Thiết kế kết hợp văn hóa Indonesia và chuẩn mực quốc tế
Mới đây, công ty công nghệ PT Teknologi Militer Indonesia (PT TMI) đã chính thức giới thiệu mẫu SUV điện i2C tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) 2025. Đây là sản phẩm chiến lược thể hiện tham vọng đổi mới phương tiện di chuyển trong tương lai của Indonesia.
Mẫu xe là kết quả hợp tác giữa PT TMI và hãng thiết kế danh tiếng Italdesign (Italy), hướng đến sự giao thoa giữa bản sắc địa phương và tiêu chuẩn toàn cầu.

Ngoại hình của i2C được lấy cảm hứng từ hình tượng chim thần Garuda - một biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Indonesia và điêu khắc Champa cổ.
Những chi tiết thiết kế mang dáng dấp của đầu sư tử, mỏ chim, thân người và chân thú, kết hợp với họa tiết batik truyền thống, tạo nên diện mạo độc đáo hiếm có trong phân khúc SUV điện hiện nay.
Mẫu xe sở hữu vóc dáng mạnh mẽ với đường nét góc cạnh, thiết kế nội thất hiện vẫn chưa được công bố nhưng theo tiết lộ, xe sẽ có 3 hàng ghế với tổng cộng 7 chỗ ngồi.

Hiệu suất đáng nể, hỗ trợ công nghệ sạc nhanh
Không chỉ gây ấn tượng về thiết kế, i2C còn được trang bị thông số kỹ thuật đáng chú ý. Mẫu SUV sử dụng pin lithium NMC dung lượng 83,4 kWh, cho phạm vi hoạt động lên tới 617 km theo chuẩn CLTC.
Xe vận hành bằng mô-tơ điện đặt phía sau, cung cấp công suất tối đa 204 mã lực và mô-men xoắn cực đại 310 Nm, tương đương mẫu BYD Atto 3.
Với sức mạnh này, i2C có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong khoảng 9,1 giây và đạt tốc độ tối đa 200 km/h. Hệ thống sạc nhanh DC hỗ trợ công suất tối đa 150 kW, trong khi sạc AC đạt 11 kW, giúp rút ngắn đáng kể thời gian sạc cho người dùng.

Hướng đến sản xuất nội địa và giá cả phổ thông
Theo công bố từ PT TMI, mẫu xe điện i2C sẽ hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trong thời gian tới trước khi chính thức ra mắt phiên bản hoàn chỉnh tại triển lãm ô tô năm 2026.
Hãng dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2027 hoặc đầu năm 2028 với mức giá dưới 30.700 USD (khoảng 803 triệu đồng), nhằm hướng đến phân khúc khách hàng phổ thông.
Điểm đáng chú ý là nhiều linh kiện như gương chiếu hậu và hệ thống đèn đã được nội địa hóa, phục vụ mục tiêu kiểm soát chi phí và phát triển chuỗi cung ứng trong nước.
Chủ tịch kiêm CEO PT TMI - ông Harsusantu - chia sẻ rằng mọi thiết kế đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và giá thành hợp lý.
Hãng cũng cho biết sẽ sản xuất khoảng 40 - 50 mẫu xe nguyên mẫu để phục vụ các thử nghiệm va chạm, đánh giá khả năng sản xuất và kiểm chứng công nghệ. Toàn bộ quá trình được hỗ trợ bởi mô phỏng kỹ thuật số tiên tiến, tương tự trong ngành hàng không vũ trụ.