Vụ án đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, mà còn bởi những tình tiết cho thấy mức độ tha hoá quyền lực và lòng tham vô độ của một số cán bộ từng giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc cũ, nay là tỉnh Phú Thọ.
Bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ tại toà sáng 25/6/2025. Ảnh: congly.vn
Làng trên xóm dưới xôn xao bàn tán về tiến sĩ kinh tế Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũ, theo cáo trạng, ông đã có 4 lần nhận hối lộ từ bị cáo Nguyễn Văn Hậu - cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn – với tổng số tiền lên tới 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD, là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, nhiều hơn cả cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Thị Thuý Lan. Những khoản tiền này được đưa dưới danh nghĩa “giúp công việc thuận lợi”, dù bản thân ông Lê Duy Thành thừa nhận không giúp gì cụ thể, nhưng lại “tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Hậu và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũ”.
Điều khiến dư luận sửng sốt hơn cả là trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ tại nơi ở của ông Thành 10 tỷ đồng và 800.000 USD tiền mặt, bên cạnh số tiền gia đình ông chủ động nộp để khắc phục hậu quả. Tổng cộng, số tiền đang bị tạm giữ là 1,63 triệu USD và hơn 41 tỷ đồng, trong khi số tiền mà bị cáo bị cáo buộc đã nhận hối lộ chỉ là 1,3 triệu USD và 20 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, bị cáo Lê Duy Thành có số tiền bị tạm giữ còn “dư” hơn 330.000 USD và hơn 20 tỷ đồng - tương đương khoảng hơn 28 tỷ đồng.
Giải thích trước toà về khoản tiền 10 tỉ đồng, 800.000 USD bị thu giữ khi cơ quan điều tra khám xét, bị cáo Lê Duy Thành nói gia đình có 8 anh em, có nhiều việc nên đó là khoản tiền tổng thể của gia đình. Trong khi đó, cả 8 anh em đều lập gia đình ở riêng, xem ra thiếu tính thuyết phục ? Đúng là tư duy của một tiến sĩ Kinh tế thời @ từng ngoi lên chức đứng đầu chính quyền một tỉnh ?
Câu hỏi đặt ra là: Một cán bộ công chức - dù ở cấp tỉnh - thì lấy đâu ra số tiền mặt lớn đến như vậy nếu không phải từ quá trình trục lợi cá nhân trong thời gian tại chức? Việc nộp lại “thừa” một khoản tiền tương đương hơn 28 tỷ đồng để xin toà hoàn trả, vô hình trung đã phơi bày khối tài sản bất thường và mức độ giàu có ngoài tưởng tượng của bi cáo Lê Duy Thành, đồng thời cũng phản ánh rõ ràng một sự tha hoá quyền lực nghiêm trọng - nơi chức vụ trở thành công cụ để mặc cả, nhận tiền, phục vụ “lợi ích nhóm” ?
Dù tại toà, bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm, xin khắc phục hậu quả và bày tỏ mong muốn được khoan hồng, nhưng điều đó không thể xoá mờ bản chất sai phạm và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Việc ông Lê Duy Thành - người từng đứng đầu chính quyền cấp tỉnh - dùng quyền lực để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đổi lấy những khoản tiền “chăm sóc” hậu hĩnh, bị cáo buộc về tội “nhận hối lộ”, chính là biểu hiện điển hình của lối tư duy “nhất tiền tệ”…cuối cùng mới là “trí tuệ” trong “chốn quan trường” ở tỉnh Vĩnh Phúc cũ, dẫn đến coi thường pháp luật, xem thường kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ.
Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc kiểm soát quyền lực, minh bạch tài sản cán bộ, và đặc biệt là nâng cao năng lực giám sát từ hệ thống chính trị, báo chí và người dân. Bởi nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, nếu sự liêm chính không được nuôi dưỡng và gìn giữ, thì những “Lê Duy Thành khác” hoàn toàn có thể xuất hiện - âm thầm, tinh vi hơn, và gây tổn hại lớn hơn.
Phiên toà xử Lê Duy Thành và đồng phạm là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc "không có vùng cấm" trong phòng chống tham nhũng. Nhưng đó cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho đội ngũ cán bộ công quyền: mọi hành vi sai phạm sẽ bị đưa ra ánh sáng, mọi sự tha hoá đều phải trả giá.
Tham nhũng không chỉ làm băng hoại đạo đức của người cán bộ, mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân – điều quý giá và căn cốt nhất trong mọi nền hành chính công. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh những trường hợp sai phạm, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng một nền công vụ liêm chính, trách nhiệm, phụng sự nhân dân và luôn đặt lợi ích chung lên trên hết.
Đây là bài học đắt giá: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu? Danh dự mới là điều thiêng, cao quý nhất !”. Càng ngẫm càng thấy thấm !
Chúng ta chờ đợi xem Toà án nhân dân TP Hà Nội sẽ tuyên mức án nào đối các bị cáo, trong đó có cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũ Lê Duy Thành và liệu số tiền “nộp thừa” 28 tỷ đồng để khắc phục sai phạm có được nhận lại hay bị sung vào công quỹ ?