Và tôi hiểu tôi đang đi theo hướng NET ZERO mà hôm nay chúng ta đang thảo luận.

Năm 1987 tôi theo giáo sư Nguyễn thị Thu Cúc khảo sát sự biến động của các côn trùng có lợi sau đợt phun hóa chất để diệt rầy nâu. Sau 2 tuần cô kết luận: “...môi trường còn tốt nên thiên địch phục hồi nhanh”.

Năm 1991, tôi đi chỉ đạo diệt rầy nâu ở vùng chuyên canh một giống lúa của huyện Mỹ Xuyên: giống IR42, với qui mô 13.500 ha. Chung quanh khu vực này ở 2 huyện kế cận còn có 2 vạn hecta giống lúa này. Lúc đó mật độ rầy lên đến 3.000con/khóm lúa. Thuốc trừ rầy trong kho Nhà nước đã cấp hết, không còn nguồn bổ sung. Sau 3 ngày tôi quay về và tự nhủ: “Thế này chỉ có trời cứu”. Mười hôm sau tôi quay trở lại, thì trời cứu thật, toàn bộ lượng rầy nâu đang chích hút lúa đã bị nấm xanh ký sinh chết sạch. Một vùng nguyên liệu trên 3 vạn hecta lúa IR42 đã thoát sự công phá của rầy nâu. Hàng vạn hộ nông dân đã thoát sự đói kém nhờ lực lượng của tự nhiên.

Năm 1993, một người bạn ở Mỹ mang về cho tôi một chồng tài liệu khoa học nông nghiệp nói về “IPSM” (Intergrated Plant Soil Management), xin tạm dịch là QUÀN LÝ TỔNG HỢP THỔ MỘC. Một năm trước đó (1992) Cục Bảo vệ thực vật với sự trợ giúp của FAO đã triển khai chương trình IPM (Intergrated Pest Management) – Quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng.

Suốt hơn 3 thập kỷ thực hành và theo dõi hai nguyên lý, hai phương pháp quản lý cây trồng khác nhau, tôi nhận thấy:

- IPM: hướng dẫn nông dân quản lý dịch hại bằng hóa chất nhưng sao cho hợp lý hơn.

Sau 30 năm thực hành theo IPM hoặc không theo IPM thiên địch ngoài đồng ruộng sụt giảm nghiêm trọng, đất đai suy thoái. Nếu tiếp tục sử dụng hóa chất thì phải sử dụng lượng cao hơn trước kia. Đương nhiên là các sự cố về tồn dư hóa chất trên nông sản nhiều hơn.

- IPSM: hướng dẫn cách tiếp cận liên ngành: nông hóa thổ nhưỡng, giống, phân bón, bảo vệ thực vật, quản lý nước tưới, các sinh vật hỗ tương, đối kháng trong quần thể canh tác. Kết quả là:

 Gần đây xu hướng quản lý IPSM mới được đề cao, có nghĩa là chúng ta lạc hậu về quản lý trồng trọt khoảng 30 năm.

 IPSM thực ra là nông nghiệp tuần hoàn với một cơ sở khoa học tổng hợp liên ngành giúp chúng ta tiến tới NET ZERO. Tuy nhiên do đi trước thời đại nên chậm phát huy.

VẬN DỤNG IPSM VÀO SẢN XUẤT NHƯ THẾ NÀO?
I. CÂY KHỎE KHỞI ĐẦU TỪ ĐẤT KHỎE: Vậy làm thế nào để cho đất khỏe:

1. Điều chỉnh pH đất về trạng thái không quá mẫn, vì vậy:

1.1. Không bón vôi nóng mà bón vôi đã qua chế biến hoặc phun qua lá.

1.2. Bón hoặc phun Humate để nhanh chóng giải phóng các nguyên tố có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp rể dễ phát triển.

2. Bổ sung vào đất các loại vi khuẩn cố đinh đạm, phân giải lân để giảm thiểu nhu cầu phân khoáng cần phải bón.

3. Bón phân hữu cơ kết hợp phun nấm hoặc vi khuẩn phân giải hữu cơ (rơm rạ vụ trước) giúp giải phóng Kali trong rơm rạ - cung cấp phân hữu cơ và giúp đất tơi xốp nhờ vô số những con trùng nhỏ đào hang sâu vào ruộng, kể cả khi ngập nước.

4. Muốn có “đất khỏe” còn phải biết hạn chế phân bón tổng hợp đưa vào để các vi sinh vật không bị sát thương khi làm nhiệm vụ “tuần hoàn” giúp chúng ta

II. CÂY KHỎE NHỜ KHÔNG GIAN SỐNG HÀI HÒA

Vậy làm thế nào để có không gian sống hài hòa (theo Viện lúa quốc tế - IRRI)

Môi trường sống của cây lúa đồng thời cũng là môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác:

1. Côn trùng các loại vừa gây hại cho cây lúa đồng thời cũng có rất nhiều loại côn trùng làm mồi cho nhện, bọ rùa, bọ cánh cứng, bọ niểng v.v...ta gọi chúng là thiên địch.

2. Có hàng chục loại ong (rất nhỏ) và ruồi ký sinh trên côn trùng. Chúng có thể ký sinh bằng cách đẻ trứng vào trứng của loài gây hại hoặc đẻ trứng vào sâu non, nhộng và kể cả con trưởng thành.

3. Trên cây lúa cũng có rất nhiều bệnh do nấm, vi khuẩn, virus v.v... truyền. Có thể phòng ngừa trên cơ sở làm cho cây lúa khỏe.

4. Rầy nâu, một loại côn trùng chuyên gây hại cho cây lúa ở qui mô lớn. Khi có dịch có thể gây hại cho hàng chục vạn hecta lúa, có thể bị khống chế bởi nấm xanh - từ nguồn nấm tự nhiên hoặc nuôi cấy rồi phun vào ruộng lúa.

5. Muốn có cây khỏe cần hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật để bảo vệ “Những người bạn của nông dân” đó là những côn trùng, nhện và nguồn bệnh có ích do IRRI nghiên cứu và công bố.

III. HIỆU QUẢ SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA “ĐẤT KHỎE VÀ RÚT KHÔ GIỮA MÙA, CUỐI MÙA”

1. Quá trình làm đất khỏe, cây khỏe là “quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn”. Giải pháp rút khô giữa mùa, cuối mùa thúc đẩy hoạt động tuần hoàn vì làm cho vi sinh vật hoạt động mạnh hơn, trùn đất cũng vậy, và hữu cơ phân hủy nhanh hơn - làm giảm phát thải khí nhà kính.

2. Quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là quá trình tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhờ thu hồi Lân, Kali và hữu cơ có ích từ hữu cơ có hại (rơm, rạ thô).

3. Quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn còn tận dụng được tài nguyên thô (Nitơ trong không khí) tổng hợp thành đạm cho cây trồng.

4. Quá trình sản xuất lúa tuần hoàn còn giúp loại bỏ các mùi hôi mà con người nhận biết được như H2S (mùi trứng thối).

5. Quá trình canh tác tuần hoàn là quá trình giảm dần phân bón hóa học và hóa chất độc hại.

6. Canh tác tuần hoàn với giải pháp tạo điều kiện cho sinh vật có lợi phát triển (kể cả vi sinh vật) là quá trình hữu cơ hóa đồng ruộng. Qui mô và thời gian là hai yếu tố giúp giải pháp càng về sau càng bền vững.

7. Cuối cùng là lợi ích to lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo: Càng ít hóa chất đưa vào ruộng lúa thì hương vị cơm, gạo càng tự nhiên.

Rút khô giữa mùa giúp cây lúa ra rễ mới, cây lúa giảm chiều cao nên giảm đổ ngã.

Rút khô cuối mùa cây lúa gia tăng tổng hợp Proline nên thơm hơn. Ruộng không phát sinh các vi sinh vật đeo bám vỏ trấu nên gạo sạch hơn.

CHẤT LƯỢNG TẠO NÊN THƯƠNG HIỆU Là câu Slogan của chúng tôi.

PHẦN B: HỆ SINH THÁI LÚA – TÔM VỚI VẤN ĐỀ CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

I. BÁN ĐẢO CÀ MAU VÀ HỆ SINH THÁI LÚA – TÔM

Sau ngày đất nước thống nhất, do thiếu thốn lương thực nên chủ trương bảo vệ đất lúa được Chính phủ chỉ đạo rất chặt chẽ, nhiều khi bất chấp hiệu quả kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực. Từ năm 1990, con giống tôm sú đã được sản xuất thành công ở miền Trung nước ta, với những mô hình nhỏ được thả nuôi ở vùng nước lợ thuộc bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao, nên ước vọng được dẫn nước lợ vào ruộng lúa của nông dân lớn dần.

Đến tháng 11/2001, trước yêu cầu chính đáng của nông dân, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho phép chủ tịch các tỉnh được chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Thế là trong vòng 5 năm đã có trên 400.000 ha đất lúa vùng bán đảo Cà Mau chuyển sang nuôi tôm sú, tạo nguồn thu ngoại tệ hàng tỷ đô.

Hệ sinh thái Lúa – Tôm dần hình thành ở khu vực này, là những vùng đất thấp ở ven biển (từ bờ biển vào sâu nội địa khoảng 20 km), có độ mặn cao nhất trong năm ít ra là 5‰ để có thể luân canh Lúa (mùa mưa) – Tôm (mùa khô). Có những vùng nuôi tôm nhưng không thể trồng lúa vì thiếu nước ngọt.

Sau khi chuyển sang nuôi tôm sú, số phận cây lúa ở vùng này tiếp tục long đong. Theo báo cáo của đề tài khảo sát “Hiện trạng phát triển Tôm – Lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long” (do Development Alternative Inc (DAI) thực hiện, được tài trợ bởi Văn phòng Môi trường khu vực Châu Á của USAID, thì khu vực này vào năm 2015:

  1. Có diện tích sản xuất theo cơ cấu Tôm – Lúa là: 155.493 ha (Kiên Giang: 71.500 ha, Cà Mau: 43.297 ha, Bạc Liêu: 28.285 ha, Sóc Trăng: 7.581 ha, Bến Tre: 4.833 ha). Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT là: 200.000 ha (năm 2020); 250.000 ha (năm 2025).

  2. Cơ cấu giống lúa đa dạng với nhiều giống lúa có chu kỳ sinh trưởng dài, ngắn khác nhau (như: Một bụi đỏ, Nàng keo (lúa mùa địa phương); ST5, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677 v.v... năng suất bình quân: 4 – 4,5 tấn/ha) nên thiệt hại nhiều do thu hoạch kéo dài.

  3. Hệ thống điều tiết mặn – ngọt theo từng yêu cầu mùa vụ còn thiếu và yếu.

  4. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu sản xuất lúa còn rất thấp, đặc biệt chưa có khâu thu hoạch bằng máy.

  5. Năng suất: Tôm: 300 kg/ha, Lúa: 4 tấn/ha

  6. Cơ cấu giống: Rất đa dạng:

o Lúa mùa cổ truyền: Một bụi đỏ, Nàng keo.

o Các giống cải tiến: ST5, các giống OM v.v... Các bất lợi được ghi nhận:

1. Nguồn nước ngọt phục vụ cây lúa chưa ổn định, dẫn đến năng suất thấp hoặc thiệt hại, nên nhiều nơi nông dân bỏ lúa.

  1. Cơ cấu giống lúa đa phần đều dài ngày, năng suất thấp, giá cả thấp.

  2. Chưa cơ giới được khâu thu hoạch làm cho chi phí thu hoạch cao, lúa giảm chất lượng hoặc khi có mưa to cuối vụ thì thất thu do đổ ngã, ẩm ướt v.v...

4. Chưa tổ chức liên kết sản xuất nên nông dân gặp rủi ro trăm bề: xuống giống không đồng loạt, chủng loại khác nhau, chưa có cơ giới hóa khâu thu hoạch, chưa nói đến rút khô giữa mùa, rút khô cuối mùa.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỂ TẠO DỰNG LÚA – TÔM VÙNG TRỒNG LÚA RỘNG LỚN VÀ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Năm 2020, sau khi đã có công cụ trong tay (ST25 được công nhận Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, chu kỳ ngắn, dễ trồng, giá bán cao) chúng tôi phối hợp với:

1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau triển khai sản xuất ở huyện Thới Bình (huyện trọng điểm Lúa – Tôm của tỉnh Cà Mau).

2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống của tỉnh Bạc Liêu.

3. Hai hộ kinh doanh giống ở tỉnh Kiên Giang (anh Phương và anh Thoại)

Ở Cà Mau và Bạc Liêu, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống.

− Giai đoạn 2020 – 2021: chúng tôi không cam kết tiêu thụ lúa của nông dân – chỉ mua lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (vì có số lượng tập trung, lúa khô và sạch).

- Giai đoạn 2021 – 2024: Do thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đem lại sự thuận tiện và lợi nhuận rất cao nên chủ máy và nông dân liên tục cải tiến các giải pháp để đưa máy vào ruộng; từ đó đã hình thành các giải pháp rút khô giữa mùa và rút khô cuối mùa.

Nhờ giải pháp này, cây lúa giảm đổ ngã, máy gặt đập liên hợp và máy cộ lúa có thể vào thu hoạch và chuyển lúa ra khỏi đồng ruộng nhanh chóng; giúp giảm chi phí thu hoạch 75% so với cắt tay trước đây (thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp: 3 triệu đồng/ha, thu hoạch cắt tay: 12 triệu đồng/ha).

Giải pháp này ngày càng được hoàn thiện hơn trước mà khi so sánh với các tiêu chí của đề án: "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ ra đời, là rất phù hợp.

− Dần dần vùng Lúa – Tôm bán đảo Cà Mau trở nên tấp nập vào đầu tháng 12 âm lịch, khi thương lái các nơi đỗ về thu mua lúa, có lúc đẩy giá bán lúa tươi tại ruộng lên đến 13.000 đ/Kg.

− Thương hiệu gạo ST25 Lúa – Tôm đã phổ biến trên phạm vi cả nước.

− Chỉ còn các hộ vùng Thới Bình – Cà Mau muốn dưỡng Tôm càng xanh cho lớn để bán dịp cận tết Nguyên đán, không rút nước nên phải thu hoạch thủ công.

− Những hộ được bao tiêu (khoảng 2.000 ha) chúng tôi đầu tư: phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học và hướng dẫn thực hành theo nguyên lý IPSM. Qua đó tạo dựng tên tuổi cho Gạo ông Cua ST25 – Lúa Tôm.

PHẦN C: KẾT QUẢ

1. Có công cụ trong tay (hạt giống ST25) chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn vùng bán đảo Cà Mau tổ chức sản xuất lúa thơm ST24, ST25 đáp ứng tiêu chí của đề án: "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên qui mô hàng ngàn hecta là:

- Mật độ sạ bình quân 80 – 100 kg/ha.
- Giảm 30% phân hóa học.
- Giảm 75% thuốc hóa học.
- Rút khô giữa mùa 2 lần (đều dài hơn vùng chuyên lúa).

2. Lợi nhuận đem lại rất cao nhờ:

Năng suất cao: 6 tấn/ha.

Giá bán cao: bình quân 9.200 đ/kg ± 5%

So với lúa thường 6.200 đ/kg ± 5%

Giá vốn thấp: ≤ 20 triệu đồng/ha

Lợi nhuận trước mắt: Gấp đôi lúa thường

Lúa ST24, ST25: Doanh thu 55,2 triệu đồng/ 20 triệu đồng đầu tư sản xuất/ha.

So với lúa thường: Doanh thu 37,2 triệu đồng/ 20 triệu đồng đầu tư sản xuất/ha.

Chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm lúa:
(55,2 triệu - 20 triệu) – (37,2 triệu - 20 triệu) = 18 triệu/ha

Trên qui mô 100.000 ha lợi nhuận nhờ bán lúa ST24, ST25 tăng thêm:

100,000 x 18 triệu/ha = 1.800 tỷ đồng/năm

3. Lợi nhuận tăng thêm nhờ ổn định sản xuất và giúp cho vụ tôm an toàn.

4. Được sống trong môi trường trong lành. Đặc biệt với giải pháp rút khô giữa mùa và trước khi thu hoạch đã giúp giảm phát thải khí nhà kính rất cao so với vùng chuyên lúa.

Có thể khẳng định rằng: Nhờ có giống lúa ST24 và ST25 có chu kỳ ngắn, phù hợp chế độ thủy văn, chi phí sản xuất thấp, năng suất cao và ổn định, giá bán cao, lợi nhuận nhiều đã kích thích nông dân tìm tòi mọi giải pháp để cơ giới hóa khâu thu hoạch thông qua giải pháp rút khô giữa mùa và cuối mùa, phù hợp với tiêu chí của đề án: "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ.

Song song đó với lợi thế của vùng đất tự nhiên có nhiều gió biển trong lành và những mô hình ứng dụng phân hữu cơ, vi sinh vật vào ruộng lúa do chúng tôi thực hiện đã biến vùng Lúa – Tôm rộng lớn hàng trăm ngàn hecta thành vùng lúa giảm phát thải khí nhà kính cao bậc nhất ở nước ta, đồng thời nâng tầm “GẠO ÔNG CUA” ở trong nước cũng như ngoài nước.

Qua kết quả này, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan tư vấn tham mưu cho các doanh nghiệp công nghiệp cần mua tín chỉ carbon liên hệ chính quyền địa phương tổ chức sao cho người dân được hưởng lợi từ phát thải thấp để xây dựng công trình công ích tại địa phương, như thế mới đúng là “NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN”