Mô hình trồng phật thủ của anh Nguyễn Thanh Tùng, thôn Mai Yên, xã Trung Kiên (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Dẫn chúng tôi tham quan vườn phật thủ xanh mướt, sai quả, anh Nguyễn Thanh Tùng, thôn Mai Yên, xã Trung Kiên (Yên Lạc) phấn khởi cho biết: “Khoảng hơn 2 tháng nữa, vườn phật thủ của gia đình sẽ cho thu hoạch. Vụ này, phật thủ được mùa, được giá, thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp, thương lái ở thành phố Hà Nội đến đặt mua tại vườn”.
Nhận thấy phật thủ là loại cây dễ trồng, phù hợp với vùng đất bãi, lại cho giá trị kinh tế cao, năm 2023, anh Tùng quyết định đầu tư, thuê 1,2 ha đất bãi tại xã Trung Kiên, lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động trồng hơn 500 gốc phật thủ.
Cùng với phát triển mô hình trồng phật thủ của gia đình, anh Tùng hướng dẫn hơn 10 hộ dân trên địa bàn xã chuyển đổi từ cây ngô sang trồng phật thủ, nhận bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.
Hiện nay, tổng diện tích trồng phật thủ trên địa bàn xã Trung Kiên khoảng 10 ha và bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, sản lượng trung bình ước đạt 40 tấn/ha, giá thu mua tại vườn dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trung bình mỗi ha, người dân thu về khoảng 500 triệu đồng.
Với tư duy đổi mới, nhạy bén với thị trường, anh Dương Văn Trọng, thôn Đống Cao, xã Văn Tiến (Yên Lạc) là người đầu tiên đưa mô hình trồng cây ngải cứu về xã.
Năm 2020, anh Trọng bắt đầu trồng ngải cứu với diện tích 1 ha, sau đó đầu tư mua nồi chiết xuất tinh dầu tự nhiên để xuất bán.
Với chu kỳ 1 năm thu hoạch 4 lần, mỗi vụ năng suất đạt khoảng 9 tấn/ha, tỉ lệ 1 tấn ngải cứu tươi chiết xuất được khoảng 1,5 lít tinh dầu, vụ đầu tiên, anh Trọng sản xuất được 14 lít tinh dầu ngải cứu, được doanh nghiệp thu mua với giá 4,5 triệu đồng/ lít. Năm 2021, 1 ha trồng ngải cứu của gia đình anh sau khi chiết xuất tinh dầu thu về hơn 250 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ mô hình trồng ngải cứu, năm 2023, anh Trọng đầu tư thêm thiết bị chiết xuất tinh dầu, đồng thời vận động các hộ dân trên địa bàn xã trồng ngải cứu và đứng ra thu mua ngải cứu tươi với giá 4.000 đồng/kg.
Anh Trọng cho biết: “Ngải cứu là cây trồng ngắn ngày, ngoài làm thực phẩm còn có tác dụng chữa bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên, diện tích trồng ngải cứu trên địa bàn xã vẫn chưa đủ điều kiện nên tôi đứng ra làm đầu mối thu mua cho các hộ”.
Anh Trọng hiện bao tiêu đầu ra cho 10 ha trồng ngải cứu trên địa bàn huyện Yên Lạc. Dự kiến năm 2024, anh Trọng sẽ thành lập hợp tác xã trồng và sản xuất tinh dầu từ ngải cứu với khoảng 20 thành viên tham gia, tiếp tục nhân rộng mô hình, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, giúp ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Anh Dương Văn Trọng, thôn Đống Cao, xã Văn Tiến (Yên Lạc) mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân từ việc trồng cây ngải cứu. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo Hội Nông dân tỉnh, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 54.500 hộ đăng ký thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Năm 2023, toàn tỉnh có hơn 38.000 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Để khuyến khích, lan tỏa phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ hội viên triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp hội đã phối hợp tổ chức hơn 2.000 hội nghị tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho 150.600 lượt cán bộ, hội viên Hội Nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân tiếp cận KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi; đồng thời triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản, hướng dẫn hội viên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hiện nay, 9/9 Hội Nông dân cấp huyện, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân, đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 40,7 tỷ đồng, có hơn 210 hội viên nông dân được vay vốn với tổng dư nợ 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các tổ chức tín dụng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho nông dân với tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 1.436 tỷ đồng cho hơn 27.700 hộ vay, Ngân hàng NN&PTNT đạt dư nợ gần 1.350 tỷ đồng cho hơn 7.150 hộ vay vốn.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, để việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đi vào chiều sâu, mỗi hội viên nông dân cần đổi mới tư duy, chủ động trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nhanh nhạy với thị trường, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện thu nhập, đời sống cho nông dân.