Thúc đẩy phát triển hiệu quả, bền vững ngành sầu riêng Việt Nam

Chiều 24/5, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường của 23 tỉnh, thành; các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trồng sầu riêng, các phòng thử nghiệm trên cả nước…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, với diện tích trồng cả nước đạt gần 180.000ha, riêng Đắk Lắk hơn 30.000ha. Tuy nhiên, Bộ trưởng cảnh báo về những rủi ro từ Phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025, do mất cân đối giữ tốc độ mở rộng sản xuất  và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng, cũng như giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng trong nước.

730830936068d5368c79-1748134298.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Trước thực trạng này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhận diện rõ nguy cơ tiềm ẩn trong công tác quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Cục trưởng Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt thông tin, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2025 giảm 71,3% về sản lượng và 74% về kim ngạch do thị trường này siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, không nhiễm sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng hay chất cấm. Việt Nam đã triển khai nhiều giả pháp như mô hình kiểm soát cadimi, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, rà soát và khôi phục mã số vùng trồng bị vi phạm, phối hợp với Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục kỹ thuật.

4594d51184ea31b468fb-1748134298.jpg

Quang cảnh Hội nghị

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm như:  phân tích, đánh giá thực trạng tăng tưởng “nóng” về sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng, làm rõ những nguy cơ tiềm ẩn nếu thiếu các công cụ quản lý và cơ chế điều tiết hợp lý, đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và kiểm soát chất lượng. Đồng thời đề xuất,  các phương án tổ chức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất sầu riêng theo hướng minh bạch, có ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở lại vùng nguyên liệu, hiến kế các giải pháp dài hạn cho chiến lược phát triển thị trường, chế biến sâu và nâng cao khả năng cạnh tranh, cũng như tạo vị thế cho sầu riêng Việt  Nam trên bản đồ nông sản thế giới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành hàng sầu riêng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính hệ thống, đòi hỏi phải được xử lý, giải quyết đồng bộ và kịp thời. Do đó Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai nghiêm túc các nhóm, nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó cần khuyến khíc đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hợp tác xã và nông dân về quy trình canh tác bền vững và trách nhiệm trong việc duy trì mã số đã được cấp, nâng cao chất lượng  và năng lực cạnh tranh  của sầu riêng Việt  Nam trên thị trường quốc tế.