
Thần tốc thẳng hướng Sài Gòn)
Sau chiến thắng chiến dịch Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Huy là Phó Tư lệnh- TMT Sư đoàn đã cùng đội hình Quân đoàn và các đơn vị bạn thần tốc tiến công theo trục đường 1 các tỉnh duyên hải miền Trung đập tan phòng tuyến Phan Rang, Ninh Thuận, Phan Thiết, Bình Thuận.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, kết thúc cuộc hành quân thần tốc dài gần 1000km suốt dọc miền duyên hải, Sư đoàn 325 cùng các đon vị bạn đã vào tới vị trí tập kết cuối cùng ở khu vực Cẩm Mỹ và giáo xứ Duyên Lạc để chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn- Gia Định.

Cuộc tiến công thân tốc với những thắng lợi oanh liệt đã dành được như: Giải phóng Thành phố Huế, cắt đường số 1 và giải phóng thành phố Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh thành khác dọc đường tiến quân như: Phan Rang, Phan Thiết… Chỉ trong thời gian hơn một tháng đã vượt qua 11 tỉnh, thành miền duyên hải, đi đến đâu quân giải phóng cũng làm cho kẻ thù tan rã, khiếp nhược đến đó. Sư đoàn 325 đã được báo chí khen tặng là “Sư đoàn gió lốc”.
Đúng 17 giờ, ngày 26 tháng 4 năm 1975 là “giờ G” của cánh quân phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Hàng ngàn quả đạn pháo của các đơn vị pháo binh của Quân đoàn, Sư đoàn và đơn vị bạn bắt đầu trút bão lửa vào nhiều căn cứ trận địa địch ở Biên Hoà, Nước Trong, Long Thành… Pháo cao xạ kiên quyết đánh trả máy bay địch phản kích bảo vệ an toàn cho các trận địa pháo binh và đội hình chiến đấu của quân ta.

Đến 18 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 46 cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 101 do đồng chí Nguyễn Đức Huy và Phan Văn Rinh chỉ huy đã đánh chiếm được Thành Tuy Hạ và thọc thẳng đến bến phà Cát Lái.
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn- Gia Định.
Khi trận địa pháo tầm xa 130 ly ngừng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất thì cuộc vượt sông tiến công bằng sức mạnh của Sư đoàn 325 cũng bắt đầu.
Để thăm dò phát hiện hoả điểm địch bên kia sông, Sư đoàn cho một chiếc xe BAP chở 1 Tiểu đội trinh sát vượt sông. Khi chiếc xe đó vừa tới giữa sông đã bị các loại hoả lực địch ở bên kia sông bắn chặn và bị thủng. Một số chiến sĩ của ta trên xe bị thương. Lập tức, các loại pháo bắn thẳng 85 ly, pháo cao xạ hai lòng 37 ly và 12, 7 ly… của ta đã bố trí sẵn bên bờ liền trút đạn vào các trận địa pháo địch và căn cứ hải quân Cát Lái.
Để ngăn chặn ta vượt sông, địch cho ba tàu chiến ở Cát Lái ra chặn đường. Lập tức ba tàu này bị hoả lực của ta bắn chìm tại chỗ.
Với âm mưu đánh thông để mở đường ra biển và cứu đồng bọn đang bị tấn công ở căn cứ hải quân Cát Lái, đến 6 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, địch đã cho hàng chục chiếc tàu chiến chở đầy quân theo hai hướng từ Tân Cảng và sông Đồng Nai mở cuộc phản kích dữ dội vào bờ Nam bến phà Cát Lái. Chúng vừa đi vừa bắn như vãi đạn vào các khu vực nghi có quân ta đang bố trí trên bờ sông.
Nhưng chúng không ngờ mình đang tự chui đầu vào rọ. Bởi các loại pháo và hoả lực bắn thẳng của ta đang chờ sẵn tàu địch vào thật gần mới đồng loạt khai hoả. Chỉ trong loạt đạn đầu, 5 chiếc tàu của địch đã bị nhấn chìm tại chỗ và nhiều chiếc khác trúng đạn bị thương. Hàng trăm tên lính đi trên tàu cũng chịu chung số phận xuống thăm “hà bá”. Một tàu kéo sà lan chất hàng trăm tấn đạn cũng bị pháo ta bắn nổ tung bốc cháy tạo thành cột lửa -nước cao hàng trăm mét. Bị thiệt hại nặng, số tàu còn lại quay đầu tháo chạy ra sông Lòng Tàu và sông Đồng Nai.
Cùng lúc này, hàng trăm tàu thuyền do nhân nhân địa phương cung cấp cũng xuất hiện kín mặt nước để chở quân của Trung đoàn 101 nhanh chóng vượt sông tấn công đánh chiếm các cụm địch ở ven bờ và thọc sâu vào chiếm căn cứ Cát Lái. Trong trận này, ta thu được rất nhiều vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh lớn của địch.
Sau khi đánh chiếm xong căn cứ Cát Lái, Trung đoàn 101 nhanh chóng Phát triển đánh chiếm quận 9, vượt qua bến phà Thủ Thiêm đánh chiếm quận 4 và Tân Cảng.
Trong lúc này, lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 cũng đã vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, rồi theo đường Hồng Thập Tự đánh chiếm dinh Độc Lập.
Đến 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ giải phóng của Quân đoàn 2 đã bay phấp phới trên nóc dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các nguỵ quyền Sài Gòn do Dương Văn Minh làm tổng thống đã bị bắt sống và buộc phải tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã toàn thắng sau 21 năm chiến đấu gian khổ mà ngoan cường.
(Còn tiếp)
HN, ngày 08/5/2025
HMS (Sưu tầm)
Ảnh do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cung cấp