Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã trúng tuyển vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vì đam mê điện ảnh, nên đã chọn học ngành kỹ thuật video và dựng phim tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Đạo diễn Lê Mạnh Thích là người có công giới thiệu Trịnh Quang Tùng làm Thư ký cho Đạo diễn Ngọc Quỳnh tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Vừa làm vừa học, từ vai trò Thư ký đạo diễn, Trịnh Quang Tùng đã chuyển dần sang dựng phim và phụ quay cho các Đạo diễn nổi tiếng trong Hãng như Lương Đức, Đào Trọng Khánh... Sau đó Trịnh Quang Tùng quay lại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, học chuyên ngành Quay phim Điện ảnh, rồi học tiếp Đạo diễn. Người thầy đáng kính NSƯT Trần Trung Nhàn đã đặt biệt danh cho cậu sinh viên với cái tên “Tùng già”. Trịnh Quang Tùng đạt điểm tốt nghiệp tuyệt đối với phim tài liệu “Quán trà câm”. Và anh chính thức được vào biên chế Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương từ đó.


Vào nghề chưa lâu, nhưng Trịnh Quang Tùng (bê phải) đã liên tiếp giành 2 giải Quay phim xuất sắc, hạng mục Phim video tại 2 kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và 16. Năm 2005, phim khoa học “Âm thanh thực” do anh đạo diễn đã được chọn tham dự Liên hoan phim Báo chí quốc tế tại CHLB Đức, được đề cử hạng mục Nhà làm phim độc lập quốc tế và lọt vào tốp 13 phim hay nhất. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, năm 2011, Trịnh Quang Tùng đã cùng với đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất hạng mục Phim khoa học.
Đến nay, mặc dù bận công việc quản lý, nhưng Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng vẫn trực tiếp làm nghề. Anh đã tham gia hàng chục bộ phim với tư cách tác giả Biên kịch và Đạo diễn, với đủ các thể loại: Phim truyện, phim Tài liệu và phim Khoa học. Nhiều bộ phim trong số đó đã đạt giải cao trong nước và quốc tế…
Cùng là những người đam mê tư liệu chiến tranh, nên Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng và Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã ngồi với nhau cả buổi sáng. Chúng tôi đã cùng khám phá bộ sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” và “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Rồi cùng nêu ý tưởng, gợi ý đề tài một số phim tài liệu mới xung quanh các tác phẩm “Trở về trong giấc mơ” (Nhật ký của Liệt sĩ Trần Minh Tiến) và “Tài hoa ra trận” (Nhật ký của Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân)…
Đặc biệt, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ, tham gia vào nội dung phim tài liệu về đồng chí Hoàng Văn Nhủng (Xuân Trường) - người Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà đạo diễn Trịnh Quang Tùng đang chuẩn bị triển khai. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã chuyển một tư liệu “độc lạ”: Nội dung và hình thức của Giấy Báo tử đầu tiên của Chính quyền Cách mạng, có từ năm 1946. Đồng thời, kết nối NSƯT Trịnh Quang Tùng với bạn trẻ Lê Quyết Thắng và Nhóm TeamLee (chuyên phục dựng di ảnh chân dung liệt sĩ), để cùng tham gia đoàn làm phim, chuẩn bị cho chuyến đi Cao Bằng ghi hình vào cuối tháng 7 tri ân Thương binh – Liệt sĩ...
Hà Nội, 17/7/2025
TTNL