Xác định giá trị dinh dưỡng của một số cây thức ăn bản địa phổ biến dùng nuôi và vỗ béo bò H’Mông bằng phương pháp In Vitro Gas Production

02/06/2022 12:55

Người Mông ở Cao Bằng có sử dụng nhiều loại cây thức ăn bản địa dùng để chăn nuôi và vỗ béo bò trong vụ đông xuân. Trong các loại cây đó có 6 loại cây thường xuyên được sử dụng để chăn nuôi và được gia súc thu nhận nhiều nhất, đó là cây Sung (Ficus obscura Blume), Chéo béo Quảng tây (Oreocnide kwangsiensis Hand. Mazz), Đa lá bóng (Ficus vasculosa Wall. Ex Miq.), Lân tơ uyn (Rhaphidophor decursiva Roxb.Schott), Hóp thân tái (Pseudostachyum polymorphum Munro) và Thích Bắc bộ (Acer tonkinense Lecomte).

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khi bò được nuôi bằng các cây thức ăn này thì tăng trọng nhanh hơn vào trong vụ đông xuân (Hoàng Xuân Trường, 2010), tuy nhiên chưa có các nghiên cứu chuyên sâu về giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ tiêu thụ chất hữu cơ của các loại cây này. Trên thế giới việc nghiên cứu để xây dựng bộ dữ liệu về giá trị dinh dưỡng của các loài cây thức ăn phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo và dùng để phối trộn khẩu phần ăn nhằm tăng khả năng sản xuất, giảm giá thành sản phẩm là hết sức cần thiết.

Sự đa dạng về giá trị dinh dưỡng của các loại cây thức ăn khác nhau cần có phương pháp đánh giá chúng dễ dàng và hiệu quả, một trong những phương pháp đó là  kỹ thuật sinh khí khi lên men in vitro (in vitro gas production) đã được đề xuất sử dụng để xác định động thái lên men của thức ăn nuôi gia súc nhai lại (Menke và cs, 1979, Menke và Steingass, 1988; Blummel và Orskov, 1993; Tessema và Baars, 2004; Bohra và cs, 2008). Phương pháp này tiết kiệm tiền, dễ áp dụng và kết quả tính lượng khí sinh ra do lên men thức ăn thu được từ phương pháp in vitro gas production có tương quan tương đối chặt chẽ với khả năng tiêu hóa in vivo. Datt và cs. (2009) cũng đã sử dụng kỹ thuật sinh khí khi lên men in vitro để đánh giá giá trị dinh dưỡng của cây họ đậu và các loại cây thân thảo.

Đối với sáu loại cây thức ăn bản địa phổ biến mà người Mông tại Cao Bằng dùng để nuôi và vỗ béo bò H’mông còn thiếu các thông tin về về thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu là xác định giá trị dinh dưỡng của một số cây thức ăn bản địa phổ biến dùng nuôi và vỗ béo bò H’mông qua các chỉ số gas production, lượng thu nhận, khả năng tiêu hóa và thành phần dinh dưỡng.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Sáu loại cây thức ăn phổ biến được người Mông dùng để nuôi và vỗ béo gia súc vào vụ đông xuân tại xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành tại xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và phòng thí nghiệm Viện chăn nuôi từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017.

Nội dung nghiên cứu

Xác định các giá trị dinh dưỡng, tốc độ và động thái sinh khí khi lên men in vitro gas production của các cây thức ăn phổ biến của người Mông dùng để nuôi và vỗ béo bò H’mông.

Phương pháp nghiên cứu

Sáu (06) mẫu cây thức ăn phổ biến được lấy theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4325:2007) có sự tham gia của người chăn nuôi bò H’mông tại xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Mẫu các cây thức ăn được phân tích thành phần hóa học gồm các chỉ tiêu: vật chất khô, protein thô, mỡ thô, xơ thô, NDF, ADF và khoáng tổng số theo các tiêu chuẩn tương ứng TCVN 4326-2001; TCVN 4328-2007; TCVN 4331-2001; TCVN 4329-2007; AOAC 973.18.01; AOAC 973.18.01 và TCVN 4327-2007 tại Phòng phân tích sản phẩm và thức ăn chăn nuôi (Viện Chăn nuôi).

Tính toán chất khô có thể tiêu hóa (digestible dry matter-DDM) và chất khô ăn vào [dry matter intake-DMI (% khối lượng cơ thể) của thức ăn thô được ước tính từ NDF và ADF (Ward, 2008). Công thức tính các chỉ số này như sau:

DDM = 88.9 − (0.779 × % ADF)

DMI (% khối lượng cơ thể) = 120/ (% NDF)

Mẫu thức ăn sau khi phân tích cũng được dùng để làm thí nghiệm sinh khí in vitro gas production tại phòng thí nghiệm của Viện chăn nuôi

Kỹ thuật in vitro gas production

Dịch dạ cỏ dùng để làm thí nghiệm được lấy từ từ 2 con bò lai Sind có khối lượng trung bình là 200 kg, được nuôi chăn thả và bổ sung thêm 10 kg cỏ voi khi về chuồng, trong 10 kg cỏ voi có chất khô là 17,95 và protein thô là 12,3%. Khẩu phần này đảm bảo thích hợp cho quá trình phân giải xenluloza. Dịch dạ cỏ được lấy vào buổi sáng trước khi cho ăn.

Mỗi mẫu lấy 200 mg (±5 mg) vật chất khô sau đó đưa vào các xilanh FORTUNA® của Đức dung tích 100 ml (3 xi lanh/mẫu) theo phương pháp của Menke và Steingass (1988). Các xi lanh được làm ấm 39°C trước khi bơm 30 ml hỗn hợp dịch dạ cỏ và dung dịch đệm (tỷ lệ 1:2) vào mỗi xi lanh sau đó được ủ trong tủ ấm 39°C. Lượng khí sinh ra trong quá trình ủ mẫu được đọc tại các thời điểm 0, 6, 12, 24, 48, 72 và 96 giờ ủ mẫu.

- Lượng khí tích luỹ trong quá trình lên men in vitro được tính như sau:

Khí tích luỹ (ml) = Lượng khí sinh ra tại thời điểm t (ml) - Giá trị trung bình lượng khí sinh ra tại thời điểm t (ml) của các xi lanh không chứa mẫu (blank).

  • Động thái sinh khí khi lên men in vitro tích luỹ trong 96 giờ được tính theo mô hình của Orskov và McDonald (1979) bằng phần mềm NEWAY.

Y = a + b (1ect)

Trong đó: y: giá trị lượng khí sinh ra ở khoảng thời gian t (ml); a: lượng khí ban đầu (ml); b: lượng khí sinh ra trong khi lên men (ml); (a + b): tiềm năng khí sinh ra (ml); c: hằng số tốc độ khí sinh ra (phần/giờ); e: logarít tự nhiên

Tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ (Organic Matter Digestibility - OMD) và năng lượng trao đổi (Metabolizable Energy - ME) của cây thức ăn được ước tính theo Menke và cs, (1979), phương trình như sau:

               OMD (%) = 14.88+0.889*GP24+0.45*CP

               ME (MJ/kgDM) = 2.20 + 0.136*GP24 + 0.0574*CP

Trong đó: GP24 là tổng khí sinh ra tại thời điểm 24 giờ (ml/200 mg DM); CP: protein thô (% DM).

Tổng chất dinh dưỡng có thể tiêu hóa (TDN) được tính toán từ giá trị ME theo phương trình của NRC, 1989 như sau:

               TDN (%) = [ME (MCal/kg DM) +0.45]/0.0445309

Sử lý số liệu

Các số liệu được xử lý bằng phương pháp thống kê mô tả trên phần mềm Minitab 16.0

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thành phần hóa học của các cây thức ăn được trình bày ở Bảng 1.

Bảng 1: Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của một số cây thức ăn bản địa phổ biến dùng nuôi và vỗ béo bò H’mông

TT

Thức ăn

DM (%)

 CP

Fat

CF

NDF

ADF

Ash

DDM (%)

DMI (% BW)

% DM

1

Sung (Ficus obscura Blume)

39,8

11,9

2,63

33,8

55,87

38,04

9,5

59,3

2,1

2

Chéo béo Quảng tây (Oreocnide kwangsiensis Hand. Mazz)

30,5

13,8

2,03

25,1

45,79

29,17

15,5

66,2

2,6

3

Đa lá bóng (Ficus vasculosa Wall. Ex Miq.)

51,0

11,7

2,35

23,6

46,8

28,98

9,7

66,3

2,6

4

Lân tơ uyn (Rhaphidophor decursiva (Roxb.) Schott

21,3

13,4

3,23

35,4

63,86

39,06

10,1

58,5

1,9

5

Hóp thân tái (Pseudostachyum polymorphum Munro)

62,1

9,8

1,76

35,7

78,66

40,05

7,6

57,7

1,5

6

Thích Bắc bộ (Acer tonkinense Lecomte)

45,4

8,9

2,16

26,4

54,49

37,22

10

59,9

2,2

Ghi chú: DM: vật chất khô; CP: protein thô; Fat: mỡ thô; CF: xơ thô; NDF: xơ không hòa tan trong môi trường trung tính; ADF: xơ không hòa tan trong môi trường axit; Ash: khoáng tổng số; DDM: chất khô có thể tiêu hóa; DMI (% BW): chất khô ăn vào (% khối lượng cơ thể).

Có sự biến động về thành phần hóa học của các cây thức ăn nghiên cứu. Cụ thể như vật chất chất khô của mỗi cây thức ăn là khác nhau và biến động từ 21,3 - 61,2%, thấp nhất là cây Lân tơ uyn 21,3% và cao nhất ở cây Hóp thân tái 62,1%. Hàm lượng protein thô (CP) dao động từ 8,9-13,8%, thấp nhất ở cây Thích Bắc bộ 8,9% và cao nhất thấy được ở cây Chéo béo Quảng tây 13,8%. Theo Vũ Chí Cương và cs, (2004),  hàm lượng protein thô của cỏ tự nhiên, cỏ Voi, cỏ Tripsacum lasum, cỏ Ghinê và cỏ Baberium lần lượt là 11,6; 10,3; 9,01, 11,49 và 6,47% trong khi đó theo Lê Đức Ngoan và cs, (2006) thì thân cây ngô sau thu hoạch có hàm lượng vật chất khô 42,2% nhưng hàm lượng protein thô và mỡ thô tính theo phần trăm vật chất khô tương đối thấp khoảng 3,1 và 1,1%. Với các thành phần khác như hàm lượng mỡ thô, xơ thô (CF), NDF, ADF và khoáng tổng số (Ash) cũng có biến động lớn về giá trị. Theo Gohl (1998), vật chất khô của cỏ Voi dao động theo độ cao cây từ 18,3-25% trong khi đó hàm lượng protein thô, xơ thô và mỡ thô tương ứng là 6,5-9%, 28,6-33% và 1,1-2,7%. Nhìn chung, các thành phần cơ bản như protein thô, xơ thô và mỡ thô của các cây thức ăn trong nghiên cứu này cao hơn các cây thức ăn thông thường như cỏ voi, thân lá ngô mà người Mông cũng thường sử dụng để nuôi bò vào vụ hè thu. Điều này lý giải vì sao bò của người Mông được nuôi và vỗ béo vào vụ đông xuân vẫn đảm bảo tăng trọng hay theo cách nói của người dân đó là bò béo nhanh hơn.

Về hàm lượng chất khô có thể tiêu hóa (%DDM) và chất khô ăn vào (DMI) tính trên phần trăm khối lượng cơ thể của thức ăn thô được ước tính từ NDF và ADF cho thấy biến động từ 57,7-66,3% đối với chỉ tiêu DDM và từ 1,5-2,6% đối với chỉ tiêu DMI cho thấy khả năng để gia súc có thể thu nhận thức ăn này tương đối cao.

Lượng khí tích lũy khi lên men in vitro tại các thời điểm ủ mẫu và đặc điểm sinh khí khi lên men in vitro gas production các cây thức ăn được trình bày ở Bảng 2 và Bảng 3.

Bảng 2: Lượng khí tích lũy khi lên men in vitro tại các thời điểm ủ mẫu cây thức ăn (ml) (Mean ± SE)

Thời gian ủ mẫu (giờ)

Cây thức ăn

Sung (Ficus obscura Blume)

Chéo béo Quảng tây (Oreocnide kwangsiensis Hand. Mazz)

Đa lá bóng (Ficus vasculosa Wall. Ex Miq.)

Lân tơ uyn (Rhaphidophor decursiva (Roxb.) Schott

Hóp thân tái (Pseudostachyum polymorphum Munro)

Thích Bắc bộ (Acer tonkinense Lecomte)

3

10,7 ± 0,9

10,6 ± 0,1

8,1 ± 0,6

7,3 ± 0,5

4,6 ± 0,2

6,1 ± 0,5

6

15,9 ± 0,9

14,8 ± 0,4

11,4 ± 0,2

11,5 ± 0,3

8,3 ± 0,4

8,5 ± 0,2

12

26,1 ± 0,7

25,8 ± 0,4

22,8 ± 0,1

21,7 ± 0,4

18,0 ± 0,6

18,7 ± 0,6

24

44,3 ± 0,1

45,6 ± 0,5

42,4 ± 0,5

40,6 ± 0,9

37,0 ± 0,4

37,3 ± 0,6

48

50,3 ± 0,6

50,6 ± 0,5

48,1 ± 0,5

45,6 ± 0,9

42,0 ± 0,4

42,3 ± 0,6

72

53,3 ± 0,6

53,6 ± 0,5

51,1 ± 0,5

48,6 ± 0,9

45,0 ± 0,4

45,3 ± 0,6

96

55,3 ± 0,6

55,6 ± 0,5

53,1 ± 0,5

50,6 ± 0,9

47,0 ± 0,4

47,3 ± 0,6

Lượng khí sinh ra khi lên men là các kết quả thu được khi lên men các cơ chất khác nhau của thức ăn tại cùng một thời điểm ủ mẫu. Kết quả cho thấy lượng khí tích lũy sinh ra tại các thời điểm 24 và 48 giờ ủ mẫu các cây thức ăn dao động tương ứng 37,0-45,6 ml và 42,0-50,6 ml cao hơn so với kết quả nghiên cứu trên cỏ Voi 30 ngày tuổi, cỏ Voi 35 ngày tuổi, Cỏ Voi 60 ngày tuổi, cỏ Prizantha, cỏ tự nhiên và cỏ hỗn hợp (34,02; 33,15; 15,55; 13,07; 15,38 và 16,94 ml ở thời điểm 24 giờ; 41,03; 41,91; 26,89; 26,54; 25,69 và 23,77 ml ở thời điểm 24 giờ) của Vũ Chí Cương và cs, (2004). Tuy nhiên, lượng khí sinh ra trong nghiên cứu này lại có sự tương đồng so với một số nghiên cứu trước đây của (Menke và cs., 1979; Doane và cs., 1997; Blummel và cs., 1999; Liu và cs., 2002; Getachew và cs., 2002). Điều này có thể do sự khác nhau về thành phần hóa học của các loại thức ăn nghiên cứu đặc biệt là thành phần CP và NDF. Theo Pell và Schofield (1993) lượng khí sinh ra khi lên men in vitro có mối tương quan chặt chẽ với lượng NDF (r = 0,99) đồng thời theo nghiên cứu của Prasad và cs., (1994) lượng khí sinh ra khi lên men in vitro cũng có mối tương quan chặt với lượng vật chất khô (r = 0,95) trong thức ăn.

Bảng 3: Đặc điểm sinh khí khi lên men in vitro, các giá trị ME, OMD và TDN của các mẫu cây thức ăn (Mean ± SE)

Chỉ số

Cây thức ăn

Sung (Ficus obscura Blume)

Chéo béo Quảng tây (Oreocnide kwangsiensis Hand. Mazz)

Đa lá bóng (Ficus vasculosa Wall. Ex Miq.)

Lân tơ uyn (Rhaphidophor decursiva (Roxb.) Schott

Hóp thân tái (Pseudostachyum polymorphum Munro)

Thích Bắc bộ (Acer tonkinense Lecomte)

A

10,7

10,6

8,1

7,3

4,6

6,1

± 0,9

± 0,1

± 0,6

± 0,5

± 0,2

± 0,5

B

44,0

44,5

44,6

42,7

41,9

40,7

± 0,4

± 0,4

± 1,1

± 0,4

± 0,3

± 0,2

A+B

54,7

55,1

52,7

50,0

46,5

46,9

± 0,6

± 0,5

± 0,5

± 0,9

± 0,3

± 0,6

c

0,059

0,060

0,058

0,059

0,058

0,056

± 0,002

± 0,001

± 0,001

± 0,002

± 0,001

± 0,001

L

3,47

3,67

3,80

3,63

3,73

3,90

± 0,03

± 0,07

± 0,06

± 0,07

± 0,03

± 0,06

ME

8,91

9,19

8,64

8,48

7,79

7,77

± 0,15

± 0,06

± 0,07

± 0,12

± 0,05

± 0,08

OMD

59,67

60,80

57,96

56,31

53,15

53,37

± 0,97

± 0,41

± 0,46

± 0,76

± 0,34

± 0,54

TDN

57,94

59,43

56,46

55,61

51,92

51,83

± 0,80

± 0,33

± 0,38

± 0,62

± 0,28

± 0,45

Ghi chú: A(ml): Khí sinh ra ban đầu; B (ml): Khí sinh ra trong thời gian ủ mẫu; (A+B)(ml): tiềm năng sinh khí; c (phần/ giờ): tốc độ sinh khí; L (giờ): pha dừng; ME (MJ/kg vật chất khô): năng lượng trao đổi; OMD (%): tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ; TDN (%): tổng chất dinh dưỡng có thể tiêu hóa

Tiềm năng sinh khí (A+B) của mẫu thức ăn khi lên men biến động từ 46,5-55,1 ml tùy thuộc loại cây thức ăn, thấp nhất ở cây Hóp thân tái và cao nhất đối với cây Chéo béo Quảng tây (Bảng 3). Chỉ số thu được trong nghiên cứu này cao hơn so với cỏ Voi 30 ngày tuổi, cỏ Voi 35 ngày tuổi, Cỏ Voi 60 ngày tuổi, cỏ Prizantha, cỏ tự nhiên và cỏ hỗn hợp trong nghiên cứu của Vũ Chí Cương và cs. (2004). Sự khác nhau về giá trị có thể là do có sự khác nhau về cơ chất của thức ăn có thể lên men. Theo Doane và cs. (1997) và Abdulrazak và cs. (2000) thành phần dinh dưỡng của thức ăn ảnh hưởng đến tiềm năng sinh khí và mức độ khí sản sinh có khuynh hướng giảm hoặc tăng cùng với sự thay đổi hàm lượng hay cấu trúc hóa học của thức ăn.

Tốc độ lên men (c) của thức ăn nghiên cứu cũng khác nhau, dao động từ 0,056-0,060. Pell và Schofield (1993) cho rằng điều cốt lõi của tốc độ sinh khí khi lên men in vitro là thời gian ủ được tính toán trên cơ sở lấy giá trị lượng khí sinh ra trừ đi lượng khí sinh ra ở thời điểm trước đó và giá trị này có thể cho ta những gợi ý sơ bộ về tỷ lệ tiêu hóa khác nhau của thức ăn. Hơn nữa, có một số báo cáo cho rằng lượng khí tích lũy khi lên men in vitro có hồi qui tuyến tính với giá trị năng lượng của thức ăn (Menke và cs., 1979; Blummel và cs., 1993; Aiple và cs., 1996), lượng thức ăn ăn vào (Khazaal và cs., 1993; Blummel và Bullerdieck, 1997), sản sinh axit béo mạch ngắn (Makkar và cs., 1995).

Giá trị năng lượng: cây Thích bắc bộ có giá trị năng lượng ME thấp nhất (7,77 MJ/kg chất khô) trong khi đó giá trị này cao nhất thấy ở cây Chéo béo Quảng tây (9,19 MJ/kg vật chất khô). Thông thường, giá trị năng lượng của thức ăn thấp hơn 7 MJ/kg vật chất khô được coi là không thể chấp nhận sử dụng cho bò thịt và dê (NRC, 1981;1985). Với giá trị năng lượng của các cây thức ăn nghiên cứu dao động từ 7,77-9,19 MJ/kg chất khô phù hợp với mức sản xuất thấp hoặc nhu cầu duy trì của bò thịt và không thể chấp nhận khi dùng cho bò sữa.

Giá trị tổng các chất dinh dưỡng tiêu hóa được (TDN) thấp nhất ở cây Thích bắc bộ (51,83%) và cao nhất ở cây Chéo béo Quảng tây (59,43%) (Bảng 3). Theo bảng thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc và gia cầm Việt Nam của Viện Chăn nuôi (2002), cỏ voi 45 ngày, cỏ Ghinê có giá trị TDN và cây ngô sau thu bắp thân-lá tương ứng là 57,2; 59,37 và 54,06%. Như vậy một số cây thức ăn bản địa trong nghiên cứu này có giá trị TDN cao hơn hoặc gần tương đương so với cây ngô sau thu bắp thân-lá, cỏ Voi hoặc cỏ Ghinê.

Tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ (OMD) cũng cho thấy có sự dao động giữa các loại cây thức ăn nghiên cứu, cụ thể giá trị này cao nhất thấy ở cây Chéo béo Quảng tây (60,80%) và thấp nhất ở cây Hóp thân tái (53,15%) (Bảng 3). Theo Vũ Chí Cương và cs (2003), tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ của cỏ tự nhiên, cỏ Voi, cỏ Tripsacum lasum, cỏ Ghinê và cỏ Baberium lần lượt là 58,8; 66,2; 49,96; 62,89 và 54,48%. Như vậy, giá trị này có được ở các cây thức ăn bản địa cao hơn hoặc gần tương với một số loại cỏ thông dụng dùng nuôi gia súc nhai lại.

KẾT LUẬN

Trên cơ sở nghiên cứu thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng sáu cây thức ăn bản địa thường dùng nuôi bò H’mông cho thấy giá trị năng lượng, TDN và OMD cao nhất ở cây Chéo béo Quảng tây tương ứng là 9,19 MJ/kg vật chất khô, 60,8% và 59,43%. Tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ của các loại cây cao hoặc gần tương so với một số loại cỏ thông dụng dùng nuôi gia súc nhai lại như cỏ tự nhiên, cỏ Voi, cỏ Tripsacum lasum, cỏ Ghinê và cỏ Baberium. Giá trị TDN của sáu cây thức ăn bản địa cao hơn hoặc gần tương đương so với cây ngô sau thu bắp thân-lá, cỏ Voi hoặc cỏ Ghinê. Có thể sử dụng các cây thức ăn dùng để phối hợp trong khẩu phần nuôi lớn và vỗ béo bò H’mông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

Lê Đức Ngoan, Nguyễn Xuân Bả, Nguyễn Hữu Văn và hiệu đính GS.TS Vũ Duy Giảng (2006). Thức ăn trong nông ở miền Trung. NXB Nông nghiệp.

Thành phần và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc và gia cầm Việt Nam của Viện Chăn nuôi (2002)

Vũ Chí Cương, Anton Baynen, Nguyễn Xuân Hoà, Phạm Hùng Cường, Paulo Salgado, Lưu Thị Thi (2004). Thành phần hoá học, tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng của một số loại thức ăn chủ yếu dùng cho bò. Trang: 1115-1119. Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Số: 8-2004.

Vũ Chí Cương, Phạm Kim Cương, Phạm Hùng Cường, Lưu Thị Thi (2004). Kết quả ước tính tỷ lệ tiêu hoá, và giá trị năng lượng của một số loại thức ăn dùng cho bò từ lượng khí sinh ra khi lên men in vitro gas production và thành phần hoá học. Trang: 1256-1259. Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Số: 9-2004.

 

Hoàng Xuân Trường, Phạm Kim Cương, Vũ Chí Cương, Nguyễn Thiện Trường Giang, Đào Thế Anh, Dương Thu Anh