Nhu cầu thuê xe tự lái tăng: Cảnh báo rủi ro cho chủ xe nếu không kiểm soát chặt chẽ

Dịch vụ cho thuê ô tô tự lái ngày càng phổ biến nhưng cũng kéo theo nhiều rủi ro pháp lý nếu không kiểm soát chặt chẽ. Chủ xe có thể bị xử phạt nặng nếu người thuê sử dụng phương tiện sai mục đích hoặc chở quá số người quy định.

Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ cho thuê ô tô tự lái đã Phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước. 

Không chỉ dừng lại ở các mẫu xe phổ thông 5-7 chỗ, xu hướng thuê cả xe 16 chỗ cho các chuyến du lịch gia đình, dã ngoại công ty hay dịp lễ Tết đang ngày càng phổ biến. 

Lý do khiến dịch vụ này được ưa chuộng là bởi sự linh hoạt, tiện lợi và chủ động về lịch trình mà nó mang lại cho người sử dụng.

Tuy nhiên, đằng sau sự thuận tiện ấy là không ít những nguy cơ pháp lý và rủi ro mà không phải chủ xe nào cũng lường trước được. Trên thực tế, nhiều trường hợp người thuê đã sử dụng xe không đúng mục đích như chở hàng hóa trái phép, chạy dịch vụ hoặc nghiêm trọng hơn là chở quá số người quy định.

thue-xe-tu-lai
 

Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến chủ xe - dù không trực tiếp điều khiển phương tiện - vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong đó, hành vi chở quá số người quy định là một trong nhưng là lỗi vi phạm phổ biến nhất. Tại khoản 2, điều 20 của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng cho mỗi người vượt quá, tổng mức phạt tối đa có thể lên tới 75 triệu đồng. 

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 10, điều 20 của nghị định cũng quy định mức trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) với mức độ vi phạm cao. Trường hợp chở quá từ 50-100% số ghế ngồi, tài xế bị trừ 4 điểm GPLX; nếu vượt quá 100%, số điểm bị trừ sẽ lên tới 10 điểm.

Đáng chú ý, không chỉ tài xế bị xử lý, chủ xe cũng có thể bị xử phạt trong những trường hợp xác định đã giao xe cho người khác sử dụng sai quy định. 

Căn cứ khoản 5, điều 32 của Nghị định 168, nếu chủ xe là cá nhân thì mức phạt dao động từ 800.000 - 1,2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá. Với tổ chức, mức phạt cao hơn là từ 1,6 - 2,4 triệu đồng/người, tổng số tiền phạt tối đa có thể lên đến 150 triệu đồng.

cho-qua-so-nguoi-quy-dinh
 

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái: cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ người thuê cũng như mục đích sử dụng phương tiện. 

Một trong những giải pháp căn bản là phải xây dựng hợp đồng thuê xe rõ ràng, chi tiết. Trong đó cần nêu rõ thông tin người thuê, mục đích sử dụng, số người được phép chở và các cam kết trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra.

Bên cạnh đó, các biện pháp bảo đảm như yêu cầu người thuê cung cấp đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe hợp lệ, đặt cọc tiền mặt hoặc tài sản có giá trị cũng là cách hữu hiệu để hạn chế rủi ro. 

Đối với các chủ xe có số lượng phương tiện lớn, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc camera hành trình giúp theo dõi quá trình sử dụng phương tiện là điều cần thiết. 

Những dữ liệu này không chỉ có giá trị trong việc phòng ngừa vi phạm mà còn là bằng chứng quan trọng khi xảy ra tranh chấp hoặc xử lý hành chính.

thue-xe-tu-lai-4828.jpeg
 

Dù hợp đồng đã quy định rõ ràng việc chuyển giao quyền sử dụng phương tiện cho người thuê, nhưng theo pháp luật hiện hành, chủ xe vẫn có thể bị xử phạt nếu để phương tiện bị sử dụng sai mục đích hoặc vi phạm pháp luật mà không kiểm soát được. 

Chính vì vậy, người cho thuê xe tự lái không thể đơn thuần "giao chìa khóa là xong trách nhiệm", mà cần chủ động thực hiện đầy đủ các bước pháp lý cần thiết, đồng thời trang bị cho mình kiến thức cơ bản về luật giao thông và các quy định liên quan đến dịch vụ cho thuê phương tiện.