TS. Nguyễn Văn Bộ: Bàn về xu hướng sản xuất thông minh trong Nông nghiệp

18/04/2022 08:24

Nongthonvaphattrien - Sản xuất thông minh là một khái niệm không mới, song chưa phổ biến. Có thể lấy mốc 1990 khi tạp chí “Sản xuất thông minh” được phát hành là thời điểm bắt đầu của xu thế này. Gần đây, sản xuất thông minh được cho là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vốn lần đầu tiên được nêu ra tại “Hội chợ Công nghệ Hannover” ở Cộng hòa liên bang Đức năm 2011. Vậy xu hướng sản xuất thông minh trong Nông nghiệp như thế nào?

Hiện tại, chưa có định nghĩa nào chính thức về sản xuất thông minh và càng chưa có khái niệm cũng như định nghĩa về nông nghiệp thông minh. Một số định nghĩa về sản xuất thông minh chủ yếu tập trung cho lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa và xoay quanh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Ví dụ, Walace và Roddick (2013) cho rằng “Sản xuất thông minh là ứng dụng chuyên sâu CNTT về dữ liệu ở cấp độ doanh nghiệp cho phép các hoạt động sản xuất được thực hiện thông minh, hiệu quả và linh hoạt”; hay Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh cho rằng “Sản xuất thông minh là khả năng giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai thông qua hạ tầng mở cho phép các giải pháp kinh doanh được thực hiện…” (Hà Minh Hiệp, 2019).

nn-4-1650244594.jpg
Kết nối mạng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp 4.0

Trong Nông nghiệp, hiện nay mới chỉ có khái niệm “Nông nghiệp thông minh với khí hậu” (CSA) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đề xuất năm  2014. CSA được định nghĩa là phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng ứng phó (cả giảm thiểu và thích ứng) với tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu (BĐKH) để ổn định an ninh lương thực (ANLT) và phát triển bền vững. CSA dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: (i) tăng trưởng bền vững về năng suất và thu nhập của người sản xuất; (ii) thích ứng với sự thay đổi của khí hậu; và (iii) giảm thiểu (hoặc loại trừ) phát thải khí nhà kính (Andrea Cattaneo, 2014). Như vậy, 3 trụ cột trên có thể tóm tắt thành 2 mục tiêu là: năng suất (an ninh lương thực); thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH (bao gồm cả cân bằng cacbon cũng như giảm phát thải khi nhà kính).Tuy nhiên, sản xuất thông minh không hẳn chỉ với BĐKH mà còn cần thông minh với nhiều yếu tố khác, đảm bảo phương thức sản xuất tối ưu nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nền nông nghiệp của mỗi quốc gia đều trải qua việc phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.

Hiện nay, có thể phân chia các bước phát triển của nông nghiệp như sau:(i) nông nghiệp nông dân/truyền thống; (ii) nông nghiệp năng suất cao (thâm canh); (iii) nông nghiệp sinh học, hữu cơ, sinh thái; (iv) nông nghiệp hợp lý; (v) nông nghiệp tổng hợp; (vi) nông nghiệp bền vững; (vii) nông nghiệp chính xác; (viii) nông nghiệp công nghệ cao; (ix) nông nghiệp bảo tồn; (x) nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu và (xi) nông nghiệp thông minh. Các phương thức sản xuất này phân chia hoàn toàn có tính chất tương đối, có thể tiếp nối từ phương thức có trình độ sản xuất thấp hơn, lên phương thức sản xuất cao hơn, hoặc có thể sản xuất cùng lúc bằng nhiều phương thức khác nhau, trong phương thức này lại có phương thức kia.

Sản xuất thông minh lần đầu tiên cũng được nêu ra chính thức trong Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu “Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường…”.

Xuất phát từ chủ trương trên, ngành nông nghiệp cũng cần đẩy nhanh việc hình thành nền sản xuất thông minh. Với cách tiếp cận thông minh chúng ta có thể góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh về nhiều lĩnh vực. Năm 2019, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam xếp thứ 67/140 quốc gia được đánh giá và  xếp ở nửa cuối bảng xếp hạng về cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Điều đáng chú ý là, qui mô thị trường của Việt Nam xếp hạng khá (26/140), song về sản phẩm (chất lượng) lại chỉ xếp 79/140 quốc gia. Điều này cho thấy, quy mô khối lượng hàng hóa xuất khẩu lớn, song giá bán và kim ngạch thu được chưa tương xứng.

khoan10-1650244820.jpg
TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, xét theo thời gian, nhờ kết quả của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế mà Việt Nam có sự cải thiện ở hầu hết các chỉ số so với 2018, trong đó đặc biệt cải thiện về chất lượng sản phẩm, tăng từ vị trí 102 lên 79/140 quốc gia. Các chỉ số về đổi mới sáng tạo tăng từ vị trí 82 lên 76 và năng động trong kinh doanh từ vị trí 101 lên 89 (Bảng 2). Tất nhiên, báo cáo này đánh giá chung cho quốc gia, song với Việt Nam, nông sản chiếm tỉ trọng lớn trong thương mại nên các chỉ số này cũng phản ánh phần nào thực trạng của sản xuất mông nghiệp.

Bảng 1. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2019

TT

Chỉ số cạnh tranh

Xếp hạng toàn cầu (140 quốc gia và vùng lãnh thổ)

2018

2019

1

Chung

77

67

2

Hạ tầng

75

77

3

Qui mô thị trường

29

26

4

Sản phẩm (Chất lượng)

102

79

5

Thị trường lao động

90

83

6

Kỹ năng

97

93

7

Đổi mới sáng tạo

82

76

8

Năng động trong kinh doanh

101

89

9

Nghiên cứu phát triển

n.a

72

Nguồn: Global Competitiveness Report 2018, 2019

              Bảng 2. Chỉ số xuất xứ hàng hóa quốc gia

Quốc gia

Chỉ số xuất xứ hàng hóa

(“Made in Index”), thang điểm 100

Xếp hạng toàn cấu

Đức

100

1

Canada

85

6

Nhật Bản

81

8

Mỹ

81

8

Úc

75

14

Việt Nam

34

46

Trung Quốc

28

49

Nguồn: Made In Country Index 2017

Về năng lực cạnh tranh của hàng hóa còn được đo thông qua chỉ số “Sản xuất ở đâu” (Made in) hay tạm dịch là “Chỉ số xuất xứ quốc gia”. Tổ chức nghiên cứu thị trường Statista (Đức) công bố kết quả “Made In Country Index 2017”, khảo sát hơn 43.000 người tiêu dùng tại 52 quốc gia (đại diện cho 90% dân số thế giới) để tìm sản phẩm nước nào được tin tưởng nhất. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ tín nhiệm xuất xứ hàng hóa của Việt Nam khá thấp, chỉ đạt 34/100 điểm, xếp thứ 46 toàn cầu (Bảng 3).

Sản xuất nông nghiệp liên quan đến rất nhiều yếu tố trong suốt chuỗi sản xuất, chế biến và thương mại và do vậy, cần ứng xử thông minh với tất cả các yếu tố đó, trong đó đặc biệt quan trọng là: i) Thị trường; ii) Điều kiện tự nhiên (lợi thế so sánh); iii) Khí hậu biến đổi và iv) Trình độ phát triển (năng lực đầu tư, công nghệ), dân trí của người dân.

Trước hết, nông nghiệp cần thông minh với thị trường.

Chúng ta đều biết rằng, nông nghiệp Việt Nam là một ngành kinh tế với độ mở lớn, rất nhiều nông sản xuất khẩu với tỉ lệ cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su (trên 90% sản lượng), gạo, thủy sản (tôm, cá da trơn), sản phẩm chế biến từ gỗ…nên mọi thay đổi về nhu cầu của thị trường (chất lượng, khối lượng, thời gian) đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Do vậy, thông minh với thị trường là yêu cầu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp với các tiêu chí cần quan tâm, đó là: sản xuất cái gì, lúc nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người. Các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng của mỗi thị trường cũng có vai trò quyết định đến định hướng và qui hoạch sản xuất từng loại sản phẩm.

nn1-1650244934.jpg

Nông nghiệp thông minh - Đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế việt nam

Nhìn vào 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong mối quan hệ với thương mại toàn cầu (Bảng 4, 5, 6) có thể thấy, thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm từ 13-18,9%; cà phê từ 19-21% trong giai đoạn 2011-2017/2019 và quy mô thị trường thế giới về các nông sản tăng không lớn, nghĩa là gần mức độ bão hòa. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu rau-quả của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,31-1,35% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc đầu tư chế biến sâu lúa gạo, cà phê và các nông sản không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu thay vì tăng khối lượng; còn rau quả, thủy sản có thể đẩy mạnh sản xuất thêm nữa…

Bảng 3. Xuất khẩu gạo Việt Nam và Thế giới

Thị trường

Khối lượng, 1000tấn

2019 so 2011, %

2011

2019

Việt Nam

7.112

6.344

89,20

Thế giới

37.614

44.850

119,24

Việt Nam so thế giới, %

18,91

14,14

 

https://app.amis-outlook.org/#/market-database/supply-and-demand-overview và Bộ Nông nghiệp  và PTNT năm 2011-2019

Bảng 4. Xuất khẩu cà phê Việt Nam và Thế giới

Thị trường

Khối lượng, 1000tấn

Kim ngạch, 1000 USD

2011

2017

2011

2017

Việt Nam

1.256

1.566

2.752

3.500

Thế giới

6.728

7.413

27.146

21.242

Việt nam so thế giới, %

18,67

21,13

10,14

16,48

Nguồn: http://www.fao.org/faostat/en/#compare và Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2011-2017

Bảng 5. Xuất khẩu rau quả Việt Nam và Thế giới

Thị trường

Kim ngạch, triệu USD

2017 so 2011, %

2011

2017

 

Việt Nam

623

3.475

557,78

Thế giới

203.852

256.849

126,00

Việt nam so thế giới, %

0,31

1,35

 

Nguồn: http://www.fao.org/faostat/en/#compare và Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2011-2017

Hiện nay chúng ta là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 toàn cầu, song chỉ số an ninh lượng thực của Việt Nam lại xếp thứ 63 trên thế giới, trong khi nhiều nước không sản xuất lương thực như Thụy sỹ, Singapore…song lại có chỉ số này rất cao (Bảng 7). Điều này liên quan đến năng lực tiếp cận của mọi người dân với lương thực. Do vậy, chúng ta cần xem xét lại chiến lược xuất khẩu gạo dựa vào cân đối tài nguyên đất, nước, hiệu quả kinh tế, môi trường và phát thải khí nhà kính[1] trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không nhất thiết phải phấn đấu để trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo hướng này, điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tăng chất lượng gạo, tăng diện tích cây ăn quả, rau màu, đồng cỏ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ giúp cải thiện chỉ số an ninh lương thực quốc gia và dần tiến tới an ninh dinh dưỡng cho mỗi con người.Thông minh với thị trường không chỉ liên quan đến sản phẩm (khối lượng, chủng loại) mà còn thị trường tiêu thụ cụ thể. Đã có lúc, nông sản tập trung với tỉ lệ cao vào một thị trường làm cho mức độ rủi ro rất cao, đôi khi Chính phủ phải “giải cứu”. Do vậy, đa dạng thị trường, kể cả thị trường trong nước sẽ giúp nông sản có độ an toàn cao hơn.

Bảng 6. Chỉ số an ninh lương thực của một số quốc gia 2019

Quốc gia

Chỉ số (thang điểm 100)

Thứ tự toàn cầu

Thụy Sỹ

79.0

1

Mỹ

77.5

8

Úc

76,0

13

Singapore

75,2

16

Trung Quốc

58,5

47

Thái Lan

54,0

53

Việt Nam

49,7

63

Nguồn: Global Food Security Index, 2019

Thứ hai, nông nghiệp cần thông minh với điều kiện tự nhiên.

Điều kiện tự nhiên bao gồm tài nguyên như đất, nước, khí hậu, đa dạng sinh học…Việc sử dụng đất phù hợp với cây trồng và hệ thống cây trồng đã được nhiều thế hệ tổng kết theo phương châm “đất nào cây ấy”. Chính các điều kiện đặc thù của tự nhiên đã cho chúng ta các sản phẩm đặc sản, có chỉ dẫn địa lý như gạo Nàng thơm chợ Đào (xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An), gạo tám (Hải Hậu, Nam Định); gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái); Cam xã Đoài (Nghệ An), Vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang); hay bưởi Diễn (Hà Nội); bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi da xanh (Bến Tre)…

Với tài nguyên đất, Việt Nam có trên 3/4 diện tích lãnh thổ là đất dốc, do vậy, việc sử dụng hợp lý loại đất này rất quan trọng. Từ ngàn năm nay, các thế hệ đã phát minh ra kiểu canh tác trên ruộng bậc thang, vừa hạn chế xói mòn đất vừa giữ được nước. Gần đây, các kiểu canh tác bậc thang dần, hàng rào hạn chế xói mòn, trồng cây phủ đất, xen canh…là những cải tiến rất hiệu quả.

Việt Nam cũng có trên 2 triệu hecta đất phèn, đất mặn mà bản chất chúng là đất phù sa rất màu mỡ. Do vậy, các biện pháp canh tác thông minh như lên líp, kết hợp thủy lợi đã ngọt hóa được các loại đất trên, không chỉ trồng được lúa mà còn có thể trồng cây ăn quả, cây rau, màu. Những nơi khó cải tạo vùng ven biển thì thay đổi phương thức canh tác như lúa-tôm, tôm – rừng, hay tại những vùng ngập nước như sản xuất lúa-cá…làm cho hiệu quả sử dụng đất tăng lên đáng kể. Trên vùng đất bị xâm nhập mặn, sản xuất  tôm-lúa đã trở thành phương thức canh tác tổng hợp rất hiệu quả với quy mô gần 200 ngàn hecta vùng bản đảo Cà Mau. Hiện nay, tôm-lúa cũng trở thành hệ thống canh tác hữu cơ quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Như vậy, với phương thức tiếp cận thông minh, chúng ta đã chuyển từ nền sản xuất “dựa vào đất” sang nên sản xuất dựa vào “công nghệ”.

Bảng 7. Chỉ số an ninh năng lượng và nước của các nước ASEAN

STT

Quốc gia

Chỉ số an ninh (thang điểm 5)

Nước

Năng lượng

1

Singapore

3.4

4.5

2

Brunei

3.0

4.0

3

Malaysia

3.4

4.0

4

Thailand

2.2

4.0

5

Vietnam

1.8

1.5

6

Indonesia

2.6

2.5

7

Phillipines

2.2

1.5

8

Myanmar

2.2

3.0

9

Laos

2.6

2.0

10

Cambodia

1.6

3.0

Nguồn: Richard Silberglitt, 2013

Hiện nay, tài nguyên nước là yếu tố sống còn của sản xuất và đời sống, do vậy mọi qui hoạch và kế hoạch sản xuất đều cần tính đến khả năng cung cấp nước cả về số lượng và chất lượng. Việt Nam đang đổi mặt với tình trạng khan hiếm nước do chỉ có dưới 30% lượng nước nội sinh, lại phân bố không đều trong năm nên gây ra lũ trong mùa mưa và hạn trong mùa khô. Riêng tại ĐBSCL, nguồn nước nội sinh chỉ khoảng 5%, rất nhỏ so với khoảng 95% từ thượng lưu Mê Công chảy về (Tăng Đức Thắng, 2021). Theo đánh giá của Richard Silberglitt (2013) thì chỉ số an ninh nguồn nước của Việt Nam xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN và có nguy cơ còn xuống vị trí thấp hơn khi các đập thủy điện và trữ nước trên thượng nguồn sông Mê công được hoàn tất xây dựng

Việt Nam có 7 vùng sinh thái với đầy đủ các kiểu khí hậu từ nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số nơi còn có khí hậu ôn đới nên Việt Nam là một trong những Trung tâm đa dạng sinh học lớn, là lợi thế để khai thác nguồn gen cho mục tiêu khác nhau. Trên thế giới, nguồn gen thực vật sử dụng trong nông nghiệp chỉ có giá trị 65-78 tỉ USD, trong khi sử dụng cho dược phẩm và mỹ phẩm tới 955 tỉ USD, hay thực phẩm (chủ yếu là thực phẩm chức năng và bia rượu tới 11.600 tỉ USD (Laird, S. & Wynberg, R., 2015). Tại Việt Nam, chúng ta gần như chưa khai thác tốt nguồn gen cho sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng.

Thứ ba, nông nghiệp cần thông minh với khí hậu biến đối.

Nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) là phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng ứng phó (cả giảm thiểu và thích ứng) với tác động tiêu cực của BĐKH để ổn định ANLT và phát triển bền vững. Có thể nói, CSA là hệ canh tác dựa trên các kỹ thuật tối ưu nhất xét cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường và được nông dân chấp nhận, áp dụng. Chỉ số rủi ro về khí hậu toàn cầu năm 2016[2]đã xếp Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2014. Bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra với tần suất cao hơn, cường độ mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Chỉ tính riêng năm 2016, hạn hán và lũ lụt đã gây thiệt hại tới 1.7 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 1% GDP của quốc gia[3].

Vào năm 2050, theo kịch bản trung bình  về BĐKH, năng suất tiềm năng của lúa xuân có thể sẽ giảm khoảng 716,6 kg/ha, sản lượng có nguy cơ giảm 2,16 triệu tấn; năng suất tiềm năng lúa hè thu giảm khoảng 795kg/ha, dẫn đến giảm sản lượng 1,47 triệu tấn; năng suất tiềm năng ngô có nguy cơ giảm 781,9kg/ha, tương đương với sản lượng 880,4 nghìn tấn; năng suất tiềm năng đậu tương có nguy cơ giảm 214,81 kg/ha, tương đương với sản lượng 37.010 tấn (Phạm Quang Hà, 2014). Do vậy, các giải pháp sản xuất thông minh với BĐKH phải hài hòa giữa các giải pháp giảm thiểu và thích ứng, trong đó thích ứng được ưu tiên hơn vì nguồn lưc đầu tư thấp hơn. Các giải pháp thích ứng có thể kể đến chuyển đổi khung thời vụ để hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết, khí hậu cực đoan như hạn, mặn, lũ…Vừa qua, Cục Trồng trọt và Chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS) đã phối hợp xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho ĐBSCL. Đến tháng 7/2017, bản đồ nguy cơ ngập lụt và hạn mặn, bản đồ đề xuất cơ cấu luân canh lúa, và bản đồ đề xuất lịch thời vụ thích ứng với nguy cơ thiên tai của toàn bộ 13 tỉnh và toàn vùng ĐBSCL đã được hoàn thiện. Theo hướng này, chỉ đạo điều chỉnh thời vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giúp hạn chế đáng kể thiệt hại do hạn, lũ trong các năm 2019 và 2020.

Về các biện pháp giảm thiểu, chúng ta đã có hệ thống cảnh báo tự động về động đất, lũ, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng hệ thông đê ngăn lũ, cống ngăn mặn giữa ngọt… ngoài ra, sử dụng các loại vật liệu giảm phát thải khí nhà kính, hay hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng làm ô nhiễm và phú dưỡng nguồn nước như than sinh học, phân bón hữu cơ, canh tác tối thiểu, các chất hạn chế mất đạm như agrotain, cố định lân như avail, phân bón chậm tan, có điều khiển…cũng là các phương thức canh tác rất thông minh và hiệu quả.

Thứ tư, nông nghiệp cần thông minh với trình độ phát triển của đất nước (năng lực đầu tư, công nghệ), dân trí của người dân.

Khoa học và công nghệ là động lực của phát triển. Tuy nhiên mỗi quốc gia tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mình, nhất là khả năng đầu tư để lựa chọn công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất. Với Việt Nam, chúng ta áp dụng hài hòa thành tựu của nhiều cuộc cách mạng, từ “cách mạng xanh” hướng đến cải tiến giống cây trồng đến “cách mạng trắng” tăng cường phát triển động vật cho sữa (bò, dê, trâu sữa). Cùng với ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp Việt Nam vẫn khai thác thành tựu của các cuộc cách mạng trước là cơ giới hóa, điện khí hóa, tự động hóa. công nghệ nano, sinh học phân tử, công nghệ vi sinh vật, chuyển gen, vật liệu mới, năng lượng mới...và tại một số vùng thậm chí công nghệ truyền thống, lâu đời vẫn được khai thác để phù hợp với trình độ phát triển của người dân và không làm tăng thêm đầu tư [4].

Nói cách khác, cho dù cách mạng công nghiệp trải qua 4 giai đoạn, nhưng không có nghĩa là các giai đoạn trước đây không còn ý nghĩa với Việt Nam. Chúng ta là quốc gia đi sau nên cần rút kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn bước đi phủ hợp. Có thể trong phương thức sản xuất 4.0 lại có phương thức 1.0; 2.0; 3.0 và ngược lại, hoặc thậm chí nhiều phương thức cùng được thực hiện tùy thuộc và điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp cũng cần thông minh với cơ sở hạ tầng. Chúng ta không thể phát triển nông sản có khả năng bảo quản tự nhiên kém tại các vùng xa giao thông hay các cây trồng sử dụng nhiều nước tại các vùng có hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ và khan hiếm nguồn nước….

Với khí hậu đa dạng và nhiều dân tộc sinh sống nên Việt Nam là quốc gia có nguồn kiến thức bản địa rất phong phú, được người dân đúc kết qua kinh nghiệm thực tiễn hàng ngàn năm. Mỗi vùng sinh thái, mỗi dân tộc đều có kho kiến thức bản địa phong phú và nếu được khai thác tốt sẽ mang lại hiệu quả to lớn.

nn3-1650245040.jpeg
Nông nghiệp cần thông minh với trình độ phát triển của đất nước

Nhận thức được tiềm năng chuyển đổi số trong Nông nghiệp nên tại Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT vào ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói: “Bộ Nông nghiệp và PTNT hãy cầm lấy ngọn cờ chuyển số quốc gia” và lưu ý rằng “Chuyển đổi số là quá trình học hỏi. Có một cách làm chuyển đổi số hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Người học hỏi giỏi nhất là người vừa biết và vừa không biết. Tức là người biết nhưng sẵn sàng nhận thức lại cái mình đã biết”. Về chuyển đổi số tại nông thôn, Bộ trưởng cũng nói: “Chuyển đổi số nông thôn trước. Vì nơi đây có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn. Vì nơi đây chuyển đổi số mang lại những lợi ích thiết thực hơn. Vì nơi đây chỉ cần áp dụng những gì cơ bản đã có hơn là phát triển mới” và “còn vì nơi đây là tình yêu, là cội nguồn của mỗi chúng ta, nơi đây là ông bà, bố mẹ mình, là nơi mỗi khi khó khăn nhất ta lại tìm về. Khó khăn thì tìm, vậy tại sao lúc ta không khó khăn, lúc ta có điều kiện thì lại không đầu tư cho nơi ấy, không làm gì cho nơi ấy? Ông cũng cam kết: “Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp tác thành một cặp vừa biết vừa không biết để trở thành xuất sắc trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn và nông dân” [5].

Đáp lại mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để các hộ nông dân được tiếp cận với công nghệ số, để không ai bỏ lỡ chuyến tàu này: “Bộ Nông nghiệp và PTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải tay lấm chân bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số. Bản thân việc này đã tạo ra giá trị cho nông sản Việt Nam".

* Bài viết trong loạt bài của TS. Nguyễn Văn Bộ về chủ đề: "Dự báo xu hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, Nông nghiệp, Nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 và 2045". 


[1] Sản xuất lúa gạo phát thải 44,6 triệu tấn CO2 tương đương/năm, chiếm 53,45% tổng phát thải KNK trong nông nghiệp

[3] Bộ Nông nghiệp và PTNT. Báo cáo tổng kết 2016 và kế hoạch 2017

[4] CM 1.0: Cơ khí hóa Nông nghiệp; CM 2.0: Điện khí hóa và cơ khí hóa; CM 3.0: Tự động hóa; Công nghệ thông tin (máy tính); Công nghệ sinh học (cách mạng xanh và cách  mạng trắng); CM 4.0: Ứng dụng thành tựu của cách mạng số, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển toàn bộ thế giới thực thành thế giới số và robot sẽ thay thế hoạt động của con người ở hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất. Ngoài ra, các công nghệ được phát minh từ cuộc cuộc cách mạng lần thứ 3 tiếp tục được ứng dụng như công nghệ nano, sinh học phân tử, công nghệ chuyển gen, vật liệu mới, năng lượng mới...

[5] Báo Nông nghiệp Việt Nam 19/6/2021

TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "TS. Nguyễn Văn Bộ: Bàn về xu hướng sản xuất thông minh trong Nông nghiệp" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309