Văn hóa Đà Nẵng: Nền tảng bản sắc, động lực phát triển bền vững

Trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng mở rộng địa giới hành chính sau khi sáp nhập với Quảng Nam, các hoạt động văn hóa – gia đình tiếp tục được củng cố, phát triển toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ bảo tồn di sản, phát triển nghệ thuật truyền thống đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và gìn giữ giá trị gia đình, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm văn hóa – nghệ thuật của khu vực miền Trung, góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo động lực phát triển xã hội bền vững.
img-9019-1752937452.jpeg

Không gian biểu diễn nghệ thuật tre “Lune Production” tại Đà Nẵng – điểm nhấn sáng tạo trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Khẳng định vai trò trung tâm di sản và nghệ thuật khu vực

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành văn hóa Đà Nẵng ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 7 bảo vật quốc gia, nâng tổng số lên 19 hiện vật quý, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Quảng Nam và các sưu tập tư nhân. Đồng thời, Sở Văn hóa đã tham mưu hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh các di sản tri thức dân gian như Sâm Ngọc Linh, Lễ hội Bà Chiêm Sơn – những giá trị độc đáo phản ánh chiều sâu văn hóa vùng đất Nam Trung Bộ.

Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện đồng bộ. Bảo tàng Đà Nẵng mới được khánh thành, tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp hoàn thành, cùng 16 chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích được cấp mới, góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo tồn. Hoạt động truyền dạy nghệ thuật Bài chòi tại trường học cũng là điểm sáng, giúp thế hệ trẻ gắn bó hơn với di sản dân gian.

Thành phố hiện có 2 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và 28 di sản thuộc Danh mục quốc gia. Các bảo tàng trên địa bàn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Bảo tàng Đà Nẵng tăng 122% lượt khách, Bảo tàng Mỹ thuật tăng 68%, Bảo tàng Chăm đón hơn 114.000 lượt khách. Riêng Hội An và Mỹ Sơn tiếp tục là điểm đến văn hóa trọng yếu với gần 1,2 triệu lượt khách.

Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng diễn ra sôi nổi, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và cộng đồng. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức 119 buổi diễn, thu hút 80.000 lượt người xem; Nhà hát Trưng Vương tiếp đón trên 109.000 lượt khán giả. Nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian, triển lãm tranh ảnh, sách báo, sinh hoạt văn hóa hai bên bờ sông Hàn và trong Khu phố cổ Hội An được tổ chức thường xuyên, tạo không khí sôi động, gắn kết cộng đồng.

Xây dựng đời sống văn hóa – gia đình làm nền tảng phát triển

Bên cạnh bảo tồn di sản, thành phố đặc biệt quan tâm đến phát triển đời sống văn hóa cơ sở và nâng cao chất lượng gia đình. Các chương trình tuyên truyền, cổ động trực quan được tổ chức đồng bộ vào dịp lễ, Tết, tạo diện mạo văn minh cho đô thị. Hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp quận, huyện đến phường, xã tiếp tục được kiện toàn, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Công tác gia đình được triển khai sâu rộng với nhiều hoạt động cụ thể như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam… Việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã góp phần định hình lối sống văn minh, thân thiện – nét đặc trưng làm nên thương hiệu của người Đà Nẵng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển khai đồng bộ Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và xây dựng nhiều mô hình giáo dục, truyền thông phòng chống bạo lực, mâu thuẫn nội bộ. Đây chính là nền tảng quan trọng để tạo nên những gia đình ấm no, tiến bộ, lành mạnh – “tế bào khỏe” trong một xã hội phát triển bền vững.

Từ những thành quả trong bảo tồn di sản, phát triển nghệ thuật đến xây dựng đời sống văn hóa, gia đình, Đà Nẵng đang thể hiện rõ quyết tâm trở thành trung tâm văn hóa – nghệ thuật, nghiên cứu và đào tạo lớn của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Việc đầu tư có chiều sâu vào công nghiệp văn hóa, phát triển hạ tầng, nhân lực và các thiết chế văn hóa sẽ là bệ phóng giúp thành phố khẳng định vững chắc vị thế trên bản đồ văn hóa quốc gia và quốc tế.