Ngay trong phần nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên, Đảng ta khẳng định: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc của mọi người dân để thúc đẩy Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực, đầy đủ, cổ vũ, lan toả những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân”.

Đây không chỉ là lời nhắc nhở. Đó là một chỉ lệnh chính trị với lực lượng báo chí truyền thông cách mạng. Báo chí cần khơi dậy nhận thức xã hội, nếu không tạo khí thế khởi nghiệp, nếu không bảo vệ doanh nhân và doanh nghiệp tử tế bằng sự thật…Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, báo chí không chỉ đơn thuần là kênh truyền thông mà còn là một lực lượng nòng cốt góp phần vào sự phát triển này.
Cầu nối giữa Chính phủ và người dân
Báo chí được giao nhiệm vụ làm cầu nối giữa chính phủ và người dân, giúp công chúng hiểu rõ các chính sách, mục đích và lợi ích liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Qua việc truyền tải thông điệp một cách chính xác và dễ hiểu, báo chí không chỉ tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ mà còn góp phần làm giảm thiểu những phản ứng tiêu cực, giúp tạo ra một môi trường xã hội hòa hợp và đồng thuận.
Báo chí Việt Nam, với sứ mệnh cách mạng được hun đúc từ thời Đổi mới, không chỉ là người đưa tin mà còn là người đồng hành tin cậy của doanh nghiệp tư nhân trên hành trình kiến tạo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mỗi bài viết phản ánh chính sách, mỗi bản tin tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, mỗi tuyến bài tôn vinh doanh nhân tử tế… đều là nhịp cầu nối thể chế với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với định kiến, rào cản hành chính và cả những cuộc “khủng hoảng niềm tin” từ dư luận, báo chí chính thống đóng vai trò bảo vệ, minh định và lan tỏa năng lượng tích cực. Không dừng lại ở truyền thông chính sách, báo chí còn góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tăng cường truyền thông về kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 nhấn mạnh rằng báo chí cần nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin liên quan đến kinh tế tư nhân, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Điều này bao gồm việc cổ vũ, lan tỏa những mô hình, cách làm hay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, đồng thời phản ánh kịp thời các thành tựu cũng như khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt. Nhờ đó, báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn góp phần truyền cảm hứng cho những nhà đầu tư, doanh nhân tương lai.
Nếu trước đây báo chí chỉ “phổ biến nghị quyết” thì hôm nay, báo chí phải là lực lượng giải thích chính sách, phản biện chính sách, đề xuất chính sách. Muốn vậy, cần chuyển từ tư duy làm tin sang tư duy làm chiến dịch. Mỗi nhóm chính sách trong Nghị quyết 68 cần được biến thành các tuyến bài, chuyên mục, video, talkshow, podcast… với cách kể hấp dẫn, dễ hiểu, dễ chia sẻ.
Phải có thế hệ phóng viên “viết được chính sách, hiểu được kinh tế, cảm được đời sống”. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí truyền thông phải: Đào tạo chuyên sâu về kinh tế thị trường, thể chế, luật doanh nghiệp, đầu tư công, chuyển đổi số. Xây dựng các nhóm phản ứng nhanh về truyền thông chính sách, nhất là trong các tình huống khủng hoảng thông tin. Tôn vinh những nhà báo đi đầu trong “giải cứu niềm tin”, những cây bút không chỉ sắc sảo mà còn tỉnh táo, liêm chính và trách nhiệm với quốc gia.
Bảo vệ doanh nghiệp trước thông tin sai lệch
Báo chí cũng giữ vai trò bảo vệ các doanh nghiệp trước các hành vi nhũng nhiễu và thông tin sai lệch. Nghị quyết yêu cầu các cơ quan báo chí đảm bảo thông tin mà họ cung cấp là chính xác và khách quan, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và uy tín của doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch, từ đó thu hút thêm đầu tư và phát triển kinh tế.
Việc Đảng nêu rõ và đặt trong giải pháp đầu tiên yêu cầu nghiêm cấm thông tin sai lệch ảnh hưởng doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện sự coi trọng vai trò của niềm tin trong môi trường kinh doanh, bởi chỉ cần một tin giả cũng đủ khiến cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư rút vốn, hoặc dư luận tẩy chay không kiểm chứng.
Nghị quyết còn yêu cầu xác lập ranh giới giữa phản biện và phá hoại, báo chí và mạng xã hội có quyền giám sát, nhưng phải dựa trên sự thật, công bằng và có trách nhiệm. Mặt khác, phải bảo vệ lực lượng sản xuất hợp pháp, đổi mới và cống hiến. Doanh nhân chân chính không thể bị đẩy vào “vùng rủi ro dư luận” bởi tin đồn, kích động, xuyên tạc.
Do vậy, cần có các giải pháp quản lý báo chí truyền thông chặt chẽ hơn nữa, qui định rõ các hành vi bị cấm như bịa đặt, suy diễn, tung tin từ nguồn không kiểm chứng… Cần có cơ chế kiểm chứng nguồn tin trước khi đăng tải, có chế tài đối với phóng viên, tòa soạn vi phạm, kể cả rút thẻ, tạm dừng hoạt động chuyên mục sai phạm.
Mỗi cơ quan báo chí cần có bộ phận xử lý khiếu nại và phản hồi thông tin doanh nghiệp, công khai hotline, email, thời gian xử lý. Phân định rõ giữa phản ánh tiêu cực và bôi nhọ. Đào tạo phóng viên hiểu rõ: viết về sai phạm doanh nghiệp phải dựa trên kết luận thanh tra, điều tra, tài liệu hợp pháp, có đối thoại hai chiều, đảm bảo quyền được nói của doanh nghiệp. Không dùng ngôn ngữ mang tính kết luận, ám chỉ gây hiểu lầm. Cơ quan báo chí cần tự gắn “văn hóa chuẩn tin”. Mỗi tòa soạn cần thiết lập tiêu chuẩn nội dung với doanh nghiệp: yêu cầu 2 nguồn trở lên, kiểm tra chéo, có trách nhiệm phản hồi.
Một nền kinh tế tư nhân phát triển không thể đứng vững trên nền truyền thông nhiễu loạn, định kiến và sai lệch. Nghị quyết 68 đã khẳng định rõ: tự do thông tin không đồng nghĩa với tự do làm tổn hại danh dự cá nhân và uy tín doanh nghiệp.
Bảo vệ doanh nghiệp bằng thông tin đúng, công bằng và tử tế cũng chính là bảo vệ động lực tăng trưởng của quốc gia. Đó là nghĩa vụ không chỉ của Nhà nước mà của cả hệ sinh thái truyền thông, báo chí Việt Nam hôm nay.
Định hướng dư luận
Báo chí có trách nhiệm định hướng dư luận, củng cố niềm tin trong nhân dân thông qua việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các vấn đề thời sự, cũng như hoạt động lãnh đạo của nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân phát triển, việc cung cấp thông tin đúng đắn sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách và khuyến khích họ đồng hành cùng sự phát triển chung.
Đã đến lúc đội ngũ làm báo phải thoát khỏi mặc cảm “viết về doanh nghiệp là có động cơ”. Khi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế thì viết đúng, viết trúng, viết kịp thời để bảo vệ và thúc đẩy họ chính là góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển quốc gia.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: Kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm với nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Tóm lại, báo chí không chỉ đơn thuần là một kênh truyền thông mà còn là một lực lượng quan trọng trong việc phát triển và củng cố niềm tin vào nền kinh tế tư nhân. Với vai trò thiết yếu trong việc truyền tải các chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí góp phần giảm thiểu bất đồng và hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng của nền kinh tế tư nhân Việt Nam trong tương lai.