Đạo Công giáo được truyền bá vào nước ta cách nay gần 500 năm và trở thành một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai tại Việt Nam (chỉ đứng sau Phật giáo). Trong quá trình hình thành và phát triển tại Việt Nam, đạo Công giáo đã diễn ra một quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó có các biểu tượng văn hóa truyền thống.
Theo đó, quá trình phát triển tại Việt Nam, đạo Công giáo đã tiếp nhận một số biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam vào trong những hạng mục kiến trúc của nhà thờ, những vật dụng phụng vụ trong sinh hoạt tôn giáo, tạo nên những nét rất riêng biệt của các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam nói chung và tại giáo phận Bùi Chu nói riêng. Tuy nhiên sự hội nhập này cũng có những khác biệt về bản chất của những biểu tượng văn hóa truyền thống khi được đưa vào nhà thờ Công giáo. Qua khảo sát, nghiên cứu tại 12 nhà thờ Công giáo thuộc giáo phận Bùi Chu, tác giả của bài viết này đã chỉ ra những điểm khác biệt này.
12 nhà thờ mà tác giả khảo sát, nghiên cứu đều là những nhà thờ tiêu biểu nhất, có tính đại diện về mặt kiến trúc, quy mô cũng như vai trò trong lịch sử phát triển của giáo phận Bùi Chu, nơi đạo Công giáo được truyền đến đầu tiên tại nước ta. Xin dẫn chứng kết quả khảo sát tại một số nhà thờ trong tổng số 12 nhà thờ đó:
Nhà thờ Bùi Chu, xây dựng năm 1858, phong cách kiến trúc Á- Âu, có các biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam như: Cờ ngũ sắc, kiệu võng đầu rồng Đức Mẹ Maria ngồi; kỳ lân (ly) khắc trên kiệu võng; chuông Nam khắc biểu tượng rồng, hạc đội rùa đầu rồng; đỉnh hương có biểu tượng lân hý cầu đúc liền với nắp; hoành phi;...
Nhà thờ Kiên Lao, xây dựng năm 1994, kiến trúc Gothic, có các biểu tượng: Giá chiêng đầu rồng; Thánh giá nến cao có sự cải biên từ bộ bát bửu; đỉnh hương bằng đồng với tượng lân hý cầu đúc liền với nắp; biểu tượng tứ quý dưới chân bàn thờ.
Nhà thờ Phú Nhai, xây dựng năm 1923, kiến trúc Gothic, có biểu tượng: Cờ ngũ sắc; đỉnh hương khắc biểu tượng rồng; câu văn chữ Hán nói về tước hiệu của nhà thờ; kiệu đầu rồng.
Kiệu đầu rồng tại giáo xứ Phú Nhai
Đỉnh hương tại giáo xứ Phú Nhai
Nhà thờ Quần Phương, xây dựng năm 1932, phong cách kiến trúc Roman; có các biểu tượng: Đỉnh hương bằng đồng khắc hoa văn rồng; rồng chầu mặt nhật cuối nhà thờ; hoa sen; kiệu đầu rồng; giá chiêng, chuông đầu rồng; hạc đội rùa để chân nến; cờ ngũ sắc.
Rồng chầu Mặt Nhật, hoa sen được trang trí trên cổng tại giáo xứ Quần Phương
Nhà thờ Lạc Đạo, xây dựng năm 1870, kiến trúc Á- Âu, có các biểu tượng: cây trúc được khắc trên gian cung thánh, đỉnh hương khắc rồng; kiệu đầu rồng.
Nhà thờ Giáp Nam, xây dựng năm 2006, kiến trúc Á- Đông, có các biểu tượng: Hoành phi, câu đối, chuông Nam, khánh, biểu tượng tứ quý cửa chính cuối nhà thờ, đỉnh hương bằng đồng.
Từ những tư liệu khảo sát, tác giả rút ra những đặc điểm cơ bản của việc hội nhập biểu tượng văn hóa truyền thống trong các nhà thờ Công giáo tại giáo phận Bùi Chu như sau: Trong tổng số 12 nhà thờ mang tính đại diện cho các nhà thờ Công giáo tại Bùi Chu đều có hệ thống các biểu tượng văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, các biểu tượng văn hóa truyền thống trong các nhà thờ chưa nhiều, chưa mang tính cục bộ; Hệ thống các biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam trong các nhà thờ chủ yếu là những biểu tượng quen thuộc như tứ linh, tứ quý, hoa sen, mặt hổ phù được điêu khắc trên những đồ vật, mô típ trang trí. Bên cạnh đó còn có cờ ngũ sắc, cờ lễ hội được sử dụng trong trang trí những ngày lễ lớn tại khu vực nhà thờ; Hệ thống biểu tượng văn hóa truyền thống trong các nhà thờ được đưa vào nhằm phục vụ những nghi thức nhỏ, chưa tham gia vào việc cử hành các bí tích của người Công giáo. Ví dụ như việc điêu khắc biểu tượng văn hóa truyền thống trên những cỗ kiệu phục vụ trong các cuộc rước của người Công giáo.
Giá chiêng đầu rồng tại giáo xứ Kiên Lao
Cờ Ngũ sắc trang trí trong ngày lễ tại giáo xứ Quần Phương
Chạm khắc biểu tượng tứ quý trên Cung Thánh giáo xứ Quần Phương
Qua khảo sát và nghiên cứu cho thấy, biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam trong và ngoài nhà thờ Công giáo có điểm tương đồng là đều giống nhau ở việc thể hiện nội dung và cách tạo các biểu tượng văn hóa truyền thống đó; tất cả các biểu tượng văn hóa truyền thống được sử dụng trong nhà thờ Công giáo cũng như trong đời sống văn hóa của người Việt hiện nay đều thể hiện những đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam, truyền thống đó đã được kế thừa và phát huy trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tuy vậy, cũng có điểm khác biệt giữa biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam mà đạo Công giáo sử dụng với các biểu tượng văn hóa truyền thống sử dụng ở các cơ sở ngoài Công giáo. Đó là đối với hệ thống biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam, có những biểu tượng đã trở thành biểu tượng tôn thờ và trong quan niệm dân gian Việt Nam, người dân sẽ đặt niềm tin vào những biểu tượng đó, để cầu mong sự may mắn, hạnh phúc…Tuy nhiên, những biểu tượng văn hóa truyền thống khi hội nhập vào nhà thờ Công giáo thì tất cả các biểu tượng đó không phải là biểu tượng tôn thờ mà chỉ góp phần làm cho những biểu tượng tôn thờ của người Công giáo thêm gần gũi, mang màu sắc Việt, qua đó góp phần tích cực vào việc truyền giáo, tránh được những xung đột, bài trừ văn hóa bản địa. Sự khác biệt còn được biểu hiện ở chỗ: Những biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam là những sản phẩm văn hóa mang đặc trưng Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa của người Việt, trở thành những biểu trưng, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam, thể hiện những đặc sắc trong quan niệm dân gian và trong tiềm thức “vạn vật hữu linh” của người Việt, qua đó những biểu tượng văn hóa truyền thống nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam và gửi gắm một thông điệp, một ước vọng của người Việt về tương lai tươi sáng. Nhưng đối với Công giáo, những biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam được đưa vào sử dụng nhằm tôn vinh những biểu tượng văn hóa Công giáo, chứ không phải thể hiện đặc trưng văn hóa của người Công giáo.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà đạo Công giáo sử dụng những biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam trong các nhà thờ, một không gian linh thiêng thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng đó là sự hội nhập văn hóa, một sự tiếp nhận những cái hay, cái đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam, để từ đây thánh đường hữu hình vươn đến cõi tâm linh trong việc phụng thờ. Những thánh đường không chỉ có những biểu tượng Công giáo nhưng còn có những biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam, góp phần làm cho thánh đường Công giáo trở nên sinh động hơn, phong phú hơn, gần gũi hơn với người Việt Nam song vẫn không làm mất đi những bản chất nguyên thủy của đức tin Công giáo./.