Đà Nẵng: Lan tỏa chính sách nhân văn chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tại Làng trẻ em SOS

Làng trẻ em SOS Đà Nẵng tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình gia đình thay thế cho trẻ mồ côi trên địa bàn. Mô hình này phù hợp với chủ trương xã hội hóa, phát triển hệ thống bảo trợ xã hội ngoài công lập theo quy định pháp luật và tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước.
img-9041-1753061012.jpeg

Các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng chụp ảnh kỷ niệm cùng Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A20, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Làng trẻ em SOS Đà Nẵng được thành lập từ năm 1992 theo các quyết định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và tổ chức Làng trẻ em SOS Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, Làng đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tại Việt Nam. Đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu và tài khoản riêng theo quy định pháp luật; được quản lý trực tiếp bởi Làng trẻ em SOS Việt Nam và chịu sự quản lý nhà nước của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Sở Y tế) thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, Làng tổ chức hoạt động theo 5 dự án gồm: Dự án Làng (chăm sóc trẻ tại các gia đình SOS), Lưu xá thanh niên, Trường mẫu giáo SOS, Chương trình học bổng và chương trình hỗ trợ thanh niên giai đoạn bán tự lập. Trong đó, mô hình gia đình thay thế tiếp tục được duy trì hiệu quả với 11 gia đình SOS, mỗi gia đình gồm một mẹ và 8–10 trẻ em, bảo đảm môi trường sống gần gũi, an toàn, nhân văn – phù hợp với nguyên lý cốt lõi của hệ thống Làng trẻ em SOS quốc tế.

Tính đến tháng 4/2025, Làng đã nuôi dưỡng và hỗ trợ tổng cộng 683 trẻ em và thanh niên. Trong đó, gần 300 em đã xây dựng gia đình riêng, hơn 480 em trưởng thành và hòa nhập cộng đồng thành công. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả bền vững của mô hình gia đình thay thế đã được quốc tế khởi xướng và Việt Nam vận dụng hiệu quả.

Tổng giá trị tài sản của Làng trẻ em SOS Đà Nẵng đến cuối năm 2024 đạt hơn 35,7 tỷ đồng. Hoạt động tài chính được bảo đảm từ ba nguồn chính: viện trợ trong và ngoài nước, ngân sách nhà nước (thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ công) và nguồn thu học phí. Năm 2024, tổng thu đạt 14,485 tỷ đồng; dự toán năm 2025 là 17,047 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%.

img-9042-1753061011.jpeg

Các mẹ tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng tiếp nhận 500 kg gạo do Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A20, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng (tháng 7/2025), góp phần hỗ trợ chăm lo đời sống các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt

Đáng chú ý, Trường mẫu giáo SOS đã tự chủ hoàn toàn về tài chính từ năm 2023, góp phần giảm áp lực cho ngân sách địa phương, đồng thời thể hiện rõ hướng đi đúng đắn trong lộ trình tự chủ của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập.

Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả trong hơn ba thập kỷ, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố và Sở Y tế tiếp tục duy trì nguyên trạng mô hình tổ chức hiện tại, bao gồm toàn bộ cơ sở vật chất, nhân sự và phương thức chăm sóc trẻ theo mô hình gia đình thay thế. Đồng thời, đề xuất tiếp tục được đặt hàng dịch vụ công và hỗ trợ ngân sách để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng yếu thế theo đúng quy định tại Điều 5 Quy chế Làng trẻ em SOS cơ sở và Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Làng cũng kiến nghị tiếp tục nhận viện trợ, tài trợ và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ tổ chức SOS Quốc tế nhằm duy trì chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục, hướng nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Làng trẻ em SOS Đà Nẵng hiện có chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn (nay là phường Ngũ Hành Sơn) với 13 đảng viên và công đoàn cơ sở với 26 đoàn viên. Hệ thống chính trị cơ sở hoạt động nền nếp, vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và xây dựng môi trường làm việc nhân văn, kỷ cương.

Chị Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Nẵng cho biết: “Theo nguyên tắc, ngân sách cấp tỉnhchỉ hỗ trợ cho trẻ em mồ côi trên địa bàn đó. Nhưng nhờ công cuộc sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vừa qua, các cháu ở Quảng Nam (cũ) cũng sẽ chính thức nhận được thêm nguồn hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Đà Nẵng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cơ sở.