Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch tầm quốc gia và khu vực

Sau sáp nhập, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên ngành. Thành phố từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật và du lịch tầm quốc gia và khu vực. Việc tái định hình chức năng, nhiệm vụ và triển khai các đề án trọng điểm là bước đi chiến lược, nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn của Trung ương về phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mở rộng không gian hành chính. Trong 6 tháng cuối năm 2025, các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai mạnh mẽ, tạo đà cho sự phát triển bền vững và đột phá trong giai đoạn tới.
img-8966-1752764416.jpeg

Du khách tham quan Chùa Cầu – di tích lịch sử văn hóa quốc gia, biểu tượng đặc sắc của phố cổ Hội An. Không gian ven sông Hoài tấp nập thuyền hoa và các hoạt động trải nghiệm, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa – du lịch khu phố di sản

Hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương thức điều hành

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tập trung triển khai xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Công tác rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị bảo đảm phù hợp định hướng phát triển đô thị đặc biệt mở rộng và bối cảnh mới sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam vào Đà Nẵng.

Song song với đó, Sở tham mưu xây dựng và triển khai đề án vị trí việc làm mới, tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt ở cấp xã, phường – nơi có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch trong hệ thống chính quyền hai cấp. Công tác bàn giao trụ sở, cơ sở vật chất, hồ sơ tổ chức cũng đang được hoàn thiện theo lộ trình bảo đảm không gián đoạn trong xử lý thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của thành phố, ngành tập trung rà soát, tích hợp quy hoạch ngành văn hóa – thể thao – du lịch phù hợp với địa giới mới, xác định các trọng tâm phát triển cho giai đoạn 2025–2030, làm nền tảng đề xuất các cơ chế, chính sách trình HĐND thành phố.

Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thành ngành mũi nhọn

img-8989-1752764410.jpeg

Du khách trải nghiệm không gian văn hóa – du lịch đặc sắc tại phố cổ Hội An, di sản thế giới ven sông Hoài. Sự kết nối du lịch giữa Đà Nẵng và Hội An đang ngày càng chặt chẽ, góp phần hình thành chuỗi giá trị liên kết vùng, nâng tầm thương hiệu du lịch miền Trung

Ngành văn hóa tập trung tổ chức chuỗi sự kiện chính trị - văn hóa trọng đại trong 6 tháng cuối năm 2025 như: chương trình kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (26/7), 80 năm Quốc khánh (2/9), Chào năm mới 2026, Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội toàn quốc tại Hà Nội… Trong đó, đáng chú ý là chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng – Chào kỷ nguyên mới” tại không gian “Tỉnh giàu, nước mạnh”, góp phần khẳng định vị thế Đà Nẵng sau mở rộng. Song hành là các đề án như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật đến năm 2030, quy hoạch quảng cáo ngoài trời… đang được khẩn trương triển khai.

Lĩnh vực thể thao được quan tâm toàn diện với việc hướng dẫn tổ chức Đại hội TDTT các cấp thành phố lần thứ X năm 2026, kiện toàn hệ thống liên đoàn – hiệp hội thể thao, phối hợp tổ chức các giải đấu quốc gia và quốc tế tại thành phố. Đặc biệt, ngành đang tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X tại TP. Hồ Chí Minh, với mục tiêu nâng cao vị thế thể thao thành tích cao Đà Nẵng. Song song, đề án phát triển thể thao thành tích cao đến 2045 và kế hoạch TDTT giai đoạn 2026–2030 cũng đang được hoàn thiện.

Du lịch tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng của thành phố. Dự kiến năm 2025, Đà Nẵng đón khoảng 17,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 7,6 triệu lượt, doanh thu lưu trú – ăn uống – lữ hành ước đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2024. Ngành đang xúc tiến khai thác các đường bay mới từ Hàn Quốc và Singapore, triển khai chương trình kích cầu “Đà Nẵng mới – trải nghiệm mới”, đồng thời xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Malaysia, Dubai, Mỹ…

Đặc biệt, thành phố đang tích cực triển khai chương trình “Du lịch xanh”, Bộ tiêu chí “Da Nang Smile”, quản lý dịch vụ tại hai tuyến biển, phát triển sản phẩm du lịch đêm, tổ chức lễ hội đèn lồng quốc tế, lễ hội Giáng sinh – chào năm mới, mở rộng tour kết nối Hội An – Cù Lao Chàm – Bán đảo Sơn Trà. Công tác đảm bảo an toàn cho du khách, xử lý tiếng ồn, chống chèo kéo cũng được triển khai quyết liệt.

Thúc đẩy chuyển đổi số, bảo tồn văn hóa và hội nhập quốc tế

img-8987-1752764416.jpeg

trình biểu diễn nghệ thuật dân gian trên du thuyền sông Hàn, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch đêm của Đà Nẵng. Sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và dịch vụ hiện đại đang tạo nên sức hút mới cho ngành du lịch thành phố sau sáp nhập

Trên nền tảng Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024, ngành văn hóa, thể thao và du lịch thành phố đẩy mạnh số hóa dữ liệu quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu các lĩnh vực chuyên ngành, ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính và quản lý điều hành. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu báo chí – xuất bản sau khi chuyển giao quản lý từ Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang được thực hiện để đảm bảo đồng bộ và thống nhất.

Ngành đồng thời tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, tổng kết Đề án bảo tồn di sản văn hóa 2020–2025, chuẩn bị xây dựng đề án mới, nâng cấp rạp Lê Độ phục vụ Liên hoan phim châu Á 2026, và triển khai hồ sơ tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO 2025–2027.

img-8988-1752764411.jpeg

Không gian kiến trúc cổ kính bên hồ sen tĩnh lặng tại một di tích ở phố cổ Hội An tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và cảnh quan sinh thái, góp phần làm phong phú bản sắc di sản văn hóa thế giới của khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam sau sáp nhập

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đang thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm vùng, đầu tàu tăng trưởng phía Nam của Tổ quốc – một thành phố có bản sắc, năng động, nhân văn và phát triển bền vững.