Sản phẩm nông nghiệp OCOP: Tham quan, trải nghiệm

28/06/2023 16:31

Nằm ngay bên cạnh con đường bê tông dẫn vào cánh đồng thôn Quyết Thượng, xã Đông Sơn, vườn nho Hạ Đen của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Sơn thời gian qua thu hút nhiều người đến thăm qua, trải nghiệm. Năm 2023 là năm thứ 2 mô hình nho Hạ Đen cho thu hoạch, cây nào cũng cho những chùm nho trĩu quả.

Xuất phát từ thực tế ở xã Đông Sơn có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do hiệu quả sản xuất không cao và mong muốn cho người dân địa phương được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chị Bùi Thị Nguyệt cùng một số chị em phụ nữ xã Đông Sơn mạnh dạn thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn và đây là mô hình Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đầu tiên ở huyện Chương Mỹ. Hợp tác xã chính thức được ra mắt vào tháng 8/2021 với 10 thành viên.

Lĩnh vực sản xuất của Hợp tác xã chủ yếu là trồng các loại rau ăn lá, nho Hạ Đen, ổi, măng tây, bông hẹ theo hướng hữu cơ để cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau, củ quả an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để phát huy hiệu quả  hoạt động sản xuất, mang lại lợi nhuận cho các thành viên, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn đã mạnh dạn đầu tư kinh phí hơn 300 triệu đồng để mua 550 cây nho Hạ Đen và 250 cây Nho Mẫu đơn giống về trồng trên đất ruộng ở thôn Quyết Thượng.

nho1-1702719313.jpg

Mô hình trồng Hạ Đen của HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn, xã Đông Sơn vào vụ thu hoạch năm 2023.

Anh Trần Văn Ngân – Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn cho biết: “Giống nho Hạ Đen là một loại giống cây trồng mới của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đưa vào nghiên cứu và trồng thử nghiệm. Để nắm bắt được kỹ thuật trồng, tôi đã lên tận nơi để học hỏi kinh nghiệm và sau đó về địa phương đầu tư xây dựng nhà màng và xuống giống trồng nho Hạ Đen. Đây là một trong những mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Do Hợp tác xã mới được thành lập và trồng nho là loại cây trồng mới thâm canh, các thành viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình trồng và chăm sóc gặp không ít những khó khăn, từ khâu bón phân, tưới nước, phòng trừ sinh vật hại đều phải tuân thủ theo quy trình hết sức tỉ mỉ. Năm 2022 mô hình trồng nho Hạ Đen của Hợp tác xã cho thu hoạch vụ đầu tiên, nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn do người trồng chưa hiểu hết đặc tính cũng như kỹ thuật chăm sóc loại cây này. Toàn bộ 550 gốc nho Hạ Đen thí điểm trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt nhưng lại cho quả nhỏ và không đồng đều, cây có, cây không. Nguyên nhân là cây phát triển quá nhiều thân và lá nên không đủ dinh dưỡng để nuôi quả. Rút kinh nghiệm từ thất bại vụ đầu, sau khi cắt, tỉa bớt cành toàn bộ cây nho trong vườn, thành viên Hợp tác xã chú tâm chăm sóc và theo sát sao từng giai đoạn sinh trưởng của cây; đồng thời bổ sung dinh dưỡng hợp lý để chủ động cho cây ra hoa, ra quả. Nhờ đó, bước sang vụ thứ 2, vườn nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều chùm, quả to, đều.

nho2-1702719390.jpg
Mô hình trồng nho Hạ Đen của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn

Sau 2 năm trồng nho Hạ Đen cho thấy, nho Hạ Đen là một trong những giống nho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện. Đồng thời, cho năng suất chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là giống nho có những ưu điểm vượt trội hơn so với các loại nho trồng bản địa tại nước ta như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt khoảng 16-18 tấn/ha, quả có độ ngọt, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt là không có hạt.

Anh Trần Văn Ngân – thành viên Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn, đồng thời là chủ mô hình trồng nho Hạ Đen chia sẻ: Nho Hạ Đen là một trong những loại cây trồng có thể mở rộng và mang lại tiềm năng lớn trên địa bàn. Hiệu quả kinh tế mỗi năm cho 2 vụ Xuân Hè và Thu Đông với trên 3.500 m2 diện tích, mỗi vụ cho năng suất từ 1,5 - 1,7 tấn quả và bán với giá 150.000 đồng/kg; giá trị thu về từ 200-250 triệu đồng.

Hiện sản phẩm nho Hạ Đen của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn chủ yếu cung ứng ra thị trường trong huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, mô hình còn phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm trên địa bàn để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm ăn thử nho tại vườn; giúp khách hàng hiểu thêm quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2022 Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn có 05 sản phẩm rau, quả được UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm Ocop 3 sao, trong đó có sản phẩm Nho Hạ Đen.

nho3-1702719540.jpg
Mỗi vụ cho năng suất từ 1,5 - 1,7 tấn quả và bán với giá 150.000 đồng/kg; giá trị thu về từ 200-250 triệu đồng

Chị Bùi Thị Nguyệt – là một trong những thành viên trong nhóm sáng lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn cho biết: Ngoài trồng nho Hạ Đen, Hợp tác xã còn trồng rau an toàn, ổi. Toàn bộ diện tích trồng rau, nho hạ đen của Hợp tác xã với diện tích gần 2.000 mét vuông đều được xây dựng hệ thống nhà lưới. Hiện nay, Hợp tác xã trồng luân canh các loại rau như: cải ngồng, cải xanh, rau mùi, bông hẹ, rau rền. Ngoài diện tích nhà lưới, Hợp tác xã còn trồng ổi theo hướng hữu cơ với diện tích 5.000 mét vuông. Toàn bộ sản phẩm rau, quả của Hợp tác xã đều được liên kết để tiêu thụ.

UBND xã Đông Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phát triển chuyên sâu sản phẩm nông nghiệp được gieo trồng trong hệ thống nhà lưới, đặc biệt định hướng đưa Đông Sơn thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng của huyện Chương Mỹ. Chính vì vậy, mô hình trồng nho Hạ Đen của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn góp phần xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã. Đây là cơ sở để nâng cao đời sống của nông dân, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

---

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết "Sản phẩm nông nghiệp OCOP: Tham quan, trải nghiệm" tại chuyên mục Nông nghiệp Sinh thái. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309