Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn- nhà nông học uyên bác và độc đáo

21/09/2022 08:32

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn- nhà nông học uyên bác và độc đáo” của tác giả PGS.TS. Vũ Trọng Khải nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp 2  trong cuốn sách quý nói trên

Nền nông nghiệp nước ta có khá nhiều nhà khoa học uyên bác, đã có những đóng góp khoa học cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Đặc điểm chung của họ là những nhà khoa học chuyên sâu, tạo ra những tiến bộ kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao. Nhưng do điều kiện “khách quan” về thể chế, với các yếu tố kinh tế, quản trị, xã hội và lịch sử văn hoá vùng miền, nên những giải pháp kỹ thuật do họ sáng tạo ra tuy đúng, nhưng bị rất nhiều hạn chế; không áp dụng vào thực tiễn trên quy mô đủ lớn để mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước và người nông dân.

r1-1663403706.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Thời gian đầu, GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng nghiên cứu chuyên sâu như các nhà nông học khác. Nhưng rồi ông đã “ngộ ra”. Ông dám đặt câu hỏi: Vì sao những giải pháp kỹ thuật đúng đắn không được áp dụng như mong muốn trên đồng ruộng, vườn cây, chuồng trại,... của nông dân. Và ông đã đi tìm lời giải cho câu hỏi này. Theo tôi được biết, các nghiên cứu của ông bao giờ cũng xuất phát từ nghiên cứu cơ bản, tạo ra cơ sở lý luận vững chắc, để trên cơ sở đó nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật ứng dụng, biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Ví dụ như ông đã nghiên cứu cơ bản sinh lý về cây lúa nước ở miền  Bắc nước ta, rồi trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa. Trong khi đó, có quan điểm cho rằng Việt Nam không cần nghiên cứu cơ bản, chỉ nghiên cứu ứng dụng, vì thiếu kinh phí và lại là nước đi sau nên có thể mua các kết quả nghiên cứu, nhất là về giống cây, giống con từ các nước phát triển. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế nông nghiệp là sử dụng sinh vật làm đối tượng sản xuất. Là cơ thể sống, chúng sinh trưởng và phát triển như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện sinh thái tự nhiên, kinh tế xã hội và nhân văn của mỗi vùng miền, thậm chí của mỗi tiểu vùng. Vì vậy, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã áp dụng quan điểm hệ thống và cách tiếp cận liên ngành, trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Khởi đầu, ông đã lập ra Bộ môn Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp (Farming system).

Nền nông nghiệp nhiệt đới như ở Việt Nam, khác với các nước ôn đới, có thể làm được nhiều vụ trong năm, luân canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích canh tác. Hơn nữa, Việt Nam còn sáng tạo ra hệ sinh thái VAC (Vườn - Ao - Chuồng), mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với một nước có bình quân ruộng đất theo đầu người vào loại thấp nhất thế giới như nước ta.

Như vậy, nhà khoa học nghiên cứu hệ thống nông nghiệp cho mỗi vùng sinh thái tự nhiên - kinh tế; không thể chỉ am hiểu chuyên sâu từng yếu tố cấu tạo nên hệ sinh thái này, mà phải có kiến thức liên ngành bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; không chỉ có kiến thức kỹ thuật mà còn phải am hiểu kinh tế, xã hội và môi trường tự nhiên - nhân văn. Do vậy, việc nghiên cứu theo nhóm đa ngành của các nhà khoa học khác nhau được hình thành, để phục vụ cho việc nghiên cứu này.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, những mô hình thành công của các hệ thống nông nghiệp ở mỗi vùng kinh tế sinh thái không thể phát triển trên quy mô lớn; do thể chế quản lý lạc hậu, các chủ thể, trước hết là nông dân, của cấu trúc và cơ chế vận hành hệ thống nông nghiệp không đủ khả năng thực hiện. Thấy được vấn đề này, nên GS.VS. Đào Thế Tuấn đã tiến thêm một bước nữa, là nghiên cứu kinh tế học thể chế trong nông nghiệp. Đó là các chính sách vĩ mô của Nhà nước theo cơ chế thị trường; đó là việc xây dựng các tổ chức của nông dân như tổ hợp tác và hợp tác xã; đó là vai trò và năng lực của kinh tế nông hộ (farm household); sự liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản giữa nông hộ (trang trại gia đình), với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đầu vào và đầu ra trong nông nghiệp. Do đó, ông đã đề xuất phải có một chương trình quốc gia về phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm cả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, mà ngày nay người ta gọi là Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, đang được dần hoàn thiện.

Trong phát triển nông thôn, ông nhận rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, của kinh tế nông hộ hay trang trại gia đình (family farming). Dù khoa học và công nghệ có phát triển cao đến mức áp dụng số hoá và trí tuệ nhân tạo, trang trại gia đình vẫn là lực lượng sản xuất chủ yếu của kinh tế nông nghiệp. Bởi vì, trang trại gia đình hay kinh tế nông hộ có những ưu thế, mà các doanh nghiệp có quy mô lớn không thể có được, trong việc thực hiện tốt các khâu sản xuất mang tính sinh học diễn ra trên đồng ruộng, vườn cây, chuồng trại, ao nuôi trồng thuỷ sản. Ông cho rằng, kinh tế nông hộ tự “bóc lột” sức lao động của chính mình, nên khi giá cả nông sản bằng hay thấp hơn giá thành sản xuất một chút thì nông hộ vẫn tồn tại, nhờ cơ chế “lấy công làm lãi”, còn doanh nghiệp thì đương nhiên bị phá sản. Trang trại gia đình hay kinh tế nông hộ có 3 ưu thế mà doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn không thể có được:

xxx-1663404685.png
PGS.TS. Vũ Trọng Khải
  1. Do đối tượng sản xuất là sinh vật nên người lao động phải thực hiện “Nhất thì, nhì thục” (đúng lúc, đúng cách) khi tác động vào cây trồng, vật nuôi. Chỉ có trang trại gia đình mới thực hiện được điều này, vì người lao động có trách nhiệm cao, do thu nhập của họ phụ thuộc trực tiếp vào kết quả cuối cùng của quá trình sản xuất mang tính sinh học. Mặt khác, quy mô diện tích canh tác, vườn cây, ao nuôi, đàn gia súc, gia cầm phù hợp với tầm quản trị của gia đình, trước hết là của người chủ trang trại (farmer).
  2. Trang trại gia đình bền vững trước sự biến động bất thuận của thị trường và điều kiện tự nhiên, làm cho giá cả nông sản bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá thành sản xuất, nhờ cơ chế “lấy công làm lãi” như đã phân tích ở trên.
  3. Trang trại gia đình chủ yếu sử dụng sức lao động của mình, tuyệt đối không thuê người quản lý; chỉ có thể thuê một số ít người lao động trực tiếp trong lúc thời vụ khẩn trương, như thu hoạch sản phẩm,... nên chủ trang trại vẫn có thể kiểm soát được việc thực hiện “nhất thì, nhì thục”.

Để phát huy các lợi thế của trang trại gia đình, ông cho rằng phải đào tạo nông dân thành một đội ngũ lao động chuyên nghiệp, thay thế cho nông dân cha truyền con nối, đủ khả năng quản lý trang trại theo cơ chế thị trường, biết liên kết với nhau trong các tổ hợp tác và hợp tác xã, và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng. Bởi vì, doanh nghiệp mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế có 3 ưu thế mà trang trại gia đình không thể có được:

(i) Doanh nghiệp nắm bắt được yêu cầu của thị trường và tạo dng được thương hiệu nông sản để định hướng sản xuất cho nông dân.

(ii) Doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, hiện đại không chỉ trong các khâu trực tiếp đảm trách, mà còn giúp nông dân áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý, kể cả số hoá và tự động hoá, trong các khâu sản xuất mang tính sinh học; thông qua việc cung ứng dịch vụ đầu vào, trước hết là giống cây, con và khuyến nông; để bảo đảm nông sản làm ra đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, cả về số lượng và chất lượng; trước hết là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, và an toàn sản xuất cho chính người nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

(iii) Doanh nghiệp cung ứng vốn sản xuất cho nông dân thông qua hình thức sản xuất theo hợp đồng (contract farming). Với 3 ưu thế này, doanh nghiệp trở thành nhà lãnh đạo điều phối chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng, hay tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.

Những nội dung nêu trên đây chính là nội dung cơ bản của chương trình phát triển nông thôn toàn diện, trước hết vì người nông dân, do người nông dân. Vì vậy, người ta gọi ông là người bảo vệ lợi ích của người nông dân một cách kiên định. Mặt khác, muốn thực hiện được những nội dung này, phải đổi mới toàn diện, triệt để thể chế quản lý ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Đó cũng là yêu cu của việc xây dựng các thể chế nông nghiệp.

Những kết quả nghiên cứu của GS.VS. Đào Thế Tuấn thường đi trước nhận thức của xã hội ít nhất 10 năm. Khi những nhà quản lý vĩ mô và xã hội nhận thức được những điều mà ông đã chỉ ra, thì đương nhiên họ nghĩ rằng đó chính là xu thế của xã hội. Tuy vậy, khi áp dụng vào thực tiễn, đôi khi chính sách làm không đầy đủ, thậm chí hiểu sai những ý tưởng của ông. Vì thế, hiện nay chương trình xây dựng nông thôn mới nặng về hình thức, chạy theo thành tích của các cấp lãnh đạo, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Các đơn vị hành chính vẫn là những đơn vị kinh tế, chứ không phải các vùng hay tiểu vùng kinh tế - sinh thái. Nông dân và doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi” trong môi trường của nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá và công nghệ phát triển như vũ bão. Nhà nước chưa kiến tạo được đầy đủ những điều kiện về thể chế quản lý, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển hiệu quả cao như khả năng vốn có của nó.

Bằng cách tiếp cận hệ thống và liên ngành trong nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học của ông vừa có giá trị lý luận sâu sắc, vừa có giá trị ứng dụng cao trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta. GS.VS. Đào Thế Tuấn là người quyết liệt bảo vệ, ủng hộ sự phát triển của kinh tế nông hộ và các tổ chức đích thực của họ, là tổ hợp tác và hợp tác xã. Vì thế, theo tôi, GS.VS. Đào Thế Tuấn là nhà nông học uyên bác và độc đáo, đã làm thay nhiều phần việc của các nhà kinh tế học nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Ông quả thực là một Nhà bác học của nông dân Việt Nam - một danh hiệu cao quý nhất trong các danh hiệu dành cho ông. Đó là sự khác biệt giữa GS.VS. Đào Thế Tuấn và các nhà khoa học nổi tiếng khác của nền nông nghiệp nước ta.

 

 

 

 

 

PGS.TS. Vũ Trọng Khải 
Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn- nhà nông học uyên bác và độc đáo" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309